Đề án này được xây dựng trên nguyên tắc một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Chương trình mới sẽ được thực hiện thống nhất trong toàn quốc; các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân được khuyến khích biên soạn sách giáo khoa; nhà trường, giáo viên chủ động lựa chọn sách giáo khoa.
Trong giai đoạn từ tháng 04/2015 đến tháng 06/2016, thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, các Ban chuyên môn và các Hội đồng thẩm định; tập huấn, bồi dưỡng cho những người tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình mới, sách giáo khoa mới; xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới; xây dựng học liệu điện tử theo chương trình mới; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn.
Từ tháng 07/2016 đến tháng 06/2018, biên soạn, thẩm định, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành được ít nhất 01 bộ sách giáo khoa mới của lớp 1, lớp 6 và lớp 10; biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới đối với lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Từ năm học 2018 - 2019, sẽ bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành sách giáo khoa mới của các lớp còn lại…
Nhà nước bố trí 778,8 tỷ đồng cho Bộ GDĐT để tổ chức thực hiện việc biên soạn, thử nghiệm một bộ sách giáo khoa; thẩm định chương trình, sách giáo khoa và cung cấp sách giáo khoa tới các trường miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người. Nguồn kinh phí để biên soạn các bộ sách giáo khoa khác được huy động từ các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bạn đọc có thể tham khảo toàn bội nội dung của Quyết định
tại đây./. Nguồn tin: phòng Kế hoạch và Tài chính