banner

CNTT&NCKH - Công nghệ thông tin và đổi mới, phát triển giáo dục

Thứ tư - 12/08/2015 05:04
Công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng đối với việc đổi mới và phát triển giáo dục.
1. Công nghệ thông tin không chỉ giúp cho hoạt động của con người đạt hiệu quả hơn mà còn tham gia tích cực, trực tiếp trong việc tạo ra những con người năng lực hơn. Loài người thuở xưa đã dùng que gậy, rồi dùng đồ đá, đồ đồng, rồi tiến lên dùng đồ sắt; từ công cụ thủ công tới cơ giới, cơ giới tự động, rồi điện tử, rồi vi tính. Mỗi bước tiến như vậy về công cụ lao động kéo theo những bước phát triển nhảy vọt của các nền văn minh. Công nghệ thông tin ra đời, phát triển là sự tích hợp đồng thời các tiến bộ về công nghệ và về tổ chức thông tin. Đó là bước tiến vĩ đại của nhân loại. Nhưng đồng thời, còn vĩ đại hơn nữa, là công nghệ thông tin tham gia trực tiếp việc tạo ra những con người năng lực hơn theo một phương thức hiện đại. Có thể nói rằng, công nghệ thông tin vừa là kỹ thuật, kinh tế, vừa là văn hóa.

2. Công nghệ thông tin thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp mọi người tiếp cận rất nhiều thông tin, thông tin nhiều chiều, rất nhanh, rút ngắn mọi khoảng cách, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm “chưa từng có” về thời gian; từ đó, con người phát triển nhanh hơn về kiến thức, nhận thức, trí tuệ và tư duy. Do thông tin nhiều chiều nên hoạt động giáo dục tất yếu phải dân chủ hơn, hạn chế áp đặt một chiều, tự do tư tưởng tốt hơn đối với người học, nhờ vậy, tư duy độc lập phát triển, dẫn đến năng lực phát triển.

3. Từ trước đến nay, giáo dục chủ yếu là cung cấp kiến thức, công việc của người thầy chủ yếu là truyền thụ kiến thức. Ngày nay, khoa học phát triển như vũ bão, kiến thức nhân loại nhiều vô kể, bổ sung mới liên tục, rất nhanh, người thầy không thể truyền thụ hết, không thể cập nhật và truyền thụ kịp. Đổi mới giáo dục phải chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, bằng cách giúp người học phương pháp tiếp cận và cách tự học, cách giải quyết vấn đề. Việc truyền thụ, cung cấp kiến thức, dần dần sẽ do công nghệ thông tin đảm nhận, giải phóng người thầy khỏi sự thiếu hụt thời gian, để người thầy có thể tập trung giúp học sinh phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, tổ chức các hoạt động học tập gắn với thực tiễn nhằm phát triển năng lực của học sinh.

4. Đổi mới giáo dục theo hướng giảm thuyết giảng, tăng tự học, thực hiện “giảng ít, học nhiều”, công nghệ thông tin tạo điều kiện cho mọi người có thể tự học ở mọi nơi, mọi lúc một cách thuận tiện, có thể tham gia thảo luận trong một tập thể mà mỗi người đang ở rất xa nhau, góp phần tạo ra xã hội học tập mà trong đó, mọi người có thể học tập suốt đời. Mặt khác, với sự thuận tiện cho việc học ở mọi lúc mọi nơi, công nghệ thông tin sẽ tạo cơ hội cho người học có thể lựa chọn những vấn đề mà mình ưa thích, phù hợp với năng khiếu của mỗi người, từ đó mà phát triển theo thế mạnh của từng người do cấu tạo khác nhau của các tiểu vùng vỏ não. Chính điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của các tài năng.

5. Đổi mới giáo dục phải nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc giảng dạy. Chất lượng giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người thầy. Công nghệ thông tin giúp cho những người thầy giỏi có thể thay thế nhiều người thầy không giỏi, tiếp cận cùng lúc với nhiều học sinh ở nhiều nơi, bất kể khoảng cách xa, gần. Hiệu quả của nền giáo dục thể hiện ở việc tạo ra những con người có năng lực, đồng thời thể hiện ở hiệu quả của nền kinh tế. Kinh tế tri thức, với các ngành công nghệ cao, là xu hướng tất yếu để có hiệu quả. Trong kinh tế tri thức và công nghệ cao, vai trò của thông tin ở vị trí hàng đầu. Vì vậy, công nghệ thông tin liên quan trực tiếp đến hiệu quả của nền kinh tế và hiệu quả của giáo dục.

 


Lớp tập huấn đổi mới sinh hoạt chuyên môn 
qua mạng trong nhà trường phổ thông tại huyên Nậm Pồ tỉnh Điện Biên

6. Do thông tin ngày càng nhiều, khoa học phát triển rất nhanh, cuộc sống và thế giới biến đổi nhanh hơn trước, vì vậy, vòng đời của sách giáo khoa in giấy cũng ngắn lại. Để đáp ứng cho nhu cầu cập nhật thông tin nhanh nhất, cùng với các trung tâm thông tin khoa học phát qua mạng để cung cấp kiến thức, sách giáo khoa điện tử ra đời, phát triển sẽ có nhiều ưu điểm về cập nhật thông tin và dung lượng thông tin (một thiết bị điện tử bằng một quyển sách mỏng có thể chứa một lượng thông tin bằng nhiều nghìn quyển sách in giấy).

7. Đổi mới giáo dục đòi hỏi nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý, quản trị giáo dục. Công nghệ thông tin giúp cho công việc quản lý đầy đủ hơn, khoa học hơn, minh bạch và dân chủ hơn, kể cả quản lý học sinh, nhân lực, chương trình học tập, công việc thi, kiểm tra và quản lý tài chính; không những thế, Công nghệ thông tin còn tham gia lựa chọn các phương án tối ưu cho quản lý.

8. Thư viện là thiết chế hết sức quan trọng của các đơn vị, địa phương, của các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học. Công nghệ thông tin giúp kết nối các thư viện trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho người học có thể tiếp cận tiện lợi được kho tàng kiến thức khổng lồ của nhân loại.

9. Đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế đòi hỏi học sinh của mỗi quốc gia phải tiếp cận với thế giới, tiếp biến văn hóa, vượt qua ranh giới quốc gia, đến với các nền văn hóa khác bằng việc vượt qua rào cản về ngôn ngữ do sự giúp đỡ của tiến bộ công nghệ về dịch máy, dịch tự động, trực tiếp.

10. Sự phát triển của công nghệ thông tin với các ưu thế nêu trên dẫn đến sự ra đời của các đại học “từ xa”, đại học “ảo”. Ta nói “ảo” là vì nó khác lạ so với mô hình đại học truyền thống chứ đúng ra nó vẫn là thực, cuộc sống thực, phương thức đào tạo thực, của thời đại công nghệ thông tin, mà tôi nghĩ rằng, trong tương lai, mô hình này sẽ khá phổ biến trong đào tạo đại học.

Còn mặt trái của công nghệ thông tin? Có mặt trái. Không riêng công nghệ thông tin, mà hầu như cái gì cũng có hai mặt. Mặt tích cực và mặt tiêu cực. Kẻ xấu, kẻ ác có thể sử dụng công nghệ thông tin để tác động vào con người theo hướng phản văn hóa, tuyên truyền lối sống hư hỏng, bịa đặt thông tin, vu cáo, xuyên tạc, đe dọa, xúc phạm nhân phẩm và tự do cá nhân, lừa gạt, tống tiền, cướp của, kích động bạo lực, thậm chí kích động chiến tranh… Những điều ấy gây hại cho giáo dục, văn hóa, cho an ninh quốc gia, thậm chí trầm trọng và hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà loài người cần từ chối công nghệ thông tin. Trước kia, khi những công cụ đồ sắt ra đời cũng có những mặt trái tương tự. Tội phạm sử dụng đồ sắt nguy hiểm hơn rất nhiều so với khi sử dụng đồ đá. Nhưng không phải vì vậy mà loài người phải quay trở lại thời kỳ đồ đá để cho an toàn hơn.

Mặt trái của công nghệ thông tin đòi hỏi phải chuẩn bị cho con người tinh thần cảnh giác, sức đề kháng của từng cá nhân và phải xây dựng các cơ chế quản lý, các quy định của luật pháp ngày càng hữu hiệu hơn để hạn chế, loại trừ, đấu tranh để giảm thiểu và vô hiệu hóa các hành vi gây hại. Trong quá trình phát triển của nền văn minh, cuộc sống thường xuyên đặt ra cho con người nhiều vấn đề phải giải quyết, và chính cuộc sống cũng tích lũy kinh nghiệm và phát triển trí khôn của con người.

Cũng có ý kiến phản biện rằng, khi công nghệ thông tin phát triển tràn ngập trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nó còn có mặt trái đáng sợ nữa là làm cho tâm hồn con người trở nên khô cứng do suốt ngày tiếp xúc với máy tính. Không đáng lo đến mức vậy đâu. Nhờ công nghệ thông tin mà con người được tiếp xúc nhiều hơn với văn học, thơ ca, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, phong cảnh,… những thứ tham gia tác động vào cuộc sống tâm hồn./.

Tác giả: TS. Vũ Ngọc Hoàng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập109
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm96
  • Hôm nay27,377
  • Tháng hiện tại810,218
  • Tổng lượt truy cập136,262,587
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi