banner

CHVH- Những mùa xuân đất nước

Thứ ba - 24/01/2017 20:36
Trên dòng chảy của văn hiến dân tộc mấy nghìn năm, có những khoảng khắc, những mùa xuân vĩnh viễn.
Khi chúng ta nhìn lại quá khứ từ ngàn xưa cho đến hôm nay, sẽ thấy có bao mùa xuân đất nước thắm tươi đã đến và chỉ đến sau bao gian lao chiến đấu chống quân thù.

Một trong những chiến thắng huy hoàng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc là chiến thắng của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông kéo dài 30 năm (từ 1258 đến 1288). Cả ba lần quân Mông Cổ kéo sang xâm lược nước ta, cả ba lần đều đại bại. Hào khí Đông A còn vang vọng trong tiếng hô "Sát Thát", trong Hội nghị Diên Hồng, trong ngày họp các tướng lĩnh trên bến Bình Than và trong âm vang Hịch tướng sĩ văn của Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Và không thể nào quên đức vua Trần Nhân Tông, vị vua yêu nước có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, đã trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến 1285, 1288. Đến khi toàn thắng, về bái yết Chiêu Lăng, thấy vết bùn lấm trên chân ngựa đá, đã xúc động thốt lên lời hào sảng:
                   Đất nước hai phen chồn ngựa đá
                    Non sông nghìn thuở vững âu vàng.
                   (Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
                   Sơn hà thiên cổ điện kim âu).
                             社稷兩回勞石馬

                             山河千古奠金甌

Câu thơ của nhà vua khái quát một chân lý: Vinh quang của đất nước chỉ đến sau những gian khổ của đấu tranh.
         
Đức vua Trần Nhân Tông không chỉ là con người Hành động (vị vua chiến đấu), mà còn là con người Suy tư (Phật hoàng), lại vừa là một nhà thơ với tâm hồn rất Nghệ sĩ.

Sáng xuân rạng rỡ sau chiến thắng đã được nhà vua ghi lại cho đời sau một cách rất tự nhiên, dung dị:
                             Ngủ dậy mở cửa sổ
                             Không biết xuân đã về
                             Một đôi bươm bướm trắng
                             Vỗ cánh lượn bên hoa.
                                                (Xuân hiểu - 春曉)

           Thụy khởi khải song phi                   睡起啓窗扉
           Bất tri xuân dĩ quy                            不知春已歸
           Nhất song bạch hồ điệp                      一雙白蝴蝶         
           Phách  phách sấn hoa phi                拍拍趁花飛
           
Tưởng như không phải ông đang làm thơ mà chỉ là ghi lại trạng thái, xúc cảm của chính tâm hồn mình sáng xuân ấy.
           
Đọc câu thơ, người đọc không chỉ thấy đôi bướm trắng đang vỗ cánh nhịp nhàng trong sớm mùa xuân mà còn thấy nhịp đập của chính trái tim con người đang thả hồn mình trước thiên nhiên đẹp đẽ, yên bình. Nghệ sĩ cho ta như trông thấy cả vũ điệu mùa xuân, vũ trụ mùa xuân trong đôi cánh bướm rập rờn.
         
Đôi mắt của nhà vua không chỉ là đôi mắt của bậc đế vương anh hùng: vừa kiên cường chiến đấu lại vừa có cảm quan nghệ sĩ tinh tế và sâu sắc; chất trữ tình, lãng mạn hòa quyện trong hình ảnh thơ tươi sáng, hồn nhiên làm hiển hiện lên cái tình tràn đầy của nhà vua thi sĩ đối với thiên nhiên, với quê hương, đất nước.
         
Bài thơ còn cho thấy sự giao cảm sâu xa của bản thể, tâm hồn con người với thiên nhiên vũ trụ.
         
Và có thể nói, bài thơ như là một bức tranh, vẽ lên hình ảnh của một con người vừa mới làm đẹp cho mùa xuân đất nước bằng chiến công anh hùng của chính mình, bởi có chiến thắng mới có được mùa xuân bình yên và hạnh phúc cho đời.                   

 
 * * *
 
 Hơn một thế kỷ sau, mùa xuân năm 1428, non sông Đại Việt lại tưng bừng "mở hội vĩnh thanh" sau hơn mười năm gian khổ kháng chiến chống quân Minh (1416 - 1427), đất nước sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối. Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc đã thay mặt Đức Thái Tổ Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo (平吳大誥) thông báo rộng khắp cho nhân dân cả nước biết sự nghiệp kháng Minh đã hoàn toàn thắng lợi:

                             Xã tắc từ đây vững bền
                             Giang sơn từ đây đổi mới
                             Càn khôn bĩ rồi lại thái
                             Nhật nguyệt hối rồi lại lại minh
                             Muôn thuở nền thái bình vững chắc
                             Nghìn thu vết nhục nhã sạch làu.
         
Bài Cáo thực sự là một bản tuyên ngôn độc lập, là áng "thiên cổ hùng văn" (áng văn hùng tráng muôn đời), toát lên sức mạnh của chính nghĩa và khí phách anh hùng của dân tộc trong sự nghiệp chống xâm lăng:

                             Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
                             Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
                             Như nước Đại Việt ta từ trước
                             Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
         
Lời tuyên ngôn mở đầu bản hùng văn đã nêu lên một chân lý lịch sử: nước Đại Việt từ xưa tuy ở vị trí láng giềng với người khổng lồ phương Bắc, nhưng vẫn không bị đồng hóa mà vẫn tồn tại với bản sắc riêng của dân tộc mình:

                             Như nước Đại Việt ta từ trước,
                             Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
                             Duy ngã Đại Việt chi quốc
                             Thực vi văn hiến chi bang
                   (惟 我 大 越 之 國, 實 為文 獻 之 邦)
 
Nước ta, từ ngàn xưa, so với Trung Quốc: 

 
                                     Núi sông bờ cõi đã chia                                       
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
           
Bài Cáo đã khẳng định một quan niệm hoàn chỉnh về nội hàm quyền độc lập của chúng ta, dựa trên nguyên lý về chủ quyền lãnh thổ và bản sắc dân tộc.
          
Với Bình Ngô đại cáo, lần đầu tiên một quan niệm hoàn chỉnh về quốc gia, dân tộc đã được đưa ra với đầy đủ mọi phương diện: từ cương vực, lãnh thổ đến tập quán, phong tục , từ truyền thống lịch sử,  truyền thống văn hiến đến yếu tố con người. Tất cả đều toát lên một tinh thần độc lập, tự chủ mạnh mẽ và niềm tự hào tự tôn dân tộc sâu sắc của những người anh hùng dân tộc đã kháng Minh và thắng Minh trong thế kỷ XV.

Là bản anh hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, bài Cáo cho thấy một chân lý sáng ngời rằng chúng ta vì chính nghĩa mà chiến đấu và cũng chiến thắng bằng sức mạnh của chính nghĩa trước kẻ thù xâm lược:

Trọn hay:                                                                      
                   Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
                   Lấy chí nhân để thay cường bạo.
                   Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật
                   Miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay.
         
Mùa xuân 1428 là mùa xuân chiến thắng và cũng là mùa xuân in đậm dấu ấn về tinh thần nhân đạo chủ nghĩa của chúng ta. Sau bao gian lao chiến đấu và gian khổ, hy sinh, chúng ta đi đến một mùa xuân oai hùng với tinh thần nhân văn chủ nghĩa tràn đầy. Chúng ta không chỉ có hội thề Lũng Nhai (1416) thề quyết tâm diệt giặc, mà tháng chạp (1427) ta còn có hội thề Đông Quan chấm dứt chiến tranh (hội thề đặt tại địa điểm nay là chùa Chân Tiên, nằm trên phố Bà Triệu, Hà Nội). Đó là khi giặc đã thua, đồng ý xin rút quân về nước, ta đưa tướng giặc là Tổng binh Vương Thông ra đàn thề, bắt thề là từ nay không được đưa quân xâm phạm nữa.
         
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, kẻ xâm lược đã phải "uống máu ăn thề", xin rút quân về nước, chấm dứt chiến tranh. Với tinh thần nhân đạo, nghĩa quân Lam Sơn đã cung cấp đầy đủ phương tiện, lương thực, thuốc men cho đám bại binh được hồi hương toàn vẹn. Thế mà:

Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể mà vẫn hồn bay phách lạc.
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa về đến nước mà vẫn tim đập chân run.

Bởi vì:

Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế kỳ diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay.

Nguyễn Mộng Tuân, một người bạn thân thiết của Nguyễn Trãi thuở ấy, từng đỗ Thái học sinh đời Trần, còn viết trong Nghĩa ký phú (義記賦 / Bài phú ghi lại cuộc chiến tranh chính nghĩa) những dòng đầy tự hào, đề cao chính nghĩa của người anh hùng dân tộc, lãnh tụ của khởi nghĩa Lam Sơn:

 “Lớn lao thay, vua ta chuộng nghĩa khí, dốc một lòng rửa nhục trừ hung; Tha tù binh hàng mươi vạn, lập công to để muôn đời. Tiếng nhân lan khắp, khí nghĩa tràn đầy. Đó là lá cờ nghĩa của Thánh Tổ đã gạt Hán, Đường xuống bậc thứ hai”.

Có thể thấy, những tình cảm sâu sắc nhất, cao đẹp nhất của thời đại đã được cha ông ta viết lên trong những khúc tráng ca bất hủ.

Mùa xuân 1428 thực là một mùa xuân đắc ý của quân dân Đại Việt. Mùa xuân ấy mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc với ý nghĩa nhân văn sâu sắc của khúc khải hoàn mang tên Đại cáo bình Ngô.

 
* * *

Nếu như lịch sử nước ta đã có một mùa xuân chiến thắng vĩ đại sau hơn mười mùa đông gian khổ chống xâm lăng của khởi nghĩa Lam Sơn thì nhân dân ta lại còn có một mùa xuân khác rực rỡ huy hoàng không kém, nhưng lại đến rất nhanh theo bước chân thần tốc của đại quân Tây Sơn đại phá quân Thanh trong tết Kỷ Dậu 1789. Khúc diễn ca xưa còn vang vọng núi sông:

                   Đống Đa xưa bãi chiến trường
          Ngổn ngang giặc chết vùi xương thành gò
                   Mùng năm tết trận thắng to
          Đến nay còn vẳng tiếng hò ba quân.

Lịch sử dân tộc in đậm chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ngày 21 tháng 12 năm 1788, tại Phú Xuân, nhận tin báo khẩn cấp Tôn Sĩ Nghị đã thống soái  29 vạn quân Thanh chia làm bốn đạo vượt biên giới tiến vào nước ta, chiếm kinh thành Thăng Long và một phần đất Bắc Hà. Ngay ngày hôm sau, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, rồi lập tức thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc đánh quân xâm lược.

Đến Nghệ An, vua Quang Trung dừng lại 10 ngày lấy thêm quân, và tại đây, ông đã tổ chức một cuộc duyệt binh lớn, ra lời tuyên bố trước toàn thể quân sĩ:

"Nay người Thanh lại mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng".

Trong lời hịch quân sĩ tại Thanh Hóa, vua Quang Trung cũng nói lên quyết tâm đánh tan giặc xâm lăng:

"Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng (đánh giặc để giữ lấy bản sắc của dân tộc, đánh giặc để chúng không đồng hóa được mình).

 Đánh cho nó chích luân bất phản (đánh cho nó chạy không còn dám quay đầu trở lại, không còn chiếc bánh xe nào để quay về);

 Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn (đánh cho nó không còn mảnh giáp nào lành lặn);
 Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ (đánh cho muôn đời biết rằng nước Nam anh hùng này là có chủ)".

Đêm 30 tháng chạp, đức vua mở tiệc khao quân. Sử sách còn ghi lại lời thề chiến thắng:

"Ta với các ngươi tạm sửa lễ cúng tết trước đã. Đến tối 30 tết lập tức lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới sẽ vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng".

Đúng đêm giao thừa, ba đạo binh từ Tam Điệp xuất phát, chỉ sau năm ngày đêm, toàn bộ hệ thống phòng thủ và sức chống đỡ của quân Thanh bị đập tan.

Hai trận Ngọc Hồi, Đống Đa ngày mồng 5 tết là những võ công oanh liệt giữ vai trò quyết định thắng lợi,  đã khiến cho các tướng giặc là Thái thú Sầm Nghi Đống phải thắt cổ ở gò Đống Đa mà tự vẫn, tổng đốc Tôn Sĩ Nghị người không kịp mặc giáp, ngựa không kịp thắng yên, vội vàng chạy thoát thân qua cầu phao sang bên kia sông Hồng, quân giặc chen nhau chạy trốn làm gãy cả cầu phao, đáy sông dìm bao xác chết.

Trưa ngày mùng năm tết Kỷ Dậu (sớm hơn lời hẹn hai ngày), Quang Trung với chiếc áo bào sạm đen khói súng, dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào thành Thăng Long giữa sự hân hoan đón mừng của nhân dân:

                   Đầy thành già trẻ mặt như hoa
                   Chen vai, thích cánh cùng nhau nói:
                   - Cố đô lại thuộc núi sông ta.

(Ngô Ngọc Du - Long Thành quang phục kỷ thực/ 龍成光復己實) tức là Ghi chép chuyện thực về ngày tươi sáng trở lại của thành Thăng Long)

Xuân Kỷ Dậu 1789 còn đáng nhớ bởi nó gắn với giai thoại đẹp đẽ về mối tình của vua Quang Trung với Ngọc Hân công chúa, con gái của vua Lê Hiển Tông.

Đó là mùa xuân duy nhất mà cành đào Nhật Tân đã đi vào lịch sử văn chương: vua Quang Trung chọn một cành đào đẹp nhất ở Thăng Long gửi vào Phú Xuân tặng công chúa Ngọc Hân, cành đào của người chiến thắng gửi về Phú Xuân cho người vợ hiền tri kỷ, ngày ngày ngóng trông, dõi theo chờ tin chiến thắng của chồng, người anh hùng áo vải vì giang sơn nghìn dặm xông pha. Quang Trung - Nguyễn Huệ không những là người anh hùng dân tộc chân chính mà còn là một con người bình dị, thể hiện một tình cảm tế nhị, sâu sắc.

Với mùa xuân Kỷ Dậu, vua Quang Trung đã viết tiếp trang lịch sử oai hùng của dân tộc từ ngàn xưa, đồng thời cho chúng ta ngày nay được thấy quan niệm về chiến tranh và hòa bình của cha ông ta xưa thực sự mang một nội hàm rất nhân bản, có giá trị vĩnh cửu của một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn liền nhiệm vụ chính trị với tình cảm riêng tư của mỗi con người.

Ngày nay, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống lịch sử văn hiến nghìn năm của dân tộc, vốn nảy sinh từ hào khí của những thời chiến đấu vì chính nghĩa:  phá Tống, bình Nguyên, kháng Minh, phạt Thanh, nên vừa có chất hùng, vừa có chất nhân văn cao cả.
 
 * * *
 
Nối tiếp những mùa xuân của Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong quá khứ, chúng ta đã đi đến những chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ XX.

Từ mùa đông lạnh giá trong khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo ngày 22 tháng 12 năm 1944, người Anh Cả của quân đội nhân dân nhận chỉ thị của Bác Hồ, đứng ra thành lập đội quân cách mạng đầu tiên chỉ gồm ba mươi tư chiến sĩ, nhưng theo lệnh của Bác sẽ là đội quân "đi suốt từ Bắc vào Nam", thực hiện nhiệm vụ lịch sử: "giải phóng đất nước".
Từ mùa đông khốc liệt trước sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp năm 1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến:

"Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Cả dân tộc lại đứng lên. Đoàn vệ quốc quân lại một lần ra đi. Ra đi để "bảo tồn sông núi", ra đi "thà chết chớ lui".

Chúng ta đã đi từ bao nhiêu mùa đông giá lạnh, gian khổ mới đến được mùa xuân tươi sáng, hạnh phúc chan hòa. Chúng ta đã đi không mỏi suốt chín năm trường kỳ kháng chiến để đến một mùa xuân chiến thắng, để có một ngày:

 
                 Chín năm làm một Điện Biên
            Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng

 
Chiến thắng Điện Biên là kết quả trực tiếp của chiến dịch Đông Xuân 53 - 54 lịch sử. Chiến dịch đã bắt đầu vào mùa xuân, mà ngay từ khi chưa mở màn, còn trong vòng bí mật, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã từ chiến khu vào Tây Bắc, gánh trọng trách của "tướng quân tại ngoại". Còn bộ đội chiến sĩ ta trong lúc hành quân, trên đường kéo pháo, trong lúc đào hào đã mơ đón xuân trên nóc hầm của tướng Đờ - cát.

 
Ngày mùng một tết, Đại tướng đã đi thăm bộ đội ở chiến hào bí mật để từ đó cùng những người lính thân yêu của mình làm nên 55 ngày đêm lịch sử, để từ đó chúng ta đi tới thắng lợi vinh quang, cắm cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng địch.
 
Từ chiến khu, trong niềm vui bất tuyệt của mùa xuân chiến thắng, nhà thơ Tố Hữu đã viết Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, khúc sử thi bi tráng, hào hùng:

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non.
Gan không núng
Chí không mòn
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão.
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân nhắm mắt còn ôm.
Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.
Và những chị những anh
Ngày đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây gió lớn, mưa to
Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh.
 
Hỡi các chị các anh!
Trên chiến trường ngã xuống
Máu của anh chị chúng ta không uổng
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam.
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.
 
                         * * *
 
Từ Điện Biên Phủ năm 1954, mới giải phóng được nửa nước, kẻ thù vi phạm hiệp định, không chịu thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước, cho nên chúng ta lại phải ra đi, tiếp tục làm cuộc trường chinh lần thứ hai:
 
Ta đi tới trên đường ta bước tiếp
Rắn như thép, vững như đồng
Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp
Cao như núi, dài như sông
Chí ta lớn như biển đông trước mặt
Ta đi tới không thể gì chia cắt.                    
                           (Ta đi tới - Tố Hữu)

 
Không thể nào yên trước lát cắt đau đớn chia đôi thân mình Tổ Quốc, bao thế hệ lại tiếp tục lên đường: 
    
                 Lớp cha trước, lớp con sau
        Đã thành đồng chí chung câu quân hành.

Đường mòn Trường Sơn trở thành biểu tượng của ý chí chiến đấu giành độc lập, thống nhất Tổ Quốc, là con đường dâng hiến tuổi thanh xuân của bao thế hệ trẻ Việt Nam đang hát tiếp bài ca ra trận.

Chúng ta đã đi từ Điện Biên Phủ trên mặt đất tới một "Điện Biên Phủ trên không". Sẽ không có một mùa xuân toàn thắng nếu không có mùa đông năm 1972 với mười hai ngày đêm "rồng lửa Thăng Long" thiêu cháy pháo đài bay B52 ngay trên bầu trời Hà Nội, buộc Mỹ phải ký hiệp định rút quân khỏi miền Nam.

Lại có một mùa xuân Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 với chiến thắng quan trọng mở đầu cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tháng ba Tây Nguyên "mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước" lại chính là mùa xuân chiến dịch mở "cánh cửa sắt" Buôn Mê Thuột cho đại quân dồn dập tiến vào Nam.

Nếu như ở Điện Biên Phủ, Đại tướng Tổng Tư lệnh thay đổi phương án "đánh nhanh thắng nhanh", chuyển sang "đánh chắc tiến chắc", thì mùa xuân 1975, Đại tướng lại ra mật lệnh chỉ thị cho toàn quân:

"Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng".

Trưa 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập, chấm dứt nỗi đau chia cắt hơn hai mươi năm.

Chúng ta đã đi qua cuộc trường chinh đầy gian khổ để đến một mùa xuân chiến thắng vẹn toàn, thực hiện được chỉ lệnh thiêng liêng của Bác Hồ:

 
                   Vì độc lập vì tự do
        Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
                    Tiến lên chiến sĩ đồng bào
          Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn.

Đúng như tâm nguyện của Bác trước lúc đi xa, đất nước sau hơn hai mươi năm đã có một mùa xuân thống nhất. Mùa xuân 1975 không chỉ là mùa xuân toàn thắng, mà còn là mùa xuân hòa hợp dân tộc, Bắc Nam sum họp một nhà, thỏa lòng Bác hằng mong:
             
       Xin dâng lên Bác một mùa hoa
       Cả nước anh em đẹp một nhà
              Như khối hoa cương và cẩm thạch
              Nghìn năm quanh Bác bản hòa ca.
 
                              * * *
 
Nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua, cần phải thấy bài học đầu tiên của chúng ta hôm nay là không thể quên bao nhiêu mùa xuân huy hoàng của đất nước đều phải bắt đầu từ những mùa đông lạnh giá, gian khổ. Bao nhiêu chiến thắng vinh quang đều phải bắt đầu từ truyền thống xây dựng lực lượng dân tộc từ không đến có, từ nhỏ đến lớn. Cái giá của hạnh phúc độc lập, thống nhất hôm nay là mắc nợ biết bao nhiêu thế hệ đã hy sinh.

Bài học thứ hai:  Phải biết câu "bình thời luyện võ, loạn thế độc thư" (thời bình phải luyện võ, thời loạn phải đọc sách) để mà học hỏi ở lịch sử cha ông những bài học sâu sắc:

 Phải lo nạn nước từ trước khi nước lâm nạn.

 Phải đập tan ý chí kẻ thù từ trước khi nó đánh mình, như Thái úy Lý Thường Kiệt xưa đã sang tận sào huyệt của quân Tống để đánh tan đạo quân xâm lược ngay trên đất Tống khi chúng đang rắp tâm kéo sang đánh nước ta năm 1075.

Bài học thứ ba: càng hiểu lịch sử giữ nước của cha ông, càng không thể nhởn nhơ theo kiểu "hòa bình chủ nghĩa". Hơn khi nào hết, chúng ta lúc nào cũng phải nhớ lời Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn khi xưa răn dạy tướng sĩ của mình từ bỏ lối sống hưởng thụ, bàng quan, cầu an hưởng lạc để biết lo cho mối họa của nước nhà:

"Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải đứng hầu giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường đãi yến ngụy sứ mà không biết căm.

Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con; hoặc lo sản nghiệp mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh;  hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát.

Nếu có giặc Mông Thát tràn sang, cựa gà trống không xuyên thủng được áo giáp của giặc, mẹo đánh bạc không thay được mưu lược nhà binh...; tiền của tuy lắm không mua được đầu giặc, chó săn tuy khỏe không đuổi được quân thù; chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết; tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai...".
                                                                              (Trích Hịch tướng sĩ văn)
 
Lời nhắn nhủ thiêng liêng của cha ông sẽ còn mãi mãi từ ngàn xưa vọng về cho mỗi mùa xuân của dân tộc chúng ta.
 

Tác giả: Tiến sỹ Phạm Thị Xuân Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập160
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm150
  • Hôm nay25,697
  • Tháng hiện tại696,471
  • Tổng lượt truy cập136,148,840
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi