banner

VP- Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - Giá trị và sự vận dụng trong phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên hiện nay

Thứ bảy - 01/07/2017 10:45
Dienbien.edu.vn- Những năm qua, bằng sự đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã tập trung phát triển hệ thống giáo dục khá toàn diện từ mầm non đến phổ thông và chuyên nghiệp. Quy mô học sinh, sinh viên tương đối ổn định. Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng; chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng cao. Thành quả này có được là nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ của các ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên; đặc biệt là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo trong thời kỳ mới của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức các thế hệ của ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đào tạo nên nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam, những cán bộ lãnh đạo xuất sắc cho Ðảng. Không chỉ vậy, chính Người đã khai sinh và đặt nền móng cho nền giáo dục mới của Việt Nam. Ðó là nền giáo dục mang tính dân tộc, khoa học, dân chủ và đại chúng; bảo đảm cho mọi người đều được đi học, ai cũng được học hành, có quyền bình đẳng về giáo dục; bảo đảm cho sự phát triển toàn diện những năng lực sẵn có của con người.

Từ những năm 20 của thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy giáo dục có vai trò và sức mạnh cực kỳ to lớn. Khi Người rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, 95% dân số Việt Nam không biết chữ, chìm trong kiếp sống nô lệ, lầm than. Những năm tháng bôn ba qua các đại dương tìm đường cứu nước, cứu dân, Người đã tận mắt chứng kiến nhiều điều và học được nhiều điều. Sống ở Paris, Thủ đô nước Pháp, nơi được coi là trung tâm văn minh của nhân loại với nền khoa học - kỹ thuật phát triển hàng đầu thế giới vào đầu thế kỷ 20, Người đã nhận thức về tầm quan trọng của trình độ dân trí "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Vì thế, Người luôn coi việc đấu tranh chống chính sách "ngu dân" của thực dân Pháp để có một nền giáo dục tự do là một trong những mục tiêu của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Người nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".


Ðại biểu học sinh Trường TH Trưng Vương, Hà Nội đến chúc thọ Hồ Chủ tịch
 
(Tháng 5 năm 1956)
 
Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền giáo dục mới sẽ “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án rất sâu sắc nền giáo dục dưới sự đô hộ của thực dân Pháp với chính sách ngu dân dễ trị, Người nhấn mạnh: “Phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng của giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ”.

Nền giáo dục mới phải thực hiện dạy và học theo hướng phục vụ Tổ quốc và nhân dân. “Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Nói chuyện tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc (23/3/1956), Người động viên các thầy, cô giáo: “Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân, của Nhà nước.Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”. Trong thư gửi các cháu lưu học sinh Việt Nam học ở Mát-xcơ-va (19/7/1955), Người căn dặn: “Các cháu học kỹ thuật và học tiếng Nga cần nhận rõ mình học cốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng giáo dục phải có tính toàn diện. Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày mở trường (24/10/1955), Người nhắn nhủ việc giáo dục gồm có:

“- Thể dục: Để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung.     

- Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.  

- Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.   

- Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công”.

Cả bốn nội dung trên của giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát lại trong hai chữ “tài” và “đức”. Nói chuyện với cán bộ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (21/10/1964), Người chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”.    

Giáo dục theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần phù hợp với mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học. Trong bức thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ và thanh niên ngày 31/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công”.


Bác Hồ đang theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than,
 Hà Nội, năm 1958
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp giáo dục. Người nhấn mạnh, muốn học tập có kết quả tốt thì phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Mục đích là làm cho người học có thái độ học tập, rèn luyện tích cực và tự giác, có như vậy việc tiếp thu nội dung giáo dục mới nhanh chóng, hiệu quả, đạt mục tiêu.

Theo Người, học phải gắn với hành, học mà không hành, không áp dụng vào thực tế khác nào chiếc hòm đựng đầy sách, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Người phân tích: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”.

Trong các giải pháp phát triển giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập, vấn đề kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội có vị trí khá nổi bật. Người nói: “Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”; “Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại, sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới trẻ em và kết quả cũng không tốt”. Người yêu cầu nhà trường phải liên hệ chặt chẽ với gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, để phát triển giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, các cơ quan chính quyền và các cấp ủy Đảng phải thật sự quan tâm đến nhà trường, đến việc học tập của con em mình hơn nữa”. Người luôn luôn kêu gọi đồng bào đóng góp công sức của mình vào việc xây dựng giáo dục: “Từ trước đến nay, đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau, đồng bào sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học”.
 
 
Bé chơi trò chơi dân gian
 
Tiếp thu và vận dụng tư tưởng của Người về giáo dục và đào tạo, trong những năm vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị, tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phòng cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết trung ương số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong từng năm học. Thực hiện hiệu quả đổi mới công tác quản lý, phong trào thi đua, khen thưởng; triển khai hiệu quả các cuộc vận động lớn của ngành; tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người dân đều được tiếp cận, tham gia đóng góp và hưởng các chính sách về giáo dục. Chủ động liên kết mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức. Chú trọng tập huấn tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, minh bạch các chế độ chính sách của nhà nước đối với nhà giáo và cán bộ QLGD, đặc biệt là giáo viên các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tổ chức thành công các cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học với rất nhiều sáng kiến, sáng chế, giải pháp có tính ứng dụng cao; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các cơ sở giáo dục thực hiện khá tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục; tuyên truyền vận động các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội tham gia đóng góp sức người, sức của, trí tuệ cho giáo dục..

Mặc dù ra đời cách đây nhiều thập kỷ, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vẫn còn nguyên giá trị và rất có ý nghĩa đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của cả nước cũng như tỉnh ta hiện nay. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục sẽ tiếp tục phát huy, vận dụng và thực hiện sáng tạo trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

Tác giả: Lù Thị Kiều Vân

Nguồn tin: Sở Giáo dục và Đào tạo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập327
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm312
  • Hôm nay47,717
  • Tháng hiện tại734,316
  • Tổng lượt truy cập137,086,129
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi