banner

CNTT&NCKH – Văn học nhà trường - số 3: Bố ơi, con xin lỗi…

Chủ nhật - 28/04/2013 11:37
Dienbien.edu.vn - Đầu năm học 2009 – 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động Lễ “Tri ân và trưởng thành” nhằm giáo dục học sinh giữ gìn truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, biết tri ân những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục mình. Được sự đồng ý của Hiệu trưởng THPT Mường Ảng, Ban biên tập giới thiệu tới các em học sinh và các bậc phụ huynh lá thư của em Nguyễn Việt An, học sinh lớp 12A3, trường THPT Mường Ảng, viết cho người cha “đã bỏ rơi em từ năm em mới 3 tuổi” – lá thư giành giải nhất cuộc thi “Viết thư tri ân thầy cô và cha mẹ” do nhà trường phát động 2010.
BỐ ƠI, CON XIN LỖI ........Bố ơi, con xin lỗi…

Ngày thi tốt nghiệp của con đã đến dần. Càng gần đến ngày thi con càng nghĩ tới bố nhiều hơn. Con cũng không hiểu sao nữa, nhưng có lẽ bố hiểu. Trên đời này, con chỉ còn mình bố thôi.!

Bố ơi! Lần đầu tiên trường con tổ chức “Lễ tri ân” dành cho học sinh lớp 12, để mỗi học sinh trước khi ra trường có dịp bày tỏ những cảm xúc thầm kín nhất mà không phải lúc nào cũng dễ nói ra, đối với cha mẹ và thầy cô giáo đã dày công nuôi dưỡng, giáo dục mình trở thành người có ích. Bố dành cho con chút ít thời gian nhọc nhằn của bố, để lắng nghe con nói, một lần thôi, bố nhé?

Lệ thư, con xin cầu chúc tất cả mọi sự tốt lành nhất trên cuộc đời này đến với bố. Qua bố, cho con gửi lời chúc sức khỏe tới dì và cả em Phương nữa!

Thời gian trôi qua thật nhanh phải không bố? Năm nay con đã học lớp 12 rồi. Các bạn cùng lớp cứ thắc mắc mãi rằng, sao cậu lại viết thư cho bố? Không lẽ, bố và cậu chẳng bao giờ ngồi được với nhau? Bố ơi! Các bạn tưởng bố vẫn ở nhà, bố vẫn bên con cả những lúc con vui lẫn những lúc con buồn; những lúc con khỏe lẫn những khi con đau ốm, tủi cực. Bố có thấy con tội nghiệp không bố? Có thấy con cô đơn và đáng thương không bố? Mãi đến hôm nay các bạn con mới biết con không có bố mẹ ngay từ khi chưa đầy 3 tuổi. Một đứa bé 3 tuổi, cho dù có “già dặn” bao nhiêu, có cứng cỏi bao nhiêu thì trong tiềm thức cũng chỉ có một người mẹ duy nhất: đó là bà ngoại! Một người bố duy nhất: Đó là bà ngoại!

Bố có nghĩ rằng, thật may mắn cho con vì còn có bà ngoại không bố? Còn con thì thấy rằng, nếu không có sự đùm bọc, che chở của ngoại, con đã trở thành một mảnh hồn hoang phiêu dạt trong không trung từ lâu rồi. Một đứa trẻ 3 tuổi, khi gia đình tan vỡ,  bố đi một mạch vào Bình Phước -  cách nhà gần 2500km. Mẹ ôm ấp được vài bữa, rồi cũng lặng lẽ bỏ giọt máu bất hạnh lại, để ra đi với cuộc sống sung sướng và hạnh phúc riêng tư. Bà ngoại không nỡ để khúc ruột của mình từ từ lìa đứt nên đã đưa con về nuôi. Lúc ấy con ước, không có mẹ người đón con sẽ là bố, nhưng không...! Bố cũng không có mặt khi con trở về. Con chẳng còn biết được gì ngoài nỗi oán hận nhưng người sinh thành ra con, bố ạ.


Hạnh phúc đơn sơ (ảnh internet)

Thương ngoại con đã cố gắng học, nhưng vết rạn vỡ trong lòng con quá lớn. Mặc cho ngoại lý giải kiểu gì con cũng không nghe, bởi những lời nói ấy đều là sự biện minh cho lý do vắng mặt của bố. Con kệ bố, bố còn trẻ và bố cần có người làm bạn, chăm sóc... Con chỉ biết và nhắc mình phải oán hận bố, không cần bố, cho dù bố có ăn năn, hối hận vì đã bỏ rơi con...

Thấy thế, nghĩ thế nên con gắng tự lập trong điều kiện không có bố mẹ ở bên. Chỉ còn bà ngoại, một già một dại, nương tựa nhau lúc tắt lửa tối đèn. Điều duy nhất an ủi con là tình thương yêu của ngoại dành cho con. Hình như ngoại sống chỉ vì con và chỉ để yêu thương con thôi, bố ạ. Ngoài hàng ngày trồng rau, chăn gà để cho con ăn học bằng bạn bằng bè. Ngoại tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con. Con hiểu ngoại đang trông đợi ở con điều gì. Ngoại lo con sa ngã như những đứa con không cha không mẹ! Ngoại trông đợi được nhìn thấy con thành công trên con đường học vấn – con đường mà theo ngoại, sẽ giúp con trở thành người có ích, giúp con có cuộc sống tốt hơn.

Thời gian cứ nặng nề trôi qua, con lớn lên trong sự chăm chút, yêu thương nhọc nhằn của ngoại. Nhưng không lúc nào con thôi trách móc, giận hờn bố. Nhìn ngoại tóc bạc, mắt mờ, ngày càng một già yếu mà con thì mãi chưa trưởng thành, chưa tự kiếm nổi cho dù chỉ là một nghìn đồng, con càng lo và thương ngoại hơn. Những lúc con hờn giận bố, ngoại thường an ủi: “con đừng khóc, con không có bố nhưng còn có bà. Bà là tất cả cuộc sống của con cơ mà”. Có lẽ sự tủi cực trong cuộc sống gia đình đã làm con già dặn trước tuổi.

Ngày đầu tiên vào lớp 1. Người đi bên con, dắt tay con vào lớp không phải là mẹ hay bố, mà là ngoại. Nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa có bố mẹ đi bên cạnh, con đã òa khóc. Những lúc ấy con chỉ muốn ở nhà để gần ngoại mãi, con sợ con sẽ mất ngoại – người duy nhất con có thể nương tựa trên cõi đời này. Thỉnh thoảng ngoại vẫn ôm con vào lòng và bảo: “Bố con mới gửi tiền và quà cho con đấy”. Lúc ấy con thật dửng dưng. Con muốn nhìn thấy bố chứ không phải muốn nhìn thấy tiền và quà của bố.

Từ ngày mẹ có gia đình mới, mẹ đã quên hẳn là đã có con – cái đứa mà lúc con bập bẹ mẹ hay bảo, là giấc ngủ, miếng ăn và sự sống của mẹ. Thế mà lúc ấy mẹ đã quên con. Đã vài lần xin ngoại cho đi với mẹ, nhưng ngoại không cho, ngoại bảo sợ dượng không thương con: “Khác máu thì tanh lòng con ạ”. Lúc đó con không suy nghĩ được nhiều, ngoại bảo sao con làm vậy. Rồi khi nghĩ về bố, con không muốn bố sẽ như mẹ, có gia đình mới và không thương con nữa. Con muốn có  bố ở đây với con, chỉ thương một mình con thôi. Nhưng với suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ học lớp 2, con cũng hiểu được: con không thể ở mãi bên bố. Ngoại và các bác khuyên con nên để bố đi bước nữa, vì “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Bố có quyền được làm vậy, bố có quyền được hưởng hạnh phúc mới, cho dù hành phúc đó không có con...


Ba ơi, Ba nhìn kìa (Ảnh internet)

Rồi một chuyện bất hạnh nữa lại ập xuống đầu con. Dượng đột ngột mất, mẹ mắc vào những rắc rối của cuộc sống và suy sụp hoàn toàn, kể từ đó không ai còn gặp mẹ nữa. Cùng lúc ấy bà ngoại mất. Mọi thứ xung quanh con như sụp đổ. Con mất người thân, bạn bè thì xa lánh chê cười. Con dồn sự oán hận vào bố. Con oán hận bố vì sao không đón con về với bố. Bố dường như chẳng có linh cảm gì, cứ bặt âm vô tín. Con đã không còn muốn gì cả, không muốn cả sống nữa, bố ơi...

Nhưng rồi con đã hiểu, bố cũng có nỗi khổ riêng, nên chỉ có thể lo lắng cho con từ xa bằng những đồng tiền ít ỏi được vắt ra từ mồ hoi và nước mắt của bố. Vâng lời ngoại con đã học lên cấp III, nhưng khi ngoại mất con bắt đầu sao nhãng chuyện học hành, con sẵn sàng gây gổ với bất kỳ ai mà con muốn. Với suy nghĩ nông cạn của mình, con chỉ thấy cuộc đời này thật bạc, tàn nhẫn với con. Điều con muốn nhất lúc ấy là làm cho bố phải thật đau lòng và hối hận khi con sa ngã. Chỉ có như thế con mới thỏa lòng vì trả thù được bố...

Nhưng rồi, khi con đang trên đà trượt dốc thì bố xuất hiện. Bố đã thức tỉnh con bằng hai cái tát trời giáng. Đó là lần đầu tiên bố đánh con. Chỉ lạ là, lúc đau đớn ấy, con chợt nhận ra cũng có một cơn đau, lớn hơn cả ngàn lần cơn đau của con, đang giằng xé trong bố. Bố đánh con, mà con cản thấy bố đang đánh chính bố vậy. Nước mắt con cứ ứa ra mãi. Con khóc cho con, và con khóc cả cho bố. Bố cũng đã khóc. Giọt nước mắt của một người đàn ông vốn khó khăn lắm mới lăn ra, nhưng bố cũng đã khóc. Nước mắt bố như những nhát dao cứa vào tim con. Cho đến tận bây giờ con mới nhận ra nỗi đau thể xác nhất thời trong con, không thể nào so sánh được với nỗi đau tâm hồn con đã gây ra cho bố lúc đó.

Con thấy mình thật tệ. Tại sao con sống và học được đến lúc này, không phải công ơn của bố đó sao? Vậy mà con chỉ biết hận và hận bố. Con thật ân hận cho sự vô tâm, nhiều khi đến ác ý đấy của minh. Con không thể đổ thừa cho số phận như vậy được. Con không thể ép bố mẹ sống với nhau mà không có hạnh phúc. Như vậy con càng làm khổ bố mẹ hơn phải không bố?

Con xin lỗi bố vì tất cả, nhất là từ khi con biết có một nỗi đau man dại đang xé nát tâm can bố, bố ơi! Bố đúng là bố của con! Trước ngoại, trước con và trước cuộc đời này bố luôn vui vẻ và lạc quan, nhưng thực ra bố đã phải đấu tranh từng giây với sự sống đang ngắn dần trong bố. Bố đang đau, vậy sự nông nổi của con đã làm bố càng đau thêm. Bố ơi, có phải đến bây giờ con mới nhận ra việc làm sai trái của con là muộn không bố? Muốn nhưng vẫn còn hơn không nhận ra lỗi lầm của mình.  Càng hận mình con càng thương bà; càng giận mình con càng muốn nói với bố nhiều hơn: “bố ơi! Con xin lỗi bố”.

Bố cứ an tâm sống thật hạnh phúc với dì, với em. Con hứa với bố sẽ cố gắng học và thi thật tốt để bố và bà ngoại trên trời khỏi phải khổ tâm vì con. Con muốn nhanh chóng được báo hiếu bố, nhưng không biết mong ước ấy của con có còn thực hiện được nữa không? Căn bệnh ung thư quái ác trong bố liệu có cho con cơ hội ấy? Nhưng bố ơi, ngoài bố con không biết nương tựa vào ai nữa, nên bố hãy vì con mà vượt qua kiếp nạn này bố nhé. Con biết là rất khó nhưng con tin bố sẽ vì con...

Điều mong muốn lớn nhất của con bây giờ là con mong bố sẽ khỏi bệnh để nhìn thấy con trưởng thành. Con mong khi biết xong bức thư tri ân này, bố sẽ xuất hiện trước mắt con để con được trực tiếp nói với bố những điều mà mọi người con có hiếu đều muốn nói. Trong cuộc đời con, có lẽ ngày diễn ra buổi lễ tri ân ấy là ngày trọn vẹn nhất, và như thế con sẽ là người hạnh phúc nhất phải không bố? Có thể vì nhiều lý do, nó chỉ là giấc mơ của riêng con, bố nhỉ?

Con gái của bố
Nguyễn Việt An

TB: Con biết bố luôn mong con được bình an, hạnh phúc, may mắn  và thành công như cái tên bố đã đặt cho con: Nguyễn Việt An.
 
Giới thiệu: Nguyễn Hùng Cường – Phòng CNTT&NCKH

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm190
  • Hôm nay14,949
  • Tháng hiện tại703,330
  • Tổng lượt truy cập136,155,699
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi