banner

GDMN - NỖI NIỀM CỦA CÔ GIÁO MƯỜNG TOONG

Thứ ba - 15/11/2016 21:25
Nhớ lại kỉ niệm ngày đầu chân ướt chân ráo từ Thành phố Hà Nội lên Mường Nhé, về với mái trường thân yêu này như mới ngày hôm qua. Cũng như nhiều thầy cô khác nơi đây, bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết của mình tôi đã băng rừng vượt suối đến với mảnh đất Mường Nhé. Vốn là người Thành phố nhưng trong tôi vẫn luôn lung nấu một ước nguyện là được mang cái chữ đến cho các em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
(Tâm sự của cô giáo Hà Thị Thùy, trường mầm non Mường Toong, huyện Mường Nhé)
 
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ là công nhân cầu đường ở Sìn Hồ - Lai Châu (cũ), đến năm 1993 thì theo gia đình chuyển về Điện Biên sống và học tập tại đây. Vì điều kiện gia đình khó khăn, học hết cấp hai tôi ở nhà phụ giúp bố mẹ bán rau ngoài chợ nhưng trong lòng vẫn luôn ấp ủ giấc mơ làm “Cô giáo mầm non” dạy cho các em nhỏ vùng cao biết cái chữ. Năm 2002 tôi quyết tâm đi học cấp ba (hệ bổ túc ban đêm). Tốt nghiệp THPT, năm 2007 tôi thi đỗ Trung cấp mầm non trường Cao đẳng sư phạm Trung ương. Năm 2009 tôi ra trường, xây dựng gia đình, sau đó nhận công tác tại trường mầm non Yên Sơn, Quốc Oai, Thành phố Hà Nội. Cũng vì điều kiện hoàn cảnh gia đình, tôi làm hồ sơ chuyển công tác vào huyện Mường Nhé làm việc từ ngày 15/3/2013 đến nay.

Nhớ lại kỉ niệm ngày đầu chân ướt chân ráo từ Thành phố Hà Nội lên Mường Nhé, về với mái trường thân yêu này như mới ngày hôm qua. Cũng như nhiều thầy cô khác nơi đây, bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết của mình tôi đã băng rừng vượt suối đến với mảnh đất Mường Nhé. Vốn là người Thành phố nhưng trong tôi vẫn luôn lung nấu một ước nguyện là được mang cái chữ đến cho các em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài những giờ lên lớp thời gian buổi tối tôi dành cho việc soạn bài. Tôi luôn có suy nghĩ: làm sao để các em làm quen nhanh với tiếng Việt, tự tin giao tiếp, học hỏi được những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, … Rồi bản thân mình cũng phải học một số từ giao tiếp thông dụng, học ngôn ngữ dân tộc của các em...
 

Con đường tới lớp của cô

 
Những ngày đầu đến điểm bản dạy học, quả thật là vất vả vất vả. Mường Nhé là huyện đặc biệt khó khăn, lại là huyện giáp biên giới của tỉnh Điện Biên, học sinh hầu hết là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm đến 90%. Có những gia đình quá nghèo, bé 5 tuổi đã là con lớn trong gia đình, các em phải nghỉ học để ở nhà trông những đứa em nhỏ hơn chưa tới trường được. Cuộc sống khó khăn, khiến cho tuổi thơ của các em chỉ là những ngày lên nương, lên rẫy hay trông em mà không được học cái chữ, không được đến trường. Chúng tôi thường xuyên phải đến tận nhà thăm hỏi và vận động gia đình sắp xếp cho các em đến lớp. Tuy nhiên vẫn còn mong manh lắm, cuộc sống nghèo khó, đi lại vất vả, cũng có khi những cô cậu học trò tí hon này có thể lại quay về với những công việc phụ giúp bố mẹ, lao động kiếm sống. Đó cũng là mối quan tâm lo lắng của tôi với các trò nhỏ.

Mường Nhé năm nào mùa đông cũng đến sớm hơn so với những nơi khác. Mới tháng 10, ở nơi đây đã giá lạnh và sương mù dày đặc. Mặc dù vậy từ 6h30 chúng tôi đã khoác trên mình bộ quần áo mưa để lên đường vào bản, các trò nhỏ lớp tôi đa số là con em đồng bào dân tộc Mông; nhiều em nhỏ 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi phải vượt qua những con đường mòn quanh co, khúc khuỷu để đến lớp học nằm nép mình bên con suối nhỏ, treo leo bên sườn núi.
 
Những giọt sương sớm đọng trên mái tóc, những bộ quần áo ẩm hơi sương, nhưng điều mà tôi luôn trăn trở lo lắng cho các em học sinh thân yêu của mình là mỗi khi mùa đông về. Mùa Đông ở Mường Nhé lạnh lắm, cái rét ở đây bao giờ cũng chênh lệch so với với nhiệt độ ở thành phố từ 7-10 độ, thế mà nhiều em nhỏ ở đây đi học trong cảnh chân không dép, quần áo không đủ ấm. Sự quyết tâm hồn nhiên của các em học sinh đã cho tôi động lực để trụ lại với nghề và tôi luôn tự hào về nghề mà mình đã chọn. Những việc làm tưởng chừng nhỏ bé ấy của các em lại càng giúp tôi có thêm quyết tâm theo nghề đến cùng. Tôi mong muốn được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ban ngành đoàn thể giúp các em đến trường trong mùa đông giá rét.
 

Các cháu điểm Nậm Pan 3, trường Mầm non Mường Toong, Mường Nhé

 
Các cô giáo từ miền xuôi lên với các em bé vùng cao để chăm sóc và dạy dỗ các em gặp rất nhiều khó khăn, giáo viên của trường toàn là chị em là phụ nữ, còn những điểm trường lẻ lại nằm cách xa trung tâm, đường xá đi lại khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu dạy và học của cô và trò.

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 đến với các cô giáo vùng cao nơi đây cũng rất giản dị, chân chất và mộc mạc nhưng không vì thế mà thiếu đi sự ấm áp chân thành. Những thế hệ thầy giáo cô giáo hôm nay và các thế hệ trước đó đã và đang góp phần sức nhỏ bé cho một tương lai tươi sáng hơn của giáo dục huyện Mường Nhé nói chung và xã Mường Toong nói riêng./.
 
Tác giả: Hà Thị Thùy, trường mầm non Mường Toong, huyện Mường Nhé

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập165
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm144
  • Hôm nay13,067
  • Tháng hiện tại239,450
  • Tổng lượt truy cập136,591,263
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi