banner

GDTrH – Chia sẻ việc ôn luyện học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn: Đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu…

Thứ ba - 09/04/2013 19:47
Dienbien.edu.vn - Giáo dục nếu được coi là “quốc sách hàng đầu” của quốc gia thì giáo dục mũi nhọn phải được coi như “linh hồn” của quốc sách ấy. Trong giáo dục mũi nhọn, việc phát hiện, bồi đắp, phát triển những “hạt nhân” làm nền móng cho tương lai lại càng bức thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
             Đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người.
 - Nguyễn Minh Châu -
 
Dienbien.edu.vn - Giáo dục nếu được coi là “quốc sách hàng đầu” của quốc gia thì giáo dục mũi nhọn phải được coi như “linh hồn” của quốc sách ấy. Trong giáo dục mũi nhọn, việc phát hiện, bồi đắp, phát triển những “hạt nhân” làm nền móng cho tương lai lại càng bức thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Bài viết này xin được tiếp cận vấn đề từ một góc thật nhỏ, đó là vấn đề tìm “hạt nhân” cho đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn ở một tỉnh miền núi như Điện Biên. Tôi không có điều kiện được nhìn thật xuyên suốt cả quá trình dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn của học sinh tỉnh Điện Biên từ những năm đầu tiên đến nay nên những phân tích ở đây có thể tạm coi là một “lát cắt” trên hành trình ấy, hi vọng vẽ nên được một phần nhỏ của bức tranh “trăm năm đời thảo mộc”.

Với những học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn, chúng ta có thể gọi các em bằng từ “hạt nhân”, nhưng tôi còn muốn gọi các em bằng một từ nữa, sát hơn, gần hơn, đó là “hạt ngọc”. “Hạt nhân” là từ rất trân trọng dành cho những học sinh giỏi quốc gia ở tất cả các môn, còn gọi “hạt ngọc” là muốn nhấn mạnh đến những vẻ đẹp, những vùng sáng khác, “hạt ngọc” là sức mê hoặc của cả trí tuệ và tâm hồn. Dưới đây sẽ phân tích một vài nét đẹp tỏa ra từ vùng sáng lấp lánh ấy, nói là “một vài” vì có lẽ cái đẹp là sức mạnh ẩn giấu tiềm tàng không dễ dàng gì và có lẽ chưa bao giờ đánh thức hết được.
 

Nét trầm mặc trong sương chiều ở những ngôi chùa

Tìm hiểu những học sinh (sinh năm Ất Hợi 1995) đạt giải ba quốc gia môn Ngữ văn thấy có ba kiểu (type) thông minh: thông minh trí tuệ, thông minh nội tâm, và thông minh ngôn ngữ. Đây không phải sự phân chia có tính cơ học và rạch rò, mà mang tính tương đối và thực chất là đang nhìn mỗi học sinh ở tính trội, ở điểm mạnh bởi bất kì học sinh giỏi Ngữ văn quốc gia nào đạt từ giải ba trở lên cũng cần có sự hội tụ của cả ba yếu tố trên, trong đó có yếu tố đặc biệt nổi trội.

Thông minh ngôn ngữ được hiểu là khả năng lĩnh hội và sử dụng ngôn ngữ rất tinh tế, sớm bộc lộ các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và tranh luận thành thạo. Đó là đặc điểm nổi trội của em Trần Thị Thanh H, học sinh THPT Chuyên Lê Quý Đôn, thi vượt cấp môn Ngữ văn năm 2012 và đoạt giải ba.

Trong viết văn, thông minh ngôn ngữ thể hiện ở một giọng văn “khôn”, khéo lựa chọn ngôn từ để tạo đà đẩy mạch văn trôi đi, có khả năng bám sát đề dù kiến thức của học sinh có thể không thật nhiều và đầy đủ. Đọc văn của các em, giáo viên sẽ có cảm giác hài lòng.

Thông minh trí tuệ, hay thông minh logic, khả năng này có liên quan chặt chẽ đến chỉ số thông minh IQ. Trong viết văn, các em thể hiện khả năng tiếp cận vấn đề độc đáo, xâu chuỗi các sự kiện, xác định nguyên nhân, tìm giả thuyết, sáng tạo kết cấu bài văn, ưa thích các quan điểm mang tính lí trí. Đọc văn của các em, giáo viên sẽ gặp những bất ngờ trí tuệ, gặp những câu văn có các mệnh đề rất chặt chẽ. Khi giáo viên tung ra các vùng kiến thức, nói một học sinh có thể hiểu hai. Các em cũng có khả năng tự học, tự phân tích, tổng hợp tài liệu để xây dựng nền tảng kiến thức cho mình. Kiểu thông minh này được nhiều giám khảo của kì thi học sinh giỏi quốc gia đề cao vì những năm gần đây, trong đề thi, ngoài câu nghị luận văn học còn có câu nghị luận xã hội, đòi hỏi học sinh có sự hiểu biết, lí giải, đánh giá các vấn đề tư tưởng, đạo lý, xã hội một cách sắc bén. Đó là đặc điểm nổi trội của em Trần Thị Thùy L, học sinh THPT Chuyên Lê Quý Đôn.

Còn thông minh nội tâm được hiểu là khả năng tự nhận thức, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình, đồng thời phân biệt được các trạng thái tình cảm, mong muốn để vạch ra con đường đi cho bản thân. Giáo viên có thể tìm được nhiều niềm đồng cảm với những học sinh này trong dạy học, đặc biệt là khi dạy đến những vấn đề thuộc về giá trị người, tính nhân văn, nhân đạo. Đó là những học sinh nhạy cảm, có khả năng thấu hiểu sâu sắc và viết ra những câu văn chạm được đến cái mạch chung của đời sống tâm hồn con người, những quy luật của lòng người. Kiểu thông minh này rất được trân trọng trong kì thi học sinh giỏi quốc gia. Đó là thế mạnh của em Nguyễn Thị Thu H, học sinh THPT Chuyên Lê Quý Đôn.

Có một điểm gặp gỡ của các em là đều đoạt giải ba trong kì thi học sinh giỏi quốc gia. Từ phân tích trên, có thể phần nào lí giải được tại sao thi quốc gia môn Ngữ văn cấp THPT ở một tỉnh miền núi như Điện Biên ít chạm được đến những giải thật cao, giải nhất thì thật tiếc là chưa có. Các yếu tố như sự biến động của đề thi, sở nguyện và vùng thẩm mỹ của giám khảo chấm thi, sự may mắn,..v.v…đều là những yếu tố kể đến sau yếu tố thứ nhất sau đây. Học sinh của chúng ta sở hữu tố chất tốt nhưng muốn đạt giải cao cần có sự hài hòa của cả trí tuệ, tâm hồn và ngôn ngữ, đòi hỏi các em phải được phát hiện, nuôi dưỡng từ nhỏ, được học chuyên một cách thực sự, có một hành trình theo đuổi lâu bền, đồng thời phải tích cực, chủ động trong việc tự rèn luyện. Hiện nay, có vẻ như chúng ta mới chỉ đang lấy “ngọn” chứ chưa chú trọng đúng mức tới việc chăm “gốc” nên chưa thể có kết quả cao hơn.


Những làng quê bên Sông Đông êm đềm….

Bên cạnh đó cần nói thêm, cái “chín” trong văn chương cũng là một điều bí ẩn, nhưng là bí ẩn có thể phần nào lí giải được. Sự hài hòa lí tưởng của các yếu tố hay sự cùng gặp gỡ của cả trí tuệ, tâm hồn và ngôn ngữ ở tuổi 17, 18 là điều hiếm gặp, vì thế số giải nhất trong kì thi quốc gia bao giờ cũng chỉ dừng ở một vài ngón tay đếm. Điều không nhiều người biết là, giải nhất cũng khiến cho các giám khảo chấm thi kì thi quốc gia có năm hài lòng, có năm ra về trong “trống rỗng” vì chưa tìm được “hạt ngọc” thật sự. Bởi thường, sự kết hợp trên chỉ xuất hiện khi con người phát triển hoàn thiện đến một mức độ nào đó, khi đã có thêm hiểu biết, kinh nghiệm, rèn luyện, nếm trải, tức là đã “chín” thực sự. Học sinh giỏi văn có “chín” sớm hay không, ngoài ra còn do sự tác động của những môi trường văn hóa truyền thống mà ở Điện Biên chưa có. Có thể nhiều thế hệ chúng ta “gánh” lên Điện Biên, dòng chảy lên Tây Bắc còn chưa mang được nhiều  “gia tài” văn hóa của miền xuôi vì những lí do lịch sử của những năm 50 – 60 thế kỉ XX, khi miền xuôi nghe theo tiếng gọi lên Tây Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì thế, trước đây, giải nhất văn vẫn thường tập trung ở những trường chuyên có truyền thống học tập nằm ở quanh vùng đồng bằng sông Hồng, cái nôi văn hóa của miền Bắc, như chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), chuyên Bắc Ninh, chuyên Trần Phú (Hải Phòng).  

Từ đây, có thể nhận thấy một kinh nghiệm, đi tìm những “hạt ngọc” cho đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn phải chọn được các em bộc lộ những thiên hướng nói trên, bồi đắp, sát sao theo dõi quá trình các em trưởng thành. Nếu không sớm phát hiện, chăm bẵm, vun trồng, cá nhân đó sẽ phát triển theo một hướng khác. Ở đây, cũng xin mạnh dạn đưa ra một tiên nghiệm: trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều “hạt ngọc” quý hơn nếu xây dựng được một không gian văn hóa. Đầu tiên, đó là không gian văn hóa lớn, không gian văn hóa của cộng đồng, có sự hài hòa của văn hóa các dân tộc ít người với văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ các con sông lớn, thể hiện ở sự tồn tại, thụ hưởng phong phú những kiến thức từ các công trình nhà hát, bảo tàng, đền, chùa, lễ hội, những thư viện, văn hóa đọc sách, rạp chiếu phim, những công viên sinh thái, những góc phố đặc trưng, những cánh rừng cổ thụ, không gian công cộng đầy tính nhân văn.…và chúng phải có đời sống thực sự trong lòng mỗi con người. Còn không gian văn hóa nhỏ là không gian văn hóa của gia đình, những trải nghiệm nho nhỏ trong các hoạt động với người thân, không gian của trường học với tất cả sự thân thiện chia sẻ với bạn bè, thầy cô, những yếu tố thuộc về quy hoạch không gian, kiến trúc, trong đó những góc sân trường, hàng cây ghế đá, mỗi lối đi, thảm cỏ,…. Cần được chú trọng.   

Có những mâu thuẫn, nhưng lại là thực tế rất rõ ràng, gần đây những “hạt ngọc” chúng ta tìm thấy hầu hết tập trung ở các lớp chuyên Toán, chuyên tiếng Anh, chuyên Vật lý và lớp đại trà mà không phải là chuyên văn. Do những nguyên nhân khác nhau, xuất phát từ nhận thức chưa chuẩn của một bộ phận trong xã hội mà thi vào chuyên văn trở thành một lựa chọn “xấu”, lựa chọn không tối ưu trong những lựa chọn. Có lẽ đấy cũng là một sự nhầm lẫn to lớn chăng? Thế hệ học chuyên sâu môn văn một cách bài bản nhiều năm trở lại đây thiếu vắng. Chúng ta đang thiếu quá nhiều, trước hết là thiếu những học trò chuyên văn học giỏi, tiếp đến, như một hệ quả tất yếu, là sẽ thiếu trầm trọng lớp nhà giáo kế cận có năng lực dạy văn trong tương lai.


Công trình này được nói tới trong tác phẩm Nhà thờ Đức bà Paris

Cuối cùng, một điều rất đáng suy nghĩ và trăn trở, chúng ta đã phát hiện được những “hạt ngọc” ẩn giấu, các em đều là những học trò thông minh, nhưng có thể chúng ta đang thiếu sự thuyết phục, thiếu thuyết phục từ những gì chúng ta đang làm, từ góc độ nghề nghiệp, để những “hạt ngọc” quý ấy sẽ tiếp tục tỏa sáng cho các ngôi trường, cho bạn bè, cho văn chương, cho cuộc sống. Hiểu một cách giản dị, các trò sau khi đạt học sinh giỏi quốc gia, đạt mục tiêu thi đỗ hoặc vào thẳng giảng đường đại học đều tìm cách “vỗ cánh” đến các phương trời khác mà không theo học các trường sư phạm để công tác cho ngành giáo dục. Cổ nhân có câu “Nhân bất học bất tri lí. Ngọc bất trác bất thành khí”, ý nhấn mạnh đến vai trò của rèn luyện, mài giũa, bồi đắp. Là người, không học sao thấu triệt lẽ đời, ngọc sáng rồi nhưng không mài thêm thì sao thành tinh anh được? Ngành giáo dục đã góp phần quan trọng nhất để sinh ra những “hạt ngọc” quý nhưng làm sao để những “hạt ngọc” ấy tiếp tục tỏa sáng cho ngành là một dấu hỏi? 

Không thực hiện sứ mệnh của nhà văn nhưng chúng ta hôm nay đang mang trong mình sứ mệnh của nhà giáo, của những giáo viên vùng cao. Về năng lực, chúng ta không “thua xa” miền xuôi, như một số người hay nói mà chúng ta thiếu những điều kiện. Ở thời nào cũng thế, và ở đâu cũng vậy, giữa đời thường, luôn có những “hạt ngọc” ẩn giấu, người thầy có đánh thức được chúng dậy, biết trân trọng đúng lúc và nuôi dưỡng đúng cách không mà thôi. Cả ba điều ấy, điều nào cũng khó, cần những thầy cô dạy văn có tình yêu nghề nồng đượm, hiểu biết và rộng lượng, có rèn luyện kiến thức, trau dồi độ nhạy cảm nghề nghiệp và rất hệ trọng là cần đến sự quan tâm của xã hội ở nhiều góc độ khác nữa!

Tác giả: Trần Chinh Dương

Nguồn tin: Trường tiểu học Bế Văn Đàn thành phố Điện Biên Phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập166
  • Thành viên online2
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm126
  • Hôm nay25,697
  • Tháng hiện tại698,549
  • Tổng lượt truy cập136,150,918
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi