banner

CĐN-Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo

Thứ ba - 06/06/2017 21:01
Người xưa nói "Hiền tài là nguyên khí quốc gia” mà để có người hiền tài thì phải bắt đầu từ giáo dục. Không có một vĩ nhân nào thành tài mà không được giáo dục. Đảng và Nhà nước ta coi trọng giáo dục là “Quốc sách hàng đầu” nhất là trong những năm vừa qua Ngành giáo dục đã phát động chương trình “ Xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực” và Chương trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng việc làm này không chỉ là trách nhiệm của Ngành giáo dục mà là của toàn xã hội từ đó công tác xã hội hóa giáo dục trở nên đặc biệt quan trọng.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định kế thừa quan điểm chỉ đạo của nhiệm kỳ trước, Đảng ta đưa ra đường lối đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xác định đây là một kế sách, quốc sách hàng đầu, tiêu điểm của sự phát triển, mang tính đột phá, khai mở con đường phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong thế kỷ XXI, khẳng định triết lý nhân sinh mới của nền giáo dục nước nhà “dạy người, dạy chữ, dạy nghề”.

Để tạo hành lang pháp lý cho các nguồn lực của xã hội đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, đào tạo và tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục được hưởng chính sách ưu đãi xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, như được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; được hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư đã tự thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; được hưởng mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; được tham gia cung cấp các dịch vụ công do Nhà nước tài trợ, đặt hàng; tham gia đấu thầu nhận các hợp đồng, dự án sử dụng nguồn vốn trong và ngoài nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hoạt động theo quy định của pháp luật; được đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ của cơ sở thực hiện xã hội hóa.

Với những định hướng khuyến khích xã hội hóa giáo dục nêu trên, trong những năm qua cùng với cả nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi ra lớp, phổ cập giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển loại hình trường, lớp, chương trình chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Tính đến tháng 5/2017 toàn tỉnh hiện có 522 trường học (trong đó có 5 trường tư thục), 7.298 lớp, 179.020 học sinh, sinh viên (tăng 14 trường, 142 lớp và 7.670 học sinh so với cùng kỳ năm học trước), với 16.397 cán bộ, nhà giáo, người lao động, bao gồm: 157 biên chế hành chính, 16.240 biên chế viên chức sự nghiệp, trong đó có: 8,7% cán bộ quản lý, 71,9% giáo viên và 19,4% nhân viên.. Công tác xã hội hoá giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục & đào tạo và làm chuyển biến tích cực chất lượng GD&ĐT. Chất lượng giáo dục các ngành học, bậc học có sự chuyển biến rõ nét. Chất lượng giáo dục phổ thông không ngừng được nâng cao, Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 92,57% (năm học 2015 - 2016), số học sinh giỏi quốc gia, số lượt thí sinh dự thi cao đẳng, đại học có tổng điểm thi 3 môn theo khối dự thi đạt điểm sàn đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng dần qua các năm. Mặt khác, xã hội hoá giáo dục góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục trên địa bàn. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 41/2000/QH10 của Quốc hội về phổ cập giáo dục; năm 2008 tỉnh Điện Biên được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS, năm 2014 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, năm 2015 tỉnh Điện Biên đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trao Quyết định đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2 cho tỉnh Điện Biên
 
Xã hội hoá góp phần quan trọng trong việc xây dựng các điều  kiện phát triển giáo dục. Đội ngũ cán bộ, giáo viên trong những năm qua không ngừng được xây dựng, củng cố; trình độ đào tạo và chất lượng của đội ngũ nhà giáo từng bước đã được nâng cao. Giáo dục mầm non và tiểu học có 97,29% đạt trình độ chuẩn trở lên (trên chuẩn mầm non 57,1%, tiểu học 66,5%); THCS 98% đạt trình độ chuẩn trở lên (trên chuẩn THCS đạt 50,55%); Giáo dục THPT có trình độ trên chuẩn đạt 11,6%. Bên cạnh đó, bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không ngừng được củng cố, tăng cường. Toàn tỉnh hiện có 7.488 phòng học, trong đó có 4.303 phòng kiên cố chiếm 57,47%; 1.629 phòng bán kiên cố, chiếm 21,75%; có 2.571 phòng công vụ cho giáo viên. Số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh là 275/505 trường, đạt 54,46% (trong đó mầm non 82/172 trường, tiểu học 103/176 trường, THCS 75/125 trường, THPT 15/32 trường). Hằng năm, toàn ngành đã huy động tiền, ngày công lao động tu sửa trường lớp,  làm nhà ở cho cán bộ, giáo viên, lớp học từ các nguồn kinh phí xã hội hoá của địa phương, đơn vị. Trong những năm qua, Ngành đã huy động được hàng chục tỷ đồng, xây mới được hàng nghìn m2 nhà ở công vụ cho cán bộ, nhà giáo, người lao động, mỗi năm quyên góp được hơn 1 tỷ đồng (cả tiền và vật chât) giúp học sinh, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn như: gạo, sách vở, quần áo, chăn màn, đồ dùng học tập... Tiêu biểu trong công tác xã hội hoá giáo dục là Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT thành phố Điện Biên Phủ... Bên cạnh đó là những điển hình về xã hội hoá giáo dục ở cơ sở trường Mầm non Thanh Hưng, THCS Mường Nhà...
 
 
Học sinh vùng đặc biệt khó khăn nhận gạo quyên góp hỗ trợ
 
Cùng với những kết quả đạt được trong những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục còn một số khó khăn, tồn tại cần được khắc phục. Ngành Giáo dục và Đào tạo hướng tới các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sau:
 
Thực hiện xã hội hóa giáo dục phải nhằm phát huy tiềm năng về trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển. Tiếp tục đa dạng hoá các loại hình giáo dục. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, trong việc giám sát các hoạt động xã hội hoá giáo dục. Tạo môi trường phát triển, môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo pháp luật để thúc đẩy các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập phát triển cả về quy mô và chất lượng. Xã hội hoá giáo dục phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả giáo dục đảm bảo sự thống nhất quản lý của Nhà nước, giữ vững vai trò nòng cốt của các trường công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân; gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
 
Huy động sự tham gia của toàn xã hội vào phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, làm cho mọi người, mọi tổ chức đều được đóng góp để phát triển giáo dục.Thống nhất nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội, mọi cá nhân, tập thể, cộng đồng về vị trí, vai trò quan trọng của xã hội hoá giáo dục trong sự phát triển kinh tế - xã hội; xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ học tập và đóng góp sức người, sức của để phát triển sự nghiệp giáo dục. Tạo điều kiện để toàn xã hội chăm lo, quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ về tinh thần và vật chất phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị  cho giáo dục. Coi đầu tư cho các hoạt động giáo dục là đầu tư cho phát triển. Phấn đấu xây dựng thêm nhiều trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia mức I và mức II. Tăng cường đầu tư thiết bị đồ dùng dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hoá. Quan tâm, chăm lo học sinh diện chính sách, học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn, học sinh dân tộc được thụ hưởng thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao hơn.Tổ chức, phối hợp và quản lý tốt hơn các loại hình giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; mở rộng hợp lý quy mô giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH.. 
 
Để đạt các mục tiêu trên, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp, biện pháp  thực hiện xã hội hoá đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và cung cấp thông tin về xã hội hoá GD&ĐT nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Tham gia đóng góp xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển GD&ĐT. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển xã hội hoá giáo dục. Tăng cường quỹ đất  xây dựng các trường học và các công trình phục vụ các hoạt động của các nhà trường. Tham mưu với UBND tỉnh xây dựng các chính sách thực hiện xã hội hoá. Tăng cường phân cấp quản lý, thanh tra, kiểm tra. Đổi mới mạnh mẽ công tác thi đua khen thưởng./.

Tác giả: Phạm Thị Thanh Bình

Nguồn tin: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập191
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm160
  • Hôm nay20,959
  • Tháng hiện tại21,275
  • Tổng lượt truy cập136,373,088
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi