banner

GDMN - Cảm xúc và tư duy của trẻ mẫu giáo qua tranh vẽ

Chủ nhật - 11/10/2015 21:43
dienbien.edu.vn - Đối với trẻ, thế giới xung quanh thật mới mẻ và lý thú, trẻ luôn muốn thông qua mọi phương tiện để biểu đạt những cảm xúc của mình. Trong điều kiện khả năng ngôn ngữ phát triển chưa hoàn thiện thì hội họa là phương tiện để biểu đạt hiệu quả nhất, lý thú nhất, đặc biệt là với trẻ ở gần tuổi đi học lớp một. Hơn thế nữa, tranh vẽ cũng là một phương pháp truyền đạt thông tin khá hiệu quả của trẻ.
  Hoạt động vẽ là một trong những nội dung giáo dục thẩm mỹ nhằm phát triển toàn diện cho trẻ mẫu giáo, thông qua đó phát triển cảm giác, tri giác, phát triển khả năng cảm thụ và khả năng sáng tạo, đồng thời vẽ còn là sự biểu lộ thái độ, tình cảm yêu ghét của trẻ đối với thế giới xung quanh.

Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ đã tiếp thu một lượng tri thức đáng kể về thế giới xung quanh do trẻ trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy và sờ thấy hoặc do người lớn kể lại qua các câu chuyện, phim ảnh. Từ đó thế giới biểu tượng của trẻ cũng phong phú dần lên và làm nảy sinh tính ham hiểu biết, hứng thú nhận thức, muốn khám phá những điều mới lạ. Xuất phát từ đó trẻ bắt đầu quan tâm đến các kiểu dáng, cách trang trí, thiết kế... kết hợp lại với nhau và được trẻ thể hiện qua tranh vẽ một cách trượng trưng. Những nét vẽ nghuệch ngoạc, hồn nhiên, hết sức bình dị nhưng rất cần thiết trong quá trình hình thành khả năng cảm thụ cái đẹp và khả năng tư duy sáng tạo của trẻ. Từ những nét vẽ, bức tranh đó chính là cảm xúc, tình cảm là ước mơ mà trẻ đã thể hiện trên trang giấy.


Hoạt động tạo hình của các bé trường MN Lay Nưa, thị xã Mường Lay

Lứa tuổi mẫu giáo là lứa tuổi tràn ngập xúc cảm, phát triển trí tò mò, trí tưởng tượng bay bổng, khả năng liên tưởng mạnh. Vì vậy đây là giai đoạn tối ưu, là “mảnh đất” màu mỡ để gieo hành vi sáng tạo. Mọi trẻ em đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo, sự sáng tạo của trẻ không giống sự sáng tạo của người lớn. Sáng tạo của người lớn là tạo ra cái mới, cái độc đáo, gắn với tính chủ đích, có tính bền vững và thường là kết quả của quá trình nỗ lực tìm tòi... Sự sáng tạo của trẻ em lại khác, thường bắt đầu bằng sự tái tạo, bắt chước, mô phỏng và thường không có tính chủ đích. Sự sáng tạo của trẻ em phụ thuộc nhiều vào cảm xúc, vào tình huống và thường kém bền vững. Do đó tranh vẽ của trẻ nhỏ chưa phải là những tác phẩm nghệ thuật thực thụ, trẻ sẵn sàng vẽ bất cứ cái gì, không biết sợ, không biết tới khó khăn trong miêu tả. Càng nhỏ tuổi trẻ càng dễ lựa chọn đối tượng miêu tả, bởi lẽ đối tượng đó thường là cái trẻ thích, trẻ muốn chứ không phải là cái dễ vẽ.

Mối quan tâm chính trong tranh vẽ của trẻ tập trung vào sự thể hiện, biểu cảm. Trẻ càng nhỏ càng ít quan tâm tới sự đánh giá thẩm mỹ của người xem mà chỉ cố gắng truyền đạt, giúp người xem hiểu được những suy nghĩ, thái độ, tình cảm của mình qua những gì được miêu tả.

Tính không chủ định cũng là một đặc điểm tâm lý rất đặc trưng tạo cho tranh vẽ của trẻ có vẻ hấp dẫn riêng. Do đó, trẻ chưa có khả năng độc lập suy tính công việc một cách chi tiết, các ý định miêu tả của trẻ thường nảy sinh một cách tình cờ.

Ban đầu là những kiến thức, kỹ năng cơ bản, theo thời gian, qua luyện tập, dần dần trẻ tích luỹ được kinh nghiệm và phát triển khả năng thẩm mỹ, năng khiếu thẩm mỹ. Thế giới trong mắt trẻ thơ là một thế giới sinh động, rực rỡ sắc màu và được trẻ thể hiện những điều trẻ muốn nói, mang dấu ấn của riêng mình. Những gì trẻ miêu tả trong tranh vẽ thể hiện trí tưởng tượng vô cùng phong phú, đáng yêu và ngộ nghĩnh. Màu sắc, đường nét mà trẻ vẽ nhiều khi phi lí, trái với thực tế nhưng lại vô cùng có lí khi nghe trẻ lí giải. Chúng ta thường có thói quen dùng màu sắc thực tế để tô màu nhưng với trẻ màu sắc không nhất thiết là màu xanh tô lá cây, màu nâu tô cho mặt đất..., điều thú vị nhất khi khám phá các tác phẩm của trẻ là những điều diễn giải thú vị đằng sau những nét vẽ ngộ nghĩnh, ngây thơ.

Khả năng thể hiện tư duy hình tượng và xúc cảm, tình cảm trong tranh vẽ của trẻ được phát triển theo từng lứa tuổi.

Trẻ 3 tuổi là kiểu tư duy trực quan- hành động chuyển sang kiểu tư duy trực quan - hình tượng. Tư duy của trẻ đã đưa vào những hình ảnh hiện có trong óc chứ không chỉ dựa vào những hành động diễn ra bằng tay. Trẻ tư duy thế giới xung quanh bằng con mắt ngây thơ trong sáng và non nớt. Khi có thể cầm bút trong tay thì một trong những hoạt động thú vị nhất của trẻ là nguệch ngoạc những hình thù trên giấy. Trẻ vẽ không theo một tiêu chuẩn về kỹ thuật như bố cục, phối màu hay phải giống thực. Với những bức vẽ hình thù kì lạ lại là một thông điệp hay một bản “mô tả bản thân” khá phong phú. Qua đó trẻ bày tỏ một cách hoàn toàn vô thức những gì các em đã thấy, đã hình dung và cả những mong ước thầm kín của mình. Điều này “thực” hơn rất nhiều những gì các em đã vẽ dưới sự hướng dẫn của người lớn.

Khả năng sử dụng đường nét, hình dạng như những phương tiện truyền cảm, thể hiện ở mức độ tích cực và tương đối chuẩn xác trong việc thể hiện các sự vật có hình dạng tròn, hình vuông, hình tam giác, linh hoạt sử dụng phương thức vẽ các sự vật đơn giản mà trẻ quan sát được trong môi trường xung quanh. Mặc dù các hình vẽ ở độ tuổi này tạo nên còn thật sơ lược, ấu trĩ và khó hiểu đối với người lớn nhưng trong con mắt trẻ thơ chúng lại rất sống động và như thật. Đây là một đặc điểm mà người lớn cần chú ý tận dụng để phát triển hứng thú, tư duy và tưởng tượng sáng tạo của trẻ trong tranh vẽ. Ngoài ra ở lứa tuổi này trẻ thường có xu hướng dùng màu tự do thể hiện theo ý thích, không nhất thiết giống với màu sắc của vật thật. Vì đặc điểm này mà xem tranh trẻ em chúng ta có cảm nhận rằng, trẻ thường phá vỡ hình ảnh trọn vẹn của sự vật thành những bộ phận rời rạc khi chúng vẽ mỗi bộ phận, mỗi chi tiết của hình vẽ bằng một màu khác nhau.

Trẻ 4 tuổi bắt đầu suy nghĩ, xem xét hoạt động, lựa chọn phương pháp, phương tiện để giải quyết nhiệm vụ tư duy sao cho phù hợp. Nhờ có sự phát triển ngôn ngữ trẻ xuất hiện loại tư duy trừu tượng, phần lớn trẻ đã biết khả năng suy luận. Ở cuối tuổi này trẻ thường sử dụng kí hiệu, sơ đồ để làm điểm tựa. Hành động tư duy lô gíc phát triển nhờ khả năng sử dụng kí hiệu dần dần trẻ đã có tư duy trừu tượng- khái quát khi giải quyết các nhiệm vụ trí tuệ. Nhờ đó trẻ đã bắt đầu hiểu được chức năng thẩm mỹ của các đường nét, các hình dạng. Ở tuổi này, trẻ có khả năng phân biệt và học điều chỉnh đường nét để vẽ nhiều loại hình học có quan hệ gần gũi với nhau như hình tròn, hình ô van, hình vuông, hình chữ nhật, các hình dạng tam giác như cây, nhà, ô tô, con vật, nhân vật..., khả năng này tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng mở rộng phạm vi các đối tượng miêu tả tự chọn. Tuy nhiên, các hình vẽ của trẻ còn mang nặng tính lắp ráp và còn gần gũi với các hình học cơ bản. ở lứa tuổi này, trẻ vẽ màu tương ứng với màu của mọi vật trong hiện thực. Trong quá trình vẽ, trẻ bắt đầu nhận biết, phân biệt màu sắc thật của một số đồ vật, hoa quả như một dấu hiệu bắt buộc, như nét đặc thù của mọi vật và vẽ hình bằng màu “quy định bắt buộc” đó mà không quan tâm tới sự biến đổi màu sắc rất sinh động do đặc điểm chiếu sáng, đặc điểm thời gian, không gian trong hiện thực.

Trẻ 5 tuổi hình thành kiểu tư duy mới- trực quan sơ đồ giúp trẻ hiểu được những thuộc tính bản chất của sự vật hiện tượng. Đây là một bước ngoặt trong sự phát triển tư duy của trẻ chuyển từ tính hình tượng sang tính trừu tượng. ở tuổi này do sự phát triển về thể lực, cơ bắp và sự khéo của vận động, trẻ đã có khả năng tạo nên các đường nét với tính chất khác nhau khá phức tạp. Cùng với sự tăng lên ngày càng phong phú của các kinh nghiệm nhận thức, các ấn tượng, xúc cảm, tình cảm, trẻ bắt đầu nhận ra được sự hạn chế và vẻ hấp dẫn của các hình vẽ khái quát với những đường nét đơn điệu, sơ lược. Đặc biệt trẻ ở tuổi này khá linh hoạt trong việc biến đổi, phối hợp tính chất của đường nét và hình thể để thể hiện hình vẽ độc đáo, rất riêng của mỗi hình tượng, sự vật cụ thể. ở độ tuổi này nhiều trẻ đã có vốn hiểu biết khá phong phú về cảm giác màu sắc, đã có khả năng độc lập quan sát để thấy được vẻ linh hoạt trong sự thay đổi màu sắc của các sự vật hiện tượng trong hiện thực và làm quen qua quá trình tri giác với một số cách phối hợp màu sắc. Tính tích cực quan sát, nhận thức chính là điều kiện giúp trẻ biết sử dụng màu sắc một cách sinh động để thể hiện một cách sáng tạo nội dung tranh vẽ, qua đó mà biểu lộ suy nghĩ, tình cảm, ước mơ của mình qua những bức tranh trẻ vẽ.


Tranh vẽ của bé

Qua 3 độ tuổi ta có thể thấy rằng khả năng cảm nhận và thể hiện cách vẽ của trẻ có sự thay đổi rõ rệt về cả tư duy cũng như trí tưởng tượng và sáng tạo. Điều đó cho ta thấy hoạt động vẽ của trẻ mẫu giáo là hoạt động trẻ sử dụng hệ thống các biểu tượng mỹ thuật mang tính hình học không gian đa dạng để thể hiện những cảm xúc và tình cảm chính bản thân trẻ. Cảm nhận mỹ thuật qua tranh vẽ vừa là sự cảm nhận về cái đẹp của tác phẩm thông qua cảm giác và tri giác. Đồng thời vừa là quá trình tiếp nhận vào bên trong của những cảm xúc phán đoán. Vì vậy tranh vẽ có giá trị giáo dục rất lớn đối với trẻ mẫu giáo.

Trẻ em nói chung đều thích vẽ tranh mặc dù đó là những bức tranh vẽ theo cảm hứng, dẫu động tác còn vụng về nhưng trẻ vẫn muốn thể hiện “tài năng” của mình. Trẻ được tự do tưởng tượng, bộc lộ niềm vui, ý thích của mình trong tranh vẽ. Cha mẹ, cô giáo và cảnh vật luôn là đối tượng trẻ muốn thể hiện đầu tiên và là hình tượng nghệ thuật quan trọng, có tác dụng gợi mở khả năng hội họa của trẻ. Bồi dưỡng năng lực hội họa cho trẻ cần được bắt đầu khi trẻ còn nhỏ tuổi. Người lớn cần hướng dẫn trẻ vẽ một cách phù hợp, đúng với lứa tuổi kết hợp với rèn kỹ năng cơ bản để khai thác và phát huy được trí tưởng tượng sáng tạo cũng như năng lực bên trong của trẻ. Những hoạt động vẽ tranh đối với trẻ mẫu giáo vừa có giá trị giáo dục sâu sắc, vừa tích hợp được tất cả các lĩnh vực phát triển khác. Vì vậy các bậc cha mẹ không nhìn nhận một cách phiến diện đối với những bức tranh của con cái mình mà cần có thái độ ân cần, quan tâm, hỏi han trẻ xem vì sao trẻ lại làm như vậy, vẽ như thế có ý nghĩa gì? Điều đó sẽ giúp cha mẹ, cô giáo hiểu được những nhận thức, suy nghĩ về thế giới xung quanh, từ đó giúp trẻ thể hiện được sự hiểu biết phong phú về cuộc sống đời thường thông qua những bức tranh của trẻ. Đồng thời, vẽ tranh còn giúp trẻ có được những giây phút thư giãn, sáng tạo cũng như khả năng diễn đạt của trẻ. Chúng ta phải đặt mình vào vị trí của trẻ, quan sát, tư duy theo cách của trẻ thì mới hiểu được tranh của trẻ muốn nói gì./.

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập118
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm110
  • Hôm nay25,697
  • Tháng hiện tại692,936
  • Tổng lượt truy cập136,145,305
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi