Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; đại diện một số đơn vị chức năng Bộ Công An; tại các đầu cầu có sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh/thành phố.
Các địa phương tích cực chuẩn bị cho kỳ thi
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. trước khi hoàn thành cấp THPT, học sinh được trải qua kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng, để kiểm tra mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của các em so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị
Căn cứ vào kết quả đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.
“Như vậy, việc tổ chức kỳ thi không chỉ đơn thuần là để công nhận tốt nghiệp THPT mà còn nhiều ý nghĩa quan trọng khác. Kỳ thi do đó phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương; tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trách nhiệm của Bộ GDĐT vẫn rất lớn. Cụ thể, Bộ GDĐT chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn; chịu trách nhiệm về đề thi, phần mềm dùng chung cho các địa phương tổ chức thi; tổ chức tốt việc thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi để chuẩn bị tổ chức thực hiện chu đáo, an toàn, nghiêm túc các khâu, tránh tiềm ẩn rủi ro.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị kỳ thi tại địa phương, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP Hà Nội xác định việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bởi vậy công tác chuẩn bị cho kỳ thi này đang được tích cực triển khai; trong đó có việc thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi; xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức kỳ thi, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đơn vị chủ trì, phối hợp, rõ tiến độ thời gian…
TP Hà Nội cũng sẽ triển khai tập huấn quán triệt tới tất cả cán bộ, giáo viên trong ngành và phổ biến Quy chế thi tốt nghiệp THPT cho tất cả học sinh lớp 12, để đảm bảo các em nắm vững nội dung, chấp hành nghiêm túc quy chế. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ kỳ thi cũng được UBND thành phố lưu ý.
“Với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực, TP Hà Nội quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đúng quy chế, bảo đảm nghiêm túc, công bằng, minh bạch, khách quan, trung thực” - Ông Ngô Văn Quý nói.
Đại diện tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, đến thời điểm này, cơ bản đã chuẩn bị xong công tác chuẩn bị ban đầu, từ thành lập Ban chỉ đạo đến xây dựng kế hoạch, phương án hậu cần. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi, giao các Sở ban ngành, phối hợp với Sở GDĐT thực hiện việc tổ chức tốt kỳ thi trên tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Không khoảng trống, không điểm mờ trong thanh tra thi
Trao đổi về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đây là khâu hết sức quan trọng, cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp đảm bảo an toàn khác.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao đổi về công tác thanh tra tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
Năm nay Chính phủ giao UBND các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương nên công tác thanh tra, kiểm tra cũng thay đổi, sẽ có thêm lực lượng thanh tra cấp tỉnh tham gia vào hoạt động này. Như vậy, công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có cả 3 cấp Bộ, Tỉnh, Sở tham gia và thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các khâu của kỳ thi.
“Năm 2020 dù không được huy động trực tiếp coi thi, chấm thi nhưng cán bộ, giảng viên các trường đại học sẽ có mặt trong các đoàn thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu như: chuẩn bị kỳ thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm thi phúc khảo. Bộ GDĐT sẽ thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo các trường đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra này” - Thứ trưởng cho hay.
Theo Thứ trưởng, công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giúp phòng ngừa sai phạm từ khâu chuẩn bị đến tổ chức kỳ thi; giúp các cấp, các chủ thể tổ chức kỳ thi cho đúng với mục tiêu, tính chất kỳ thi; góp phần tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, công khai minh bạch.
“Phải phân rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, mục tiêu, phương pháp, trách nhiệm của từng cấp thanh tra. Mọi công đoạn của công tác thi đều phải được thanh tra, kiểm tra với yêu cầu rõ nhất, không có khoảng trống, không có điểm mờ. Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phải được sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng, có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết, hướng dẫn công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất để các địa phương có căn cứ tổ chức triển khai theo chức năng, nhiệm vụ.
Tránh chung chung trong phân công trách nhiệm
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra trong hai ngày 9-10/8. Từ giờ đến lúc đó chỉ còn khoảng 2 tháng, vì vậy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong kết luận Hội nghị đã nhấn mạnh “phải gấp rút thực hiện nghiêm túc các công việc theo phân công” liên quan đến tổ chức kỳ thi.
Bộ trưởng yêu cầu Sở GDĐT các tỉnh tiếp tục chỉ đạo các nhà trường dạy học, ôn thi theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Kỳ thi năm nay chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức cơ bản để phục vụ mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT, do đó công tác ôn tập cần điều chỉnh phù hợp, giúp học sinh ôn thi nhẹ nhàng, không áp lực và yên tâm, tự tin dự thi. Các nhà trường cần chỉ đạo, kiểm soát việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định, để công tác dạy học trong nhà trường an toàn, nghiêm túc, không căng thẳng.
Đối với việc chuẩn bị trước khi tổ chức kỳ thi, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, trong đó phân công rõ công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên. “Cơ cấu thành viên trong Ban chỉ đạo cần tránh hình thức, phân công chung chung, thực hiện không nghiêm, dẫn đến hổng dù chỉ một khâu có thể gây rủi ro” - Bộ trưởng nói
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý công tác tập huấn cho các thành viên tham gia làm thi. Theo Bộ trưởng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng để từng người tham gia phải hiểu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Nếu hiểu không đúng, hiểu chưa đầy đủ khi thực hiện sẽ lúng túng hoặc làm sai, ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.
Đối với công tác coi thi, Bộ trưởng cho rằng, các nhà trường cần chủ động có kế hoạch để giáo viên được tập huấn kỹ lưỡng, tránh vì không hiểu quy chế hay vì lý do cá nhân mà thực hiện không nghiêm túc, hoặc thiếu kinh nghiệm nên xử lý tình huống lúng túng.
Công tác chấm thi năm nay hoàn toàn do địa phương thực hiện, cả chấm trắc nghiệm và tự luận, vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương nghiên cứu kỹ các quy định về chấm thi trong quy chế và dự báo những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chấm thi để phòng tránh.
Công tác công bố kết quả kỳ thi năm nay có điểm mới là Bộ GDĐT sẽ thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi với kết quả học tập bậc THPT của thí sinh. Theo Bộ trưởng, việc này giúp phát hiện ra những “điểm trũng” để có chính sách cải thiện tốt hơn, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi. Riêng địa bàn các tỉnh miền núi hay xảy ra mưa lũ cần có phương án dự phòng để bảo đảm an toàn cho điểm thi, hỗ trợ thí sinh đến dự thi kịp thời.
“Tới đây, Thanh tra Bộ GDĐT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi của các địa phương. Tôi đề nghị lực lượng thanh tra khi triển khai hoạt động này có kết luận để những nơi chưa làm tròn trách nhiệm khắc phục kịp thời” -Bộ trưởng nêu rõ./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn