Là đơn vị trường thuộc vùng biên giới khó khăn, 89% học sinh là người dân tộc thiểu số nên ngay từ đầu năm học nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho từng tuần, từng tháng, từng kỳ. Nhà trường tổ chức họp phụ huynh đầu năm học để tuyên truyền về Chương trình Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục. Những giáo viên dạy lớp 1 sau khi được tập huấn cấp tỉnh trở về trường đã tích cực nghiên cứu tài liệu, nắm vững quy trình thiết kế, xem băng đĩa để có thêm kinh nghiệm áp dụng vào việc giảng dạy.
Trong Chương trình Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục, những tiết học đầu tiên rất quan trọng đối với học sinh, do vậy ngay từ tuần 0, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn tỉ mỉ các thao tác, các ký hiệu, hiệu lệnh, để học sinh thực hiện nhuần nhuyễn các thao tác. Khi vào lớp tất cả học sinh làm theo lệnh của giáo viên, nếu em nào làm chưa đúng cô sửa cho đúng đến khi học sinh thực hiện thành thạo. Giáo viên giao việc gì học sinh làm việc đó, dần đưa học sinh vào nền nếp, làm nghiêm túc. Trong các tiết dạy của các tuần tiếp theo giáo viên chủ nhiệm luôn chú ý quan tâm đến quy trình 4 việc nên việc dạy cũng có phần thuận lợi hơn.
Hằng ngày, giáo viên thường xuyên sử dụng các kí hiệu, hiệu lệnh, khẩu lệnh ngắn gọn để các em dễ hiểu. Đối với những em đánh vần còn sai, giáo viên chủ nhiệm phải dành nhiều thời gian để hướng dẫn, giúp đỡ các em hơn hoặc trực tiếp gặp phụ huynh trao đổi, chia sẻ cách dạy các em đánh vần khi ở nhà. Với sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường, sự nhiệt tình của giáo viên chủ nhiệm, sự nỗ lực phấn đấu của các em học sinh cùng với sự cộng tác nhiệt tình của phụ huynh mà chất lượng môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục ngày càng được nâng cao, cụ thể: về năng lực: Tốt, Đạt 82,5%; về phẩm chất: Tốt, Đạt 100%.
Từ thực tế giảng dạy, nhà trường đã rút ra được các điểm mấu chốt quan trọng để Chương trình Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục đạt hiệu quả cao đó là: Giáo viên cần nắm vững phương pháp dạy, sử dụng khẩu lệnh ngắn gọn, dùng ký hiệu trong giảng dạy một cách thành thạo, phải tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu kỹ thiết kế, tham khảo các mẫu giảng, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng dạy học, từ đó thiết kế bài giảng của mình sao cho linh hoạt phù hợp với trình độ tiếp nhận của học sinh. Thao tác vẽ mô hình của giáo viên cần đúng chuẩn, khi viết mẫu phải đảm bảo về độ cao các con chữ, kiểu chữ đứng, đảm bảo khoảng cách giữa các chữ ghi tiếng. Giáo viên cần giao việc chậm, tỉ mỉ, chính xác, cụ thể. Thao tác làm mẫu cũng vậy phải tỉ mỉ chính xác, chậm, rõ ràng. Luôn luôn tạo không khí cởi mở, thân thiện với các em học sinh trong lớp để giờ học được vui tươi thoải mái. Điểm nổi bật của phương pháp này là tính vững chắc, học sinh học đâu chắc đấy, ngay từ đầu học sinh đã được viết chính tả nghe viết, viết chính tả là cách làm việc trí óc, không như tập chép nhìn chữ có sẵn rồi “vẽ” lại.
Một điểm khác với phương pháp dạy học truyền thống nữa là giáo viên không phải cầm tay giúp học sinh tập viết mà các em tự tư duy bài giảng dưới hình thức nghe, hiểu và viết lại. Như vậy, Chương trình Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục đã tích hợp được rất nhiều kỹ năng cho học sinh. Qua các lớp học này kiến thức và năng lực giáo viên cũng được nâng cao rất nhiều, giáo viên hiểu cặn kẽ về ngữ âm, luật chính tả... Theo giáo sư Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của Chương trình Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục, để dạy tốt phải mất một vài năm vì so với chương trình cũ, chương trình mới khác hoàn toàn từ nội dung, phương pháp, cách thức.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn như một số tiết học nội dung dài, việc kiểm tra đánh giá học sinh sẽ bị hạn chế nếu lớp học quá đông, học sinh đã phải viết chữ hoa ngay từ tuần 20,... Để khắc phục những khó khăn trên, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp:
Đối với những tiết học có nội dung dài chưa đảm bảo thời gian (không kể những tiết có 6 vần thay vì học 2 tiết thì được phép kéo dài 3 tiết), khi dạy việc 0, việc 1 thì giáo viên phải dạy tỉ mỉ theo khâu - bước của thiết kế để 100% học sinh trong lớp hoàn thành bài. Sang việc 2 phần luyện viết trên bảng con thì 100% học sinh trong lớp được viết, còn phần viết vào vở em tập viết thì giáo viên cần phải luôn luôn quan sát tốc độ viết của học sinh, khi thấy tất cả học sinh trong lớp viết hết nội dung phần quyển sách thì giáo viên chuyển sang việc 3 còn phần logo “ngôi sao” và phần logo “ngôi nhà” cho học sinh viết ở tiết Tiếng Việt buổi chiều. Ở việc 3, việc 4 giáo viên linh hoạt rút ngắn thời gian mà vẫn đảm bảo được việc luyện đọc, luyện viết cho học sinh. Ở việc 4 cũng vậy, nếu đoạn viết quá dài thì giáo viên có thể cho học sinh viết 2 đến 3 câu, còn lại cho viết vào buổi chiều (lưu ý: chỉ có thể lược bớt nội dung bài đọc hoặc nội dung bài viết chứ quy trình đọc viết không được cắt bớt).
Ở Chương trình Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục không có phần kiểm tra đánh giá mà chỉ có phần ôn lại mẫu đã học (việc 0), vì vậy giáo viên cần kiểm tra đánh giá vào phần luyện đọc ở việc 3 của mỗi tiết học, nghe học sinh đọc để đánh giá em đó có hoàn thành nội dung bài chưa, nếu chưa hoàn thành thì phải rèn thêm cho học sinh vào đầu giờ hoặc thời gian buổi chiều.
Đối với phần viết chữ hoa, sau khi cho học sinh quan sát chữ mẫu, nêu cấu tạo, giáo viên viết mẫu chữ cỡ nhỏ trên dòng kẻ li phóng to (kẻ sẵn trên bảng lớp) để học sinh quan sát rõ được điểm đặt bút điểm dừng bút, độ rộng, độ cao của chữ hoa nên các em luyện viết trên bảng con cũng dễ dàng hơn. Khi viết vào vở phần tô chữ hoa và phần viết vần, giáo viên cho 100% học sinh viết bút mực. Còn phần viết chữ hoa, những em viết chậm hoặc viết mới thành hình chữ, chưa đúng mẫu, giáo viên cho học sinh viết bằng bút chì cho quen tay, rồi chuyển dần sang viết bằng bút mực.
Sau hơn một năm triển khai và bước đầu đạt được những kết quả tích cực, nhà trường tin rằng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp quản lý, sự nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm của thầy cô giáo, sự ủng hộ của phụ huynh; Chương trình Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục sẽ đem lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh nhất là học sinh dân tộc thiểu số.