1. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Các đơn vị đã triển khai kịp thời Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; đưa những nội dung của cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" thành các hoạt động thường xuyên, tự giác trong các cơ sở GDMN; trong năm qua, không có tình trạng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên vi phạm đạo đức nhà giáo.
Bé cùng cô tập thể dục, trường mầm non Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ
2. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 22,5%
Nhằm tăng tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường, phấn đấu đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 14/NQ-TU ngày 20/11/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Sở đã trực tiếp chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, đồng thời có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị quan tâm phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỉ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp, đặc biệt là trẻ nhà trẻ.
Tính đến hết học kì I năm học 2016-2017, tỉ lệ huy động trẻ các độ tuổi ra lớp tăng so với cùng kỳ năm học trước (tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ: 22,5%; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo: 96,8%; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi: 99,1%), tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 100%.
Các cháu Nhà trẻ, trường MN Hoa Ban, huyện Mường Nhé
3. Duy trì và nâng cao chất lượng Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi
Tính đến thời điểm tháng 12 năm 2016, tỉnh đã công nhận được 130/130 đơn vị cấp xã và 10/10 đơn vị cấp huyện duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi. Các chỉ số theo tiêu chuẩn quy định đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi được duy trì và nâng cao với 99,1% trẻ năm tuổi huy động ra lớp; 100% trẻ năm tuổi được học 2 buổi/ngày và hoàn thành chương trình GDMN.
4. Tham mưu Kế hoạch thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số
Thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, Sở đã tham mưu tỉnh ban hành Quyết định số 1454/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Khai giảng năm học mới, trường MN Mường Lạn, huyện Mường Ảng
5. Có 45% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, 43,3% trường mầm non được kiểm định đánh giá ngoài và công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục
Năm học 2015-2016 đã có thêm 09 trường mầm non được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn Quốc gia (mức độ I: 08 trường, mức độ II: 01 trường) nâng số trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia trong toàn tỉnh lên 77 trường, đạt tỷ lệ 45%. Cũng trong năm học này có 20 trường mầm non được đánh giá ngoài. Tính đến ngày 31/5/2016 toàn tỉnh có 74/171 trường mầm non được đánh giá ngoài đạt từ cấp độ 1 trở lên, đạt tỷ lệ 43,3%. Kết quả này cho thấy phong trào xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục của tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết tâm cao trong thực hiện của các đơn vị trong toàn tỉnh.
6. Tổng kết 3 năm thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non”
Các cơ sở GDMN đánh giá đây là một chuyên đề rất hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện diện mạo và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các trường mầm non. Kết quả chuyên đề được thể hiện ở nhiều khía cạnh: Môi trường vận động cho trẻ được quan tâm (171/171 trường mầm non có khu hoặc phòng giáo dục phát triển vận động cho trẻ, toàn tỉnh có 1008/1008 sân chơi có đồ chơi ngoài trời, nhiều trường tự làm các đồ dùng đồ chơi phát triển vận động có chất lượng cho trẻ...); các hoạt động phát triển vận động cho trẻ rất phong phú, chất lượng được nâng lên; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi giảm dần, còn dưới 5%.
Thành phố Điện Biên Phủ tổ chức chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục
phát triển vận động cho trẻtrong các cơ sở giáo dục mầm non” cấp thành phố tại trường mầm non Hoa Ban.
7. Chú trọng tập huấn cốt cán, tổ chức hội thảo chuyên môn cấp tỉnh
Năm 2016, cấp học mầm non đã tổ chức một số hội thảo, tập huấn cốt cán cấp tỉnh, tập trung vào một số nội dung chuyên đề: “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số”; “Phương pháp giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật trong giáo dục Mầm non”; “Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non tại cộng đồng”; “Nâng cao năng lực quản lý sự thay đổi của Hiệu trưởng để hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học”; “Giáo dục kỹ năng sống, trường học an toàn trong trường mầm non”; “Chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo đảm an toàn cho trẻ trong các cơ sở GDMN".
Các hội thảo, tập huấn là cơ hội để cơ sở tiếp thu, cập nhật những nội dung mới, đồng thời cũng là dịp để các đơn vị trao đổi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong chuyên môn.
8. Có 157 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 15 sản phẩm đạt giải thiết kết bài giảng e-learning cấp tỉnh
Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh kết thúc ngày 06/3/2016. Cấp học Mầm non có 170 giáo viên đăng ký dự thi, trải qua 03 vòng thi: vòng sáng kiến, vòng kiểm tra năng lực, vòng thi giảng có 157/170 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cũng trong năm 2016, cấp học Mầm non có 50 sản phẩm tham dự hội thi thiết kết bài giảng e-learning cấp tỉnh, kết quả: 15 sản phẩm đạt giải (gồm 02 giải nhất, 02 giải nhì, 04 giải ba, 7 giải khuyến khích).
9. Tham gia tập huấn 10 mô đun nâng cao của Dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non”
Sau khi hoàn thành tập huấn 10 mô đun ưu tiên cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non toàn tỉnh, đến nay Điện Biên đã hoàn thành việc tập huấn 10 mô đun nâng cao của Dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non.
Triển khai học tập tốt các mô đun này là điều kiện thuận lợi để cán bộ quản lý, giáo viên mầm non nâng cao năng lực thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đặc biệt hỗ trợ tích cực cho giáo viên trong việc thực hành vận dụng quan điểm “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay.
Lễ khánh thành trường mầm non tư thục Rainbow, thành phố Điện Biên Phủ
10. Chú trọng phát triển mầm non ngoài công lập
Sở đã có một số văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị quan tâm phối hợp, tạo điều kiện cho sự phát triển của các cơ sở GDMN ngoài công lập. Hiện nay, tỉnh có 3 trường mầm non tư thục gồm trường Mầm non RainBow, trường Mầm non Ánh Thu, trường mẫu giáo SOS; 03 nhóm trẻ/lớp mẫu giáo độc lập tư thục (Phương Nam, Sao Mai, Hoa Lê) với tổng số gần 300 trẻ. Cũng trong năm 2016, Sở đã thẩm định và cấp phép cho trường mầm non tư thục Rainbow, thành phố Điện Biên Phủ thực hiện thí điểm dạy ngoại ngữ cho trẻ độ tuổi mẫu giáo.
Một mùa xuân mới đang về, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn cấp học, sự quan tâm của xã hội và cộng đồng, tin tưởng rằng giáo dục mầm non Điện Biên tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới trong năm 2017./.