banner

GDMN – Chia sẻ kinh nghiệm số 14 - Một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục hành vi và quy tắc ứng xử xã hội cho trẻ lớp mẫu giáo 4 – 5 tuổi

Thứ năm - 19/06/2014 20:15
Dienbien.edu.vn - “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người” (Voltaire). Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm hay trong giáo dục để ngọn lửa tri thức, ngọn lửa nhiệt huyết đối với giáo dục luôn cháy sáng.
Trẻ em là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của mỗi dân tộc, đất nước. Trẻ em hôm nay là những công dân của thế giới mai sau, bảo vệ và chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình và  toàn xã hội. Trong ngành Giáo dục thì giáo dục đạo đức cho trẻ là một bộ phận không thể thiếu được của nền giáo dục toàn diện; giáo dục hành vi và qui tắc ứng xử xã hội có ảnh hưởng to lớn đến các mặt giáo dục khác. Trình độ phát triển giáo dục hành vi và qui tắc ứng xử xã hội của trẻ có ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ của trẻ đối với môi trường xung quanh (thế giới tự nhiên, xã hội và với chính bản thân mình).

Đối với trẻ thơ, việc hình thành những dấu ấn ban đầu có ý nghĩa to lớn vì nó là mầm mống của hành vi sau này của trẻ em, bộ mặt nhân cách của con người đã được hình thành từ thủa nhỏ.

Tục ngữ Việt Nam cũng có câu:
“Uốn cây từ thủa còn non
Dạy con từ thủa con còn thơ ngây”
 
Từ thực tế cũng có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà tâm lý học, giáo dục học đã cho chúng ta thấy rằng trong những năm đầu của cuộc đời đứa trẻ hệ thần kinh mềm mại hơn, non yếu hơn. Trong thời gian đó rất dễ  hình thành nét cơ bản của cá tính và những thói quen nhất định, hình thành cho trẻ những phẩm chất tâm lý, nhân cách của con người. Giáo dục hành vi giao tiếp quy tắc ứng xử là một bộ phận của giáo dục đạo đức cho trẻ. Với việc xác định mục tiêu giáo dục mầm non cho trẻ em là “Hình thành ở trẻ những cơ sở đầu tiên của nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam giàu lòng thương yêu, biết quan tâm nhường nhịn giúp đỡ những người gần gũi: bố mẹ, bạn bè, giáo viên, thật thà, lễ phép, mạnh dạn, hồn nhiên”.

Số này xin giới thiệu cùng đồng nghiệp: Một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục hành vi  và quy tắc ứng xử xã hội cho trẻ lớp mẫu giáo 4 – 5 tuổi”.

1. Lồng ghép nội dung giáo dục hành vi và quy tắc ứng xử cho trẻ thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo chế độ sinh hoạt hàng ngày

Lồng ghép nội dung giáo dục về hành vi và quy tắc ứng xử cho trẻ vào các hoạt động giáo dục có nhiều ưu thế nhằm hình thành cho trẻ những thói quen, hành vi và qui tắc ứng xử văn hoá.

Việc thực hiện lồng ghép nội dung được xây dựng trong kế hoạch thực hiện chăm sóc giáo dục trẻ:  lồng ghép dạy trẻ biết chào hỏi lễ phép, nói lời cảm ơn, xin lỗi phù hợp với tình huống. Biết thực hiện một số quy định ở lớp, biết chú ý nghe cô, các bạn nói, biết chờ đến lượt khi được nhắc nhở, biết trao đổi, thỏa thuận với bạn để cùng thực hiện hoạt động chung.

Ngay từ khi xây dựng kế hoạch năm giáo viên đã xác định những nội dung cần dạy trẻ và đưa vào phù hợp với thực tế của lớp, từ kế hoạch năm cô giáo đưa các nội dung đó vào kế hoạch các chủ đề phù hợp với nội dung chăm sóc giáo dục trẻ theo chủ đề. Các nội dung của chủ đề đó giáo viên xây dựng kế hoạch thực hiện vào hoạt động giáo dục trong ngày của trẻ cho phù hợp và hiệu quả.

Ví dụ: Hoạt động làm quen văn học: Qua bài thơ "Lên bốn"; Cô đàm thoại cùng trẻ: Bạn nhỏ làm được những gì khi lên bốn? Con đã làm được những gì? Tại sao con phải làm như vậy?... Giáo viên dục trẻ: Biết vâng lời ông bà, bố mẹ không vòi, không quấy bố mẹ,  không khóc nhè, khi tắm không vầy lâu...

Hoạt động giáo dục âm nhạc: Bài "Đi học về"; giáo viên dạy trẻ biết chào hỏi lễ phép với những người thân yêu trong gia đình khi đi học về qua các câu hỏi: Đi học về bé chào ai? Con chào ông bà, bố mẹ, anh chị như thế nào? (Chào ai trước? Tư thế chào?)

Hoạt động học tạo hình: "Dán hoa tặng mẹ"; Cô có thể đàm thoại: Hãy kể về mẹ của con? Con làm gì để mẹ vui?... Qua đó hình thành ở trẻ thói quen quan tâm đến người thân trong gia đình, biết tạo ra niềm vui nho nhỏ cho những người thân yêu, biết quan tâm đến mọi người trong gia đình.

Hoạt động khám phá khoa học "Cây xanh và môi trường sống", giáo viên có thể đàm thoại: Cây xanh có ích lợi như thế nào? Con làm gì để bảo vệ cây xanh?... qua đó hình thành ở trẻ ý thức bảo vệ môi trường: không ngắt lá, bẻ cành, biết bảo vệ chăm sóc cây xanh.

Giáo dục về hành vi và qui tắc ứng xử cho trẻ thông qua các hoạt động vui chơi. Trẻ mầm non học mà chơi, chơi mà học, giờ vui chơi trẻ được thực hành trải nghiệm nhiều vai chơi khác nhau trong cuộc sống của người lớn,qua các vai chơi trẻ biết chú ý nghe cô, ban nói, biết thỏa thuận, cùng nhau bàn bạc để hoàn thành nhiệm vụ của vai chơi, hoàn thành nhiệm vụ được giao;  giáo viên tiến hành dạy trẻ hành vi và quy tắc ứng xử qua việc thể hiện hành vi của vai chơi, quan sát lắng nghe để kịp thời uốn nắn trẻ khi chưa chuẩn mực.

Ví dụ: Qua trò chơi phân vai “bác sĩ”: Bác sỹ và y tá cùng nhau thỏa thuận để cùng phối hợp với nhau để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, bác sĩ cùng với việc khám bệnh, kê đơn cho bệnh nhân là thái độ ân cần, thông cảm thể hiện qua các câu hỏi: cháu đau chỗ nào? Đau ra sao?... Bệnh nhân khi nhận được câu hỏi của bác sỹ thì biết trả lời lễ phép và đúng chuẩn mực. Y tá phát thuốc và tiêm cho bệnh nhân, khi tiêm an ủi bệnh nhân: cháu đừng sợ, bác tiêm rất khẽ, không đau tí nào….; bệnh nhân nhận thuốc, nhận đơn thuốc bằng hai tay và nói lời cảm ơn đối với cô y tá, bác sĩ…
 

Bác sỹ nhí
Tuấn Minh khám bệnh cho bệnh nhân
 
Trò chơi bán hàng: trẻ mô phỏng công việc và cuộc sống của người lớn, qua trò chơi trẻ biết thái độ của người bán hàng đối với người mua: Người bán, người mua khi giao tiếp phải nhìn vào nhau để chào mời, mặc cả; đưa hàng, nhận hàng, trả tiền, nhận tiền bằng hai tay, người mua sau khi nhận hàng, trả tiền biết nói lời  cảm ơn đối với người bán…
            

Các bé đang chơi bán hàng

 
Qua hoạt động vệ sinh cá nhân trẻ nắm được các thao tác đúng trong việc rửa mặt, rửa tay, biết chờ đến lượt, không tranh giành với bạn qua đó giáo dục  trẻ biết giữ gìn vệ sinh thân thể, biết ý nghĩa của việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

2. Tạo ra tình huống, tận dụng các tình huống có thật để giáo dục hành vi và quy tắc ứng xử xã hội

Là phương pháp  taọ ra các tình huống để buộc trẻ phải suy nghĩ ứng xử và thực hiện những yêu cầu của người lớn đề ra, nhằm phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của trẻ.

Khi thực hiện trong thực tế giáo viên tận dụng các tình huống để rèn luyện cho trẻ những hành vi ứng xử ở mọi lúc, mọi nơi: Chào hỏi khi gặp người lớn, lễ phép khi giao tiếp, khi nào thì cảm ơn, xin lỗi. Việc thực hiện này giáo viên luôn nhắc nhở và cho trẻ thực hành nhiều lần để hình thành thói quen cho trẻ, từ thói quen để thành nhu cầu, lúc đó trẻ thực hiện các hành vi một cách tự nhiên, nếu không làm trẻ cảm thấy khó chịu.

VD: Tập cho trẻ thói quen chào hỏi cô thường xuyên, khi đến lớp chào cô, chào bố mẹ,  khi có khách đến thăm lớp phải chào.


 
Tập cho trẻ thói quen vệ sinh: khi rửa tay biết chờ đến lượt, vặn vói nước chảy nhỏ để tiết kiệm nước, không làm nước bắn ra bạn,cô yêu cầu trẻ rửa tay trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh, tự lau mặt khi thấy mặt bẩn, lấy lược chải đầu khi có tóc rối…


 
Tập cho trẻ thói quen gĩư gìn vệ sinh môi trường, cô yêu trẻ phải tự giác đi vệ sinh đúng nơi quy định, không nhổ bậy và vứt rác bừa bãi,
 

Cô và trẻ trường MN Hoàng Công Chất, huyện Điện Biên
 
Trong khi trẻ chơi, thông qua các tình huống xảy ra trong giờ chơi giáo viên  giải quyết khéo léo, qua cách giải quyết tình huống của cô trẻ biết vận dụng, học tập theo các giải quyết đó để từ đó hình thành cho trẻ những hành vi và quy tắc ứng xử cho phù hợp.

Ví dụ: Khi trẻ chơi góc xây dựng, xảy ra tranh cãi giữa kỹ sư trưởng và thợ xây dựng vì lý do không biết thỏa thuận với nhau để cùng hoàn thành công trình của mình, cô đến hỏi nguyên nhân thì biết do kỹ sư trưởng phân công cho thợ xây dựng quá nhiều việc không phù hợp với khả năng nên dẫn đến tranh cãi, mâu thuẫn từ đó cô đến giúp trẻ tháo gỡ mâu thuẫn, cô gợi ý cho người kỹ sư trưởng phải biết thỏa thuận, trao đổi với các bác thợ xây dựng xem ai có khả năng làm việc gì thì sẽ giao việc cho người đó để cùng nhau hoàn thành công trình xây dựng của nhóm. Qua cách giải quyết đó trẻ biết và nhận ra mỗi lần chơi sẽ cùng nhau hợp tác, thỏa thuận rồi mới cùng nhau phân công nhiệm vụ cho từng người.

Khi thực hiện biện pháp này trẻ đã có những tiến bộ rõ rệt, trẻ nhận thức được những thái độ và hành động phù hợp khi xảy ra trong cuộc sống, đôi khi trẻ còn chủ động nhắc nhở trẻ khác khi mắc lỗi để biết cách ứng xử phù hợp, tỷ lệ trẻ có nhận thức tư duy phát triển tốt tăng lên.

3. Biện pháp nêu gương

Nêu gương là lấy gương người thật, việc thật làm mẫu cho trẻ noi theo nhằm tạo sự hào hứng, xây dựng tính tự giác cho trẻ trong việc thực hiện các hành vi giao tiếp ứng xử

Bằng sự gương mẫu của người lớn, bạn bè, bằng những câu chuyện kể về những nhân vật đáng yêu trong truyện nhất là những gương người thật việc thật để động viên trẻ bắt chước việc làm tốt của người khác, giáo viên sử dụng nêu gương tốt để trẻ noi theo. Khi nêu gương không phải là nêu chung chung mà việc nêu gương phải có tác dụng thúc đẩy hành động cụ thể của trẻ.

VD : Cô thấy bạn Hoa rất ngoan còn em chung rất lễ phép, khi thấy em Chung (Mẫu giáo bé) ngã ban Hoa đã chạy ra đỡ em Chung dậy còn biết dỗ dành để em không khóc nữa, sau khi nín em Chung biết khoanh tay cảm ơn chị Hoa. các cháu thấy bạn Hoa như thế nào? có đáng khen không? Em Chung có ngoan và lễ phép không?

Sau khi học xong giờ học tạo hình, các bạn mải vui đùa thì bạn Hà My đã biết giúp giáo viên cất đồ dùng gọn gàng để đúng nơi qui định.

Biện pháp này khi thực hiện giúp trẻ biết tự đánh giá việc làm tốt xấu và có ý thức học tập những bạn có những việc làm đúng, có ý thức. Từ đó trẻ trong lớp luôn có ý thức trong các hoạt động hàng ngày.

4. Biện pháp khen ngợi

 Khen ngợi là biểu hiện thái độ đồng tình, khuyến khích một hành động nào đó hoặc một cử chỉ tốt đẹp nhằm khêu gợi niềm vui sướng, lòng tự tin khích lệ trẻ làm những điều tốt đẹp.

Biện pháp khen ngợi có tác dụng động viên rất lớn, trẻ nhỏ rất thích được động viên khuyến khích, khi được khen trẻ tăng thêm lòng tự tin, hào hứng và hăng hái làm tốt công việc được giao. Khen ngợi còn thể hiện sự đánh giá tích cực của người lớn đối với công việc làm và hành vi của trẻ, có tác dụng củng cố và động viên các trẻ khác noi theo. Giáo viên luôn xác định khen ngợi phải xứng đáng, phải chỉ rõ tại sao khen và khen cái gì? khen ngợi phải công bằng và đúng mức, có nhiều hình thức khen ngợi như nhận xét tốt có thái độ hân hoan tán thưởng.

VD: Trong các hoạt động những việc làm đúng, những cách ứng xử ngoan, lễ phép của trẻ với mọi người giáo viên luôn khen ngợi kịp thời, đôi khi giáo viên tận dụng những tình huống để trẻ khen ngợi lẫn nhau trong các nhóm chơi như con thấy bạn Minh đã biết thể hiện vai người mua hàng chưa? bạn giao tiếp với người bán hàng đã đúng chưa? Và sau đó cô khen động viên trẻ.


Cô và trẻ trường MN Hoàng Công Chất, huyện Điện Biên

 
Nhắc nhở là biểu hiện thái độ không đồng tình với những hành vi, việc làm xấu của trẻ. Khen ngợi phải đi đôi với nhắc nhở, nếu trẻ làm sai người lớn phải tỏ rõ thái độ không đồng tình và yêu cầu trẻ phải nghiêm túc sửa chữa như một lời phê phán hoặc yêu cầu trẻ làm lại việc làm sai đó, đòi hỏi trẻ phải thừa nhận và xin lỗi người khác. Nhắc nhở trẻ là cần thiết nhưng không nên lạm dụng, đặc biệt không nên sử dụng hình thức trách phạt thân thể trẻ, khi nhắc nhở phải thật chính xác, thật đúng mức, thật công bằng. Khi trẻ sửa chữa được khuyết điểm người lớn không nên nhắc lại nữa.

Ví dụ: khi giáo viên cho các bạn đi rử tay để ăn trưa, các bạn xếp hàng để rửa tay theo thứ tự thì bạn Dũng đẩy bạn Hoàng ra sau để len rửa tay trước, thấy vậy bạn Huyền chạy lại nhắc nhở bạn dùng không được làm như vậy mà phải chờ đến lượt mình. Các con thấy bạn Huyền làm như vậy có đáng khen không…

Khi áp dụng biện pháp này giáo viên thấy trẻ có những động lực để trẻ nhận thấy việc làm và cách ứng xử đúng của mình, của bạn và với tính thi đua của trẻ mong được giáo viên khen ngợi, trẻ đã có những hành vi và quy tắc ứng xử phù hợp.

5. Biện pháp dùng tình cảm

Là dùng lời nói, cử chỉ âu yếm dịu dàng để tạo ra cảm xúc tích cực của trẻ.

Dạy trẻ học lễ nghĩa là phải dùng tình cảm chứ không phải bằng lý trí, không phải bằng những bài thuyết giáo khô khan, Giáo viên vận dụng các hình thức như trò chuyện với cá nhân trẻ còn hạn chế, hay trò chuyện với nhóm trẻ, biết quan tâm tới cá nhân trẻ; kể chuyện, tranh vẽ, bài hát, trò chơi hấp dẫn của nghệ thuật mà lôi cuốn trẻ vào những hành vi, ứng xử một cách tự giác mà không bị một sức ép ràng buộc nào phải làm.

VD: Với trẻ có lỗi cô không áp đặt trẻ khi bạn nói với cô mà giáo viên trao đổi với trẻ và các bạn trong nhóm, con đã làm gì để bạn khóc? Con thấy hành động đó có đúng không? Khi mình sai con sẽ làm gì đối với bạn?

Nếu trẻ biết nhận lỗi cô động viên trẻ biết nhận lỗi, nếu trẻ chưa nhận ra việc làm của mình cô hỏi các bạn cùng nhóm chơi và nhắc nhở trẻ biết đấy là lỗi của trẻ cần phải xin lỗi bạn và không làm như vậy lần sau nữa.

Áp dụng biện pháp này tạo cho mối quan hệ giữa cô và trẻ gần gũi hơn, giữa các trẻ trong nhóm chơi biết tham gia, góp ý, thông cảm và chia sẻ hòa đồng cùng bạn giúp bạn có hành vi ứng xử đúng và mọi ngời đồng tình.

6.  Phối kết hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ

Như chúng ta đã biết trẻ ở lứa tuổi mầm non môi trường xã hội tiếp xúc chưa mở rộng, chủ yếu là gia đình và lớp học. Vì vậy, giáo viên mầm non và những người thân trong gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng và nó tác động trực tiếp đến trực tiếp đến đứa trẻ, cần tạo ra những hành vi chuẩn mực để trẻ học theo, để giúp trẻ hình thành những hành vi và quy tắc ứng xử phù hợp thì giáo viên và cha mẹ trẻ cần phải phối hợp chặt chẽ  với nhau để giáo dục trẻ.

Xác định vai trò đó giáo viên trao đổi với phụ huynh để cùng phối hợp để chỉ bảo cho trẻ, ở lớp giáo viên là tấm gương cho trẻ noi theo trong lời nói và hành động giúp trẻ có môi trường tự lập, cách ứng xử với cô và bạn bè cùng lứa. Thương yêu quan tâm, chăm sóc dạy dỗ trẻ, luôn tạo không khí đầm ấm, xưng hô thân mật, đối xử với trẻ phải công bằng, vô tư, không đánh mắng, quát nạt trẻ, tôn trọng trẻ, không nói lấn át hoặc cắt ngang lời trẻ.

VD: Khi trẻ chào cô phải đáp lại “cô chào cháu”, “cô mời các con ăn cơm”, khi trẻ làm giúp cô việc gì thì cô phải cám ơn; khi trẻ bướng bỉnh cô phải có thái độ nhẹ nhàng dỗ dành giải thích để trẻ phân biệt được điều tốt xấu. Cần khéo léo xử trí các tình huống sư phạm để tạo ra cho trẻ lòng tin, sự mạnh dạn, hồn nhiên, thật thà và không ngại nhận lỗi.

Trong cách cư xử giao tiếp của cô với bạn bè đồng nghiệp cần thể hiện văn minh lịch sự, biết kính trên nhường dưới, đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau, nói năng nhỏ nhẹ cởi mở, thân thiện, khiêm tốn học hỏi, trung thực thật thà, độ lượng với bạn bè trong cách cư xử. Khi nói năng giao tiếp với phụ huynh cần niềm nở, hoà nhã, khiêm tốn, tôn trọng lắng nghe ý kiến của phụ huynh và cần trao đổi những thông tin cần thiết về con cái của họ.

Đối với gia đình Cha mẹ phải thương yêu quý trọng hết lòng vì con cái, cần gần gũi bảo ban dạy dỗ tận tình, trò chuyện với trẻ về gương bạn tốt cùng lứa tuổi để trẻ bắt chước noi theo. Cần nghiêm khắc với những thói hư tật xấu của trẻ, không cho trẻ chơi những đồ chơi và phim ảnh kích động bạo lực…

Trong cuộc sống gia đình luôn phải yêu thương, tôn trọng quan tâm chăm sóc lẫn nhau, tạo ra một môi trường sống đầm ấm, bố mẹ ông bà phải thực sự gương mẫu về mọi mặt để con cái noi theo. Cần tổ chức cuộc sống gia đình có văn hoá không nên cãi cọ chửi bới, không nên có những hành vi thiếu văn hoá trước mặt trẻ như nói tục, chửi bậy, gây gổ đánh nhau, cờ bạc, rượu chè… Cần sống hoà thuận với những người xung quanh, tôn trọng và quan tâm giúp đỡ nhau, gữi gìn vệ sinh công cộng, không làm ồn ào trong giờ nghỉ ngơi, luôn tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, không đại tiểu tiện bừa bãi, làm tốt công tác từ thiện, tương thân tương ái, Còn với gia đình cần cha mẹ trẻ quan tâm và chỉ bảo cho trẻ trong mọi hành động và giao tiếp, tranh qua loa mà bỏ qua và cho rằng trẻ nhở chưa biết gì. Trong mối quan hệ trong gia đình cha mẹ trẻ luôn là tấm gương chuẩn mực trong lời nói, hành động cho trẻ học tập. Trong thực tế tại gia đình có những tình huống phù hợp cha mẹ trẻ cần cho trẻ biết trẻ đánh giá thế nào cho đúng và ứng xử như thế nào.

VD: Khi Bố đưa cho Mẹ đồ mà Mẹ nhờ Bố lấy, Mẹ nói cảm ơn Bố và khi có trẻ ở đó cha mẹ trẻ hỏi xem mẹ nói thế dúng chưa và Bố nghe mẹ nói thế có vui không, hay trẻ đưa đồ cho Mẹ khi Mẹ nhờ trẻ lấy Mẹ cảm ơn trẻ để lần sau trẻ biết ứng xử phù hợp.

Áp dụng biện pháp phối kết hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ giúp trẻ luôn có môi trường sống với những hành vi và quy tắc ứng xử phù hợp để trẻ học và tự ý thức khi thực hiện các hành vi và quy tắc ứng xử trong thực tế.

Hy vọng một số kinh nghiệm này sẽ giúp các đồng nghiệp đem lại hiệu quả khi tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ trong trường mầm non. Mong muốn nhận được những chia sẻ, trao đổi của các đồng nghiệp./.

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập231
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm205
  • Hôm nay47,047
  • Tháng hiện tại321,049
  • Tổng lượt truy cập136,672,862
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi