banner

Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo trong tình hình hiện nay

Chủ nhật - 28/08/2022 23:54
Dienbien.edu.vn - Trong bất cứ xã hội nào, người thầy luôn là một chuẩn mực đạo đức để xã hội noi theo, là “kiến trúc sư trí tuệ” tạo ra thế hệ tương lai của dân tộc. Một người công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng một vài công trình nhưng một nhà giáo tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu cho đến tận mai sau. Sinh thời, Bác Hồ đã nhận định: “Có thầy giỏi thì rồi sẽ có phương pháp hay, do đó, sẽ có trò giỏi, còn thầy đã kém thì khó lấy gì bù đắp nổi”.
Nhân tố cốt lõi của nghề nghiệp
Do tính chất đặc thù của hoạt động giáo dục, trong quá trình dạy học, ngoài việc truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy, năng lực thực hành cho học sinh, người thầy còn giúp học sinh hình thành phẩm chất đạo đức, lối sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con.
Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất cốt lõi quan trọng hàng đầu đối với nhà giáo, là nền tảng, động lực thôi thúc trách nhiệm, nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình, xứng danh với nghề cao quý mà xã hội tôn vinh. 

Mỗi nhà giáo cần có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của học sinh

Trong những năm vừa qua, nhìn chung đội ngũ nhà giáo đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp “trồng người”, thể hiện sự tâm huyết với nghề nghiệp; tận tuỵ với công việc trên tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Nhiều nhà giáo đã chăm chút giữ gìn lương tâm, danh dự; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công việc; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với học sinh, với đồng nghiệp. Trong công tác chuyên môn, thực hiện công bằng trong giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh; thực hiện đúng điều lệ, quy chế giáo dục, chống tiêu cực và bệnh thành tích. Trong công tác nghiên cứu, đã thể hiện tính tích cực, đi sâu khám phá cái mới, nắm chắc và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học vào quá trình dạy học, giáo dục, nhất là những yêu cầu mới của Chương trình cải cách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà giáo thiếu tâm huyết với nghề, không tuân thủ những quy chuẩn của đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, danh dự, lương tâm nhà giáo như nhận phong bì, chạy trường, chạy điểm, lạm thu tiền quỹ, thậm chí đánh học sinh, nghiện ma túy...
Trong công tác chuyên môn, chưa thực sự công tâm, chưa đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh; có trường hợp chưa thực sự tích cực học tập, nghiên cứu, khám phá cái mới; còn có biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, làm giảm uy tín, niềm tin của học sinh và phụ huynh đối với đội ngũ nhà giáo.
Những hiện tượng trên xuất phát từ những yếu kém trong trau rồi đạo đức người thầy của các trường sư phạm; công tác quản lý của các nhà trường; sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân nhà giáo; sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường và một số nhận thức, hành động sai lệch của bộ phận phụ huynh và học sinh… Vì thế, cần sớm có các giải pháp khắc phục có hiệu quả.
Những giải pháp chủ yếu
Một là, đối với mỗi nhà giáo trước hết cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Chỉ có như vậy, mỗi nhà giáo mới thực sự yêu nghề, yêu người, hết lòng chăm lo, giáo dục học sinh.
Điều đó đòi hỏi mỗi nhà giáo phải tự bồi dưỡng, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, đầu tư sức lực, trí tuệ cho từng bài giảng, tiết giảng; tích cực đấu tranh với những nhận thức lệch lạc về nghề dạy học, cùng những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín, phẩm giá, tư cách của nhà giáo; khắc phục khó khăn trong cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, trên cơ sở quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo, các trường cần nghiên cứu, cụ thể hóa, rà soát, bổ sung tiêu chí đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cho phù hợp với điều kiện của mỗi trường. Theo đó, nhà giáo phải thực sự tâm huyết với nghề, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nghề nghiệp; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác.
Mỗi nhà giáo cần có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của học sinh, của đồng nghiệp; tận tuỵ với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế giáo dục, quy định của nhà trường.
Trong công tác chuyên môn, phải thực sự công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh; chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc.
Ba là, thường xuyên bồi dưỡng năng lực, trình độ và phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ nhà giáo. Nâng cao năng lực toàn diện, kiến thức chuyên sâu theo lĩnh vực, môn học giảng dạy và kỹ năng, phương pháp sư phạm; khả năng tư duy khoa học.
Coi trọng việc xây dựng phương pháp, tác phong công tác khoa học, mang tính kế hoạch, bài bản, sáng tạo và hiệu quả; có tính nguyên tắc, sâu sát, cụ thể, tỷ mỷ, gương mẫu, nói đi đôi với làm; thực hành tiết kiệm, sống khiêm tốn, giản dị, trong sạch, chống xa hoa, lãng phí.
Bốn là, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các nhà trường. Theo đó, mỗi nhà giáo phải xây dựng kế hoạch phấn đấu, đề ra nội dung, biện pháp cụ thể, phù hợp, làm cơ sở để điều chỉnh hành vi, xác định ý chí quyết tâm, nhất là trước những tác động, ảnh hưởng, chi phối đến tình cảm, lòng yêu nghề của đội ngũ nhà giáo.
Các cấp quản lý cần quan tâm hơn nữa việc giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để đội ngũ nhà giáo phấn đấu, rèn luyện; xây dựng nhiều điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Tích cực đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Năm là, xây dựng và phát huy nhân tố tích cực của môi trường sư phạm, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ nhà giáo. Phối hợp giữa nhà trường với địa phương, hội phụ huynh, cha mẹ học sinh trong góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho nhà giáo.

Cần sớm nghiên cứu, xây dựng các chính sách đãi ngộ nhà giáo như bồi dưỡng, sử dụng, phát huy sở trường của từng nhà giáo; cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ khen thưởng, chính sách bảo hiểm xã hội… trên cơ sở đó mà phát huy phong trào thi đua chấp hành nghiêm các quy chế, quy định trong giáo dục, lối sống có kỷ cương, văn hóa giáo dục; tăng cường đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ
Như vậy, để sớm đưa Chương trình cải cách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta vào cuộc sống có hiệu quả, cần có sự quan tâm thỏa đáng của mỗi nhà giáo, mỗi nhà trường, toàn ngành giáo dục và xã hội về một vấn đề cốt lõi là “nâng cao đạo đức nghề nghiệp của các nhà giáo” - Một trong những yếu tố để giữ gìn, nâng cao hình ảnh người thầy, nghề cao quý mà xã hội mãi mãi tôn vinh./.

Tác giả: Phạm Thị Thanh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập167
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm140
  • Hôm nay22,203
  • Tháng hiện tại731,562
  • Tổng lượt truy cập135,209,855
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi