banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTrH (CĐ) - Điện Biên triển khai linh hoạt mô hình trường học mới (THM) cấp THCS bám sát quan điểm, mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo

Thứ hai - 19/12/2016 22:36
Dienbien.edu.vn- Năm học 2015-2016, thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trên cơ sở những thành tựu về đổi mới về giáo dục và đào tạo trong hơn 30 năm đổi mới đất nước và vận dụng Mô hình VNEN cấp Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm xây dựng mô hình trường học mới cấp THCS (viết tắt là THM) và bắt đầu thí điểm đối với khối lớp 6 một bộ phận trường THCS 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Tỉnh Điện Biên có 61/114 trường THCS tham gia mô hình THM, 191 lớp với 6036 học sinh lớp 6.
Năm học 2016-2017 mô hình THM tại Điện Biên tiếp tục thực hiện đối với khối lớp 6 và triển khai tiếp khối lớp 7 tại các trường THCS đã triển khai năm học trước với 192 lớp, 6012 học sinh khối lớp 6 và khối lớp 7 với 194 lớp, 6017 học sinh.
 
Một góc trường THCS Võ Nguyên Giáp, huyện Điện Biên
 
Trong những thập kỷ qua, nền giáo dục Việt Nam có những bước phát triển quan trọng, đạt nhiều thành tựu nổi bật, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước. Hiện nay, sau nhiều năm thực hiện, Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành với chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu về thái độ mà chưa xác định yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học. Hạn chế đó cũng thể hiện trong việc thiết kế nội dung, áp dụng hình thức và phương pháp giáo dục, đánh giá chất lượng giáo dục. Song song với chương trình, là cách dạy học truyền thống, giáo viên áp dụng lối truyền thụ một chiều (thầy giảng - trò nghe) theo một quy trình cứng: Nghe giảng lý thuyết - theo dõi bài tập mẫu - luyện tập. Phương pháp này tạo ra sự áp đặt, bình quân và đồng loạt, người học luôn ở thế thụ động, gây ra sự mệt mỏi, căng thẳng; khó phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo và hứng thú học tập của học sinh trong quá trình giáo dục.

Mô hình THM dựa trên định hướng đổi mới đồng bộ cách tiếp cận các thành tố đảm bảo chất lượng giáo dục trong nhà trường bao gồm mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học, điều kiện dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý quá trình giáo dục,…; trong đó tập trung vào đổi mới các hoạt động sư phạm và theo xu hướng của giáo dục hiện đại. Học sinh không chỉ hoạt động lĩnh hội kiến thức mà còn rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế sinh động, phát triển năng lực tự học, kỹ năng sống, tự phục vụ bản thân, tự quản tập thể, bồi dưỡng hứng thú học tập để học tập suốt đời, hướng học sinh đến sự phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực.
 
Hoạt động văn nghệ của học sinh trường THCS Thanh Xương, huyện Điện Biên
trong Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
 
Mô hình chú trọng phát huy năng lực riêng của từng học sinh, không ứng xử một cách đồng loạt bằng cách quan tâm đến từng học sinh ngay trong quá trình học, kịp thời động viên kết quả đạt được, phát hiện những điểm mạnh để khuyến khích, những khó khăn để hướng dẫn, trợ giúp; đánh giá sự tiến bộ của từng học sinh theo yêu cầu giáo dục, không so sánh học sinh này với học sinh khác.

Chương trình THM, trên cơ sở chương trình hiện hành, yêu cầu hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi lớp học, cấp học (hay còn gọi là chuẩn đầu ra) của giáo dục phổ thông, là sự cụ thể hóa mục tiêu giáo dục trên hai phương diện phẩm chất và năng lực của học sinh.

Việc đánh giá mức độ đạt được chuẩn trong quá trình giáo dục và kết thúc mỗi giai đoạn giáo dục (học kỳ, năm học…) được thực hiện thông qua nhận xét, đánh giá các biểu hiện về phẩm chất và năng lực của học sinh trong học tập, sinh hoạt và trong các bài thi, kiểm tra.

Những đặc điểm nổi bật của mô hình so với mô hình trường học truyền thống là:

Về mục tiêu: Giáo dục/dạy học hướng tới phát triển về phẩm chất và năng lực của học sinh sau mỗi lớp học/cấp học; là sự cụ thể hoá mục tiêu giáo dục/dạy học trên hai phương diện phẩm chất và năng lực của học sinh, là kết quả đầu ra cần đạt để xác nhận trình độ học tập sau khi kết thúc mỗi lớp học/cấp học; làm cơ sở cho việc lựa chọn và cấu trúc nội dung khi biên soạn tài liệu, xác định phương pháp và hình thức giáo dục/dạy học.

Định hướng hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: Sống yêu thương; Sống tự chủ; Sống trách nhiệm. Đồng thời hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực chung chủ yếu: Năng lực tự học; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Năng lực thẩm mỹ; Năng lực thể chất; Năng lực giao tiếp; Năng lực hợp tác; Năng lực tính toán; Năng lực tin học. Việc đánh giá mức độ đạt được các yêu cầu về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của học sinh được thực hiện thông qua nhận xét các biểu hiện chủ yếu của các thành tố trong từng phẩm chất và năng lực. Mỗi môn học đều đóng góp vào việc hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung. Các năng lực đặc thù môn học thể hiện vai trò ưu thế của môn học.

Về kế hoạch, nội dung: Trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng và thái độ của chương trình hiện hành, tăng cường giao quyền chủ động cho các trường trung học cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh của mỗi trường phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh.
Về nội dung, SGK được biên soạn trên cơ sở Chương trình và SGK phổ thông hiện hành; thiết kế để học sinh tích cực tham gia hoạt động học (tự học, học cặp đôi, học nhóm, học cả lớp) dưới sự hướng dẫn của giáo viên; dùng chung cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Cấu trúc các hoạt động học tập theo các chủ đề; cung cấp kiến thức học kết hợp hướng dẫn phương pháp, hình thức học và phương pháp tư duy; nội dung học lồng ghép với các bước của các hoạt động học.

Các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên được chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn, đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kĩ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Về phương pháp và hình thức dạy học: Dạy học thông qua tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, từ đó giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn. Theo tinh thần này, dưới sự tổ chức, chỉ đạo và hướng dẫn của giáo viên, học sinh tự thiết lập tiến độ và các bước đi cho quá trình học tập, với một chương trình tự học theo từng bước và tăng cường sự ưu việt của hoạt động cặp đôi, nhóm, toàn lớp. Học sinh được khuyến khích, tạo cơ hội tham gia tích cực vào các hoạt động học, đặc biệt là hoạt động theo nhóm và tự học. Từ đó, các em có thể khám phá và chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng mới; đồng thời phát triển nhiều phẩm chất và năng lực quan trọng như: tính chủ động, tự tin, khả năng suy nghĩ độc lập, năng lực tư duy phê phán và tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác. Giáo viên là người tổ chức và chỉ đạo học sinh tiến hành các hoạt động học tập như nhớ lại kiến thức cũ, phát hiện kiến thức mới, vận dụng sáng tạo kiến thức đã biết vào các tình huống học tập hoặc tình huống thực tiễn... Hoạt động học của học sinh là trung tâm của quá trình dạy học.
 
 Hoạt động  quen thuộc trong các tiết học theo mô hình THM
 
Chú trọng rèn luyện cho học sinh những tri thức phương pháp để biết cách đọc tài liệu học, biết cách tự tìm lại những kiến thức đã có, biết cách suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới,... Các tri thức phương pháp thường là những quy tắc, quy trình, phương thức hành động, tuy nhiên cũng cần coi trọng cả các phương pháp có tính chất dự đoán, giả định (ví dụ: phương pháp giải bài tập toán học,...). Rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, đặc biệt hoá, khái quát hoá, tương tự, quy lạ về quen… để dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo.

Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, còn coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường. Khuyến khích tổ chức, thu hút học sinh tham gia các hoạt động góp phần phát triển năng lực học sinh như: Văn hóa - văn nghệ, thể dục – thể thao; thi thí nghiệm - thực hành.

Về kiểm tra đánh giá: Đánh giá phải hướng tới sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ và các biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh dựa trên mục tiêu giáo dục trung học cơ sở; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập.

Chú trọng đánh giá thường xuyên, đa dạng hóa các hình thức và công cụ đánh giá: đánh giá các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip,…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập (gọi chung là sản phẩm học tập); kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học, giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học. Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng.

Coi trọng đánh giá sự tiến bộ của mỗi học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự hứng thú, tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy năng khiếu cá nhân; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh...

Đối với tỉnh Điện Biên, ngay trong năm đầu tiên triển khai thực hiện mô hình THM THCS, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức tập huấn chương trình, tài liệu hướng dẫn học, bồi dưỡng phương pháp, kỹ thuật, hình thức dạy học theo mô hình THM tới giáo viên; tập huấn công tác quản lý cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tổ chuyên môn; hỗ trợ kịp thời, giải quyết những khó khăn vướng mắc của các đơn vị huyện, cụm trường. Hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị vận dụng linh hoạt những nội dung phù hợp, điều chỉnh những nội dung chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trình độ nhận thức của học sinh để đảm bảo tổ chức có hiệu quả mô hình.

Tổ cốt cán chuyên môn mô hình THM cấp tỉnh, trên cơ sở nghiên cứu bài học, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện tại đơn vị và tại các đợt sinh hoạt cụm chuyên môn, trong tập huấn, hội thảo, hội nghị, tham mưu Bộ phận thường trực cấp tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT triển khai chi tiết những nội dung chuyên môn theo môn học, hoạt động giáo dục đảm bảo triển khai mô hình THM theo hướng phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, đúng quy định. Tham mưu mời chuyên gia của Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo tập huấn tại tỉnh để hỗ trợ Điện Biên trong năm đầu tiên triển khai thực hiện mô hình THM.
 
Học sinh trường THCS Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ tham gia Lễ phát động viết thư Quốc tế UPU
 
Mỗi trường THCS thực hiện đồng bộ ở tất cả các lớp/khối, không để xảy ra tình trạng cùng một khối lớp 6,7 nhưng thực hiện hai mô hình khác nhau. Không vận dụng máy móc mô hình trường học VNEN cấp tiểu học do sự khác biệt về tâm lý lứa tuổi và những yêu cầu cao hơn cũng như tính chuyên sâu hơn về kiến thức, kỹ năng, năng lực. Để nâng cao hiệu quả tiết học, yêu cầu giáo viên sử dụng linh hoạt những phương pháp dạy học và các kỹ thuật dạy học tích cực. Trong số các kỹ thuật dạy học tích cực đó, có kỹ thuật dạy học theo nhóm. Do vậy không được quan niệm trường học mới THCS là kiểu trường dạy học theo nhóm. Nếu lớp đông, có thể bố trí học sinh ngồi theo cách thông thường, khi tổ chức kỹ thuật dạy học theo nhóm (nhóm 4 học sinh là tốt nhất, hoặc 2, hoặc 6,..; không được bố trí nhóm 8 học sinh) thì bố trí nhóm gồm những học sinh ngồi cạnh nhau, dãy liền trên, dưới làm nhóm học tập. Dạy theo mô hình THM, giáo viên thường xuyên sử dụng những phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, là cơ sở góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, SGK từ năm học 2018-2019.
           
Sau năm học đầu tiên thực hiện mô hình, đến thời điểm hiện nay, giáo viên, học sinh bước đầu đã thích nghi với phương pháp dạy, phương pháp học THM. Việc tổ chức dạy học tạo được không khí vui tươi và thuận lợi cho quá trình tổ chức các hoạt động học tập, tăng cường mối liên hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên. Giáo viên chủ động tổ chức hoạt động học cho học sinh theo phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; giờ học cởi mở, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh gần gũi, thân thiện hơn. Học sinh bắt nhịp được với hình thức học tập mới; tích cực và tự lực hơn trong trong trao đổi thảo luận cặp đôi, thảo luận nhóm, thảo luận cả lớp; có tiến bộ trong giao tiếp, biết hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập...

Tuy nhiên, do thời gian triển khai chưa dài, nên việc thực hiện có trường, có lớp tổ chức chưa tốt, còn mang tính hình thức, chưa linh hoạt; việc dạy - học và các hoạt động của học sinh còn chưa thật tự nhiên, hiệu quả phối hợp giữa học tập cá nhân và học tập tương tác trong nhóm chưa cao; hoạt động tự quản của học sinh chưa thường xuyên....
           
Khó khăn lớn nhất hiện nay chủ yếu xuất phát từ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các nhà trường khi phải thay đổi những cách nghĩ, cách làm đã cũ, đã quen thuộc; thay vào đó giáo viên phải nắm chắc nội dung bài học, hiểu rất kỹ lưỡng các hướng dẫn hoạt động tự học của học sinh, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ học sinh khi các em có yêu cầu giúp đỡ. Sự vất vả của giáo viên xuất phát từ sự đổi mới giáo dục, từ mục tiêu mong muốn học sinh được học tập tốt hơn, phát triển phẩm chất năng lực hài hòa hơn. Có thể nói, sự vất vả của giáo viên được đổi bằng sự trưởng thành của mỗi học sinh, theo định hướng: tất cả vì học sinh thân yêu.
           
Năm học 2016 - 2017, để thực hiện hiệu quả Mô hình trường học mới ở cấp THCS, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường tuyên truyền và phổ biến về chủ trương, giải pháp triển khai mô hình. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, có thể lựa chọn toàn bộ hoặc một số thành tố tích cực của mô hình THM để thực hiện, đảm bảo phù hợp, hiệu quả tại từng đơn vị. Chỉ đạo các phòng chuyên môn, Bộ phận thường trực và tổ cốt cán thường xuyên tham gia sinh hoạt chuyên môn với các cụm trường, tổ chức các đoàn công tác đến các huyện để kiểm tra, nắm bắt tình hình, tiếp tục hỗ trợ chuyên môn về THM và tham mưu Sở các giải pháp hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện phù hợp theo từng giai đoạn./.

Nguồn tin: Trường PTDTNT THPT huyện Nậm Pồ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập424
  • Máy chủ tìm kiếm132
  • Khách viếng thăm292
  • Hôm nay75,801
  • Tháng hiện tại3,370,471
  • Tổng lượt truy cập74,079,851
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi