banner

Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 3 ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức triển khai thực hiện giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.

Thứ hai - 20/06/2022 02:47
Dienbien.edu.vn - Theo lộ trình, năm học này, chương trình lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sẽ đưa vào giảng dạy. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị, như: Nhân lực, cơ sở vật chất… đã và đang được ngành GD&ĐT tỉnh chuẩn bị nghiêm túc, đúng tiến độ.
http://www.baodienbienphu.info.vn/Uploads/images/uthong85/2022/06/17/1_1-chuan333898933.jpg
Giáo viên Trường Trung học cơ sở Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) tham gia tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Có mặt tại Trường THCS Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) những ngày này, chúng tôi cảm nhận được tinh thần nghiêm túc nghiên cứu, trao đổi, thảo luận của cán bộ, giáo viên Nhà trường về cách giảng dạy cũng như phân tích những điểm mới trong khuôn khổ Chương trình giáo dục phổ thông mới thông qua lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức. Bà Cao Thị Đại, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chuẩn bị cho năm học mới nói chung, chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 7 nói riêng, Trường đã xây dựng kế hoạch, cử cán bộ, giáo viên tham gia lớp tập huấn chuyên môn do Sở tổ chức. Trong đó, quan điểm của đơn vị là 100% giáo viên và cán bộ quản lý tham gia tập huấn chứ không riêng gì các giáo viên bộ môn. Đối với cơ sở vật chất, hiện nay cơ bản đã đảm bảo, tuy nhiên Trường cũng đang phối hợp với nhà tài trợ là Tập đoàn Him Lam để khảo sát, nâng cấp các hạng mục từ phòng, lớp học cho đến các khu luyện tập thể dục, thể thao liên hợp. Sau khi hoàn thành, không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện của học sinh mà còn góp phần nâng cao vị thế cũng như chất lượng GD&ĐT của trường. 
  Nhờ chuẩn bị chu đáo, năm học vừa qua, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nhiều thời điểm việc dạy học phải chuyển đổi từ hình thức học trực tiếp sang học trực tuyến, song chất lượng giáo dục của Trường THCS Him Lam không bị giảm sút. Đặc biệt, đối với học sinh khối 6 - năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhưng các em không có sự bỡ ngỡ, các thầy cô giáo cũng không gặp khó khăn trong quá trình giảng dạy. Chính vì thế, kết thúc năm học 2021 - 2022, tỷ lệ học sinh xếp loại rèn luyện tốt đối với khối lớp 6 đạt 92,4%, vượt 12,1% so với kế hoạch; xếp loại học tập tốt đạt 73,7%, vượt 24,5% so với kế hoạch (không có học sinh xếp loại chưa đạt).
Bên cạnh những mặt thuận lợi, hiện nay so với các khu vực thành thị, việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới tại các cơ sở giáo dục ở vùng cao vẫn còn một số khó khăn nhất định, như: thiếu phòng, lớp học, phòng chức năng; thiếu giáo viên... Tuy nhiên, với sự chủ động, các đơn vị đang nỗ lực sẵn sàng tâm thế để tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của ngành. Bà Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Thọ (huyện Mường Nhé) cho biết: Trường vẫn còn thiếu biên chế giáo viên môn Tin học và Ngoại ngữ. Tuy nhiên trong điều kiện khó khăn chung của ngành (khó tuyển dụng giáo viên các môn chuyên biệt - PV), trên cơ sở biên chế hiện có, Trường đã linh hoạt, phân công giáo viên sắp xếp thời gian biểu, kế hoạch hợp lý để tổ chức giảng dạy đan xen. Về cơ sở vật chất, do được đầu tư từ lâu, hơn nữa, các phòng học trước đây thiết kế nhỏ, hẹp nên trước mắt đơn vị sẽ cố gắng khắc phục theo hướng vẫn duy trì sĩ số lớp như trước. Về lâu dài, Trường đã đề xuất sớm được đầu tư, nâng cấp trường, lớp học để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Năm học 2022 - 2023, là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở khối trung học phổ thông (lớp 10). Thời gian qua, các đơn vị trong khối đã chủ động, chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng bước vào năm học mới với tâm thế mới. Là năm đầu triển khai, song việc chuẩn bị đã được 33 trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh chuẩn bị từ các năm học trước.
Ông Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên chia sẻ: Thay vì 13 môn học cố định như trước, chương trình mới lớp 10 có 7 môn học bắt buộc và cho phép học sinh quyết định 5/9 môn học tự chọn, tùy theo năng khiếu, sở thích của mình. Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương. Môn học tự chọn do học sinh lựa chọn 5 môn từ 3 nhóm môn, gồm: Nhóm môn Khoa học xã hội, nhóm môn Khoa học tự nhiên, nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn). Căn cứ những thay đổi này, có thể nói đến nay, đơn vị đã sẵn sàng triển khai thực hiện chương trình với quyết tâm đạt kết quả cao.
Qua đánh giá của Sở GD&ĐT, sau 2 năm học triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, chất lượng giáo dục cơ bản có sự chuyển biến. Nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh cũng dần thay đổi. Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Những thành quả của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới những năm học trước là nền tảng quan trọng để năm học 2022 - 2023, ngành triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo lộ trình. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, những khó khăn đặt ra hiện nay vẫn còn không ít bởi Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế còn hạn chế, phòng học bán kiên cố, phòng học tạm còn nhiều; chưa có đủ phòng chức năng, phòng công vụ, phòng nội trú và các hạng mục phụ trợ khác để phục vụ công tác dạy và học. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu cục bộ, nhất là giáo viên tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật và Tin học... Khắc phục khó khăn đó, hiện nay, ngành đang tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, tham mưu tuyển dụng bổ sung đáp ứng triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới; củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học để phục vụ tốt nhiệm vụ bồi dưỡng. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, sửa chữa sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; chủ động tham mưu các cấp đầu tư cơ sở vật chất đủ theo quy định của từng cấp học, bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo việc thực hiện đổi mới của từng khối lớp, từng cấp học...
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập296
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm281
  • Hôm nay27,455
  • Tháng hiện tại715,836
  • Tổng lượt truy cập136,168,205
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi