banner

GDTX&CN: UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt “Kế hoạch Xoá mù chữ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên”

Thứ năm - 28/08/2014 10:33
Dienbien.edu.vn: Với tổng kinh phí 67.449 triệu đồng chi cho công tác xóa mù chữ, ngày 29/5/2014, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt “Kế hoạch Xoá mù chữ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên”.
Những năm qua, cả nước nói chung và tại tỉnh Điện Biên nói riêng, công tác phổ cập giáo dục các cấp học, đặc biệt là công tác chống mù chữ đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ giáo dục và Đào tạo, sự  lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đã mang lại hiệu quả to lớn về mặt xã hội, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, công tác phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trong tỉnh được duy trì vững chắc. Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là một trong 14 tỉnh có tỷ lệ mù chữ cao, đặc biệt ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, số lượng người mù chữ, tái mù chữ vẫn còn nhiều.

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tích cực vào tham gia công tác xoá mù chữ, ngày 29/5/2014, UBND tỉnh Điện Biên đã đã phê duyệt “Kế hoạch Xoá mù chữ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên” với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch ngân sách nhà nước là 67.449 triệu đồng, trong đó giai đoạn 201-2015 là 36.504 triệu đồng, giai đoạn 2016-2020 là 30.945 triệu đồng.

Kế hoạch được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh với các mục tiêu cụ thể: nâng tỷ lệ người biết chữ ở độ tuổi 15-60 đạt 91,8% vào năm 2015, đến năm 2020 là 94%; tỷ lệ người biết chữ độ tuổi 15-35 đạt 98% vào năm 2015 và 99% vào năm 2020. Nâng cao nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ độ tuổi 15-60 đạt 89,3% vào năm 2015 và 92,1% vào năm 2020; tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ độ tuổi 15 -35 đạt 97,6% vào năm 2015 và đạt 98,7% vào năm 2020. Đặc biệt, để củng cố vững chắc kết quả biết chữ, tỉnh đặt mục tiêu năm 2015 có 80% và đến năm 2020 có 90% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức khác nhau. Phấn đấu đến năm 2015, có 95% đơn vị cấp xã, 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013-2020; đến năm 2020, có 98% đơn vị cấp xã, 100% các đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh củng cố vững chắc kết quả đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013-2020.




Lớp học xóa mù chữ tại Bản Háng Lìa, Xã Sa Lông, huyện Mường Chà

Nhằm thực hiện thành công các mục tiêu trên, Tỉnh đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác chống mù chữ; đổi mới công tác quản lý, kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục – Xóa mù chữ các cấp, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và đào tạo với các ngành, các tổ chức có liên quan trong công tác chống mù chữ; tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với nhóm đối tượng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia chống mù chữ; củng cố bền vững kết quả chống mù chữ, hạn chế mù chữ trở lại; đẩy mạnh xã hội hoá công tác chống mù chữ; điều chỉnh định mức chi cho công tác xóa mù chữ, tăng cường giáo viên chuyên trách xóa mù chữ cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ...

Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp xây dựng các chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện công tác chống mù chữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Cụ thể: Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên về công tác xóa mù chữ và quản lý trung tâm học tập cộng đồng. Tổ chức nhiều cuộc tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách phổ cập các phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường trong toàn tỉnh. Chỉ đạo cơ sở giáo dục tổ chức tốt công tác điều tra, thống kê số liệu chính xác về người mù chữ, tái mù chữ. Việc triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch XMC đã được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, trong đó đặc biệt quan tâm đến các xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, các đối tượng thiệt thòi, trẻ em gái, phụ nữ, dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết và thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về đẩy mạnh công tác chống mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phát triển trung tâm học tập cộng đồng khu vực biên giới giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch thực hiện chuyên đề giáo dục mầm non và xóa mù chữ, phát triển trung tâm học tập cộng đồng giai đoạn 2015 -2020 với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.


Chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm tham gia công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số

Năm học 2013 -2014, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt mở 287 lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 5.390 học viên tại 9 huyện, thị xã (Mường Chà, Điện Biên, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Nhé và thị xã Mường Lay).

Hiện nay, các đơn vị đã mở các lớp xóa mù chữ, lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 3.447 học viên, trong đó học viên học chương trình xóa mù chữ: 2.431, học viên học chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ: 1.016 học viên. Nhờ đó, tỷ lệ người biết chữ trong các độ tuổi tiếp tục được nâng cao. Tính đến thời điểm 31/6/2014, tổng số người 15-60 tuổi biết chữ đạt tỷ lệ 90,08%; tổng số người 15-25 tuổi biết chữ đạt tỷ lệ 97.99%; tổng số người 26-35 tuổi biết đạt tỷ lệ 93,66%; tổng số người từ 36 đến 60 tuổi biết chữ đạt tỷ lệ 80,51%. 130/130 đơn vị cấp xã, 10/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và duy trì đạt chuẩn phổ cập GDTH - CMC, tỷ lệ 100%.

Công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và rất khó khăn, đòi hỏi có sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực của người học. Kế hoạch Xoá mù chữ đến năm 2020 của tỉnh được triển khai thực hiện sẽ góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện công bằng xã hội và thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng xã hội học tập  trên địa bàn tỉnh./.

Tác giả: Nguyễn Thị Thúy

Nguồn tin: Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập478
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm454
  • Hôm nay36,213
  • Tháng hiện tại846,027
  • Tổng lượt truy cập135,324,320
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi