banner

GDMN - Chia sẻ kinh nghiệm số 29 - Một số kinh nghiệm tổ chức hoạt động góc cho trẻ mẫu giáo trong trường mầm non

Thứ hai - 09/11/2015 03:17
dienbien.edu.vn - Theo Skiner thì bản chất việc học của trẻ nhỏ là thông qua sự bắt chước và quan sát người khác, biến các hành vi quan sát được thành của mình và tái tạo lại các hành vi.
Tổ chức hoạt động góc cho trẻ mẫu giáo và tạo ra các tình huống giáo dục là yếu tố quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Với trẻ em, chơi là hình thức cơ bản giúp trẻ phát triển khả năng suy nghĩ và sự giao tiếp của trẻ. Nhà tâm lý học Lêônchiep khẳng định: Hoạt động vui chơi mà trung tâm là trò chơi đóng vai theo chủ đề là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo. Thông qua trò chơi giúp trẻ hình thành và phát triển cấu trúc tâm lý trong nhân cách của trẻ. Hoạt động chơi gây ra những biến đổi về chất có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành nhân cách trẻ mẫu giáo và chơi là tiền đề cho hoạt động học tập ở lứa tuổi tiếp theo.

Trong thực tế hiện nay ở các trường mầm non, đa số giáo viên đã biết tổ chức hoạt động góc phù hợp và đã tạo môi trường thuận lợi cho trẻ chơi, học; trẻ hứng thú tích cực tham gia vào các góc chơi và đã phát triển về tất cả các mặt: đức, trí, thể, mỹ. Tuy nhiên ở một số trường, cơ sở vật chất chưa đủ, một số giáo viên (tuy không nhiều) nhận thức chưa đầy đủ về hoạt động góc nên việc tổ chức hoạt động góc cho trẻ mẫu giáo chưa tích cực, chưa tự giác. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Do vậy, để quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ đạt hiệu quả, giáo viên mầm non việc cần thiết phải tạo điều kiện cho trẻ phát triển tốt về tất cả các mặt, trong đó việc tổ chức hoạt động góc giữ vai trò quan trọng. Nhận thấy rõ tầm quan trọng của nội dung nêu trên, số này xin giới thiệu với các đồng nghiệp “Một số kinh nghiệm tổ chức hoạt động góc cho trẻ mẫu giáo trong trường mầm non”.


Giờ hoạt động góc lớp mẫu giáo lớn, trường mầm non Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ

1. Xây dựng môi trường nhóm lớp sắp xếp các góc theo đúng nguyên tắc

Đảm bảo phù hợp với mục tiêu giáo dục: Nguyên tắc này đòi hỏi tổ chức hoạt động góc cần phù hợp với mục đích, mục tiêu giáo dục trong nhà trường mầm non trên cơ sở đảm bảo thực hiện các phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục phù hợp với sự phát triển của trẻ lứa tuổi mẫu giáo lớn.

Nguyên tắc đảm bảo tính khoa học: Nguyên tắc này đòi hỏi quá trình tổ chức hoạt động góc cho trẻ phải mang tính kế hoạch, hệ thống, khoa học thông qua việc xây dựngvà lựa chọn nội dung hoạt động, phương pháp và hình thức thực hiện.

Để đảm bảo nguyên tắc này khi tổ chức hoạt động góc cần:

- Đặt tên góc sao cho dễ hiểu. Giữa các góc có ranh giới rõ ràng (sử dụng tường, các giá, tủ, rèm,…) có lối đi lại đủ rộng cho trẻ di chuyển.

- Bố trí các góc ồn ào xa những góc chơi yên tĩnh.

- Bố trí bàn, ghế, gối đệm phù hợp với từng góc.

- Các hoạt động tại góc chơi có nội dung phức tạp dần phù hợp với đặc điểm nhận thức của trẻ

Nguyên tắc đảm bảo tính vừa sức: Đòi hỏi trong quá trình tổ chức hoạt động góc cho trẻ giáo viên phải linh hoạt xác định mục tiêu và nội dung giáo dục phù hợp với đặc điểm chung của lứa tuổi và đặc điểm riêng của từng cá nhân trẻ.

Giáo viên cần tổ chức với các dạng hoạt động đa dạng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, khả năng nhận thức và mức độ phát triển của trẻ để khuyến khích trẻ hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo.

Nguyên tắc đảm bảo phát huy tính tích cực hoạt động của trẻ: Nguyên tắc này đòi hỏi trong tổ chức hoạt động góc phải làm cho trẻ hứng thú, ham thích, say mê học tập làm cho trẻ tích cực hoạt động chiếm lĩnh tri thức, thúc đẩy hoạt động trí tuệ của trẻ. Mọi nội dung hoạt động phải hướng vào trẻ sao cho phát huy tính tích cực hoạt động cá nhân của trẻ trong quá trình học.

Để đảm bảo nguyên tắc này các khu vực hoạt động góc cần bố trí thuận lợi cho trẻ hoạt động theo khả năng, hứng thú, sở thích riêng. Có chỗ cho hoạt động chung và hoạt động cá nhân, có góc cố định, có góc di động hoặc thay đổi theo chủ đề.

Nguyên tắc đảm bảo tính an toàn – thực tiễn: Nguyên tắc này đòi hỏi khi tổ chức các góc hoạt động giáo viên cần lựa chọn các đồ dùng, đồ chơi, các thiết bị dạy học đảm bảo vệ sinh, không gây nguy hiểm cho trẻ khi sử dụng (không sắc nhọn, không dễ vỡ, không dùng vật liệu độc hại…).

Tổ chức hoạt động góc ở các lớp phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất (diện tích phòng học, đồ dùng, đồ chơi trong lớp…). Việc lựa chọn các đồ dùng, đồ chơi, các thiết bị dạy học cần thích hợp với đặc điểm vùng miền, địa phương.

Ví dụ: Góc xây dựng và góc phân vai ở gần nhau và xa góc sách.

Góc xây dựng tránh lối đi lại. Góc tạo hình gần nguồn nước, góc thiên nhiên ở ngoài hiên…

- Các góc có khoảng rộng, cách nhau hợp lý để bảo đảm an toàn và vận động của trẻ

- Tạo ranh giới giữa các góc hoạt động

-  Sử dụng giá đựng đồ chơi quay lại tạo thành ranh giới cho góc chơi. Ranh giới ở các góc không che tầm nhìn của trẻ và không cản việc quan sát của giáo viên.

- Thay đổi vị trí các góc sau mỗi chủ đề để tạo cảm giác mới lạ,  kích thích hứng  thú của trẻ.

- Đặt tên các góc phải đơn giản, dể hiểu và phù hợp với nội dung từng chủ đề đang thực hiện

- Khi thực hiện chủ đề “Gia đình” góc  sách có thể đặt “ Thư viện của gia đình bé” nhưng khi sang chủ đề “ thế giới thực vật” góc sách có thể đặt “ Thư viện của các loại cây”.

Ví dụ :

Những thiết bị đồ chơi nặng đặt ở dưới, những đồ chơi có nhiều bộ phận phải đặt theo bộ:

- Màu sắc, hình dáng đồ dùng đồ chơi đẹp, hấp dẫn trẻ, đảm bảo an toàn

- Thường xuyên vệ sinh các giá và đồ dùng, đồ chơi sạch sẽ

- Các loại đồ dùng của trẻ có nhãn hoặc ký hiệu bằng chữ cái, số nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ, giúp trẻ tự lấy đồ dùng mà không cần sự trợ giúp của cô, trẻ có thể tự bảo quản đồ dùng cá nhân của mình.

2.Tổ chức hoạt động góc cho trẻ theo đúng phương pháp phù hợp với chủ đề

Cùng trẻ tổ chức hoạt động góc: Trước hết cần khẳng định việc hình thành các góc phải do trẻ tự làm dưới sự hướng dẫn, gợi ý của giáo viên. Khi đưa ra một chủ đề mới cô cùng trẻ thảo luận để xây dựng những góc nào? Trong mỗi góc cần có những cái gì? và làm như thế nào để tạo ra những góc đó. Việc này cần huy động kinh nghiệm, sáng tạo của mỗi trẻ, điều đó rất phù hợp với quan điểm quan trọng trong việc đổi mới giáo dục mầm non là lấy trẻ làm trung tâm.

Muốn trẻ được chơi tích cực, chơi sáng tạo, nghĩ ra nhiều cách chơi trong các góc hoạt  động ngay từ  đầu tôi phải biết cách giới thiệu các góc chơi và quản lý tốt qua trình trẻ chơi  trong các góc. Biện pháp này giúp trẻ chủ động tìm kiếm đồ chơi khi cần, triển khai trò chơi, thu dọn và cất đồ chơi đúng quy định.

Việc giới thiệu cho trẻ làm quen với các góc chơi tiến hành chủ yếu vào đầu năm học, khi trẻ còn bỡ ngỡ, chưa quen với đồ dùng đồ chơi quanh lớp, chưa biết tên đồ chơi, vị trí đồ chơi và các chổ để chơi vì vậy tôi phải giúp trẻ biết nơi để các đồ chơi, các góc chơi bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu.

Khi trẻ đã quen dần với các góc chơi và vị trí các đồ chơi thì cứ mỗi đầu chủ đề nên giới thiệu nội dung chơi của từng chủ đề (từng nhánh chủ đề).

Khi trẻ chơi cô phải bao quát trẻ, động viên, hướng dẫn những trẻ còn nhút nhát. Cô có thể nhập vai chơi cùng trẻ để hướng dẫn trẻ chơi sáng tạo hơn.

Ví dụ:

Cô nhập vai vào người mua hàng: “Chào cô! bán cho tôi bông hoa

Bao nhiêu vậy cô?.. Cho tôi xin, tôi cảm ơn”

Trẻ thấy cô làm như vậy trẻ sẻ bắt chước cách mua hàng giống cô để giáo dục trẻ phải biết lễ phép, phải biết cách xưng hô.

Trong giờ chơi luôn giáo dục trẻ chơi ngoan, cất dọn đồ chơi gọn gàng ngăn nắp

Ngoài giờ hoạt động góc phải nên cho trẻ hoạt động mọi lúc mọi nơi để trẻ khám phá hết những điều mới lạ xung quanh trẻ.

Tạo tâm thế hoạt động cho trẻ: Giáo viên cần kích thích động cơ bên trong của trẻ, gây hứng thú, lôi cuốn trẻ vào các hoạt động bằng cách tạo các tình huống có vấn đề cho trẻ tham gia hoạt động.

Tạo cơ hội cho trẻ quan sát các góc để trẻ tự hoạt động: Giáo viên cần linh hoạt lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ giáo dục qua cách sắp xếp, bố trí, tổ chức góc hoạt động cho trẻ. Các đồ dùng, đồ chơi, các thiết bị dạy học được sắp xếp dưới dạng mở… từ đó kích thích tính tò mò, thích khám phá, tìm tòi và trải nghiệm ở trẻ.

Quan sát quá trình hoạt động của trẻ để xác định hướng điều khiển: Trong quá trình tổ chức hoạt động góc, cô không trực tiếp chơi cùng trẻ mà chỉ bao quát, theo dõi quá trình chơi của trẻ. Trên cơ sở đó giáo viên xác định hướng điều khiển, điều chỉnh hoạt động của trẻ sao cho phù hợp.

Tạo cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực: Góc chơi là nơi trẻ được hoạt động theo sở thích, hứng thú riêng. Giáo viên cần khuyến khích, phát huy sáng kiến của trẻ, tạo cơ hội để trẻ phát triển khả năng tự khám phá, tìm tòi, trải nghiệm… Phối hợp hoạt động góc để triển khai chủ đề: Các góc hoạt động được tổ chức một cách linh hoạt, luân phiên, thay đổi theo từng quan hệ qua lại giữa các góc chơi với nhau bằng các hoạt động của trẻ để thực hiện chủ đề.

Phát triển các trò chơi theo ý tưởng sáng tạo của trẻ và gợi ý của giáo viên: Đây là yêu cầu đảm bảo tính tích cực, cá thể hoá hoạt động của người học trong quá trình hướng dẫn và tổ chức hoạt động cho trẻ. Giáo viên cần tôn trọng ý kiến của trẻ, tuyệt đối không can thiệp thô bạo vào trò chơi của trẻ, hoặc bắt trẻ chơi theo ý mình. Thông qua đàm thoại đặt câu hỏi, cô có thể nhập vai vào trò chơi để gợi ý, mở rộng trò chơi cho trẻ một cách hợp lý.

Xử lý linh hoạt các tình huống xảy ra trong góc hoạt động: ở các góc chơi, để tổ chức giờ hoạt động góc đạt hiệu quả, ngoài việc sắp xếp, bố trí, tổ chức, điều khiển, điều chỉnh quá trình chơi cho trẻ giáo viên cần xử lý linh hoạt các tình huống xảy ra trong góc hoạt động, đảm bảo cho mọi trẻ đều được tham gia hoạt động một cách tích cực, sáng tạo và hiệu quả.

Căn cứ vào nội dung và chủ đề chơi, giáo viên có thể tổ chức hoạt động theo nhóm độc lập tại góc chơi và phối hợp giữa các góc chơi: Nội dung hoạt động tại các góc chơi của trẻ rất phong phú, luôn thay đổi theo từng chủ đề. Khi tổ chức hoạt động góc, giáo viên lồng ghép linh hoạt nhiều nội dung hoạt động giữa các góc để triển khai chủ đề chơi và có sự phối hợp giữa các góc chơi.

Căn cứ vào số lượng trẻ tham gia hoạt động tại các khu vực chơi có thể tổ chức góc hoạt động theo 2 hình thức: cá nhân hay nhóm nhỏ: Hoạt động góc là hoạt động tự do, theo ý thích của trẻ. Trẻ có thể chơi theo khả năng, sở thích cá nhân của trẻ. Căn cứ vào số lượng trẻ chơi ở trong khu vực mà giáo viên lựa chọn tổ chức hoạt động góc theo hình thức cá nhân hay nhóm nhỏ.

Căn cứ vào tính chất mối quan hệ của cô giáo với trẻ có thể tổ chức cho trẻ chơi tự do hoặc có hướng dẫn giám sát của giáo viên: Khi tham gia chơi ở góc hoạt động, trẻ được làm việc theo cách nghĩ của mình, trẻ huy động, vận dụng vốn kinh nghiệm của bản thân trong trò chơi. Trẻ được trải nghiệm hoặc tìm hiểu, khám phá cái mới dưới sự hướng dẫn, gợi ý và giám sát của giáo viên. Căn cứ vào mối quan hệ này (giữa cô - trẻ) có thể tổ chức cho trẻ chơi tự do hoặc có sự hướng dẫn của giáo viên.
 

Hoạt động góc lớp mẫu giáo ghép 3,4,5 tuổi tại điểm trường bản Nong, trường mầm non Ngối Cáy, huyện Mường Ảng
 
3. Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tại góc chơi cho trẻ

Giáo viên là người lập kế hoạch, xác định mục tiêu, nội dung các loại trò chơi, thời gian chơi, đồ dùng, đồ chơi.

Góc chơi cần được trang trí hấp dẫn, cùng với tên gọi và hình ảnh phù hợp, giúp cho trẻ nhận biết góc chơi một cách dễ dàng. Tên góc cần được viết to theo đúng quy định về việc làm quen với chữ viết, gần gũi, dễ hiểu đối với trẻ.

Ví dụ:

“Gia đình tôi” “Bé khám phá khoa học”  “phòng khám đa khoa”. Phải làm kí hiệu ở các góc để cho trẻ chơi tất cả các góc. Kí hiệu của trẻ bằng số hoặc bằng chữ cái chủ đề. Trong quá trình tổ chức hoạt động góc cho trẻ, giáo viên cần tạo mới.

Góc chơi cũng cần được sắp đặt hợp lý để hoạt động vui chơi được tiến hành một cách tự nhiên và không bị gián đoạn. Việc lập kế hoạch và tổ chức cũng cần xem xét đến thời gian. Một số hoạt động cần nhiều thời gian hơn hoạt động khác, trẻ cũng cần được tự do để sử dụng nhiều hay ít thời gian cho hoạt động mà trẻ lựa chọn.

Xây dựng các góc hoạt động khác nhau trong lớp nhằm tạo điều kiện cho trẻ hoạt động cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ được nhiều hơn, hình thức hoạt động phong phú, đa dạng hơn. Giúp trẻ tìm hiểu và khám phá cái mới, hoạt động với đồ vật và rèn luyện kỹ năng.

Giáo viên là người tổ chức các nội dung hoạt động tại các góc chơi cho trẻ.

Giáo viên cần bố trí hợp lý về thời gian và không gian cho các nhóm chơi, hướng dẫn tạo điều kiện cho mỗi trẻ cùng suy nghĩ cùng làm một việc gì đó không bị thúc ép, áp đặt, bắt chước lẫn nhau một cách thụ động và khuyến khích trẻ quan sát và học hỏi, trang trí phải linh hoạt, hấp dẫn và thay đổi nội dung theo từng chủ đề, không dán cố định.

Ví dụ:

Góc học tập dán những ô bìa gương để gắn chữ cái, số thay đổi theo chủ đề (chủ đề nào học đến chữ cái nào thì gắn chữ cái đó kết hợp với tranh có từ) hay ở góc sách học đến bài thơ nào thì dán bài thơ đó lên.

Không dán khít các mảng tường mà phải để dành khoảng trống để trẻ dán sản phẩm của mình theo chủ đề.

Trong thời gian tổ chức cho trẻ chơi, hoạt động ở các góc phụ thuộc vào kinh nghiệm của trẻ và yêu cầu triển khai của chủ đề, cô có thể tổ chức, triển khai 4-5 góc phù hợp. Không nhất thiết phải triển khai cùng một lúc với tất cả các góc chơi.

Với lớp mẫu giáo lớn, việc tổ chức cho trẻ chơi, hoạt động ở các góc được quy định trong chế độ sinh hoạt hàng ngày vào thời điểm buổi sáng và buổi chiều. Cô cần lên kế hoạch và thực hiện đảm bảo thời gian cho trẻ chơi thích hợp.

4. Thường xuyên quan sát theo dõi, đánh giá trẻ trong khi chơi, để diều chỉnh kế hoach chơi

Cô giáo là người theo dõi, quan sát các nhóm chơi, các hoạt động của trẻ tại các góc, cô quan tâm bao quát toàn bộ khu vực hoạt động của trẻ. Trong đó khu vực chơi đóng vai, chơi xây dựng- lắp ghép, chơi ở góc tạo hình, góc khám phá khoa học là các khu vực hoạt động trọng tâm.

Giáo viên quan sát để nắm bắt kỹ năng chơi, hứng thú chơi của trẻ. Giáo viên phải thường xuyên theo dõi trẻ hoạt động trong góc để tìm hểu năng lực, mức độ suy nghĩ của từng trẻ, phát hiện ra đồ dùng, đồ chơi hoặc các vật liệu có khó khăn gì so với khả năng của trẻ. Thông qua quan sát giúp giáo viên biết được khi nào trẻ cần giúp đỡ, cần phải can thiệp, những gì càn phải bổ xung, thay đổi. Từ đó lựa chọn biện pháp tác động, hướng dẫn trẻ chơi phù hợp, hiệu quả trên cơ sở kết quả quan sát.

Ví dụ:

Trong chủ đề “Giao thông” ở góc nghệ thuật, khi làm các phương tiện giao thông trẻ còn lúng túng, cô gợi ý hướng dẫn trẻ làm ô tô từ hộp sữa, chai lọ nhựa... máy bay từ bìa cát tông, xốp...

Kiểm tra cơ sở vật chất tại góc chơi cũng là nhiệm vụ của giáo viên, cần quan tâm đến sự an toàn, loại bỏ những thứ gãy hỏng ở các khu vực chơi, tiếp tục làm phong phú môi trường, cung cấp thêm vật liệu, dụng cụ mới. Sau khi chơi xong giáo viên nhắc nhở trẻ thu dọn và cất đồ chơi vào nơi quy định.

Giáo viên là người đánh giá trẻ: Trong quá trình quan sát và giám sát trẻ chơi, giáo viên cần đánh giá một cách liên tục vì chơi là kiểu học đầu tiên của trẻ em, là phương tiện đánh giá kĩ năng, thể lực, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm xã hội của trẻ. Việc đánh giá trẻ có một vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình tổ chức môi trường, tổ chức các hoạt động cho trẻ, giúp giáo viên định hướng mục tiêu giáo dục, xây dụng kế hoạch tổ chức các góc hoạt động một cách hợp lý.

5. Động viên khuyến khích khen thưởng kịp thời kích thích sự hứng thú của trẻ khi chơi

Tổ chức hoạt động góc hợp lý tạo cơ hội cho trẻ tự chọn những hoạt động mình thích, trẻ tự quyết định và tìm cách giải quyết nhiệm vụ. Trẻ sẽ dần biết “tự chịu trách nhiệm” với hành động của mình và biết đánh giá những thành công hay thất bại của mình trong quá trình chơi. Dần dần trẻ rút ra được những bài học kinh nghiệm cho chính bản thân mình.

Khi trẻ đã biết chơi nghĩa là trẻ đã nắm được vai chơi, thao tác chơi thì giáo viên là người động viên, khuyến khích trẻ chơi. Khi trẻ chơi giáo viên luôn quan sát, kịp thời giúp đỡ trẻ khi trẻ cần. Lúc bắt đầu chơi, giáo viên phải tập hợp, hướng trẻ vào vai chơi, tuy nhiên đối với vai chơi quen thuộc với trẻ thì giáo viên nên để trẻ tự chọn. Như vậy sẽ góp phần phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Khi trò chơi của trẻ trở lên đơn điệu, lặp lại, có chiều hướng bị phá vỡ thì giáo viên là người gợi ý, góp ý tạo ra tình huống giúp trẻ hướng vào vai chơi một cách tích cực, giao lưu nhóm chơi khác, đổi vai chơi cho bạn...

Trong tất cả mọi hoạt động thảo luận cô động viên khuyến khích trẻ tạo cho trẻ hứng thú khi chơi, cô quan sat động viên trẻ kịp thời khi trẻ thực hiện tốt

Khi trẻ không làm được động viên trẻ hứng thú, không chê trẻ khi nhập vai lúng túng mà động viên khuyến khích trẻ.

Ví dụ:

Ở góc phân vai trong chủ đề “Gia đình” khi trẻ đóng vai người mẹ, trẻ nhập vai và thao tác vai chơi thành thạo, làm công việc của mẹ như: chăm sóc em bé, nấu cơm, đi chợ... cô động viên khuyến khích trẻ để trẻ thể hiện vai chơi tốt hơn. Cô có thể đóng vai người hàng xóm đến gia đình chơi, hỏi thăm sức khoẻ, công việc gia đình, việc học của các cháu nhỏ.... để kích trẻ hứng thú.

Ngoài ra để thực hiện tốt các biện pháp trên thì cần có điều kiện sau:

* Về cơ sở vật chất:

Để tổ chức tốt hoạt động góc cho trẻ mẫu giáo lớn cần đảm bảo về cơ sở vật chất (đồ chơi, trang thiết bị dạy học…) để trẻ có cơ hội tham gia vào các hoạt động.

Đồ chơi phải đẹp, kích cỡ không quá to hoặc quá nhỏ đối với trẻ. Đồ chơi phải gắn với đời sống thực, đảm bảo an toàn tuyệt đối với trẻ. Lựa chọn đồ chơi cho trẻ gồm nhiều chi tiết phải có các giá, kệ giá…

Có các giá, kệ để đồ dùng, đồ chơi. Các giá có thể dùng làm vách ngăn tạo ranh giới giữa các góc hoạt động, tạo lối đi lại dễ dàng cho trẻ khi tham gia hoạt động hoặc quay các giá áp tường để dành không gian cho hoạt động nhóm đông trẻ.

Các đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu mở phải được sắp xếp hợp lý dưới dạng mở để kích thích trẻ khám phá và trải nghiệm.

Trang trí các mảng tường, tranh hoạt động, đồ dùng đồ chơi phải gây được sự hấp dẫn lôi cuốn, thôi thúc trẻ tích cực hoạt động.

Thường xuyên thay đổi cách sắp xếp, trang trí, làm thêm đồ chơi để làm nổi bật chủ đề để gây hứng thú nhận thức cho trẻ.

* Về không gian, địa điểm: Giáo viên phải xem xét cẩn thận điều kiện thực tế khi bố trí, sắp xếp góc hoạt động. Chẳng hạn, khi nào cần thu dọn bàn ghế để lấy chỗ cho hoạt động chung của lớp hoặc cho trẻ ngủ; khi nào cần xoay các giá, tủ để ngăn thành các góc khu vực hoạt động riêng biệt, làm thế nào để phòng học trở nên hấp dẫn đối với trẻ về mặt thẩm mỹ và kích thích trẻ học. Việc sắp đặt môi trường cơ sở vật chất cũng liên quan chặt chẽ với chế độ sinh hoạt hàng ngày.

* Về tổ chức các góc hoạt động:

Số lượng góc chơi cần bố trí nhiều hốn với trẻ lứa tuổi trước. Các góc chơi của trẻ cần đa dạng, phong phú hơn do trẻ đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Tổ chức các nội dung chuyên biệt phù hợp với chủ đề, chú ý tạo sự hợp tác, giao lưu qua lại giữa các góc.

Thay đổi cách trang trí, sắp xếp các góc chơi tuỳ theo nội dung và chủ đề chơi, tạo sự hấp dẫn, mới lạ đối với trẻ, khuyến khích trẻ cùng tham gia với cô.

Nói chung, việc tổ chức hoạt động góc cho trẻ mẫu giáo lớn  là một hoạt động thường xuyên của người giáo viên. Việc này đòi hỏi các giáo viên cần linh hoạt, không cứng nhắc, tuy nhiên cũng không nên dập khuôn máy móc giống các lớp khác…

* Về phía giáo viên: Đảm bảo nắm vững chương trình GDMN; có năng lực, chuyên môn, kỹ năng sư phạm, có khả năng giao tiếp tốt, xử lý linh hoạt trước các tình huống sư phạm và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức hoạt động góc cho trẻ, có sức khoẻ và yêu nghề, có trách nhiệm, nhiệt tình, tận tụy với công việc, hiểu được tâm sinh lý và đặc điểm phát triển của trẻ. Từ đó giáo viên có khả năng xây dựng kế hoạch giáo dục, nắm chắc các phương pháp tổ chức hoạt động góc. Giáo viên có thể lồng ghép, đan cài các hoạt động để trẻ có thể “học” qua “chơi”, “học” qua “thực hành”, nhờ đó trẻ lĩnh hội kiến thức và kỹ năng liên quan đến chủ đề một cách tự nhiên và có được những kinh nghiệm mang tính tích hợp cần cho cuộc sống của trẻ.

Để phát huy hết vai trò của mình nhằm nâng cao hiệu quả của việc tổ chức hoạt động góc cho trẻ mẫu giáo, đòi hỏi cô giáo mầm non phải nhanh nhạy, linh hoạt, chủ động trong việc tổ chức, thiết kế hoạt động góc, khuyến khích trẻ mở rộng mối quan hệ giữa các góc chơi, thường xuyên thay đổi cách trang trí, sắp xếp các góc.

* Về phía trẻ:  Trẻ có vốn sống, nhu cầu hứng thú, tích cực tham gia vào trò chơi.

Hy vọng một số kinh nghiệm này sẽ giúp các đồng nghiệp tổ chức thành công hoạt động góc cho trẻ mẫu giáo trong trường mầm non. Mong muốn nhận được những chia sẻ, trao đổi của các đồng nghiệp./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 3.2 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập185
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm167
  • Hôm nay22,880
  • Tháng hiện tại657,018
  • Tổng lượt truy cập136,109,387
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi