banner

GDMN - Chia sẻ kinh nghiệm số 12. Vận dụng các hình thức tổ chức hoạt động học cho trẻ lớp mẫu giáo ghép thế nào để đạt hiệu quả ?

Thứ năm - 23/01/2014 20:44
dienbien.edu.vn - Với trẻ mẫu giáo, hoạt động vui chơi được xác định là hoạt động chủ đạo của trẻ, trẻ học bằng chơi, chơi mà học. Để tổ chức hoạt động học cho trẻ mẫu giáo ở các lớp đơn đạt hiệu quả đòi hỏi phải có sự linh hoạt, mềm dẻo trong việc vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức giờ học.
Đối với lớp mẫu giáo ghép, sự linh hoạt, mềm dẻo  đó còn đòi hỏi ở việc phù hợp với trẻ nhiều độ tuổi trong lớp, trẻ dân tộc thiểu số hạn chế về tiếng Việt. Do vậy, một trong những nguyên tắc vận dụng các hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ nói chung và hoạt động học nói riêng là “hướng vào sự tương tác giữa trẻ ở các độ tuổi”.


Dự giờ ở lớp mẫu giáo ghép

Tổ chức hoạt động học ở lớp mẫu giáo ghép khác ở lớp đơn như thế nào?

- Mục tiêu giáo dục/ yêu cầu của hoạt động học: xác định riêng cho từng độ tuổi có trong lớp. 

- Nội dung học: mang tính đồng tâm, phát triển, nghĩa là cùng một nội dung học nhưng mức độ khác nhau đối với từng độ tuổi.

- Phương pháp dạy - học: ưu tiên lựa chọn những phương pháp mà trẻ ở các độ tuổi đều được tham gia, tương tác với nhau và tương tác với giáo viên.

- Hình thức tổ chức hoạt động học: đặc biệt hướng vào sự tương tác giữa các cá nhân và các nhóm.

- Đánh giá hoạt động học của trẻ: theo mục tiêu cần đạt của từng độ tuổi có trong lớp.

Từ sự khác biệt đó dẫn tới: công tác chuẩn bị cho giờ học, thực hiện hoạt động học và việc đánh giá chất lượng trẻ của giờ học cũng có sự khác biệt gì? Thực hiện như thế nào?

1. Công tác chuẩn bị cho giờ học

Thông qua việc soạn GA: chuẩn bị gồm: xác định mục tiêu/yêu cầu (căn cứ vào mục tiêu của chủ đề và kế hoạch của các tuần, trình độ của trẻ) -> chọn nội dung -> lựa chọn phương pháp-> chọn hình thức tổ chức-> chọn phương tiện.

1.1 Xác định mục tiêu cho giờ học

- Cần xác định mục tiêu về: kiến thức, kỹ năng, thái độ. Để xác định được GV cần căn cứ vào kế hoạch tuần.

- Thường biểu đạt rõ ràng bằng các động từ, có thể quan sát/đo/đếm/có khả năng thực hiện được.

1.2 Chọn nội dung học (bước này đã làm trong quá trình xây dựng KH tuần).

1.3 Chọn phương pháp dạy học/chọn hoạt động

- Lựa chọn phối hợp các phương pháp trong 5 nhóm phương pháp được quy định trong chương trình GDMN: (1) thực hành trải nghiệm, (2) trực quan - minh họa, (3) dùng lời nói, (4) giáo dục bằng tình cảm, và khích lệ, (5) nêu gương - đánh giá.

Lưu ý: MGG - nên lựa chọn phương pháp mà theo đó trẻ cùng độ tuổi và khác độ tuổi có thể tương tác với nhau để hoàn thành nội dung học và đạt mục tiêu của từng độ tuổi.

VD: PP dùng trò chơi, đàm thoại, làm mẫu - trẻ lớn làm, trẻ bé làm theo...

- PP dạy học được thể hiện ở các HĐ GD: vui chơi (HĐ góc), trò chuyện, kể chuyện, đọc thơ/ca dao/đồng dao.., hát, VĐ theo nhạc, đố- đoán, giấu - tìm, khám phá, trải nghiệm, trình diễn, thi đua....

Lưu ý: Hoạt động giáo dục cần phù hợp với phương pháp đã lựa chọn, với nội dung học và nhằm vào mục tiêu giáo dục/ yêu cầu đã xác định ở từng độ tuổi

1.4 Chọn hình thức tổ chức HĐ học

- Có 3 hình thức: HĐ chung cả lớp, nhóm, cá nhân (giống lớp đơn).

- MGG phải tùy vào: đặc điểm nội dung học, đặc điểm trẻ, điều kiện CSVC mà mỗi hình thức được tiến hành khác nhau. Cụ thể:

a) Hình thức tổ chức chung cả lớp:

Sử dụng khi nào? Khi cả lớp học cùng 1 nội dung mới hoặc cả lớp học cùng 1 nội dung nhưng mức độ khác nhau ở các độ tuổi trong lớp.

Sử dụng như thế nào?

- Khi cùng học nội dung mới (tất cả trẻ trong lớp đều chưa biết): GV tổ chức HĐ theo trình tự các bước lên lớp như lớp đơn. Khác ở chỗ: yêu cầu đặt ra dễ hơn cho nhóm bé, yêu cầu khó hơn cho nhóm lớn.

VD: Cả lớp ghép 3 độ tuổi chưa biết hát bài hát “Cô giáo miền xuôi”, GV thực hiện như sau:

Tổ chức cho trẻ học hát (GV hát mẫu, cả lớp hát) sau khi trẻ đã thuộc lời -> GV chia nhóm cho trẻ hát theo nhóm tuổi (3t/ 4t/ 5t) và yêu cầu đối với các nhóm cụ thể: MGB: hát tự nhiên thoải mái, MGN: hát đúng giai điệu và thể hiện sắc thái của bài hát.

- Khi cùng học nội dung nhưng khác mức độ (một số trẻ đã biết, mức độ biết về nội dung này là khác nhau ở các trẻ) – hình thức này phổ biến hơn ở lớp ghép do tỷ lệ huy động trẻ MG ra lớp của tỉnh ta cao, trẻ được học từ 2 đến 3 năm ở MG.

VD: Nội dung khám phá khoa học về đồ vật (CTGDMN, trang 43): trẻ 3 tuổi học đặc điểm nổi bật của đồ dùng, đồ chơi ; trẻ 4 tuổi và 5 tuổi học đặc điểm của đồ dùng, đồ chơi. Với nội dung này, giáo viên có thể chọn hình thức tổ chức hoạt động học cho trẻ như sau:

Giáo viên khuyến khích trẻ 3 tuổi tìm và kể đặc điểm nổi bật của đồ dùng, đồ chơi; trẻ 4 tuổi, 5 tuổi quan sát, lắng nghe và bổ sung cho trẻ 3 tuổi => Giáo viên khuyến khích trẻ 4 tuổi, 5 tuổi kể tiếp đặc điểm của đồ dùng, đồ chơi mà trẻ 3 tuổi chưa nêu ra; trẻ 3 tuổi lắng nghe và bắt chước theo trẻ 4 tuổi, 5 tuổi.

b) Hình thức tổ chức theo các nhóm nhỏ

Có những cách chia nhóm nào? Cùng độ tuổi; khác độ tuổi.

Sử dụng khi nào? Khi trẻ có thể tự chơi hoặc học cùng được với nhau. Phù hợp sử dụng khi tổ chức giờ học mà các độ tuổi học cùng 1 nội dung nhưng khác mức độ; cùng lĩnh vực phát triển nhưng khác nội dung giáo dục.

Sử dụng như thế nào?

- Khi trẻ học cùng một nội dung giáo dục nhưng khác mức độ:

VD: Trẻ ở lớp ghép 3 độ tuổi cùng học vẽ theo chủ đề Thuyền buồm. Trẻ 3 tuổi tô màu, trẻ 4 tuổi vẽ thuyền buồm và 5 tuổi vẽ và tô màu. Giáo viên chia trẻ ngồi theo nhóm 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi. Trẻ 5 tuổi phát đồ dùng cho cả nhóm/lớp.

Với trẻ 3 tuổi : Giáo viên làm mẫu, trẻ tô theo. Giáo viên cầm tay cho trẻ tô (nếu cần). Với trẻ 4 tuổi: Giáo viên khuyến khích trẻ hoàn thành bức vẽ, gợi ý để trẻ vẽ thêm những chi tiết khác vào bức tranh, quan sát giúp đỡ trẻ chưa biết cách vẽ. Trẻ 5 tuổi tự vẽ và tô màu. Nếu trẻ 5 tuổi xong trước có thể giúp cô hướng dẫn các em 3 tuổi, 4 tuổi.

- Khi trẻ học cùng lĩnh vực phát triển nhưng khác nội dung giáo dục:

VD: Trẻ ở lớp ghép 3 độ tuổi cùng học vẽ. Nội dung đối với trẻ 3 tuổi tập cầm bút di nguệch ngoạc, trẻ  4 tuổi vẽ, 5 tuổi vẽ và tô màu.

Giáo viên chia mỗi nhóm có cả 3 độ tuổi. Trẻ 5 tuổi phát đồ dùng cho cả nhóm. Giáo viên khuyến khích nhóm trẻ 3 tuổi bắt chước anh chị 4, 5 tuổi cầm bút và  di nguệch ngoạc, nhóm trẻ 4 tuổi tự vẽ và nhờ anh chị 5 tuổi tô màu cho đẹp, nhóm  trẻ 5 tuổi tự tô và vẽ, rồi giúp các em nhỏ tô màu.

c) Hình thức tổ chức cá nhân

Sử dụng khi nào? Sử dụng đối với những trẻ đặc biệt: mới đến lớp, trẻ không theo kịp các bạn, trẻ có khả năng đặc biệt, trẻ có khiếm khuyết về vật chất/tinh thần.

Sử dụng như thế nào?

GV cần nắm vững mức độ phát triển của trẻ => hướng dẫn phù hợp với trình độ của trẻ, có sự giúp đỡ của bạn bè.

Lưu ý: Trong 1 giờ học không bắt buộc chỉ sử dụng 1 hình thức mà có thể vận dụng linh hoạt nhiều hình thức khác nhau.Tuỳ vào nội dung học và trình độ của trẻ mà kết hợp 2 hay 3 hình thức, mỗi hình thức có thể sử dụng 1 lần hay nhiều lần trong một hoạt động học.  Các hoạt động cá nhân thường sử dụng sau khi đã sử dụng các hình thức cả lớp, nhóm.

VD: 
 
Kiểu kết hợp Thứ tự các hình thức tổ chức hoạt động học
1 Cả lớp Nhóm Cá nhân
2 Nhóm Cả lớp Cá nhân
3 Cả lớp Nhóm  
4 Nhóm Cá nhân  
v.v…      








GV sử dụng các hình thức này có thể tạo ra sự tương tác tích cực giữa các thành viên trong nhóm, giữa các nhóm với nhau (nhóm cùng hoặc không cùng độ tuổi). => đây là lợi thế của lớp MGG.

Các tương tác thường thấy là :

Giúp đỡ: Trẻ bé thực hiện nhiệm vụ, trẻ lớn theo dõi, giúp đỡ trẻ bé nếu cần. Tương tác này thể hiện sự độc lập, tự lực tương đối của trẻ bé, tinh thần tương trợ của trẻ lớn đối với trẻ bé. 

Hợp tác: Trẻ lớn sử dụng kết quả của trẻ bé để thực hiện tiếp nhiệm vụ của mình. Tương tác này khiến cho hoạt động của mỗi trẻ cần dựa vào kết quả của những trẻ khác. Kết quả của trẻ hoặc nhóm này ảnh hưởng tới hoạt động tiếp theo của trẻ hoặc nhóm khác. Do đó, mỗi trẻ phải chăm chú lắng nghe, thực hiện nhiệm vụ của mình, theo dõi kết quả của trẻ khác.

Học hỏi: Trẻ lớn hoặc trẻ thành thạo hơn thực hiện nhiệm vụ, hướng dẫn trẻ bé hoặc trẻ chưa thành thạo bắt chước theo. Tương tác này khiến cho các trẻ và các nhóm trẻ sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kĩ năng, có thái độ đồng cảm với nhau.

2. Thực hiện giờ học

- Thời gian tối đa cho việc tổ chức 01 HĐ học: 30 phút (theo chế độ sinh hoạt).. Lớp ghép có trẻ 3 tuổi, 4 tuổi thời gian từ 20-25 phút; MG ghép có trẻ 4 tuổi, 5 tuổi thời gian từ 25-30 phút; MG ghép 3 độ tuổi, thời gian từ 25 - 30 phút.

Khi thực hiện hoạt động học ở lớp mẫu giáo ghép, người giáo viên và trẻ có những vai trò đặc trưng:

- Giáo viên là hướng dẫn, quan sát, can thiệp, giúp đỡ, cùng tham gia chứ không phải làm hộ, làm thay cho trẻ. Giáo viên tận dụng những hoàn cảnh, tình huống mà trẻ ở các độ tuổi có thể tương tác với nhau để cùng học. Đặc biệt chú trọng giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt ở các lớp MGG vùng dân tộc thiểu số.

- Trẻ tích cực tương tác với nhau trong nhóm và với nhóm khác độ tuổi để học: trẻ bé, nhút nhát thực hiện những nhiệm vụ dễ hơn, những yêu cầu đơn giản hơn, tạo cho trẻ cảm giác thành công trong công việc, giúp trẻ dần dần mạnh dạn và tự tin vào bản thân. Trẻ lớn tự lực và hỗ trợ các em bé, cho giáo viên trong mọi hoạt động của lớp học. Đồng thời, trẻ ở các độ tuổi hỗ trợ lẫn nhau: trẻ tự kiểm tra lẫn nhau, phát hiện ra đúng sai của nhau, giúp đỡ nhau, bày cho nhau cách làm, cách chơi, cách đọc, cách đếm, trao đổi và đặt các câu hỏi.

3. Việc đánh giá chất lượng trẻ của giờ học

Mục đích đánh giá hoạt động học của trẻ ở lớp mẫu giáo ghép là nhằm điều chỉnh lại mục tiêu GD/yêu cầu, nội dung học, phương pháp dạy học, hình thức tổ chức, phương tiện học, soạn giáo án và việc thực hiện giáo án trên lớp.

Nội dung đánh giá hoạt động học bao gồm đánh giá mục tiêu giáo dục/yêu cầu, nội dung học, phương pháp dạy học, hình thức tổ chức, phương tiện học, soạn giáo án và việc thực hiện giáo án trên lớp.

Cách đánh giá hoạt động học: Trước hết, cô giáo đánh giá trẻ có đạt được mục tiêu giáo dục/yêu cầu đặt ra không. Nếu trẻ đạt thì sẽ chọn mục tiêu giáo dục/yêu cầu mới. Nếu trẻ không đạt thì giáo viên xem lại mục tiêu giáo dục/yêu cầu, nội dung học, phương pháp dạy học, hình thức tổ chức, phương tiện học, soạn giáo án và việc thực hiện giáo án. Tìm nguyên nhân từ những yếu tố này và điều chỉnh lại cho phù hợp với trẻ.

Như vậy, để thực hiện thành công các hoạt động học cho trẻ ở lớp MGG, giáo viên cần nắm vững được những đặc điểm riêng ở lớp MGG trong các bước từ chuẩn bị giáo án đến thực hiện và đánh giá hoạt động học.

Xin cùng chia sẻ và chúc các bạn đồng nghiệp thành công!

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập194
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm180
  • Hôm nay73,304
  • Tháng hiện tại491,674
  • Tổng lượt truy cập136,843,487
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi