banner

GDTrH-Chuyên đề-Trường THCS Him Lam thành phố Điện Biên Phủ với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Thứ hai - 01/10/2018 03:05
Dienbien.edu.vn - Năm học 2018-2019, cùng với việc chú trọng giáo dục toàn diện, trường THCS Him Lam thành phố Điện Biên Phủ xác định nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh và đất nước.
Trong những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các cơ quan, các tổ chức đoàn thể xã hội và phụ huynh học sinh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Trường có đội ngũ nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, năng động, sáng tạo; các em học sinh có phẩm chất đạo đức tốt, tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, rèn luyện, nhiều em có khả năng tư duy tốt, vận dụng nhanh kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.
1

Tuy nhiên, nhà trường cũng còn gặp không ít những khó khăn, đó là: vừa tập trung bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, vừa chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, vừa tăng cường giúp đỡ học sinh còn gặp nhiều khó khăn về học tập và quản lý các em học sinh nội trú dân nuôi thuộc xã Tà Lèng. Đối tượng học sinh, khả năng nhận thức của học sinh trong trường khác nhau, đòi hỏi việc xây dựng chương trình dạy học, sử dụng phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học cho các đối tượng học sinh khác nhau cũng gặp không ít khó khăn.

Phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, trong những năm qua nhà trường đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đó là:

Thứ nhất: Quán triệt đầy đủ, sâu sắc hệ thống các văn bản liên quan đến công tác giáo dục mũi nhọn (bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu). Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về việc quan tâm bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu song song với giáo dục toàn diện.

Thứ hai: Làm tốt công tác xây dựng chương trình dạy học theo tinh thần “ba chung” gồm: chương trình chính khóa, chương trình dạy buổi 2, chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi. Trong đó: chương trình dạy học thể hiện rõ việc dạy học phân hóa theo đối tượng học sinh; chương trình bảo đảm tính liên thông từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp…

Thứ ba: Chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; xác định đây là việc làm thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Việc bồi dưỡng giáo viên phải tiến hành đồng bộ từ bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống đến trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học cho học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm dạy học sinh giỏi từ khâu chọn học sinh, tổ chức lớp học, hướng dẫn cách học, tổ chức giao lưu, thi olimpic cũng như tham dự các kì thi học sinh giỏi do Phòng, Sở và Bộ GD&ĐT tổ chức.

Thứ tư: Phân công chuyên môn một cách hợp lý, lựa chọn giáo viên giỏi, có kinh nghiệm ôn luyện đảm bảo có tính liên thông. Tạo điều kiện cho giáo viên tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các trường có kinh nghiệm trong cả nước…; có chế độ đãi ngộ đối với giáo viên làm tốt công tác ôn luyện học sinh giỏi.

Thứ năm: Quan tâm phát hiện học sinh năng kiếu, học sinh giỏi, hướng dẫn học sinh cách tự học. Việc bồi dưỡng phát hiện học sinh giỏi phải được thực hiện ngay từ đầu cấp học, trên cơ sở bàn giao học sinh của các trường tiểu học, ban giám hiệu giao cho giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn lập danh sách để quan tâm bồi dưỡng. Quá trình bồi dưỡng học sinh được tiến hành thường xuyên, liên tục: trong các buổi học chính khóa, học buổi 2, tự học ở nhà, các buổi học chuyên đề…Cách tổ chức lớp học linh hoạt: sáng học theo lớp, buổi chiều học theo nhóm lớp, phân hóa theo đối tượng.

Thứ sáu: Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên theo kế hoạch đã được phê duyệt. Trong dạy học chú trọng bồi dưỡng hứng thú, niềm say mê yêu thích môn học, đặc biệt là khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh.

Thứ bảy: Làm tốt công tác khuyến học khuyến tài. Vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng quĩ khuyến học. Kịp thời động viên, khuyến khích, khen thưởng nhà giáo làm tốt công tác ôn học sinh giỏi và học sinh giỏi đạt giải trong các kì thi.
2

Với việc áp dụng những giải pháp trên, năm học 2017-2018 nhà trường đã thu được những kết quả đáng kích lệ trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, đó là:

- Thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp thành phố: đạt 246 giải, tăng 26 giải so với năm học trước (24 giải Nhất tăng 8 giải, 43 giải Nhì tăng 01 giải, 71 giải Ba tăng 8 giải và 108 giải Khuyến khích tăng 9 giải).

- Thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa cấp tỉnh: đạt 73 giải tăng 02 giải so với năm học trước (03 giải Nhất tăng 01 giải, 07 giải Nhì, 29 giải Ba và 34 giải khuyến khích);  được xếp thứ nhất trong các trường THCS của tỉnh.

- Thi khoa học kỹ thuật: 06 dự án đạt giải cấp thành phố (02 giải Nhất, 02 giải Nhì, 01 giải Ba, 01 giải Khuyến khích); 03 dự án đạt giải cấp tỉnh (01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba) 01 dự án tham gia thi toàn quốc đạt giải đặc biệt của nhà tài trợ.

- 02 dự án thi sáng tạo tuổi thơ cấp tỉnh đạt giải Nhất.

- Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố: đạt 59 giải (20 giải Nhất, 13 giải Nhì, 26 giải Ba); dự thi HKPĐ đạt 50 giải (18 giải Nhất, 17 giải Nhì, 15 giải Ba).

- Thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT: 03 học sinh đỗ vào lớp chuyên trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội; 90 học sinh đỗ vào trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn, đạt tỷ lệ 52% tổng số học sinh lớp 9 của trường.

- Học sinh trường THCS Him Lam thành phố Điện Biên phủ học lên THPT các năm tiếp tục đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học cao đã góp phần khẳng định chất lượng giáo dục của nhà trường trong những năm qua.

Về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Nhà trường luôn xác định bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cũng như nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn thì việc tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết, là việc làm thường xuyên, liên tục, nhằm chuẩn bị tốt hành trang cho các em bước vào cuộc sống để trở thành người công dân toàn cầu trong thời kì hội nhập, nhà trường quan tâm chỉ đạo từ việc xây dựng nội dung chương trình đến đổi mới hình thức tổ chức cũng như đánh giá học sinh.

- Về xây dựng chương trình: việc tăng cường kỹ năng sống cho học sinh được thực hiện trước hết trong môn học tự chọn với 10 nhóm kỹ năng cơ bản: Kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng xác định mục tiêu cuộc đời, kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, kỹ năng điều chỉnh, quản lý cảm xúc, kỹ năng tự nhận thức, đánh giá bản thân, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng hợp tác và chia sẻ, kỹ năng thể hiện tự tin trước đám đông, kỹ năng đối diện, ứng phó trước khó khăn trong cuộc sống, kỹ năng đánh giá người khác. Ngoài ra, việc giáo dục kỹ năng sống còn được thực hiện lồng ghép tích hợp trong tất cả các môn học và các hoạt động giáo dục.

- Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo: “Thăm viếng nghĩa trang Liệt sĩ” nhân tuần sinh hoạt tập thể đầu năm học, tết đến xuân về, kỷ niệm ngày thương binh Liệt sĩ 27/7;  “Vở hồng tặng bạn”…Giao lưu ngày hội thơ- nhạc: “Khúc ca người đi gieo hạt” nhân kỷ niệm 20/11; Hoạt động “Về nguồn” thăm các di tích lịch sử nhân kỷ niệm 22/12; Hoạt động “Tìm về lời ru” kỷ niệm 8/3; “An toàn giao thông”:……Các hoạt động gắn kết lý thuyết với thực hành, nhà trường với xã hội: “Vườn cây của em”, "Đoạn đường tự quản”. Phối hợp với phụ huynh học sinh, cộng đồng để tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục tập thể.
3

Đổi mới công tác đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh: bên cạnh việc đánh giá của giáo viên còn có sự tham gia đánh giá của học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng. Việc phối hợp các lực lượng tham gia đánh giá vừa góp phần đánh giá khách quan vừa tăng cường giáo dục kỹ năng cho học sinh mọi nơi, mọi lúc.

Từ những giải pháp và kết quả đạt được, nhà trường rút ra được những bài học kinh nghiệm quí báu trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đó là: việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu phải tiến hành thường xuyên, liên tục; phải khơi dậy được niềm hứng thú, say mê học tập, khả năng tự học của học sinh; trong dạy học phải thực hiện dạy học phân hóa đối tượng học sinh; luôn phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ dạy học; làm tốt công tác động viên, khuyến khích, đánh giá chính xác, khách quan và công bằng./.

Tác giả: Bùi Mạnh Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập125
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm109
  • Hôm nay20,598
  • Tháng hiện tại232,477
  • Tổng lượt truy cập136,584,290
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi