Với mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 2, trong những năm qua nhà trường quán triệt tới cán bộ giáo viên thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chấp hành tốt sự quản lý của chính quyền địa phương, sự chỉ đạo của ngành, đồng thời tích cực tham mưu thực hiện các giải pháp tăng tỉ lệ huy động trẻ ra lớp, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, cụ thể:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, của cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội. Do vậy, nhà trường luôn tích cực tuyên truyền công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia thông qua các hoạt động như: phát biểu tham luận trong Đại hội Đảng bộ, Đại hội giáo dục của địa phương; phát biểu trong các kì họp Hội đồng nhân dân, họp Đảng bộ, họp tổng kết của UBND phường; tuyên truyền về chủ trương và triển khai kế hoạch của nhà trường với Ban đại diện cha mẹ trẻ và toàn thể cha mẹ trẻ thông qua các cuộc họp phụ huynh; truyên truyền qua hệ thống bảng biểu, về nội dung các tiêu chuẩn cần phấn đấu, viết bài tuyên truyền... Qua đó kêu gọi sự chung sức, đồng lòng của chính quyền địa phương cùng các bậc phụ huynh quan tâm cùng nhà trường xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Tham mưu với các cấp lãnh đạo
Trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, hiệu trưởng là thành viên trong Hội đồng giáo dục và Ban xây dựng trường chuẩn quốc gia của địa phương, là cán bộ quản lí trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo và là người trực tiếp quản lý nhà trường nên trong lĩnh vực giáo dục về xây dựng trường chuẩn quốc gia, không ai hiểu và nắm rõ nội dung xây dựng trường chuẩn của đơn vị mình hơn người hiệu trưởng. Chính vì vậy, hiệu trưởng trong thực thi nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia, phải luôn xem mình như là một cán bộ giúp việc của lãnh đạo địa phương và lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo; Hiệu trưởng nhà trường phải có ý kiến, tham mưu, đề xuất phương án để lãnh đạo địa phương và Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định các vấn đề về xây dựng trường chuẩn ngoài khả năng giải quyết của nhà trường.
Ngoài việc tham mưu với lãnh đạo địa phương, hiệu trưởng cần tích cực tham mưu cho lãnh đạo Phòng Giáo dục đầu tư các hạng mục cơ sở vật chất: Xây dựng lớp học, phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; tham mưu, bảo vệ biên chế để đảm bảo đủ giáo viên, nhân viên theo quy định... Trong triển khai xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nhiệm vụ tham mưu của hiệu trưởng có vai trò hết sức quan trọng; việc tham mưu càng tích cực sẽ giúp cho lãnh đạo địa phương và ngành có sự quan tâm hơn, chỉ đạo càng sát sao hơn và trường có điều kiện thuận lợi hơn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Ảnh 1. Hoạt động ngoài trời của bé
Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ
Như chúng ta đã biết trẻ em ở lứa tuổi mầm non là một giai đoạn có những đặc điểm tâm sinh lý riêng rất phức tạp. Trách nhiệm của trường mầm non là phối hợp cùng gia đình chăm sóc giáo dục trẻ làm cho trẻ tăng trưởng thể lực đi đôi với phát triển trí tuệ.
Để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, nhà trường cần xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn hợp lý, phù hợp với thực tế địa phương, thay đổi thực phẩm hàng ngày, thay đổi cách chế biến theo tuần, thay đổi thực đơn theo mùa, cân đối cung cấp đủ lượng dinh dưỡng của 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Lựa chọn những loại thực phẩm có sẵn ở địa phương như: cua, trứng, hến, đậu, cá, các loại rau theo mùa… vừa rẻ tiền, tươi ngon, vừa giàu dinh dưỡng. Tuyên truyền cho phụ huynh biết cách phối hợp cùng nhà trường chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.
Yếu tố thứ hai là công tác vệ sinh: bao gồm vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng lớp học, nhà bếp, đặc biệt là vệ sinh cá nhân bằng cách tổ chức thực hành chuyên đề vệ sinh cho cô và trẻ, tham gia tập huấn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành y tế. Thường xuyên kiểm tra đánh giá công tác vệ sinh của trẻ, nhóm lớp, nhà bếp để ngăn chặn được dịch bệnh, ngộ độc xảy ra trong nhà trường ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Nhà trường quản lý tiền ăn của trẻ qua hồ sơ quản lý ăn bán trú, quản lý thực phẩm, khẩu phần ăn với sự phối hợp của nhà trường, Ban đại diện cha mẹ trẻ và trưởng các đoàn thể, kiểm tra giám sát định kì hoặc kiểm tra đột xuất không báo trước.
Về nâng cao chất lượng giáo dục: Trường học là một tổ chức học tập không chỉ đối với học sinh mà cả đối với người quản lý và giáo viên. Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường thường xuyên tổ chức tốt các phong trào thi đua: thi giáo viên dạy giỏi, viết sáng kiến, làm đồ dùng dạy học, thi trang trí lớp cũng như các hội thi có sự kết hợp cả 3 đối tượng cho cô, trẻ và cùng các phụ huynh.
Xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng: Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên là nhân tố quyết định quan trọng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong nhà trường. Vì vậy việc lựa chọn, bồi dưỡng đào tạo cho đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng là hết sức cần thiết. Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ giáo viên của trường. Tạo mọi điều kiện và các hình thức hoạt động để giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn chuyên ngành giáo dục mầm non; có kế hoạch bồi dưỡng nhằm tăng số lượng giáo viên trên chuẩn về trình độ đào tạo. Để việc tự học phát triển rộng rãi trong nhà trường, bản thân hiệu trưởng, phó hiệu trưởng luôn là người gương mẫu thực hiện, khuyến khích đội ngũ tham gia.
Phát huy năng lực của mọi giáo viên bằng cách giao nhiệm vụ tạo cơ hội cho họ thể hiện, biết động viên khích lệ kịp thời (nêu gương, khen thưởng) để họ sẵn sàng bộc lộ hết khả năng của từng cá nhân vào công việc của tập thể. Ngược lại luôn giúp đỡ bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho những giáo viên còn hạn chế về năng lực chuyên môn như giao nhiệm vụ đồng thời phân công giáo viên có năng lực chuyên môn kèm cặp giúp đỡ.
Ban Giám hiệu nhà trường cũng xác định đời sống tinh thần, vật chất của giáo viên được ổn định thì cá nhân mỗi người mới an tâm công tác. Vì thế Ban Giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn của trường luôn dành thời gian quan tâm nắm bắt điều kiện hoàn cảnh từng cá nhân để phân công bố trí công việc phù hợp (giáo viên con nhỏ phân công lớp với giáo viên độc thân có sức khoẻ, năng lực) để giúp đỡ hỗ trợ nhau, vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Quan tâm giải quyết các chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ phép và các chế độ khác đầy đủ kịp thời. Đặc biệt thường xuyên động viên, khen thưởng những nhân tố tích cực cũng như tổ chức thăm hỏi động viên đúng lúc những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, gặp hoạn nạn từ đó đã phát huy sức mạnh của khối đoàn kết tập thể.
Ảnh 2. Đón bằng công nhận trường Chuẩn quốc gia mức độ 2
Xây dựng cơ sở vật chất
Để đảm bảo các yêu cầu xây dựng trường chuẩn quốc gia theo hướng hiện đại, đảm bảo tính sử dụng bền vững, lâu dài, tránh lạc hậu nhà trường tích cực tham mưu xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn, trong đó lưu ý: Các phòng học phải đảm bảo diện tích theo hướng phát triển tăng số trẻ, cửa sổ vừa tầm với trẻ để có đủ ánh sáng cho trẻ hoạt động, có hệ thống điện đầy đủ và an toàn. Các phòng học cho trẻ phải xây dựng liên hoàn với các phòng chức năng như: Phòng nghệ thuật, phòng vi tính, phòng y tế, hành chính quản trị, bếp một chiều,…
Nhà trường tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, sự đồng tình giúp đỡ của các ban ngành các cấp: Xây dựng kế hoạch về quy mô phát triển nhà trường theo từng năm học, Kế hoạch xây dựng tổng thể cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh, bếp ăn,...phù hợp với định hướng phát triển. Có quy hoạch sân trường: Sân tập thể dục, khu vui chơi giao thông, vườn cây của bé, khu vui chơi ngoài trời, thảm cỏ đảm bảo hài hòa đúng tiêu chí quy định, tiết kiệm hiệu quả trong sử dụng cơ sở vật chất lâu dài, phù hợp với xu thế phát triển. Kế hoạch này phải mang ý tưởng chiến lược, phù hợp cho tương lai và mai sau, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Lưu ý mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối cho trẻ sử dụng bền, đẹp.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục
Như Bác Hồ đã nói:
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Mọi công việc dù có khó khăn đến mấy mà có toàn thể nhân dân cùng lo lắng, cùng chung sức thì khó mấy cũng hoàn thành. Đó chính là sự “đồng tâm, đồng lòng” là sự tin tưởng vào chính quyền địa phương và nhà trường. Một nhà trường muốn phát triển tốt cần có sự chung tay đóng góp, tác động từ nhiều phía, đó là nhà trường, gia đình và xã hội hay nói cách khác là khéo léo lôi kéo gia đình và xã hội tham gia góp phần vào việc nuôi dạy các cháu ngày một tốt hơn.
Đối với gia đình: Nhà trường phân công cán bộ giáo viên phối hợp cùng với tổ trưởng các tổ dân phố, bản đến từng hộ gia đình, điều tra trẻ trong độ tuổi, kết hợp tuyên truyền vận động gia đình đưa trẻ đến trường.
Định kỳ hàng năm trong các cuộc họp với phụ huynh, nhà trường và giáo viên tổ chức tuyên truyền giúp cha mẹ hiểu được những kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ để phối hợp cùng nhà trường chăm sóc giáo dục các cháu tốt hơn.
Thông qua hội nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh, theo từng năm học bầu ra Ban đại diện cha mẹ học sinh, thông qua Ban đại diện và giáo viên chủ nhiệm lớp, tuyên truyền những thông tin cần thiết của nhà trường đến từng gia đình, đồng thời kêu gọi vận động phụ huynh đóng góp công sức và vật chất để hoàn thành kế hoạch xây dựng, phát triển nhà trường.
Đối với xã hội, cụ thể là chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn, tạo điều kiện để nhà trường tranh thủ sự hỗ trợ và giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị kết nghĩa để từng bước giải quyết các khó khăn cho nhà trường. Xã hội hóa giáo dục là nhằm thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, nhằm làm cho thế hệ trẻ mà là mọi người dân được hưởng các quyền lợi mà giáo dục đem đến; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân, mọi tổ chức chính trị - kinh tế - văn hoá xã hội phát huy cao nhất trách nhiệm của mình đóng góp cho cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo.
Ảnh 3. Hoạt động khám phá khoa học của các bé mẫu giáo 5 tuổi
Với sự quyết tâm, phát huy tinh thần trách nhiệm "tất cả vì học sinh thân yêu” nhiều năm qua, trường mầm non Thanh Trường luôn xây dựng được khối đoàn kết trong tập thể sư phạm, tạo ra sức mạnh tổng hợp. Nhà trường luôn coi trọng công tác củng cố, xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên vì đây chính là lực lượng nòng cốt quyết định chất lượng chăm sóc, giáo dục của nhà trường. Chính vì vậy cho đến nay, nhà trường có đội ngũ cán bộ giáo viên đủ mạnh về số lượng và chất lượng: 100% cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, 24/29 cán bộ, giáo viên vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng; 100% cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu lao động tiên tiên; 91% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp; hàng năm nhà trường có từ 4 đến 5 cá nhân được công nhận là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 03 cá nhân được UBND thành phố tặng giấy khen; 2 cá nhân được UBND tặng tỉnh bằng khen; 01 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Nhà trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, vinh dự được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba và nhiều Bằng khen, giấy khen các cấp khen tặng cho chi bộ, Công đoàn và Chính quyền nhà trường./.