banner

GDTH: Khó khăn và những giải pháp khi thực hiện thí điểm Mô hình trường học mới tại Việt Nam

Chủ nhật - 21/12/2014 22:50
Dienbien.edu.vn - Trong những năm qua ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đặc biệt là của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cùng với Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (GPE- VNEN) cũng triển khai thực hiện các hoạt động trong giai đoạn 2011-2015.

 Có thể thấy, hoạt động dạy học của các trường tham gia Dự án VNEN đang từng bước đi vào ổn định và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Dự án các nhà trường cũng gặp phải những khó khăn nhất định.

Thời gian đầu, việc triển khai thực hiện học 2 buổi/ngày của các nhà trường chưa tìm được sự đồng thuận từ phía phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh không cho con mình đến lớp học buổi 2. Một số trường vùng tương đối thuận lợi, quan tâm đến tình hình học tập của con mình lại có tâm lý hoang mang khi tham gia học theo phương pháp mới. Họ sợ con em mình không tiếp thu được kiến thức bài học, nhất là đối tượng học sinh trung bình, yếu.

Phương pháp dạy học "thầy giảng - trò nghe" đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi giáo viên. Do vậy, việc thay đổi hoàn toàn phương pháp dạy học cũ bằng một phương pháp dạy học mới đạt được hiệu quả như mong muốn cần phải có thời gian để thầy cô làm quen và rút ra những kinh nghiệm thực tế.

Yêu cầu của Dự án là học sinh khi học lên lớp 2 phải biết đọc và biết viết thành thạo thì mới thực hiện được bài học, nhưng thực tế tỷ lệ học sinh yếu tiếng Việt lại khá phổ biến ở địa phương, chưa kể học sinh học hòa nhập, điều đó ảnh hưởng rất lớn tới việc tiếp thu bài học của các em.

Học sinh dân tộc chiếm tỷ lệ cao, đa phần các em còn nhút nhát, kỹ năng điều hành các hoạt động theo Mô hình trường học mới còn nhiều hạn chế. Do vậy, khâu tổ chức lớp học đối với các lớp bước đầu cũng có những khó khăn nhất định.

Đổi mới về Phương pháp, đồng thời phải đổi mới về cách đánh giá học sinh theo yêu cầu của công văn số 5737/BGDĐT-GDTH, ngày 21/8/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng là một nội dung khó đối với giáo viên trong thời gian đầu thực hiện.

Dự án Mô hình trường học mới là Dự án đổi mới về phân cấp quản lý kinh phí cho các đơn vị trường học. Tuy nhiên, việc lập kế hoạch kinh phí hàng năm cho việc thực hiện các hoạt động Dự án của các trường còn gặp nhiều khó khăn. Một số trường chưa có kinh nghiệm trong khâu lập kế hoạch- triển khai thực hiện kế hoạch, các thủ tục quyết toán kinh phí chưa đầy đủ theo sổ tay hướng dẫn, đặc biệt là các hoạt động đấu thầu do kế toán trường còn yếu về chuyên môn.

Giải pháp khắc phục khó khăn khi áp dụng Mô hình trường học mới

Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hoạt động của Dự án tới phụ huynh học sinh; vận động phụ huynh học sinh cùng với nhà trường cho con em họ đến lớp; kết hợp ban đại diện cha mẹ học sinh lôi kéo phụ huynh tham gia vào các hoạt động của lớp như trang trí lớp học, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung đồ dùng các góc học tập. Từ đó, giúp phụ huynh nhận thức được vai trò của mình trong nhà trường, giúp họ thấy được những lợi ích mà Mô hình trường học mới đã đem lại cho con em họ, đồng thời tuyên truyền để họ ủng hộ nhà trường trong việc thực hiện dạy học theo phương pháp mới.                 
    
Thứ hai: - Tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cấp cụm trường theo kế hoạch đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Trong các lần sinh hoạt chuyên môn có sự tham gia của tư vấn Dự án tỉnh, cán bộ chuyên môn phòng Giáo dục và Đào tạo nhằm trao đổi và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn vướng mắc (phương pháp, thống nhất điều chỉnh tài liệu...) khi thực hiện theo Mô hình VNEN.

- Hàng tháng, đội ngũ tư vấn cấp tỉnh có kế hoạch đến dự giờ, tư vấn về chuyên môn cho các nhà trường. Chỉ ra những hạn chế mà giáo viên đang mắc phải đó là việc vận dụng chưa linh hoạt các hoạt động dạy học theo tài liệu hướng dẫn; dạy học chưa phân hóa được đối tượng học sinh; giáo viên chưa kiểm soát được mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh... để cùng nhau trao đổi và đi đến thống nhất.

Thứ ba:  Tăng cường công tác bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng đọc cho học sinh. Chú ý tập trung vào đối tượng học sinh yếu; kết hợp lấy học sinh đọc khá giúp đỡ những học sinh đọc yếu. Thực hiện tốt nội dung tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1 trước khi vào lớp 2 theo nguồn kinh phí của Dự án được tổ chức vào thời gian hè. Ngoài ra, giáo viên còn có kế hoạch đầu tư thêm thời gian rèn đọc cho học sinh vào buổi 2 khi thực hiện học 2 buổi/ngày .

Thứ tư: Tổ chức các hoạt động giao lưu trong các tiết học, hướng dẫn học sinh biết cách tự nhận xét mình, nhận xét bạn, phản hồi trao đổi ý kiến nhằm tạo sự tự tin cho các em khi trình bày một vấn đề. Luân phiên thay đổi nhóm trưởng, giúp các em có kỹ năng quản lý điều hành và có ý thức trách nhiệm hơn đối với công việc.

Thứ năm: Tổ chức tập huấn cho 68 trường Dự án và các trường nhân rộng Mô hình trường học mới thực hiện công văn 5737/BGDĐT-GDTH; Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 Ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học; hướng dẫn giáo viên cách đánh giá học sinh qua các môn học và hoạt động giáo dục, đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh bằng nhận xét thường xuyên, đưa nội dung nhận xét, đánh giá học sinh vào các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường.

Thứ sáu: Ban Quản lý Dự án VNEN tỉnh Điện Biên đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác tài chính, quản lý tài chính - mua sắm đấu thầu với các nội dung: Hướng dẫn thực hiện kinh phí Dự án VNEN; tổng kết công tác quản lý tài chính - mua sắm đấu thầu năm 2013; rà soát tình hình thực hiện kinh phí năm 2014, tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu giải ngân hàng năm; tập huấn quy trình lập kế hoạch và thủ tục cấp kinh phí năm 2015; hướng dẫn một số điểm mới trong mua sắm đấu thầu; quy trình thanh quyết toán, sử dụng quỹ 1, quỹ 2, kinh phí tăng cường tiếng Việt, chi phí tập huấn cho Hiệu trưởng và kế toán của 68 trường VNEN. Ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện và thanh toán kinh phí Dự án Mô hình trường học mới.
 
Bài học kinh nghiệm

Một là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Quản lý Dự án các cấp, sự tham gia của chính quyền địa phương, cộng đồng vào các hoạt động của Dự án.

Hai là: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về việc đổi mới căn bản, toàn diện học sinh; thay đổi cách dạy học từ phương pháp truyền thống sang cách dạy học lấy học sinh làm trung tâm.

Ba là: Nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học, thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu học sinh bỏ học, tăng tỉ lệ học sinh chuyên cần.

Bốn là: Sử dụng nguồn ngân sách bổ sung từ Dự án, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học. Sử dụng tốt quỹ 2 (hỗ trợ học sinh ăn trưa) nhằm khuyến khích học sinh đến lớp, chăm lo sức khỏe cho các em.

Năm là: Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao chuyên môn nhằm thực hiện tốt hơn các nội dung mà Dự án quy định.

Trên đây là một số khó khăn và những giải pháp mà các trường thực hiện Dự án Mô hình trường học mới tỉnh Điện Biên đã và đang thực hiện, nhằm duy trì tốt hơn nữa các hoạt động của Dự án trong thời gian tới, xây dựng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của Giáo dục Việt Nam./.

Phòng Giáo dục Tiểu học- Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập157
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay20,085
  • Tháng hiện tại246,468
  • Tổng lượt truy cập136,598,281
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi