Truyện kể rằng: Thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban nết na, xinh đẹp. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải lại có giọng hát làm say đắm lòng người. Nhiều trai mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho chàng Khum. Thật không may cho mối tình của đôi trai tài, gái sắc ấy cha Ban chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai tạo mường vừa gù, vừa lười. Thấy cha cùng nhà tạo mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy đến tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum theo cha đi mua trâu ở bản xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này đến rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy. Cuối cùng, kiệt sức nàng ngã gục xuống sau khi vượt qua một dãy núi cao.
Nơi nàng nằm xuống, mọc lên một cây hoa búp trắng như búp tay người con gái. Chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc cứ mỗi độ xuân về. Dân mường liền đặt tên cho loài hoa đó là hoa ban. Về phần Khum, sau khi về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết có chuyện chẳng lành, chàng bèn vội vã đi tìm nàng. Dò hỏi bà con bên bản người yêu, Khum biết được là nàng đã bỏ nhà ra đi, còn đi đâu thì không rõ. Thế là chàng trai lên đường đi tìm người yêu. Chàng đi mãi hết mường này, bản khác mà vẫn không tìm thấy bóng dáng người yêu. Cuối cùng, kiệt sức chàng ngã xuống và chết. Sau khi chết, chàng hoá thành con chim sống lẻ loi trong rừng, cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết năm nào.
Hoa ban là loài hoa gắn với núi rừng Tây Bắc, với không gian văn hóa của người Thái. Hoa Ban in đậm trong tiềm thức của mỗi người dân Tây Bắc, nó đi vào mọi hoạt động văn hóa của người Thái và trở thành một biểu tượng muôn đời của một dân tộc giàu bản sắc. Ban là biểu tượng cho ước mơ hạnh phúc, khát vọng yêu thương, tình yêu chung thủy và sức sống mãnh liệt. Trong đời sống tinh thần của người Thái, hoa ban có vai trò đặc biệt, nó có mặt trong mọi lễ hội, phong tục, tập quán của người Thái. Bên cạnh đó hoa ban còn có vai trò đáng kể trong các thể loại văn học, nhất là dân ca dao duyên của người Thái và dù ở thể loại văn học nào, hoa ban cũng tượng trưng cho vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn, trong tính cách của họ. Các tác giả dân gian thường lấy hoa ban làm thước đo để đánh giá đạo đức, tư tưởng, tình cảm của con người. Đó chính là điều làm cho các tác phẩm văn học của người Thái thêm thi vị và mang tính nhân văn sâu sắc.
Với thành phố Điện Biên Phủ, hoa ban giờ đây không chỉ là biểu tượng cho tấm lòng trong trắng, tình yêu chung thủy mà nó đã và đang trở thành biểu tượng, tên gọi của nhiều cơ quan, đoàn thể (trường Mầm non Hoa Ban, đoàn nghệ thuật Hoa Ban Trắng...).
Bảo tồn và phát triển nét văn hóa đặc sắc từ hoa ban là góp phần bảo vệ bản sắc, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái Điện Biên, góp phần phát triển du lịch ngày càng lớn mạnh, bền vững. Hàng năm vào ngày 13/3, tỉnh Điện Biên tổ chức "Lễ hội Hoa Ban" với nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhằm ôn lại những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nhắc nhở các thế hệ mai sau biết trân trọng và giữ gìn những bản sắc quý báu đó. Đồng thời, qua lễ hội giới thiệu cùng bạn bè năm châu hiểu hơn về mảnh đất Điện Biên lịch sử. Trong nhiều năm qua, thực hiện Dự án trồng ban dọc theo một số con đường quan trọng của tỉnh, các trường phổ thông trung học trực thuộc sở Giáo dục và Đào tạo cũng góp phần cùng tỉnh nhà trồng và chăm sóc những hàng ban dọc theo đường quốc lộ nhằm giữ lại một màu trắng tinh khôi cho những con đường rợp bóng hoa ban. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các nhà trường triển khai trồng cây hoa ban trong trường học, tuyên truyền, giáo dục học sinh biết cách chăm sóc và bảo vệ cây hoa ban. Đây chính là cách tốt nhất để con người tự bảo vệ mình và bảo vệ đồng loại, tránh đi những cơn "thịnh nộ" từ thiên nhiên bao la, hùng vĩ mà đầy bí ẩn.