banner

GDMN- Chia sẻ kinh nghiệm số 26: Một số giải pháp “Nâng cao chất lượng làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu cho trẻ mẫu giáo trường mầm non 20/10, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên”

Chủ nhật - 20/09/2015 22:47
dienbien.edu.vn - Việc tổ chức làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu cho trẻ mẫu giáo là một công việc vô cùng ý nghĩa, cần thiết và hữu ích trong các trường mầm non nói chung đặc biệt là các trường mầm non miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh Điện Biên.
Số này xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của cô giáo Đặng Thị Oanh, Phó hiệu trưởng trường Mầm non 20/10 - Thành phố Điện Biên Phủ về một số giải pháp “Nâng cao chất lượng làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu cho trẻ mẫu giáo trường mầm non 20/10, thành phố Điện Biên Phủ để đồng nghiệp cùng chia sẻ.


Sản phẩm dự hội thi, triển lãm đồ dùng, đồ chơi tự làm cấp tỉnh của trường
 
PHẦN I: ĐẶT VẤN ĐỀ

I. Sự cần thiết, mục đích của việc làm và sử dụng đồ chơi tự tạo

Giáo viên Mầm non ngoài việc chăm cho ăn, cho ngủ, giáo dục trẻ trở thành những đứa trẻ lễ phép, ngoan ngoãn thôi chưa đủ, mà nhiệm vụ của giáo viên mầm non còn phải trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng ban đầu thông qua các hoạt động giáo dục. Như chúng ta đã biết, vui chơi là hoạt động chủ đạo trong các trường, lớp mầm non. Để thực hiện hoạt động vui chơi phải có đồ chơi. Đồ chơi có tác dụng lớn lao đến việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Chính những đồ chơi giúp trẻ được thao tác, được hoạt động, trải nghiệm, được thể hiện những nhu cầu cá nhân, được phát triển cân đối hài hòa, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt, để trẻ có một tâm thế tự tin để bước vào lớp một.

Đối với trẻ nhỏ, đồ chơi là một nhu cầu thiết yếu, không thể thiếu được trong cuộc sống. Nó cần cho trẻ như thức ăn, nước uống.

 Ngày nay, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế hội nhập quốc tế, đồ chơi cho trẻ cũng rất phong phú, hiện đại. Trong số đó, có nhiều loại đồ chơi phù hợp với trẻ, nhưng cũng không ít đồ chơi còn mang tính bạo lực, phi giáo dục, độc hại đối với trẻ em. Những loại đồ chơi phù hợp để phát triển trí tuệ cho trẻ mang tính giáo dục càng được bổ sung phong phú đa dạng bao nhiêu thì càng kích thích được tính tò mò ham hiểu biết cùng khám phá của trẻ bấy nhiêu. Đồ dùng, đồ chơi phải phù hợp với quy luật phát triển trí tuệ của trẻ ở đúng độ tuổi mới có tác động góp phần hình thành và phát triển trí tuệ ở trẻ.

Trong thực tế, qua nhiều năm làm công tác chuyên môn, hàng ngày đi dự giờ, thăm lớp được tiếp xúc với trẻ, được xem trẻ chơi, tôi nhận thấy được rằng trẻ nhỏ rất thích được chơi với những đồ chơi mới lạ đặc biệt là những đồ chơi mà do tự tay trẻ làm ra. Trong khi đó, những đồ chơi hiện có trong lớp lại mang tính phổ biến, hạn chế về số lượng và ít được thay đổi. Vì vậy trẻ sẽ không phát huy được tính tích cực sáng tạo trong các hoạt động.

Bên cạnh đó, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, thường có rất nhiều sản phẩm bị loại bỏ sau khi sử dụng, chẵng hạn như vỏ chai dầu gội, sữa tắm, lọ nước rửa bát, vỏ hộp sữa, vỏ hộp bia, bìa lịch cũ, đĩa CD cũ… đó là nguồn vật liệu rất phong phú và đa dạng, có thể tận dụng làm những việc hữu ích. Nếu chúng ta có ý thức thu gom, chọn lọc từ nguồn phế liệu đó và có ý tưởng làm các đồ dùng, đồ chơi thì có thể biến những vỏ hộp, những cọng rơm, mo cau, chiếc lá... thành hình con vật ngộ nghĩnh, những chiếc làn, bộ xoong nồi, bát đĩa, ấm chén…thật xinh xắn đưa vào sử dụng ở các giờ hoạt động học, giờ hoạt động góc ... Làm như vậy chúng ta sẽ tiết kiệm được tiền mua sắm vật liệu, tạo ra nhiều đồ chơi mang tính sáng tạo phong phú cho lớp học của mình. Những đồ chơi này vừa dễ làm, dễ sử dụng trong các hoạt động giáo dục. Qua đó tuyền truyền với mọi người xung quanh, từ trẻ đến cha mẹ học sinh về việc bảo vệ môi trường. Và như vậy, chúng ta đã giảm thiểu được lượng rác thải, giảm chi phí cho việc xử lý rác thải trong vệ sinh môi trường.

II. Vai trò của đồ chơi đối với trẻ mầm non

Đồ chơi hết sức cần thiết đối với trẻ, nó có tác dụng và ý nghĩa thật to lớn, sâu sắc đối với trẻ độ tuổi mầm non, vì bất kể một trẻ em nào đều có nhu cầu chơi và rất yêu quí đồ chơi, trẻ sống và hành động cùng với đồ chơi. Đồ chơi giúp trẻ em tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh, giúp trẻ làm quen với những đặc điểm, tính chất của nhiều đồ vật, biết được công dụng của chúng trong sinh hoạt và trong lao động của con người. Đồ chơi còn là phương tiện giúp trẻ phát hiện ra những mối quan hệ của người với người trong xã hội dần dần biết gia nhập vào các mối quan hệ đó. Hoạt động với đồ chơi vừa làm thỏa mãn nhu cầu vui chơi, vừa làm cho đôi bàn tay khéo léo, đôi chân dẻo dai cơ thể mềm mại, hình dáng phát triển cân đối hài hòa, vừa chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ học các cấp học trên vừa có thể tham gia tốt vào cuộc sống xã hội sau này.
 
PHẦN II: NỘI DUNG

I. Một số nét về tình hình trường Mầm non 20/10, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

  1. Thuận lợi

Trường Mầm non 20/10 thành phố Điện Biên Phủ luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của phòng GD&ĐT thành Điện Biên Phủ, sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên. Sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đóng góp, ủng hộ của các bậc cha mẹ trong công tác xây dựng cơ sở vật chất và công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. 

Khuôn viên nhà trường rộng rãi, thoáng mát, yên tĩnh, sân chơi đủ diện tích, có đồ chơi ngoài trời cho trẻ hoạt động. Có bồn hoa, cây xanh bóng mát...

Trường nằm địa bàn trung tâm tỉnh, các cháu chủ yếu là con cán bộ, công nhân viên chức ở các cơ quan ban ngành của thành phố, của tỉnh. Nên sự hiểu biết của các bậc cha mẹ về ngành học được nâng lên và các bậc cha mẹ quan tâm đến việc học hành của con em mình ở trường nhiều hơn.

2. Khó khăn

Đặc thù giáo viên mầm non dạy hai buổi trên ngày, thời gian eo hẹp nên chưa có nhiều thời gian giành cho việc làm đồ dùng, đồ chơi.

Một số giáo viên khả năng tạo hình, thẩm mỹ còn hạn chế.

II.  Nguyên nhân và thực trạng đồ dùng, đồ chơi của nhà trường

1. Thực trạng

Đồ chơi trưng bày xung quanh lớp chủ yếu là mua sẵn, ít được thay đổi. Đồ chơi do cô tự làm hoặc cô và trẻ cùng làm từ các học liệu thiên nhiên còn hạn chế.
 Giáo viên chưa biết tổ chức, tạo điều kiện để trẻ làm những đồ chơi đơn giản theo khả năng của trẻ, giáo viên cho rằng đồ chơi làm từ nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu không đẹp, nhanh hỏng, trẻ không thích...

2. Nguyên nhân của những thực trạng

 Giáo viên chưa biết khai thác nguồn nguyên vật liệu thiên nhiên sẵn có ở địa phương, nguyên vật liệu phế liệu ở các gia đình cha mẹ.

 Khi xây dựng kế hoạch làm đồ dùng, đồ chơi chưa biết dựa vào điều kiện thực tế của lớp, kỹ năng, kiến thức của trẻ.

III. Các giải pháp nâng cao chất lượng làm đồ dùng, đồ chơi tự nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu cho trẻ mẫu giáo trường Mầm non 20/10

1. Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn giáo viên làm đồ chơi tự tạo từ nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu

1.1. Xây dựng kế hoạch

Chủ động, hiệu quả trong việc chỉ đạo giáo viên làm đồ chơi từ nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu ngay đầu tháng 9 căn cứ vào nội dung chương trình giáo dục của từng chủ đề, căn cứ thực tế của từng lớp, khả năng của từng giáo viên tôi xây dựng kế hoạch năm học, cụ thể cho từng tháng, từng tuần và chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm của từng lớp xây dựng cho lớp mình
Ví dụ: Tháng 9

Tuần 1: Xây dựng kế hoạch, Sưu tầm tham khảo các mẫu đồ chơi trong tài liệu, trên mạng Internet để phù hợp với trẻ, phù hợp với nội dung giáo dục chủ đề trường mầm non.

Tuần 2:  Lựa chọn và chuẩn bị nguyên vật liệu

Tuần 3, 4: Hướng dẫn giáo viên làm đồ chơi theo kế hoạch giáo dục ở chủ đề: Trường mầm non.

Đưa nội dung hướng dẫn làm đồ chơi từ nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu vào nội dung bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non hàng năm

1.2. Lựa chọn và chuẩn bị nguyên vật liệu

Vật liệu làm đồ chơi cho trẻ vô cùng phong phú và đa dạng, bên cạnh những gì lớp đã có, nhà trường đã trang bị, tôi chỉ đạo giáo viên ngay từ đầu năm học trong buổi họp cha mẹ các lớp cần huy động các bậc cha mẹ học sinh cùng nhau đóng góp " Quỹ vật liệu" của lớp. Nguồn vật liệu được lấy từ thiên nhiên và các vật liệu phế liệu tái chế ở trong gia đình, ngoài cửa hàng, trên đường như: Các loại vỏ chai dầu gội đầu, chai nước rửa bát, comfort, vỏ sữa chua, lọ sữa, vỏ hến, rơm, lá cây, mo cau, quả khô, giấy loại, hộp xốp, sơn màu...Khi lựa chọn nguyên vật liệu phải sạch sẽ, an toàn, tránh nguyên vật liệu sắc nhọn, dễ vỡ có thể gây thương tích cho trẻ.

Các nguyên vật liệu (thiên nhiên, phế liệu) được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, vừa tầm, mở để thu hút, kích thích trẻ và trẻ dễ lấy, dễ cất...

1.3. Làm và sử dụng đồ chơi có hiệu quả

Trẻ rất thích cái đẹp, cái mới lạ của đồ chơi. Đồ chơi đa dạng, phong phú, đẹp là một hình thức thu hút, gây hứng thú cho trẻ tham gia hoạt động, kích thích trẻ hoạt động cá nhân, hoạt động theo nhóm, để tạo được nhiều đồ chơi có tác dụng giáo dục trẻ ở các chủ đề tôi đã hướng dẫn cho giáo viên làm đồ dùng, đồ chơi bằng các nguyên vật liệu phế liệu, chẳng hạn: từ hộp xốp, giấy phế liệu, sơn, hồ dán tôi hướng dẫn chị em làm như sau:

a) Bộ đồ dùng, đồ chơi thế giới động vật

            * Nguyên tắc và cấu tạo

 - Các sản phẩm: Các con vật sống trong rừng, các con vật nuôi trong gia đình, các con vật sống dưới nước được mô phỏng giống như con vật thật có kích thước tiện lợi cho việc sử dụng cho trẻ ở độ tuổi  mầm non

            * Cách làm

 - Các con vật được cắt gọt từ xốp dày từ 10 -15cm,thành hình dáng của từng con vật.

 - Mỗi con vật được cắt rời từng bộ phận như: thân, chân, cổ, đầu, tai, đuôi

 - Nối các bộ phận của con vật hoàn chỉnh ( thân,chân,cổ, đầu ) sâu đó bồi giấy lần lươt từng lớp (Giấy xé nhỏ 1-1,5 cm, dài 5-7 cm) bồi từ 10-12 lớp lên vật mẫu, sau đó phơi gió cho khô.
 - Sau đó vật vật mẫu khô tiến hành phun sơn 2 lần

   + Lần 1 phun sơn trắng

   + Lần 2 quét sơn màu đã được pha chộn tương đối giống màu lông của con vật

 - Phơi gió cho khô sơn
 

Các con vật sống trong rừng

* Lắp ráp và bố trí đồ dùng, đồ chơi

 - Lắp tai, đuôi con vật

 - Vẽ mắt, mũi mồm và các chi tiết phụ cho con vật.

 - Làm các chi tiết phụ như : Cây xanh, mô đá, hàng rào, cỏ cây, rong rêu....

  * Bố trí đồ dùng đổ chơi tự tạo: Các con vật được chia và xắp xếp 3 nhóm như sau : Con vật sống trong rừng, con vật nuôi trong gia đình, con vật sống dưới nước một cách phù hợp, sao cho thật sinh động

 - Ví dụ như : Lạc đà đi  trên giải cát, Trâu nằm trên mom đất, hổ nằm gốc cây ..

            * Công dụng

    Bộ đồ dùng thế giới động vật được sử dụng trong chủ đề : đồ dùng  thế giới động vật , Khám phá khoa học,hoạt động góc, phân loại các con vật, Sử dụng cho tất cả các khối lớp trong nhà trường.


Các con vật sống dưới nước
 
b) Bộ đồ dùng trong gia đình

            * Nguyên tắc và cấu tạo

            - Các sản phẩm: đồ dùng trong gia đình được làm mô phỏng kích thước tương đối phù hợp với vật thật tiện lợi cho việc sử dụng, bề đẹp, không đễ vỡ phú hợp với trẻ

            * Cách làm

             Các đồ dùng bát, đĩa, ấm, chén được bồi giấy (Giấy xé nhỏ 1-1,5 cm, dài 5-7 cm) bồi từ 10-12 lớp lên vật mẫu, sau đó phơi gió cho khô. lột đồ vật đã bồi ra khỏi vật mẫu.

            -  Tiến hành phun sơn 2 lần bằng sơn trắng

            - Phơi gió cho khô sơn

            - Vẽ, dán  họa  tiết trang trí cho các đồ dùng

             Thìa, muôi, cặp lồng,  xoong, chảo,  bếp ga,xô đững nước được lắp ráp, cắt từ vỏ hộp bánh keo, hộp keo dưỡng tóc, ....

            * Công dụng

            - Bộ đồ dùng ăn uống được sử dụng trong chủ đề : Đồ dùng trong gia đình, Khám phá khoa học, hoạt động góc, phân loại đồ dùng trong gia đình.
 

 Bộ đồ dùng ăn uống
 
c ) Đồ dùng đồ chơi tự tạo làm từ vỏ chai, hộp phế liệu, nguyên vật liệu thiên nhiên 

Từ những vỏ hộp comfort, nước rửa bát, vỏ hộp, chiếc thìa sữa chua...tôi hướng dẫn giáo viên làm thành những con chim công, con tôm, con lơn, con thỏ, những cây quả, cây hoa...những con vật để cho trẻ học toán, chơi góc xây dựng, trưng bày trang trí...
 

 Các con vật cắt từ vỏ hộp nhựa
 

Cây quả, cây hoa

Muốn những đồ chơi làm ra được sử dụng hiệu quả tránh lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc thì chúng ta cần phải tính toán ngay từ khâu chuẩn bị làm. Tôi hướng dẫn giáo viên làm những đồ chơi, đồ dùng mà thực sự trong lớp không có hoặc không thể thay thế được, khi làm chú ý đến tính sư phạm, tính mỹ thuật, tính kinh tế, tính sáng tạo của đồ chơi. Những đồ chơi tôi đã làm và hướng dẫn giáo viên làm trong lớp đa số từ các nguyên liệu gần gũi nhất, dễ tìm thấy nhất ở bất cứ nơi đâu.
 
 
Các con vật làm từ bistits
 

Đồ chơi gia đình làm từ vỏ hộp nhựa phế liệu


2. Sản phẩm của cô và trẻ

Không chỉ các cô giáo biết cách làm, mà từ đó giáo viên hướng dẫn trẻ làm hoặc cô cùng làm với trẻ trong các giờ hoạt động góc, giờ hoạt động ngoài trời (chơi ý thích) đã tạo được nhiều đồ chơi tuy đơn giản song thật ngộ nghĩnh, hấp dẫn, điều quý giá hơn là sự sung sướng, phấn khởi của trẻ khi tự tay làm được một đồ chơi.
 
 

Đồ chơi  làm từ quả cầu lông phế liệu
 

Sản phẩm của trẻ sau giờ HĐNT từ lá cây
 

 Sản phẩm của trẻ sau giờ “Hoạt đông ngoài trời” từ rơm khô
 
3. Tuyên truyền về hiệu quả đồ chơi đến cha mẹ

Tôi thường hướng dẫn giáo viên trưng bày đồ chơi tự làm từ nguyên vật liệu thiện nhiên, phế liệu dễ tìm ở những nơi cha mẹ dễ nhìn thấy, có thế giải thích cho cha mẹ cách làm hay ý nghĩa của đồ chơi  như: Đồ chơi tự làm an toàn, vệ sinh hơn, rẻ tiền hơn và mang tính giáo dục cao hơn, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, phát triển tính sáng tạo của trẻ....Bên cạnh việc tuyên truyền để cha mẹ biết được ý nghĩa, tính chất giáo dục từng của đồ chơi, mặt khác cha mẹ cũng hứng thú tự làm đồ chơi cho con mình và hướng dẫn con cùng chơi, thay thế cho việc mua các đồ chơi trôi nổi trên thị trường. Cũng từ đó, cha mẹ tích cực hơn trong việc hỗ trợ các nguyên vật liệu phế liệu từ đặc thù ngành nghề của cha mẹ.

4. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá

Để việc tạo được nhiều đồ chơi từ nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu có tác dụng giáo dục cao, đảm bảo yêu cầu kiến thức, kỹ năng của từng chủ đề. Tôi tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc: Lựa chọn, sưu tầm chuẩn bị các học liệu. Việc tổ chức cho trẻ làm cùng cô, cùng bạn và sử dụng những đồ chơi làm được thế nào ở các hoạt động giáo dục cho có hiệu quả, tránh lãng phí. Những đồ chơi tạo ra được hoàn thiện và luân chuyển theo từng chủ đề.

Tổ chức thi " đồ chơi, đồ dùng tự tạo" giữa các lớp (2 lần trong năm), lấy tiêu chí đó đưa vào tiêu chuẩn thi đua các lớp.

Duyệt kế hoạch thực hiện chương trình chăm sóc - giáo dục trẻ (Đặc biệt là hoạt động góc) hàng tuần điều chỉnh, bổ sung kịp thời những thiếu sót của giáo viên.

Chỉ đạo sát sao giáo viên trong việc đánh giá trẻ hàng ngày, sau mỗi chủ đề cũng vô cùng quan trọng vì có đánh giá thực chất những kỹ năng, kiến thức, sản phẩm của trẻ làm được và chưa làm được để điều chỉnh kế hoạch giáo dục, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ phù hợp với trẻ hơn trong tuần sau, chủ đề sau.

5. Công tác tham mưu, phối hợp với nhà trường

Trong năm học tôi tích cực tham mưu với nhà trường tổ chức tốt hội thi" Đồ dùng, đồ chơi tự tạo" hai lần/năm, mua sắm bổ sung thêm tủ góc cho các lớp tạo điều kiện cho tôi thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng làm đồ chơi từ nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu cho trẻ mẫu giáo bé.

Cùng với công tác tham mưu tôi còn thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền giáo viên, học sinh giữ gìn và bảo vệ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi của lớp, của trường. Công tác xã hội hóa giáo dục trong nhà trường là vô cùng quan trọng. Khuôn viên nhà trường có được khang trang, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi có đầy đủ, phong phú không phần lớn là do sự đóng góp, ủng hộ của các bậc cha mẹ, các nhà hảo tâm. Tôi phối hợp với các đồng chí trong ban giám hiệu, các cô giáo huy động sự tham gia của các bậc cha mẹ trong tăng cường thiết bị, đồ chơi cho các lớp và trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
 
PHẦN III: KẾT LUẬN

1. Kết quả

Qua một năm vận dụng các biện pháp trên, với sự giúp đỡ của các đồng chí trong Ban giám hiệu, chuyên môn phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ, sự phối kết hợp chặt chẽ với các đồng chí giáo viên, đến nay chất lượng làm đồ chơi tự tạo từ học liệu thiên nhiên, phế liệu cho trẻ khối mẫu giáo bé có sự chuyển biến một cách rõ ràng:

1.1. Về giáo viên


Đồ chơi tự tạo từ các nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu ở các lớp phong phú về số lượng, da dạng về chủng loại, đẹp, ngộ nghĩnh, có tác dụng giáo dục cao ở từng chủ đề.

Khai thác, sử dụng sáng tạo các nguyên vật liệu dễ kiếm, sẵn có ở địa phương để làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ và tổ chức cho trẻ làm đồ chơi một cách có hiệu quả.

Tích cực huy động cha mẹ trong việc hỗ trợ nguyên vật liệu, thời gian… để hướng dẫn trẻ tự làm đồ chơi.

Giáo viên đã biết tận dụng thời gian như thời gian nghỉ hè, ngày nghỉ cuối tuần... hoặc các hoạt động vui chơi trên lớp cùng với trẻ làm thêm đồ chơi. Giáo viên đã biết sưu tầm và tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có, phong phú của địa phương để làm đồ chơi, đồ dùng dạy học.

 Khi làm đồ dùng, đồ chơi đã chú ý đến độ bền, màu sắc, độ an toàn của đồ dùng đồ chơi và đồ chơi tạo được những đồ chơi đẹp và thu hút trẻ. 

Cuối năm rà soát lại các đồ dùng đồ chơi của nhóm lớp hầu hết các lớp có đủ đồ dùng phục vụ cho cô và trẻ.

Khi thực hiện làm đồ chơi giáo viên đã biết chú ý những điểm như: Lựa chọn nguyện vật liệu, làm đồ chơi có độ bền cao, an toàn, tốn ít công sức và tiết kiệm được thời gian và đồ chơi thu hút được sự chú ý của trẻ.

Qua các đợt thao giảng, dự giờ, hay thi đồ dùng đồ chơi có nhiều giáo viên đạt kết quả rất tốt.

Giáo viên có ý thức trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn đồ dùng, đồ chơi của nhà trường và nhóm lớp. Cập nhật tốt đầy đủ các tài sản của nhóm lớp, của nhà trường.

Nâng cao kỹ năng làm và sử dụng đồ chơi, đồ dùng của giáo viên trong toàn trường, giáo viên tích cực hưởng ứng tham gia các hội thi và triển lãm "Đồ dùng, đồ chơi tự làm" cấp trường, cấp thành phố, cấp tỉnh đạt kết quả cao: 02 giải nhất toàn đoàn cấp thành phố, 01 giải xuất sắc cấp tỉnh, 01 giải nhất cấp tỉnh.       

 1.2. Về trẻ

Trẻ hứng thú tham gia vào các hoạt động học và hứng thú và các hoạt động vui chơi và trẻ có ý thức biết bảo vệ môi trường hơn, và biết yêu quý cảnh vật thiên nhiên ở xung quanh trẻ. Trẻ có ý thức cùng bạn giữ gìn, yêu quý đồ dùng, đồ chơi ở trong lớp và trong trường.Trẻ hăng hái, nhiệt tình khi được tham gia làm đồ chơi từ các nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu cùng cô giáo và các bạn.

Trẻ sung sướng, phấn khởi khoe với cô, với bạn, khoe với cha mẹ khi tự tay làm được một món đồ chơi nào đó. Biết nâng niu, giữ gìn đồ chơi của mình, của bạn làm ra.

 Trẻ nhanh nhẹn, tự tin và hồn nhiên với mọi người, biết tự hòa vào các nhóm chơi, có tinh thần đoàn kết và ý thức tập thể. Vốn kinh nghiệm sống, kiến thức, kỹ năng của trẻ trong cuộc sông được tăng lên.

Trẻ tích cực hơn trong đóng góp "Quỹ vật liệu" của lớp, có ý thức trong việc giữ gìn những đồ dùng, đồ chơi trong lớp. Biết sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp vào đúng nơi quy định sau mỗi lần chơi xong.  

1.3. Đối với cha mẹ trẻ

Trước đây cha mẹ chưa quan tâm và chưa hiểu về tầm quan trọng của việc làm đồ chơi từ nguyên vật liệu thiên nhiên thì nay cha mẹ đã đóng góp các nguyên phế liệu cho cô giáo chủ nhiệm để làm thêm đồ chơi cho trẻ. Cha mẹ quan tâm hơn đến việc học của trẻ và dành thời gian làm đồ chơi và chơi cùng con hơn, đặc biệt có nhiều cha mẹ còn mang đến cho cô giáo chủ nhiệm những món đồ chơi mà tự tay cha mẹ cùng trẻ ở nhà làm được.

2. Bài học kinh nghiệm

Từ những kết quả đạt được, tôi đã rút ra được những kinh nghiệm như sau:

- Tham mưu huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ trong nhà trường.

- Vận động cán bộ, giáo viên sưu tầm và làm thêm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu thiên nhiên. Hàng tháng thường xuyên tổ chức cho giáo viên làm đồ dùng, đồ chơi ít nhất là một bộ mới có chất lượng và hiệu quả, thường xuyên thay đổi, bổ sung đồ dùng đồ chơi theo các chủ đề cho trẻ tránh sự nhàm chán...

- Kết hợp chặt chẽ với các cha mẹ, với các ban ngành mua sắm thêm đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học trong nhà trường đầy đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. 

- Giáo viên phải có sự lựa chọn và chuẩn bị chu đáo như: Lựa chọn đồ chơi cần làm, chuẩn bị nguyên vật liệu và dụng cụ đầy đủ, chu đáo trước khi thực hiện.

3. Ý kiến đề xuất

- Đề nghị các cấp quản lý có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, tài liệu tham khảo … cho các trường mầm non, nhất là tại các vùng khó khăn.

- Tiếp tục cập nhật nội dung, mở các lớp tập huấn, chuyên đề có nội dung về làm đồ dùng đồ chơi từ những nguyên vật liệu thiên nhiên cho CBQL, giáo viên có thêm tài liệu triển khai tốt hơn.

- Tổ chức thi, triển lãm đồ dùng, đồ chơi tự làm ở cấp quốc gia.

Trên đây là một số giải pháp, kết quả, bài học kinh nghiệm và những đề xuất của bản thân trong quá trình chỉ đạo, thực hiện một số giải pháp “Nâng cao chất lượng làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu cho trẻ mẫu giáo trường mầm non 20/10, thành phố Điện Biên Phủ”, tỉnh Điện Biên. Tuy chưa thật đầy đủ nhưng tôi mong muốn được đóng góp một số ý kiến của bản thân để các bạn đồng nghiệp cùng tham khảo, trao đổi, góp ý. Xin trân trọng cảm ơn!
                                                     
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2009. Chương trình giáo dục mầm non, ban hành kèm theo Thông tư số: 17 /2009/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. NXB Giáo dục Việt Nam.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2011. Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, ban hành kèm theo Thông tư 36/2011/TT- BGDĐT ngày 17/8/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. NXB Giáo dục Việt Nam./.

3. Đàm Thị Xuyến, 2000. Hướng dẫn làm đồ chơi cho trẻ mầm non. Trường CĐSPMGTƯ 3 – TP. Hồ Chí Minh.

4. Lê Thu Hương, 2010. Tổ chức hoạt động phát triển thẩm mỹ cho trẻ mầm non theo hướng tích hợp. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

5. Trần Thị Ngọc Trâm (chủ biên), Lê Thu Hương, Lê Thị Ánh Tuyết. 2009. Hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non – Mẫu giáo. NXB Giáo dục Việt Nam.
 
 
Đặng Thị Oanh, Phó hiệu trưởng trường Mầm non 20/10 - Thành phố Điện Biên Phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập162
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm153
  • Hôm nay30,784
  • Tháng hiện tại722,484
  • Tổng lượt truy cập136,174,853
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi