Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em; cán bộ Dự án; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo 02 tỉnh Điện Biên và Yên Bái; lãnh đạo 02 phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông- tỉnh Điện Biên và huyện Văn Chấn- tỉnh Yên Bái cùng các thầy cô giáo và các trợ giảng trong địa bàn Dự án tại hai tỉnh Điện Biên và Yên Bái.
Đại biểu dự hội thảo Dự án được thực hiện tại hai huyện vùng núi của Việt Nam: huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Với mục tiêu trẻ em dân tộc thiểu số cấp mầm non và tiểu học thuộc địa bàn Dự án sẽ được tiếp cận giáo dục và kết quả học tập được cải thiện, phương pháp giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ sẽ được chính phủ công nhận như là một phương pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số.
Dự án có một số hoạt động chính như: lựa chọn trợ giảng, tập huấn cho giáo viên và trợ giảng về phương pháp giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ, chương trình giảng dạy và phương pháp dạy Tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai; Phát triển các tài liệu như kế hoạch giảng dạy, công cụ đánh giá để đảm bảo các kế hoạch và tài liệu giảng dạy phù hợp với bối cảnh văn hóa và giáo dục của cộng đồng địa phương; Giới thiệu mô hình sinh hoạt chuyên môn dựa trên phân tích hoạt động học của học sinh để nâng cao thực hành trong giảng dạy; Tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia tạo ra môi trường học tập tích cực, thân thiện cho trẻ…
Hiện tại Dự án vẫn đang tiếp tục triển khai tại hai địa bàn huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) và Văn Chấn (Yên Bái) với phần lớn ngân sách dùng để duy trì vị trí trợ giảng trong các trường Mầm non và Tiểu học thụ hưởng từ giai đoạn trước.
Phát biểu của trợ giảng tại hội thảo Hội thảo lần này đã tập trung thảo luận chuyên sâu hơn với các đối tác về chiến lược cụ thể để bảo tồn thành quả của dự án. Các nhân viên trợ giảng có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác trợ giảng để giúp học sinh học tiếng Việt tốt hơn. Bên cạnh đó, cán bộ Dự án và các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo được thụ hưởng Dự án cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được và đưa ra phương hướng khắc phục những khó khăn hạn chế còn tồn tại; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai và giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số, thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025.
Bà Lê Thùy Dương- Quản lý chương trình Giáo dục của tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết, huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên đã được thụ hưởng Dự án "Tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số" và dự án “Tạo môi trường học tập chất lượng an toàn cho trẻ vùng dân tộc thiểu số” của tổ chức Cứu trợ trẻ em. Sắp tới khi cả hai dự án kết thúc, tổ chức Cứu trợ trẻ em sẽ xem xét có dự án tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
Phát biểu của đại biểu lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận đề xuất một số nội dung mong muốn tổ chức Cứu trợ trẻ em tiếp tục quan tâm như: hỗ trợ kinh phí duy trì mô hình nhân viên trợ giảng, tập huấn bồi dưỡng giáo viên và trợ giảng, hỗ trợ kinh phí tạo môi trường học tập chất lượng và an toàn cho trẻ em, xem xét việc hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ vùng đặc biệt khó khăn…
Trong những năm qua, cùng với nhiều chương trình, dự án, tổ chức Cứu trợ trẻ em luôn đồng hành với giáo dục miền núi. Tin tưởng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của ngành giáo dục cùng sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp từ các cấp, các ngành, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của các dự án, giáo dục các tỉnh miền núi sẽ dần khắc phục khó khăn, gặt hái nhiều thành công trong việc nâng cao chất lượng Giáo dục vùng dân tộc thiểu số./.