banner

GDMN - Chia sẻ kinh nghiệm số 1: Sử dụng phương pháp “Trực quan hành động” để dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số

Thứ ba - 26/02/2013 22:21
Dienbien.edu.vn - “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người” (Voltaire). Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm hay trong giáo dục để ngọn lửa tri thức, ngọn lửa nhiệt huyết đối với giáo dục luôn cháy sáng.
Từ tháng 3/2013, phòng Giáo dục Mầm non sẽ mở chuyên mục “Chia sẻ kinh nghiệm”, định kì mỗi tháng 02 số, chuyên mục sẽ đăng tải những kinh nghiệm chuyên môn trong công tác quản lý và giảng dạy nói chung, đặc biệt là về giáo dục mầm non. Như một câu danh ngôn từng nói “Người giàu có không phải là người có nhiều, mà là người cho nhiều”, hãy chia sẻ để trở thành những người giàu có về tri thức, bạn nhé. Rất mong nhận được những chia sẻ cộng tác của các bạn. Bài viết xin gửi về địa chỉ: phonggdmn.sodienbien@moet.edu.vn

Thuật ngữ “Trực quan hành động” (TQHĐ) là cụm từ được dịch ra tiếng Việt từ tên gọi Total Physical Response (TPR), một phương pháp dạy học thông qua hành động. Phương pháp này rất hiệu quả đối với người bắt đầu học một ngôn ngữ mới (ngoài tiếng mẹ đẻ), cho phép người học tiếp thu ngôn ngữ mới một cách dễ dàng và tự nhiên mà không bắt buộc phải quá tập trung hay căng thẳng. Phương pháp này được áp dụng rộng rãi và hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. Với phương pháp này, người học được sử dụng tích cực các giác quan và vận động của cơ thể trong suốt quá trình tham gia vào hoạt động học tập và thực hành ngôn ngữ mới. Các kỹ năng nghe - quan sát - phản hồi (bằng hành động của cơ thể) được sử dụng hiệu quả trong quá trình học tập. Phương pháp này giúp giáo viên và trẻ có thể áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo các hoạt động dạy và học để đạt được những giờ học thực sự tích cực.
 

 
Khi sử dụng phương pháp dạy học này ở 4 loại cơ bản: Trực quan hành động với cơ thể (học ngôn ngữ thông qua hoạt động với các vận động cơ bản của cơ thể); trực quan hành động với đồ vật (học ngôn ngữ thông qua hoạt động với các đồ vật); trực quan hành động với hình ảnh (học ngôn ngữ thông qua hoạt động với hình ảnh); trực quan hành động với các câu chuyện (học ngôn ngữ thông qua hoạt động với nội dung các câu chuyện) ta có thể nhận thấy rõ những ưu điểm như: Trẻ tiếp thu hiệu quả và học ngôn ngữ mới một cách tự nhiên; duy trì và sử dụng được ngôn ngữ một cách liên tục và có hệ thống; kích thích quá trình học tập với sự tham gia tích cực của người học, không gây căng thẳng trong quá trình học; đơn giản, dễ áp dụng một cách sáng tạo và linh hoạt… Việc lựa chọn ứng dụng các loại hình TQHĐ, giáo viên cần xác định khả năng của người học, thời điểm áp dụng, loại từ vựng và các điều kiện về cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi … Tuy nhiên, để vận dụng có hiệu quả phương pháp dạy học này đòi hỏi giáo viên mầm non phải linh hoạt và sáng tạo từ việc lựa chọn nội dung đến hình thức và các điều kiện để tổ chức hoạt động giáo dục này. Tôi xin chia sẻ cùng các đồng nghiệp một số kinh nghiệm khi chúng ta sử dụng phương pháp này:

1. Với loại hình trực quan hành động với cơ thể:  

Trước tiên cần sử dụng các vận động cơ thể, trẻ sẽ hiểu được ý nghĩa của hành động đó trước khi nói một từ mới. Hình thức này phù hợp nhất là khi cho trẻ học về các động từ. Ví dụ: khi cho trẻ học về các quy định của lớp như đứng lên, ngồi xuống, … Với cách làm này, trẻ vừa hiểu được nghĩa của từ, vừa nói được chính xác từ mới. Riêng đối với trẻ mẫu giáo bé (trẻ mới ra lớp), giáo viên cần chọn lọc để ưu tiên dạy các động từ chỉ vận động cơ bản của cơ thể như: đi, chạy, nhảy, đứng lên, ngồi xuống,... sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập được với các quy định, nền nếp ... của lớp.

Với cách sử dụng vận động cơ thể như vậy, mặc dù không có đồ dùng, đồ chơi nhưng vẫn cung cấp cho trẻ một số vốn từ và cấu trúc ngữ pháp nhất định giúp trẻ nghe hiểu tiếng Việt dễ dàng hơn. 

2. Với loại hình trực quan hành động với đồ vật:

Giáo viên sử dụng các đồ vật/đồ chơi gần gũi, quen thuộc với trẻ để dạy tiếng Việt cho trẻ. Với trẻ lớp bé, trẻ mới ra lớp nên lựa chọn các vật thật hoặc các đồ dùng, đồ chơi sẵn có trong lớp vả trẻ thường được chơi và sử dụng để cho trẻ học. Không nên chụp ảnh các đồ vật sẵn có trong lớp, những đồ vật giáo viên có thể chuẩn bị được để đưa vào máy tính và trình chiếu cho trẻ quan sát mà nên sử dụng các đồ vật/đồ chơi thật giúp trẻ vừa được học từ, học câu và vừa được thao tác với đồ vật/đồ chơi có kết hợp sử dụng ngôn ngữ, ngôn ngữ thứ hai sẽ trở nên gần gũi hơn với đời sống hàng ngày của trẻ.

Chỉ nên dạy cho trẻ nói cả câu sau khi trẻ đã nắm vững các từ mới. Để thực hiện dạy câu cho trẻ, giáo viên tăng cường vận dụng các hình thức cho trẻ được hoạt động cá nhân, hoạt động theo nhóm. Ví dụ: Chia nhóm 2- 3 trẻ để thực hành, một trẻ đặt câu hỏi, một trẻ trả lời, sau đó đổi vai cho nhau... Đối với các lớp mẫu giáo ghép, việc chia nhóm trẻ hoạt động, giáo viên nên linh hoạt, tạo điều kiện cho trẻ có thể hỗ trợ nhau trong quá trình tham gia các hoạt động.

Với hình thức này sẽ giúp trẻ học được các danh từ theo các chủ đề. Các từ đã học được sử dụng thường xuyên cùng với những từ mới sẽ làm cho vốn từ vựng của trẻ thêm phong phú.
 
        

3. Với loại hình trực quan hành động với tranh ảnh:

Trực quan hành động với tranh ảnh thường được áp dụng sau khi trẻ đã nắm được các từ mới của phần trực quan hành động với cơ thể và trực quan hành động với đồ vật - trẻ đã có một lượng từ vựng nhất định - giúp trẻ có cơ hội được củng cố, mở rộng vốn từ, cách sử dụng từ, câu trong thực tiễn. Hình thức này có ba cách thể hiện: Sử dụng các bức tranh có sẵn; trẻ vẽ tranh theo yêu cầu của giáo viên; di chuyển tới các tranh/ảnh.

Đối với hình thức vẽ tranh theo yêu cầu, giáo viên nên đưa ra các yêu cầu phải là những từ và những biểu tượng trẻ đã biết. Đồng thời nên dành thời gian để trẻ có thể suy nghĩ, hoặc gọi những trẻ nhanh nhẹn (trẻ lớn) nói trước, sau đó cho trẻ khác (trẻ bé) nhắc lại.

Với hình thức di chuyển tới các bức tranh/ảnh nên sử dụng khi muốn dạy trẻ học các từ chỉ các địa điểm, nơi chốn. Tranh ảnh dùng cho trẻ mẫu giáo bé phải là tranh vẽ rõ, màu sắc đẹp, ít chi tiết hơn so với trẻ mẫu giáo nhỡ và lớn. Trong quá trình tổ chức giáo viên nên định hướng cho trẻ hoạt động theo nhóm: Trẻ tự đưa ra yêu cầu để các trẻ khác trong nhóm thực hiện.

4. Với loại hình trực quan hành động với câu chuyện:

Truyện được lựa chọn để dạy trẻ phải đơn giản, nội dung gần gũi, dễ hiễu. Những câu chuyện dạy trẻ có thể lấy từ cuộc sống gần gũi ở địa phương, có thể do giáo viên sáng tác theo các chủ đề giáo dục, hoặc là những truyện đã được xuất bản (truyện văn học). Nếu có tranh vẽ thì hình ảnh mô tả rõ hành động để trẻ dễ quan sát. Truyện dùng cho trẻ mẫu giáo bé nên là những truyện ngắn có tranh minh họa 4-6 trang. Mỗi trang truyện có 1-2 câu đơn ngắn (khoảng 3-4 từ). Số trang sẽ tăng dần theo sự hiểu biết của trẻ có thể 6-8 trang với 2-3 câu/trang. Sau khi trẻ đã nắm được nội dung câu chuyện, nên khuyến khích trẻ tự kể chuyện cho các bạn (nhóm) nghe theo sự hiểu biết của mình với sự quan sát và giúp đỡ trẻ diễn đạt lại câu chuyện của cô giáo (không nên bắt trẻ nói hoặc kể giống hệt với lời dẫn của cô giáo mà chỉ cần trẻ kể đảm bảo đúng cốt chuyện).

Các loại hình TQHĐ không đứng độc lập mà có tính bổ trợ cho nhau nên điều quan trọng là chúng ta nên phối hợp các từ, câu đã học ở mỗi loại hình TQHĐ khác nhau để giúp trẻ được rèn luyện ngôn ngữ mới một cách liên tục, có sự tiếp nối và tăng dần mức độ phức tạp của câu.

Hy vọng một số kinh nghiệm này hữu ích đối với các đồng nghiệp khi thực hiện triển khai công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số. Mong muốn nhận được những chia sẻ của các đồng nghiệp./.

Tác giả: Nguyễn Thị Thúy

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập123
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm115
  • Hôm nay19,887
  • Tháng hiện tại682,571
  • Tổng lượt truy cập136,134,940
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi