banner

GDMN - Hội thảo quốc tế “Bảo đảm tất cả trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1" và Hội nghị tổng kết Dự án“Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” thành công tốt đẹp

Thứ năm - 15/06/2017 23:10
Dienbien.edu.vn - Ngày 12/6/2017, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với World Bank và Unicef tổ chức Hội thảo quốc tế về giáo dục mầm non (GDMN) với chủ đề “Bảo đảm tất cả trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1” và Hội nghị tổng kết Dự án“Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” diễn ra từ ngày 12-13/6/2017.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện World Bank và Unicef chủ trì Hội thảo
 
Tham dự Hội thảo có: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Các chương trình dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Achim Fock cùng 290 đại biểu đến từ 11 nước, trong đó có các đại biểu quốc tế là các học giả, nhà nghiên cứu, cùng đại diện lãnh đạo cấp cao của các Tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Tổ chức Tầm nhìn thế giới, Tổ chức cứu trợ nhi đồng Mỹ…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Giáo dục mầm non có vai trò quan trọng, đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến giáo dục mầm non. Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phát triển giáo dục mầm non. Tuy nhiên giáo dục mầm non Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trẻ lứa tuổi nhà trẻ được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non còn thấp và còn khoảng cách giữa các vùng, miền về giáo dục mầm non (đặc biệt là vùng núi cao, vùng Đồng bằng sông Cửu Long…). Bộ trưởng đánh giá cao các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với giáo dục mầm non Việt Nam, đặc biệt, World Bank đã hỗ trợ Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non giai đoạn 2013-2017  đồng thời đề nghị thời gian tới World Bank, UNICEF cũng như các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển của giáo dục mầm non Việt Nam.

Hội thảo là một sự kiện có ý nghĩa mang tầm quốc tế, là diễn đàn để trao đổi, cập nhật xu hướng chăm sóc và phát triển trẻ thơ trên thế giới và đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Tại hội thảo, nhiều diễn giả cao cấp trong nước và quốc tế chia sẻ tham luận về những vấn đề nổi bật của giáo dục mầm non trên thế giới và trong khu vực như: chính sách, chương trình phát triển, điều kiện đảm bảo chất lượng,sự phối hợp liên ngành trong chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ thơ theo điều kiện của mỗi nước, mỗi đơn vị. Đặc biệt nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng chia sẻ những kinh nghiệm, thành quả thực tiễn trong quá trình triển khai giáo dục mầm non nói chung và trong công tác tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ nói riêng.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định “Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ đối với phát triển giáo dục. Thông qua chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em5 tuổi, Việt Nam đã bảo đảm quyền tiếp cận ít nhất một năm giáo dục tiền tiểu học cho tất cả trẻ em, tiếp theo đó là giáo dục tiểu học và giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tham vọng hơn và tuyên bố rằng quyền tiếp cận giáo dục, đơn giản cho trẻ ngồi trong lớp học là chưa đủ. Giáo dục phải có chất lượng cao để bảo đảm trẻ học tập được”.

Ông Youssouf Abdel Jelil, đại diện Unicef Việt Nam cho rằng: “Đầu tư vào phát triển tuổi thơ là đầu tư với chi phí thấp và có hiệu quả cao nhất nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam. Những can thiệp ngay từ sớm cho trẻ em sẽ giúp các em đạt được nhiều thành công khi các em đến tuổi đi học tiểu học và giúp cải thiện sức khỏe cũng như giúp các em phát triển toàn diện. Khi trưởng thành, các em sẽ có cơ hội có việc làm tốt hơn, có thu nhập cao hơn, sức khỏe tốt hơn và lệ thuộc ít hơn vào phúc lợi xã hội”.

Những vấn đề trọng tâm của giáo dục mầm non các nước và tổ chức tham gia được các đại biểu đánh giá, phân tích và chia sẻ. Hội thảo cũng là một kênh thông tin để các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đưa ra những kiến nghị, chính sách và giải pháp để giáo dục mầm non ngày càng phát triển.
Đại biểu Ấn Độ phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tổng kết Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: “Phát triển giáo dục mầm non, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Trong 5 năm vừa qua, 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đặc biệt, Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non được coi là một dự án lịch sử, đóng góp quan trọng cho công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đây là dự án đầu tiên của giáo dục mầm non hỗ trợ thực hiện chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi”.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển GDMN. Mục tiêu chung là “Tăng số lượng trẻ em đi học, thực hiện chăm sóc và giáo dục bán trú có chất lượng, bảo đảm hầu hết trẻ em ở mọi vùng miền được chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt, chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1”. Chính sách phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi của Chính phủ được các cấp chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ, các tổ chức quốc tế quan tâm. Đặc biệt được Ngân hàng thế giới hỗ trợ thực hiện Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non giai đoạn 2013-2017, giải ngân hòa vào ngân sách để thực hiện các mục tiêu của Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Đến tháng 6/2017, tất cả các mục tiêu của dự án đã hoàn thành đúng hạn.

Tổng kết dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định tặng Bằng khen cho 29 tập thể và 155 cá nhân. Điện Biên có 01 tập thể và 03 cá nhân vinh dự được nhận bằng khen của Bộ./.

Tác giả: Trần Thị Tố Uyên - Phòng Giáo dục Mầm non

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập242
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm201
  • Hôm nay45,765
  • Tháng hiện tại697,106
  • Tổng lượt truy cập137,048,919
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi