banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

VP - Văn học nhà trường số 15: Truyện ngắn Khúc giao mùa

Thứ sáu - 20/12/2013 03:35
Dienbien.edu.vn - Điện Biên với trên 13 nghìn nhà giáo và trên 120 nghìn học sinh phổ thông, sinh viên các trường chuyên nghiệp, trong đó có nhiều nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu văn học nghệ thuật và có năng lực sáng tác với nhiều tác phẩm đoạt giải, đăng tải trên các báo và tạp chí trong và ngoài tỉnh, nhiều tác phẩm đã được xuất bản và nhận được sự mến mộ của công chúng.
Trang văn học nhà trường đăng tải các bài viết, những sáng tác của thầy trò các nhà trường gồm các thể loại: Thơ, tản văn, văn xuôi, nhạc, họa …mỗi tháng có từ một đến hai số. Trân trọng giới thiệu và mong nhận được sự cộng tác của các nhà giáo, các em học sinh sinh viên cùng bạn đọc. Cảm ơn các tác giả đã gửi bài về chuyên mục.

Trang văn học nhà trường số 15, Ban biên tập xin giới thiệu những cảm xúc, rung động của một người con nơi núi rừng Tây Bắc lúc “giao mùa”. Hãy cùng đọc để nhận thấy “Có những điều kỳ diệu từ sâu thẳm trái tim ta…

Và đôi khi, những điều bé nhỏ ấy sẽ làm cho cuộc sống này thêm ấm áp…”

KHÚC GIAO MÙA
 

Lò Kiên Quyết - K14VS

Khi nắng chiều dần buông, phía chân trời xa đã tắt những tia nắng nhỏ nhoi cuối cùng của một ngày cuối hạ oi ả… chỉ còn những mảng màu tím đỏ loang lổ rải khắp cả vùng trời. Gió lại ùa về, tiếng chim xa gọi đàn bay về tổ cứ như đang báo hiệu một mùa khác sắp xa. Lắng tai nghe những âm thanh bé nhỏ ấy của đất trời mà thấy lòng mình bình yên đến lạ! Và cảm nhận rõ được một điều: Mùa đông sắp đến.

Vút xa tầm mắt mới thấy núi rừng Tây Bắc sao tĩnh lặng vô cùng. Từng làn gió cứ luồn qua kẽ tóc - con không cầm lòng được khi nghĩ đến cảnh mẹ con và cô bác nơi vùng cao biên ải của con, những gương mặt thương yêu sạm đi vì nắng gió, giờ này đang lê những bước chân mệt mỏi cố bước nhanh qua bao con dốc, từng dòng suối giữa cảnh núi rừng đại ngàn hiểm trở, hoang vu để lên nương thu về những mẻ lúa, mẻ vừng cuối cùng… Chuẩn bị đến mùa ngô, mồ hôi, nước mắt và cả những hạt sương rừng hòa lẫn vào nhau lẩn khuất trong mây trời, trong núi rừng và cứ thế cuộc đời trôi đi trong nhọc nhằn, vất vả.
 

Mùa đông Tây Bắc
(ảnh minh họa từ Internet)

Mười mấy năm trời khóc, cười, buồn, vui, đau đớn, hạnh phúc với mảnh đất Pú Nhung xa xôi, yêu thương đến từng gốc cây, con suối… Giờ đây, con không còn nhớ nổi bao lần mưa ướt lập đông. Có những lần òa khóc giữa đồi nương vì không đi nhanh gùi ngô về lán cùng với các chị, các cô để mẹ phải chạy ngược lên dốc tháo gùi chất lên lưng mẹ, dắt tay con vừa đi vừa chạy. Mái tóc hoe vàng giỏ nước tong tong xuống đôi mắt màu đen láy và gương mặt mếu máo, non nớt, ướt át mỗi lần trượt chân ngã khi gùi ngô qua suối để rồi cả đống ngô đổ hết vào dòng nước. Nước trôi đi, con xa xót chạy theo nhặt lấy từng bắp… mặc cho đá sỏi sắc nhọn dưới lòng suối cứa nát cả bàn chân. Chỉ mong sao cho mùa hạ qua đi thật nhanh rồi đông sang yên bình, tĩnh lặng để những cơn mưa dông đầu mùa không bất chợt, vô tình đổ ào xuống rừng cây.

Con yếu ớt chỉ có thể đỡ đần cho mẹ những việc vặt trong nhà. Nhiều buổi chiều nhìn thấy mẹ dỡ lúa giữa lúc những cơn gió ùa về, sấm chớp lóe trời mà mảnh sân nóng giẫy như cũng đang co mình lại bởi cái lạnh vô hình. Những bờ vai gầy hăng hăng mùi lá lúa, mùi đất nương bốc lên sau nhiều ngày nắng lở, mùi mồ hôi trên vai áo bạc mầu ướt đẫm. từng ánh mắt như xanh xao, mong manh hơn trước cái lạnh đang sắp sửa tràn về.

Mùa đông nhà mình lạnh lắm! suốt những ngày dài cả bản không ai đi làm xa được. Chỉ có mấy bác, mấy chú khỏe mạnh mới lên rừng bắn con nai, con chim về hun khói trên gác bếp để những ngày mùa đông ăn dần. Nhà ta còn chưa được như vậy mẹ nhỉ? Mẹ vẫn thường nói với anh em con: "Các con đừng vì không còn bố, thấy nghèo thấy khổ mà lười biếng ganh tị… nghe con!". Con vẫn nhớ mẹ à!… và cũng sẽ chẳng bao giờ con quên đâu những tháng ngày cực nhọc, khó khăn mà hạnh phúc như tận cùng. Tấm áo rét đã sờn màu vì năm tháng… mẹ vẫn đi, dù chỉ có một mình; mẹ đào mài, đào sắn, rồi hái măng. Bữa cơm rau rừng chấm muối bên bếp lửa hồng đã nuôi con khôn lớn từng ngày. Con nhớ mẹ! nhớ nhà và nhớ cả cây ban trước cổng. Cuộc đời của con thật may mắn biết bao khi đã được là con của mẹ .


Làm nương (ảnh minh họa)

Mẹ biết không những lúc mẹ cười… trên khuôn mặt sạm đi vì nắng kia lại toát lên một niềm hạnh phúc khó tả! Con yêu và nhớ nhiều lắm những buổi sớm trong xanh và mát dịu, tiếng chim chóc líu lo như theo chân suốt chặng đường cả nhà ta lên rẫy. Những trưa hè oi ả được đắm mình giữa dòng suối mát trong, gột rửa đi những lo toan, mệt mỏi… Cả những cơn mưa đầu mùa bao lần làm con phải khóc. Tất cả đó sẽ theo con như một chuỗi dài ký ức, cả buồn vui đau thương và hạnh phúc… đã được sâu xếp sẵn, giũ gìn và nâng niu.

Ở nơi xa, con chỉ ước mong cho cả nhà mình, cả bà con láng giềng quanh con, cả những người ông người bà đang ướt đầm mái tóc bạc phơ run rẩy và tấm lưng còm cõi sẽ luôn mạnh khỏe, mỉm cười và thấy ấm áp hơn trước những cơn gió lạnh rùng mình và những cơn mưa dông dữ dằn bức đổ.

Con đã từng đặt cây bút viết về một mùa hạ nồng nàn giữa lòng thủ đô yêu dấu - kỷ niệm những ngày con được đến thăm lăng Bác. Hà Nội nhộn nhịp và tươi vui, có chút gì hối hả gấp gáp… Hà Nội ngày hè rực cháy với màu hoa phượng đỏ, dịu dàng với những dãy phố dài tím ngát hàng bằng lăng… và trang nghiêm, cổ kính dưới bóng liễu xanh rủ dài in xuống mặt hồ Tây những chiều đầy thơ mộng. Vạn vật như thêm lung linh, tươi tắn sau những trận mưa mùa hạ mát lành. Rồi, khi mùa đông sang… khắp phố phường vẫn tấp nập, đông vui. Cái tiết trời se lạnh như càng làm cho nhịp sống đô thành thêm phần ấm áp, tươi xinh. Nhưng, ở miền núi quê mình, mùa đông… khi mà cây mơ, cây mận phủ trắng cả một khoảng trời một màu trắng muốt cũng là lúc bản làng như chìm trong màn sương. Nương ngô bỏ đó mà không được chăm sóc vun vầy. Từng con suối, rừng cây cũng chìm vào giấc ngủ, co mình lại để chống trọi lại mùa đông lạnh giá. Những con chim Sa-Vứ cố cất lên những bài ca cũng không thể đánh thức nổi núi rừng tĩnh mịch, đành phải đợi đến khi loài hoa ban kiều diễm bung nở sắc hương ngọt ngào tái sinh.

Trên ban công tầng 3 - nơi con vẫn thường gọi là "Nơi nhiều gió", nhìn về phía xa con thu lại Pú Nhung quê mình một màu xanh bát ngát - màu mà con luôn tìm thấy một chút ướt át, tươi lành của nương quê. Gió cứ lặng lẽ vuốt ve từng lọn cỏ Bạch Nhu trong cái chậu to con đặt ngoài cửa sổ… Một ngày nữa lại sắp qua, con ngồi đây và viết những dòng này nhớ về núi rừng ta mỗi lúc giao mùa. Con còn nhớ căn nhà nhỏ có những mảnh ngói lệch mà mỗi mùa mưa, gió lén vào trong trú ngụ. Thương quê mình, con thương những chiều hè nóng bỏng, bóng người đi nương đổ dài trên sườn núi. Con thương cả những trận mưa đầu mùa gió bấc thổi qua tội nghiệp mà suốt cả thời thơ bé bị con đặt tội là đã làm cho bản làng mình thêm nghèo, thêm khổ.


Bản làng Tây Bắc (ảnh minh họa từ Internet)

 Rừng già, mẹ thương yêu của con ơi! Giờ con mới hiểu con đã thương cả mùa đông sương giá để mỗi đêm được bên bếp lửa hồng, thương cả những cơn gió lạnh đầu mùa làm nên những cơn mưa để mười mấy năm trời còn rơi ướt lòng con!   

 Giới thiệu và biên tập: Mai Hương – Chuyên viên Văn phòng Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,050
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm2,010
  • Hôm nay307,160
  • Tháng hiện tại2,196,286
  • Tổng lượt truy cập72,905,666
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi