Chương trình SEQAP được triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo lộ trình từ năm 2010-2015 với tổng số 40 trường tiểu học thuộc 7 huyện gồm Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng.
Năm học 2014-2015 Điện Biên có 40 trường tiểu học tham gia Chương trình SEQAP với tổng số 720 lớp, 14.861 học sinh trong đó có 12.691 học sinh dân tộc thiểu số. Việc triển khai thực hiện Chương trình SEQAP từng bước đã tạo sự chuyển biến tích cực ở các trường tiểu học, học sinh dân tộc vượt qua được rào cản về ngôn ngữ tiếng Việt, rút ngắn khoảng cách sự chênh lệch trình độ với vùng thuận lợi, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, giảm thiểu học sinh lưu ban, tạo sự chuyển biến, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường tiểu học.
Chương trình triển khai từ năm học 2010-2011 đến nay đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cha mẹ học sinh, sự quan tâm của chính quyền địa phương, các trường tiểu học về chủ trương học cả ngày theo mô hình T30, T35. Thực hiện học 2 buổi/ngày và ăn trưa bán trú tại trường tạo điều kiện cho học sinh vùng khó khăn có thêm thời gian dành cho học tập, tổ chức các hoạt động tập thể, rèn kỹ năng sống, các em có điều kiện nắm vững kiến thức hơn, chất lượng giáo dục ở các lớp dạy học 2 buổi/ngày được nâng lên đáng kể.
Học sinh lớp 3 trường tiểu học số 1 Thanh Xương huyện Điện Biên học Tự nhiên xã hội theo phương pháp Bàn tay nặn bột
Ngoài việc tập trung dạy học đảm bảo Chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học, các trường xây dựng kế hoạch dạy học buổi thứ 2 tập trung chủ yếu vào các nội dung: Củng cố kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt và môn Toán; tăng cường công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục an toàn giao thông, tổ chức các câu lạc bộ trong nhà trường như văn nghệ, thể dục thể thao. 100% các trường tham gia SEQAP đều thực hiện tốt việc dạy học 2 buổi/ngày. Năm học 2014-2015 trong số 40 trường tham gia Seqap đã có 15 trường triển khai dạy tiếng Việt lớp 1 theo sách giáo khoa Chương trình công nghệ giáo dục.
Công tác tổ chức ăn trưa bán trú cho học sinh đã được các nhà trường, chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh quan tâm ủng hộ. Với sự hỗ trợ của chương trình 2 bữa/tuần, 40 trường đã huy động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí để tổ chức cho học sinh ăn trưa 4 bữa/tuần đạt 7.954/14861em (53,5%); việc ăn trưa tại trường giúp các em được ăn cơm tâp thể, ngủ, nghỉ, vui chơi, không phải đi về buổi trưa, tinh thần thoải mái, học tập hứng thú, hiệu quả hơn.
Song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đã được các trường quan tâm đầu tư qua việc triển khai công tác tự học, tự bồi dưỡng, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm về việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh… Bên canh đó 100% cán bộ quản lý, giáo viên của các trường tham gia Chương trình Seqap đã được tham gia tập huấn các mô đun của chương trình do sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Thực hiện Chuyên đề dạy tiếng Việt lớp 1-CNGD tại trường tiểu học Thanh Luông huyện Điện Biên
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện với nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình cho học sinh ăn nghỉ tại trường còn hạn chế, một số trường ở vùng khó khăn việc huy động thêm nguồn lực từ cha mẹ học sinh để tăng số lượng bữa ăn/tuần, tăng tỷ lệ học sinh được ăn trưa tại trường còn hạn chế. Với phương châm phát huy hiệu quả sự tham gia của cộng đồng trong việc tổ chức cho học sinh được học cả ngày và ăn trưa bán trú tại trường các phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tích cực trong công tác xã hội hóa và bổ sung cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng yêu cầu để duy trì việc học 2 buổi/ngày và ăn bán trú cho học sinh khi Chương trình kết thúc.
Với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, học sinh tiểu học là người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo trên toàn tỉnh tham gia Chương trình SEQAP đã được tiếp cận và chuyển đổi sang mô hình dạy học cả ngày ở cấp tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong thời kỳ công nghịêp hoá và hội nhập Quốc tế./.