Điện Biên triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương lớp 6 năm học 2021-2022
Bùi Mạnh Toàn
2021-09-23T23:47:12-04:00
2021-09-23T23:47:12-04:00
https://dienbien.edu.vn/uploads/news/2021_09/image-20210924104624-2.jpeg
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên
https://dienbien.edu.vn/uploads/logo-so-gddt.png
Thứ năm - 23/09/2021 23:45
Dienbien.edu.vn - Tài liệu giáo dục địa phương nhằm cụ thể hóa nội dung giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.
Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương. Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác. Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Điện Biên nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử truyền thống; địa lí, kinh tế, hướng nghiệp; chính trị - xã hội và môi trường của tỉnh. Cùng với các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông góp phần tạo điều kiện để học sinh được phát triển hài hòa cả thể chất và tinh thần, hình thành các năng lực, phẩm chất học sinh như: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Bên cạnh đó, phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; vận dụng kiến thức vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại địa phương.Với mục đích trên, thực hiện Kế hoạch biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trên địa bàn tỉnh, được sự hỗ trợ của Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2-Bộ GD&ĐT, Ban biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cấp THCS của tỉnh tham gia đầy đủ các đợt tập huấn về quy trình biên soạn, tiến hành họp đề xuất nội dung, biên soạn, tổ chức hội thảo góp ý, tổ chức dạy thực nghiệm và hoàn thành Tài liệu giáo dục địa phương cấp THCS lớp 6.Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 cấp THCS của tỉnh được biên soạn đúng quy trình và các quy định; cụ thể hóa được mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, góp phần giáo dục các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh; có đầy đủ các chủ đề nội dung mang tính tiêu biểu, đặc sắc về văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lí, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội, môi trường của tỉnh; bảo đảm yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng, thái độ; thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ, định hướng nghề nghiệp của học sinh; định hướng được các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu, vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh; đảm bảo tính khoa học, kế thừa, phát triển, liên thông; được tổ chức thực nghiệm chu đáo; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong toàn ngành (cán bộ quản lý, giáo viên), các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trước khi thẩm định.Điện Biên là 1 trong 6 tỉnh đầu tiên trong toàn quốc trình Bộ GD&ĐT phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 trước mốc thời gian quy định. Ngày 08/9/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh Điện Biên. Tài liệu gồm các chủ đề và các mạch nội dung: Văn hoá, Lịch sử truyền thống (Truyện cổ của các dân tộc ở tỉnh Điện Biên; Âm nhạc truyền thống tỉnh Điện Biên; Tiếng nói, chữ viết của một số dân tộc ở tỉnh Điện Biên; Điện Biên thời nguyên thuỷ; Điện Biên thời kỳ nhà nước Văn Lang - Âu Lạc; Điện Biên thời Bắc thuộc); Địa lí - Kinh tế, Hướng nghiệp (Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ tỉnh Điện Biên; Địa hình, khí hậu, nguồn nước của tỉnh Điện Biên; Đất, sinh vật, khoáng sản của tỉnh Điện Biên; Nghề, làng nghề truyền thống ở tỉnh Điện Biên; Làng nghề dệt thổ cẩm ở tỉnh Điện Biên; Làng nghề mây tre đan ở tỉnh Điện Biên); Chính trị, xã hội, Môi trường (Một số chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Đa dạng sinh học ở tỉnh Điện Biên; Bảo vệ động vật hoang dã ở địa phương em). Với thời lượng 35 tiết/năm học, tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 được thiết kế theo hướng mở giúp các em sáng tạo trong học tập, linh hoạt vận dụng thực tế; đồng thời thuận tiện trong quá trình thiết kế, tổ chức dạy học của giáo viên và các nhà trường. Căn cứ vào nội dung cụ thể của tài liệu, Hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn; giáo viên dạy học chủ đề nào sẽ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.Thông qua nội dung môn học, các em được bồi dưỡng thêm về tình yêu và niềm tự hào về mảnh đất Điện Biên anh hùng, đa sắc màu văn hoá các dân tộc; biết trân trọng, giữ gìn, phát huy truyền thống quê hương; biết vận dụng những kiến thức và kĩ năng đã học để phát huy tiềm lực và thế mạnh địa phương, góp phần xây dựng quê hương Điện Biên, đất nước Việt Nam ngày càng phát triển./.