Qua gần 15 năm thi hành, Luật Thanh niên năm 2005 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã đề ra nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp với tình hình nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên năm 2020 thay thế Luật Thanh niên năm 2005 với tỷ lệ số phiếu đạt 91,3% và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
1. Đổi mới về tư tưởng trong xây dựng pháp luật về thanh niên
Luật Thanh niên năm 2005 được ban hành trong quá trình thực hiện cho tới nay có nhiều bất cập, chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay: xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, kinh tế thị trường định hướng XHCN, cách mạng công nghiệp 4.0, cải cách hành chính với xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, phong trào khởi nghiệp, hội nhập quốc tế sâu rộng,...
Bên cạnh đó, Luật Thanh niên năm 2005 vẫn còn nhiều quy định chung chung, nặng về “hô khẩu hiệu”, “hình thức”; nhiều quy định chưa tạo điều kiện mạnh mẽ cho thanh niên phát triển; chưa có các chế tài để bảo đảm thực hiện luật; quyền và nghĩa vụ của thanh niên chưa cụ thể, rõ ràng...Đặc biệt, Luật chỉ tập trung vào quy định kêu gọi và khuyến khích trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội, mà không đề cập đến trách nhiệm, bổn phận của thanh niên đối với bản thân mình, đối với quốc gia, dân tộc. Điều đó cho thấy Luật Thanh niên năm 2005 chưa thể hiện được đầy đủ nhận thức coi thanh niên là rường cột của nước nhà, là mùa xuân của dân tộc, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Vì vậy, xuất phát từ thực trạng của pháp luật về thanh niên và yêu cầu, bối cảnh chung hiện nay, tư tưởng chỉ đạo trong Luật Thanh niên năm 2020 thể hiện ở những điểm sau:
Một là, Luật Thanh niên năm 2020 không chỉ dừng ở các chính sách của Nhà nước; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên mà còn phải quy định rõ trách nhiệm của thanh niên đối với sự tu dưỡng, rèn luyện và học tập, lập thân, lập nghiệp, đối với gia đình, xã hội và Tổ quốc. Như Bác Hồ đã từng nói: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà”. Tổng thống Mỹ John F.Kennedy cũng đã nói với thanh niên vào ngày 20/1/1961: “Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc”.
Hai là, luật hóa vị trí và vai trò tổ chức nòng cốt của thanh niên đã được Hiến pháp năm 2013 quy định, đó là tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, là vai trò và trách nhiệm của các tổ chức thanh niên khác trong sự nghiệp phát triển thanh niên.
Ba là, để đáp ứng yêu cầu phát triển thanh niên trong giai đoạn hiện nay, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên, Luật Thanh niên năm 2020 cần được sửa đổi toàn diện để thay thế cho Luật Thanh niên năm 2005. Đồng thời, quy định rõ các nội dung về quản lý nhà nước đối với thanh niên và trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức, cơ quan trong thực hiện chính sách về thanh niên và phát triển thanh niên.
2. Những nội dung mới của Luật Thanh niên năm 2020
Luật Thanh niên năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Thanh niên năm 2005 và được kết cấu gồm 7 chương, 41 điều, trong đó:
Chương I - Những quy định chung, gồm 11 điều quy định về: thanh niên; phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; hợp tác quốc tế về thanh niên; Tháng Thanh niên; đối thoại với thanh niên và áp dụng điều ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Chương II - Trách nhiệm của thanh niên, gồm 04 điều quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc; đối với Nhà nước và xã hội; đối với gia đình và đối với bản thân thanh niên.
Chương III - Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, gồm 11 điều quy định 11 nhóm chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Trong đó có 06 điều quy định chính sách theo lĩnh vực gồm: chính sách về học tập và nghiên cứu khoa học; chính sách về lao động, việc làm; chính sách về khởi nghiệp; chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao; chính sách về bảo vệ Tổ quốc và 05 điều quy định chính sách đối với một số nhóm đối tượng thanh niên, gồm: chính sách đối với thanh niên xung phong; chính sách đối với thanh niên tình nguyện; chính sách đối với thanh niên có tài năng; chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số và chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Chương IV - Tổ chức thanh niên, gồm 04 điều quy định về trách nhiệm tổ chức thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và về chính sách của Nhà nước đối với tổ chức thanh niên.
Chương V - Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình.
Chương VI - Quản lý nhà nước về thanh niên, gồm 5 điều quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Nội vụ; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chương VII - Điều khoản thi hành.
3. Một số giải pháp để triển khai thực hiện Luật Thanh niên
Để đưa Luật Thanh niên năm 2020 và các chính sách, pháp luật đối với thanh niên vào cuộc sống, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch 1712/QĐ- TTg ngày 02/11/2020 về việc triển khai Luật Thanh niên, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc tổ chức triển khai Luật Thanh niên; nhất là việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Thanh niên một cách kịp thời nhằm bảo đảm các chính sách được tổ chức thực thi có hiệu quả ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 08/01/2021 về việc triển khai Luật Thanh niên trên địa bàn tỉnh năm 2021.
Hai là, tổ chức quán triệt Luật Thanh niên tới lãnh đạo chính quyền các cấp nhằm nâng cao nhận thức trong việc tổ chức triển khai và đưa Luật Thanh niên vào cuộc sống; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức ở tất cả các cấp lãnh đạo từ Tỉnh đến cơ sở và trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Luật Thanh niên; về vị trí, vai trò của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong việc chăm lo, bồi dưỡng, phát triển thanh niên.
Ba là, tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác thanh niên và tổ chức triển khai các chính sách đã được quy định trong Luật Thanh niên.
Năm là, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa Bộ Nội vụ với địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên;
Sáu là, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về thanh niên. Tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm nòng cốt mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với các tổ chức thanh niên trong khu vực và thế giới.
Bảy là, đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Thanh niên tới các tầng lớp thanh niên để thanh niên thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Luật Thanh niên, thấy rõ những chính sách, pháp luật của Nhà nước dành cho thanh niên. Đặc biệt về vị trí, vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tổ chức triển khai, đưa các chính sách trong Luật Thanh niên đi vào cuộc sống./.