banner

GDTrH – Văn học nhà trường số 10: Chia sẻ quan điểm Phát triển năng lực liên tưởng, tưởng tượng, tuần tự, gây đột biến và duy trì, phát triển sâu (Bài 2).

Thứ tư - 04/09/2013 04:28
Dienbien.edu.vn - Trong nhiều năm gần đây, số học sinh đạt giải học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9, lớp 10, 11, 12 và học sinh giỏi quốc gia khá ổn định và có chiều hướng tăng nhẹ cả về số lượng và chất lượng giải, đó là tín hiệu đáng mừng đối với những người làm công tác giáo dục nói chung và nhà giáo giảng dạy Ngữ văn nói riêng. Ban biên tập trân trọng giới thiệu bài viết số 2 của nhà giáo Trần Chinh Dương – THPT Chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ quan điểm về vấn đề tương đối khó, đó là Liên tưởng, tưởng tượng, một dạng năng lực đặc biệt cần phát triển ở học sinh giỏi Ngữ văn.
Như đã chia sẻ ở bài viết trước, liên tưởng, tưởng tượng là một phẩm chất không thể thiếu ở học sinh giỏi văn, một dạng năng lực đặc biệt có thể phát huy sức mạnh kì diệu. Xét về mặt phạm vi, sự hình thành năng lực liên tưởng, tưởng tượng ở học sinh giỏi văn có thể do tác động từ nhiều môi trường, trong đó, giáo dục trong nhà trường là một nguồn tác động khá lớn, mà vai trò của bộ môn và giáo viên dạy văn là vô cùng quan trọng. Trong bài viết này, người viết không đánh giá phạm vi tác động mà chủ yếu bàn sâu về cách thức phát triển tổ hợp năng lực này.

Nhìn ở mặt lý thuyết, tác động vào quá trình hình thành năng lực liên tưởng, tưởng tượng ở học sinh giỏi văn vừa cần tuần tự vừa gây đột biến. Sự thay đổi theo quá trình thì ai cũng có, tất nhiên sẽ có mức độ nhanh, chậm, đậm, nhạt khác nhau, nhưng để đột biến, cần có sự tác động, tức là khi tích đủ về lượng, do tác nhân nào đó mà gây ra sự biến đổi hẳn về chất, tiếp cận gần với sự sáng tạo. Bồi dưỡng năng lực liên tưởng, tưởng tượng cho học sinh giỏi là tác động vào quá trình vốn diễn ra tuần tự ấy, đẩy nhanh sự gia tăng về lượng để đạt đến sự thay đổi về chất, tiến tới phát triển sâu năng lực đã hình thành bằng cách tự học, tự rèn luyện. Như vậy, cần nhìn nhận sự phát triển năng lực liên tưởng, tưởng tượng ở học sinh giỏi văn có tính quá trình, theo ba bước: tích lũy về lượng, biến đổi về chất, đào sâu chất bằng hoạt động tự học, tự rèn luyện.

Bước 1: Xây dựng năng lực liên tưởng, tưởng tượng qua tích lũy về lượng

Liên tưởng, tưởng tượng là năng lực tâm lí, nên nói “tích lũy” không phải là đo đếm qua những con số. Tích lũy về lượng là giúp học sinh hình thành kĩ năng liên tưởng, tưởng tượng trong quá trình học văn, ở cả ba phân môn đọc văn, làm văn và tiếng Việt. Chẳng hạn, ở phân môn đọc văn, khi tìm hiểu chung về cuộc đời một nhà văn, cần chú ý đến những biến cố lớn tạo nên bước ngoặt, thay đổi trong tư tưởng, tình cảm và để lại dư âm ám ảnh trong sáng tác. Khi dạy về Hàn Mặc Tử, cần liên tưởng sự kiện bị mắc bệnh phong với sáng tác trong giai đoạn cuối đời của nhà thơ để lí giải những hình tượng nghệ thuật kết tinh cả nỗi đau linh hồn và thể xác như hồn, máu, trăng. Cần liên tưởng chi tiết “là con vợ lẽ” trong cuộc đời Xuân Diệu để hiểu cái tôi cô đơn, luôn khao khát tình thương và sự cảm thông của người đời trong sáng tác trước Cách mạng… Khi tìm hiểu tác phẩm, bằng phương pháp phù hợp, giáo viên giúp học sinh tưởng tượng ra thế giới nghệ thuật sinh động của tác phẩm; sau đó, bám sát nguyên tắc đọc văn (đặc trưng thể loại, mối quan hệ nội dung - hình thức) để có những liên tưởng phù hợp, hình thành cho học sinh khả năng liên tưởng dọc hay liên tưởng ngang. Có thể thấy, hoạt động dạy học đóng vai trò quan trọng trong việc tích lũy những “lượng” ban đầu để hình thành năng lực liên tưởng, tưởng tượng cho học sinh giỏi.
 

Ảnh minh họa của Ban biên tập từ internet

Tích lũy trên cần được kiểm tra, đánh giá qua các bài viết văn của học sinh. Ứng với mỗi kiểu bài, giáo viên trong quá trình ra đề, chấm bài, cần lấy liên tưởng, tưởng tượng làm một tiêu chí quan trọng để đánh giá. Đây là khâu kiểm tra lại hiệu quả hoạt động dạy học, kịp thời điều chỉnh để đạt mục đích.

Tóm lại, ở bước thứ nhất, giáo viên đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên, nếu dừng ở đây, khả năng liên tưởng, tưởng tượng của học sinh có tố chất chưa có chiều sâu căn bản. Vì thế, cần một bước thứ hai. 

Bước 2: Gây tác động để năng lực liên tưởng, tưởng tượng thay đổi về chất

Đây là giai đoạn vừa tăng cường tư duy, vừa đào sâu xúc cảm thông qua xây dựng bản đồ tư duy, giao những bài tập đòi hỏi cao về liên tưởng, tưởng tượng, và, tăng áp lực xúc cảm.

Sử dụng bản đồ tư duy để tăng cường năng lực liên tưởng, tưởng tượng. Bản đồ tư duy (BĐTD) là hình thức ghi chép sử dụng từ ngữ, màu sắc, đường nét, hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng, phù hợp với cấu trúc, hoạt động và chức năng của bộ não, khai thác tiềm năng vô tận của bộ não. Cơ chế hoạt động của BĐTD chú trọng tới hình ảnh, màu sắc với các mạng lưới liên tưởng (các nhánh).

Như vậy, liên tưởng càng mạnh, tưởng tượng càng phong phú thì càng có tiềm năng xây dựng nên những BĐTD đa dạng. BĐTD không phát huy ngay giá trị với việc viết một bài văn, nhưng sau khi đã ngấm sâu, kiến thức của học sinh được sắp xếp hệ thống, tư duy mởđộng. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, bộ não của con người sẽ hiểu sâu, nhớ lâu và in đậm cái do chính mình tự suy nghĩ, tự viết, vẽ ra theo ngôn ngữ của mình; sử dụng BĐTD giúp học sinh giỏi văn học tập một cách tích cực, chủ động.

Xây dựng những kiểu bài tập đòi hỏi năng lực liên tưởng, tưởng tượng cao. Sau khi đã được trang bị nền kiến thức, kĩ năng cơ bản, giáo viên hướng học sinh đến những dạng bài tập đặc biệt phát huy ưu thế trong việc tăng cường năng lực liên tưởng, tưởng tượng cho học sinh giỏi, một trong số đó là kiểu bài so sánh trong nghị luận văn học. Về mặt tư duy, so sánh bao giờ cũng có giá trị khắc sâu, nhớ lâu, giúp hiểu bản chất của vấn đề. Trong làm văn, kiểu bài so sánh không mới nhưng không dễ, vì thế giáo viên cần giúp học sinh tiếp cận dần. Đầu tiên, giáo viên chọn những yếu tố nhỏ của một tác phẩm để học sinh so sánh: một từ, một hình ảnh, một chi tiết, một đoạn văn bản,…Tiếp đến là so sánh ở những cấp độ cao hơn: toàn tác phẩm, tác giả, phương pháp sáng tác, giai đoạn,....

Để bài văn học sinh viết ra không chỉ là vấn đề của tư duy mà còn có chiều sâu cảm nhận đời sống, cần gia tăng thêm một khâu nữa.
 

Ảnh minh họa của Ban biên tập từ internet

Tăng áp lực xúc cảm để tạo liên tưởng, tưởng tượng có tính văn chương. Bài văn hay luôn hướng đến tính chân thực của hiểu biết, xúc cảm. Các em cần có “nguồn” xúc cảm thật từ đời sống, đó là những va đập, trải nghiệm bước đầu từ đời sống của lứa tuổi. Bên cạnh đó, người giáo viên đứng lớp có thể tạo ra một số tác động trong môi trường giáo dục bằng cách giúp các em “thể nghiệm” đời sống. Thể nghiệm khác với trải nghiệm, trải nghiệm là chuyện đã kinh qua, đã nếm trải, còn thể nghiệm là tưởng tượng, là làm sống dậy như thật chứ không phải thật những niềm vui, nỗi đau của nhân vật trong tác phẩm. Tất nhiên, không thể buộc các em phải trải qua những xúc cảm như thế, nhưng sự hình dung và tưởng tượng lại rất quan trọng. Chính ở đây, vai trò của liên tưởng, tưởng tượng phát huy giá trị. Thể nghiệm có thể diễn ra trong những giờ văn trên lớp học, khi giáo viên mô tả về đời sống, thân phận con người, học sinh nghe và huy động vốn sống, vốn cảm xúc sẵn có để thử “sống” cùng nhân vật. Sở dĩ các em có thể làm như thế, và ai trong chúng ta cũng có thể làm như thế, vì tuy không có niềm hạnh phúc hay nỗi đau nào giống nhau nhưng chúng có những quy luật hình thành, phát triển và biến đổi như nhau. Do đó mà có thể thể nghiệm. Đồng thời, thể nghiệm cũng nên diễn ra sau giờ học, khi học sinh một mình đối diện với trang sách. Ở bước quyết định này, giáo viên nên chủ động giới thiệu với các em những đầu sách có chiều sâu. Cũng ở đây, để tạo ra được “chấn động” nhất định trong tâm lý học sinh, giúp các em hiểu về cuộc sống ở nhiều mặt, giáo viên cần tạo những bất ngờ trong thể nghiệm.

Liên tưởng, tưởng tượng khi đã đi vào chiều sâu thì không được đo đếm bằng những thu lượm trên hình thức mà sẽ được tổng kết thành những quy luật mang màu sắc riêng của thế giới văn chương.
Bước 3: Đào sâu năng lực liên tưởng, tưởng tượng thông qua tự học, tự rèn luyện
Tích lũy về lượng, gây biến đổi về chất là cần nhưng chưa đủ, bởi chất sẽ mất dần nếu không rèn luyện thường xuyên, nếu không phát huy vai trò của tự học. Học sinh cần được tăng cường những dạng bài tập khó, tự hệ thống hóa kiến thức bằng bản đồ tư duy, tiếp tục đọc nhiều, đọc sâu, học phương pháp viết, suy ngẫm về các vấn đề… Trong quá trình suy ngẫm, cần ghi chép lại vấn đề mới nảy sinh, lựa chọn vấn đề quan trọng, đặc biệt ưu tiên những vấn đề mới lạ, từ đó triển khai chúng thành những bài tập dạng nhỏ rồi tiến tới dựng chuyên đề có tính khoa học. Trước một vùng kiến thức mênh mông, chọn được đối tượng mình cần, sắp xếp, hệ thống theo logic và mạch lạc thể hiện sự phát triển cao về năng lực liên tưởng, tưởng tượng. Ở đây, giáo viên văn sẽ phát hiện sớm những học sinh có tố chất bộc lộ xu hướng trở thành những nhà nghiên cứu văn học trong tương lai.

Tóm lại, con đường phát hiện, phát triển năng lực liên tưởng, tưởng tượng ở học sinh giỏi văn gồm ba bước: tích lũy về lượng, gây biến đổi về chất, và đào sâu. Ba bước đó không thực hiện máy móc, tùy đối tượng, tùy điều kiện để có điều tiết hợp lý. Chẳng hạn, khi đã tích được lượng tương đối, phần đa học sinh sẽ chưa thể thay đổi ngay về chất, chỉ có những em đặc biệt nổi trội vượt lên khẳng định mình. Giáo viên sẽ chọn hình thức phù hợp để đưa các em vào quy trình tự học, tự rèn luyện sớm hơn các bạn. Bên cạnh năng lực liên tưởng, tưởng tượng, người giáo viên cần chú ý đến các yếu tố có vai trò nền tảng và hỗ trợ sự phát triển năng lực này như phát triển năng lực tư duy, năng lực xúc cảm…; cùng với phát triển năng lực, cũng cần làm đầy tri thức và trau dồi kĩ năng.

Liên tưởng, tưởng tượng, dạng năng lực tiềm ẩn trong chúng ta, là chính cuộc sống của chúng ta như một loại chất dinh dưỡng không thể thiếu. Quả mà nó để lại có thể sẽ không bao giờ chín hoặc sẽ chín một cách rất bất ngờ…

Trần Chinh Dương – THPT Chuyên Lê Quý Đôn.

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập209
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm192
  • Hôm nay31,107
  • Tháng hiện tại953,604
  • Tổng lượt truy cập135,431,897
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi