banner

CHLS-GIÁO DỤC HỌC SINH Ý THỨC VỀ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO QUỐC GIA TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Thứ năm - 21/09/2017 22:57
1. Tầm quan trọng của việc giáo dục ý thức học sinh về chủ quyền biển đảo quốc gia trong dạy học Lịch sử ở trường trung học phổ thông (THPT)
Chủ quyền là “quyền làm chủ của một nước trong các vấn đề đối nội và đối ngoại”  [1; tr 289]. “Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là quyền tối cao, tuyệt đối hoàn toàn và riêng biệt của quốc gia đối với lãnh thổ và trên lãnh thổ của mình[2; tr 30]. Điều 1 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, các vùng biển và vùng trời”. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, biển đảo đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Do đó, bảo vệ toàn vẹn vùng trời, vùng biển và từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nhân dân ta.

Vấn đề giáo dục học sinh ý thức về chủ quyền quốc gia nói chung, chủ quyền biển đảo quốc gia nói riêng là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình dạy học bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông. Nhiệm vụ này càng trở nên cấp thiết hơn khi Biển Đông trở thành điểm nóng trong quan hệ quốc tế hiện nay, nơi tranh chấp giữa các quốc gia cùng sở hữu vùng biển này.

Trên thực tế, việc dạy học bộ môn Lịch sử ở trường THPT hiện nay chưa chú trọng đúng mức đến việc giáo dục học sinh ý thức về chủ quyền biển đảo quốc gia. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết, trong bộ sách giáo khoa lịch sử THPT hiện hành có rất ít nội dung đề cập đến biển đảo quốc gia nói chung, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng. Hơn nữa, trong quá trình dạy học, giáo viên chưa tập trung chú trọng khai thác triệt để kiến thức sách giáo khoa, chưa kịp thời bổ sung nguồn tư liệu khoa học để cụ thể hóa, làm sâu sắc kiến thức về chủ quyền biển đảo, cũng như cuộc đấu tranh để bảo vệ vùng biển Tổ quốc. Vì vậy, nhận thức của học sinh về vấn đề này còn mờ nhạt, kết quả giáo dục học sinh ý thức về chủ quyền biển đảo quốc gia chưa thật hiệu quả.

2. Một số biện pháp giáo dục học sinh ý thức về chủ quyền biển đảo quốc gia trong dạy học Lịch sử ở trường THPT

2.1. Khai thác triệt để kiến thức trong sách giáo khoa về chủ quyền biển đảo quốc gia. Mặc dù kiến thức trong sách giáo khoa đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp về chủ quyền biển đảo Việt Nam rất ít, nhưng trong quá trình dạy học trên lớp, giáo viên cần chú trọng khai thác triệt để, phù hợp theo nguyên tắc bộ môn, qua đó giúp học sinh có kiến thức nền tảng về chủ quyền biển đảo quốc gia. 

Ví dụ: khi dạy học Bài 8: “Sự hình thành và phát triển các vương quốc chính ở Đông Nam Á” (Lịch sử 10),  giáo viên có thể sử dụng Lược đồ các quốc gia Đông Nam Á cổ đại và phong kiến, hướng dẫn học sinh xác định vị trí vùng biển của Đại Việt ở Biển Đông và vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Từ đó, giúp học sinh hiểu được, vùng lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông cũng như các quần đảo (Hoàng Sa, Trường Sa…) đã tồn tại từ ngàn xưa. Biển Đông là vùng biển thuộc quyền sở hữu của nhiều quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Philipines, Malaixia, Singapore, Inđônêxia, Brunei, Thái Lan, Campuchia và vùng lãnh thổ là Đài Loan. Biển Đông là con đường giao thông đường biển huyết mạch có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ đối với khu vực Đông Nam Á, mà cả châu Á và thế giới. Vì vậy, trên Biển Đông đã xảy ra sự tranh chấp ở một số quốc gia trong một số vùng có vị trí “nhạy cảm”. Do đó, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo là nhiệm vụ chiến lược của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hay, khi dạy Bài 25: “Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn” (LS10), mục 1 “Xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước - chính sách ngoại giao”, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh khai thác Lược đồ các đơn vị hành chính Việt Nam thời Minh Mạng để học sinh hiểu rõ hơn về cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng (1831-1832). Đồng thời, xác định được vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng), Trường Sa (thuộc Khánh Hòa) và chủ quyền của hai quần đảo này thuộc về Việt Nam từ lâu. Thông qua nguồn tư liệu gốc (của Việt Nam và nước ngoài) chứng tỏ rằng cùng với quá trình mở rộng lãnh thổ xuống phía nam, nhà Nguyễn luôn có chính sách để bảo vệ chủ quyền quốc gia ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng Biển Đông thuộc Việt Nam.

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc, nhiều lần nước ta phải đương đầu với những kẻ thù hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh dũng cảm, dân tộc ta đã lần lượt đập tan các thế lực xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Tiêu biểu là trận thủy chiến lừng danh trên sông Bạch Đằng (năm 938) của Ngô Quyền tiêu diệt quân Nam Hán; chiến thắng Như Nguyệt (năm 1077) của nhà Lí đánh tan quân xâm lược Tống; chiến thắng Bạch Đằng (năm 1288) của nhà Trần đánh tan quân Mông - Nguyên; chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (năm 1785) của Nguyễn Huệ đánh tan quân Xiêm… Trong quá trình tìm hiểu những trận đánh này, không chỉ giúp HS hiểu sâu sắc quá trình đấu tranh bảo vệ nền độc lập, mà còn thấy được sức mạnh của dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc suốt chiều dài lịch sử.

Như vậy, ở một mức độ nhất định, giáo viên vẫn có thể khai thác kiến thức trong sách giáo khoa một cách linh hoạt và khéo léo để qua đó giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho học sinh nói chung, ý thức về chủ quyền biển đảo quốc gia nói riêng một cách tự nhiên và hiệu quả.

2.2. Sử dụng tư liệu gốc về chủ quyền biển đảo quốc gia. Tư liệu gốc là tư liệu mang những thông tin đầu tiên về sự kiện lịch sử được phản ánh lại, là bằng chứng gần gũi, xác thực nhất của lịch sử. Những tư liệu gốc chứng minh quá trình phát hiện và khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam nói chung, trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng xuất hiện liên tục trong thư tịch cổ của Việt Nam, từ thời Lê Trung Hưng (thế kỉ XVII) đến triều Tây Sơn, triều Nguyễn (thế kỉ XIX). Qua nhiều nguồn tư liệu, Việt Nam có đủ minh chứng để khẳng chủ quyền không thể tranh cãi đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tiêu biểu là một số nội dung, sự kiện lịch sử được phản ánh trong các tác phẩm Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư; Đại Nam nhất thống toàn đồ; Phủ biên tạp lục; Lịch triều hiến chương loại chí; Đại Nam thực lục; Đại Nam nhất thống chí; Quốc triều chính biên toát yếu; Nam Hà tiệp lục; Châu bản triều Nguyễn…Tuy nhiên, trong quá trình dạy học giáo viên cần căn cứ vào đối tượng, khả năng nhận thức, cũng như mục tiêu và thời lượng của tiết học để giáo viên lựa chọn nguồn tư liệu gốc cho phù hợp.

Ví dụ, khi dạy học Bài 25 “Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn (nửa đầu thế kỉ XIX)” (LS10), giáo viên cung cấp cho học sinh một số tư liệu gốc (thành văn) để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được nhà Nguyễn quản lí và khẳng định chủ quyền:“Giữa biển có một dải cát dài có tên là Bãi Cát Vàng, dài khoảng 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển… Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng chạp đưa 18 chiếc thuyền đến đó lấy hóa vật; thu được nhiều vàng, bạc, tiền tệ, súng, đạn…” [3; tr 116-117).

Phủ Quảng Nghĩa ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù lao Ré, rộng hơn 300 dặm, trước có phường tứ chính, dân cư trồng đậu, ra biển 4 canh thì đến; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải” [4; tr 116].

Đồng thời, yêu cầu học sinh xác định vị trí của Hoàng Sa và Trường Sa trên bản đồ cổ (xem hình 1).
Hình 1: Bản đồ bãi cát vàng do Đỗ Bá Công Đạo vẽ trong Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư và Đại Nam nhất thống toàn đồ triều Nguyễn.

Hình 1: Bản đồ bãi cát vàng do Đỗ Bá Công Đạo vẽ trong Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư và Đại Nam nhất thống toàn đồ triều Nguyễn.
N1
 
 Bản đồ Bãi cát vàng do Đỗ Bá Công Đạo vẽ trongToàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư

N2
Đại Nam nhất thống toàn đồ triều Nguyễn
 
Sau khi học sinh quan sát hai bản đồ cổ và đọc kĩ tư liệu gốc, giáo viên hướng dẫn học sinh xác định vị trí của hai quần đảo, từ đó hiểu được tính khách quan, khoa học khi Việt Nam khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa từ lâu thuộc chủ quyền của Việt Nam. Qua đó, các em không chỉ hiểu sâu sắc, tường minh về hai quần đảo, mà còn tự hào về quê hương mình và có ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

2.3 Thiết kế và dạy học các chủ đề tích hợp liên môn về biển đảo quốc gia.

Trong chương trình môn lịch sử THPT hiện hành, nội dung kiến thức liên quan trực tiếp đến chủ quyền biển đảo Việt Nam được đề cập rất ít. Các môn học khác như Địa lí, Giáo dục công dân - Quốc phòng & An ninh có đề cập nhưng còn rời rạc. Nên việc giáo dục học sinh ý thức về chủ quyền biển đảo quốc gia qua nội dung kiến thức sách giáo khoa còn mờ nhạt. Để khắc phục tình trạng này, giáo viên cần chủ động lồng ghép kiến thức chủ quyền biển đảo bằng cách thiết kế và tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn, là những chủ đề có nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học.

Ví dụ, trong quá trình dạy học bộ môn Lịch sử ở trường THPT, giáo viên có thể thiết kế chủ đề Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam cho học sinh lớp 10 hoặc lớp 11. Với mục tiêu, giúp học sinh biết được vị trí của vùng biển, đảo, quần đảo của Việt Nam; hiểu được lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam; đánh giá được vai trò của biển, đảo Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xác định được vai trò của học sinh đối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Qua đó, rèn luyện và phát triển các kĩ năng quan sát, khai thác kênh hình, nghiên cứu tài liệu, làm việc nhóm, tư duy phản biện. Đồng thời, góp phần bồi dưỡng truyền thống yêu nước, đoàn kết, tình yêu với biển đảo quê hương, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Theo đó, góp phần phát triển năng lực tự học, hợp tác và giải quyết vấn đề cho học sinh.

Để thiết kế chủ đề này, giáo viên cần sử dụng kiến thức Địa lí để xác định vị trí vùng biển, các quần đảo và đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, vai trò của biển, đảo đối với sự phát triển kinh tế, giao thông, khai thác tài nguyên biển, đảo Việt Nam. Sử dụng kiến thức lịch sử để tìm hiểu quá trình xác lập chủ quyền biển đảo và lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia qua các thời kì (phong kiến; thuộc Pháp; từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay). Sử dụng kiến thức Giáo dục công dân và Quốc phòng & An ninh và để hiểu sâu sắc được vai trò của biển đảo trong công cuộc bảo về Tổ quốc. Điều quan trọng nhất là từ kiến thức trong sách vở, học sinh tự ý thức trách nhiệm bản thân và có hành động tích cực, cùng góp sức mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, thông qua các hoạt động thiết thực như tham gia chương trình “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”; tham dự các kì thi vẽ tranh cổ động, sáng tác thơ, ca, viết thư gửi các chiến sĩ nơi đảo xa,...

Để dạy học tích hợp liên môn theo chủ đạt hiệu quả tốt, cần sử dụng một số phương pháp dạy học phù hợp như dạy học theo dự án, kết hợp với hoạt động  nhóm và kĩ thuật KWLH, XYZ, 321. Đối với chủ đề Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, GV có thể  chia lớp thành 4 nhóm, với 4 nhiệm vụ tương ứng với bốn chủ đề nhỏ:

 Nhóm 1: xác định và tìm hiểu những vùng biển, đảo và quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam (theo Công ước quốc tế vê Luật biển năm 1982);

Nhóm 2: tìm hiểu về vai trò của biển đảo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay;

Nhóm 3: tìm hiểu lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam qua các thời kì;

Nhóm 4: trình bày một số hình thức, biện pháp của học sinh tham gia bảo vệ biển đảo quê hương. Để kết quả làm việc nhóm đạt kết quả tốt, giáo viên cần phân công nhiệm vụ các nhóm, nhóm trưởng, các thành viên trong mỗi nhóm, cách thức làm việc, thời gian hoàn thành dự án, kiểm soát tiến trình thực hiện nhiệm vụ của học sinh (dựa vào phiếu đánh giá về tinh thần hợp tác trong quá trình thực hiện dự án). Đặc biệt là yêu cầu sản phẩm (đầu ra) của mỗi nhóm phải cụ thể, có giá trị. Ví dụ mỗi nhóm phải có một tập san hoặc một báo cáo được trình bày trên powerpoint, hay một tờ báo tường, hoặc một clip do nhóm tự xây dựng liên quan đến nhiệm vụ dự án... Những sản phẩm này sẽ được báo cáo tại lớp (sau một thời gian chuẩn bị, tùy theo yêu cầu của giáo viên, có thể hai tuần hoặc ba tuần). Các nhóm cùng góp ý, chia sẻ và GV là người nhận xét, đánh giá cuối cùng sản phẩm dự án của học sinh (dựa theo những tiêu chí trong phiếu đánh giá sản phẩm dự án của học sinh).

Như vậy, với hình thức dạy học tích hợp liên môn theo chủ đề và phương pháp dạy học theo dự án sẽ góp phần đáng kể vào việc phát huy tính tích cực, chủ động, độc lập và sáng tạo của học sinh trong quá trình nhận thức. Qua đó, không chỉ giúp học sinh hiểu sâu sắc kiến thức về chủ quyền, mà còn có ý thức trách nhiệm và hành động đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc Việt Nam.

Giáo dục ý thức Chủ quyền biển đảo cho học sinh là trách nhiệm của giáo viên, ý thức tự giác của học sinh, đồng thời cũng là nhiệm vụ của toàn xã hội. Trong đó, những người làm công tác giáo dục có trách nhiệm trực tiếp. Trong thời gian tới, khi xây dựng chương trình sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa nội dung kiến thức về biển đảo Việt Nam vào sách giáo khoa, tạo điều kiện cho giáo viên có thể kết hợp chặt chẽ việc giáo dục ý thức học sinh về chủ quyền biển đảo với các hình thức dạy học trên lớp và hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo. Qua đó, giúp học sinh ý thức rõ ràng và tin tưởng vào chủ quyền biển đảo quốc gia, có ý thức công dân và thái độ tích cực trước những vấn đề lớn của dân tộc./.

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thị Thế Bình-ĐHSP Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,067
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm1,048
  • Hôm nay16,432
  • Tháng hiện tại661,517
  • Tổng lượt truy cập135,139,810
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi