banner

GDTH – Chuyên đề truyền thông tháng 2 huyện Điện Biên: Một số giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường và xâm hại trẻ em trong trường tiểu học

Thứ năm - 09/02/2017 21:51
Trong những năm gần đây, ở một số nơi tình trạng bạo lực học đường và xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, trở thành mối lo lắng và quan tâm lớn của xã hội. Đối tượng của những vụ bạo lực học đường và xâm hại trẻ em có cả học sinh ở lứa tuổi tiểu học, để lại những hậu quả xấu tâm sinh lý trẻ, ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh nói riêng và giáo dục nhà trường nói chung. Chính vì vậy cần phải đưa ra các giải pháp tích cực để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường và xâm hại trẻ em trong trường tiểu học.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường và xâm hại trẻ em trong trường tiểu học, trong đó có nguyên nhân chủ quan về phía các em học sinh như: bản thân học sinh tiểu học còn ít tuổi, các em chưa có đủ hiểu biết và kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày, rất dễ bị cuốn theo lối sống thực dụng, đua đòi, thiếu lành mạnh, hành vi bạo lực từ gia đình; mạng internet, phim ảnh, game online; nguyên nhân về công tác quản lý như: các nhà trường chưa thực hiện giáo dục các nội dung phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại trẻ em đầy đủ; trẻ chưa được thường xuyên hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại; nguyên nhân về phần gia đình và xã hội như: một số phụ huynh thiếu kiến thức và kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ em, chưa quan tâm đến con em, không thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những diễn biến tâm lý, tình cảm của con em để kịp thời giúp đỡ, uốn nắn những lệch lạc; môi trường xã hội còn nhiều phức tạp, tệ nạn xã hội và những mặt trái của cơ chế thị trường đã có tác động xấu đến nhận thức, tình cảm và hành vi của trẻ. Từ đó việc xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần ngăn chặn bạo lực học đường và xâm hại trẻ em ở các trường tiểu học trong giai đoạn hiện nay.


Học sinh trường Tiểu học số 2 xã Thanh Yên, huyện Điện Biên

 
Trước hết là các giải pháp về công tác quản lý và giáo dục, Hiệu trưởng nhà trường cần tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường để nắm tình hình, bàn biện pháp phối hợp để phòng ngừa, ngăn chặn tác động xấu từ bên ngoài, xây dựng môi trường văn hóa nơi trường học, huy động các lực lượng tham gia; tổ chức các hoạt động giáo dục - truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về các quyền cơ bản của trẻ em; phương pháp, kỹ năng bảo vệ trẻ em tới gia đình và cộng đồng.

Ban giám hiệu nhà trường xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục về kỹ năng sống cho học sinh trong các hoạt động giáo dục trong năm học; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp; chỉ đạo giáo viên kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng của từng học sinh, gần gũi, động viên về tinh thần, chia sẻ những khó khăn của các em, chỉ ra cho các em biết được cái xấu và nói không với cái xấu; thương yêu và tôn trọng học sinh, đối xử bình đẳng với các em; thường xuyên quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có niềm tin vào bản thân, thầy cô, bạn bè.

Tạo điều kiện để học sinh được bày tỏ ý kiến, hướng dẫn các em biết cách quan tâm, chia sẻ với thầy cô, cha mẹ và bạn bè qua hộp thư “Điều em muốn nói” của nhà trường.   


Học sinh tham gia hoạt động tập thể giữa giờ

 
Các nhà trường cần tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ bằng nội dung và hình thức phù hợp với tình hình chính trị, văn hóa, xã hội, đối tượng tham gia và điều kiện thực tế của địa phương; mỗi cơ sở giáo dục cần xây dựng hệ giá trị, văn hóa, đạo đức cốt lõi làm chuẩn mực, để mọi thành viên đồng thuận lấy đó làm mục tiêu phấn đấu; xây dựng và tổ chức hoạt động các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao để tập hợp thu hút học sinh tham gia, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện; sẵn sàng tư vấn tâm lí, giải toả những vướng mắc trong cuộc sống cũng như trong học tập. Tổ chức tốt phong trào thi đua học tập, rèn luyện Đội viên theo 5 Điều Bác Hồ dạy.

Nhà trường cần kết hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, trao đổi cùng phụ huynh những kiến thức về kỹ năng sống, tư vấn tâm lý, giáo dục sức khỏe và đề nghị phụ huynh không cho các em chơi những trò chơi cũng như xem phim ảnh có tính bạo lực. Giáo viên chủ nhiệm tăng cường phối hợp, trao đổi với giáo viên bộ môn, phụ huynh học sinh trong công tác giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho các em; phổ biến những kiến thức về giới tính một cách khéo léo, lành mạnh; góp phần phòng chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em.

Để xây dựng mỗi trường học trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường và xâm hại trẻ em, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội. Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, môi trường giáo dục trong gia đình, môi trường xã hội lành mạnh, không bạo lực sẽ tạo điều kiện cho học sinh được phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ và tâm hồn đạo đức trong sáng và lành mạnh.

Tác giả: Lâm Thị Ngọc Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập136
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm120
  • Hôm nay19,210
  • Tháng hiện tại829,669
  • Tổng lượt truy cập136,282,038
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi