banner

VP- ƯỚC MƠ

Thứ sáu - 19/05/2017 02:57
Dienbien.edu.vn- Nếu ước mơ là khoảng trời cao trước mắt, thì gian truân lại kéo ta xuống đối mặt với hiện thực đầy nghiệt ngã. Một văn sĩ đã nói vậy về “ước nguyện”. Và trong thực tế, ta cũng chẳng khó để bắt gặp những giấc mơ đã chết yểu từ khi mới nhóm nhen, chôn vùi giữa cõi đời xô bồ khi chưa kịp chạm tới trời xanh. Nhưng cũng vô số những giấc mơ trở thành sự thực từng giờ từng khắc. Có được điều đó là do họ không ngừng khao khát cháy bỏng, cố gắng hết mình cho ước mơ không chỉ còn là mơ ước. Và như một lời khẳng định, một kim chỉ nam hướng tới thành công, M. Prisvin đã khuyên nhủ “Phải ước mơ nhiều hơn nữa, phải ước mơ tha thiết hơn nữa để biến tương lai thành hiện tại”.
Nhưng để có quyền đòi hỏi những trái tim khát khao mãnh liệt, những bước chân tiến tới không ngừng nghỉ cho chỉ một mục tiêu duy nhất, ước mơ không phải là một điều gì đó đại trà, và thường thấy. Không phải hai tiếng mà ta vẫn nghe sang sảng trong các buổi thuyết trình, hay lấy làm đầu đề cho một bài luận hơn sáu ngàn chữ, hoặc đúng với ý nghĩa sơ khai nhất của nó – những tưởng tượng do não bộ sản sinh trong giấc ngủ. Không, ước mơ là một điều cao cả hơn vậy rất nhiều. Đó là trái tim, là nhiệt huyết của mỗi con người, là đích đến mà mỗi người hằng theo đuổi và dốc hết tâm huyết mình, là nguyện cầu khắc khoải có thể từ tấm bé, hay chợt bùng lên trong tâm tưởng của đôi ba cô cậu tuổi dậy thì, hoặc lâu hơn nữa, ước mơ là con đường mòn phủ đầy gai mà một người có khi đã đi hết một phần tư phần ba cuộc đời chợt nhận ra rằng – mình cần có một ước mơ. Ai trong số chúng ta cũng đã, đang và sẽ có mơ ước cho riêng mình, những giấc mơ khác nhau, cách cảm nhận chúng sục sôi trong huyết quản khác nhau và con đường dẫn đến thành công mỗi khác. “Ước mơ” chính là một tương lai gần hoặc xa ta muốn vươn tới. Không ai sống mà không có cho mình một lý tưởng, và chỉ có khát vọng mới là động lực vững bền nhất để ta bước tiếp về phía trước. Khi nào còn ước mơ, ta vẫn còn thành công, như Nick Vujicic đã từng nói “Tôi thất bại chỉ khi tôi ngừng mơ ước”.

Vậy ước mơ là khởi đầu, là bước đà và cũng là đích đến. Nhưng do đâu vẫn còn những mơ ước bỏ ngỏ? Những cánh cửa sẽ mở ra một tương lai khác mãi đóng chặt? Có phải do con người ta sợ một điều gì đó? Những dây gai trên lối mòn kia chăng? Hay họ sợ mình rồi sẽ vấp ngã, sẽ thất bại, sẽ mãi dậm chân một chỗ mà chênh vênh giữa giấc mơ chẳng tới bến bờ. Con người ta dường như bắt đầu e ngại canh bạc của số phận, bắt đầu đặt lên bàn cân một giấc mơ có khi chẳng bao giờ thành sự thực với một cuộc sống an phận ít may rủi hơn. Và rồi họ khóa chặt giấc mơ vào một chiếc cặp táp, hay dưới gót giày công sở, làm những việc bình thường và sống như một người bình thường. Họ ngừng mơ. Vậy hãy để tôi kể một câu chuyện. Có một người đàn ông Đài Loan đã dành gần bảy năm chỉ ở trong nhà viết kịch bản và làm nội trợ. Mọi chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào người vợ. Trong một căn hộ nhỏ ở Mỹ, bảy năm trời, đã bao nhiêu lần ông ta muốn từ bỏ, muốn trở thành một ông chủ nhà hàng Trung Hoa hoặc thành một người thợ máy. Đã bao nhiêu lần ông bị nhấn chìm trong mặc cảm tội lỗi khi thấy đôi vai của vợ chất đầy lo toan, ngày một trĩu xuống. Có thể tới đây, chúng ta sẽ oán trách người đàn ông ích kỉ này đã sống mà không quan tâm tới việc mơ ước của mình chỉ là viển vông. Nhưng sự thực thì ông đã không từ bỏ, và người ấy, sau này đã trở thành đạo diễn gốc Á đầu tiên đoạt giải Qủa cầu vàng và Oscar – Đạo diễn Lý An.

Vậy đấy, nếu như Lý An không ước mơ, không ước mơ đủ nhiều và đủ tha thiết, liệu rằng trong lịch sử điện ảnh có vang danh một Lý An với 12 tượng vàng Oscar? Liệu rằng sẽ có Brokeback Moutain trở thành huyền thoại? Điều đáng sợ nhất không phải là ta đặt mục tiêu quá cao để rồi lỡ mất, mà là lý tưởng quá thấp và rồi đạt được nó một cách dễ dàng. Đừng bao giờ e ngại việc theo đuổi giấc mơ vì ta chỉ sống có một lần và chỉ mơ ước duy chỉ cơ hội ấy, giống như ai đó đã nói “Khi nhìn lại quá khứ, ta sẽ hối tiếc về những điều mình không làm hơn đã làm”. Đừng bao giờ sợ thất bại, sợ vấp ngã, sợ bị lãng quên trong dòng chảy thời gian hay héo mòn dưới gót giày năm tháng. Tất cả những điều ta mong muốn, những điều sẽ thay đổi cuộc đời ta vĩnh viễn hay chỉ trong khoảnh khắc, sẽ chỉ đến khi ta ước mơ, nhiều và tha thiết hơn nữa. Như Henry David Thorean đã từng nói “Hãy can đảm theo đuổi ước mơ, hãy dám sống cuộc đời mình đã mường tượng”.

Nhưng ước mơ cũng vẫn mãi là giấc mơ nếu ta không quyết tâm theo đuổi nó. Giống như Lý An có lẽ sẽ chỉ thành công trong một tương lai không bao giờ đến nếu như trong bảy năm ròng, kịch bản của những “Hỉ yến”, những “Ngọa Hổ Tàng Long” không được hoàn thiện. Tương tự như vậy, một con đường dẫn đến thành công không bao giờ tự nó có, hoặc nếu ta có đi bằng đường thủy thì ít nhất cũng phải ghép một chiếc thuyền. “La Mã đâu phải xây nên một sớm một chiều”, ta cần những viên gạch để xây trên phần nền mơ ước. Những viên gạch ấy được tôi luyện trong quá trình học tập, tìm tòi theo chuyên môn, những cố gắng thu thập tri thức để có thể trở thành hành trang vững chắc đồng hành với ta trên mọi bước đường đi. Cũng như, theo một cách khá khôi hài, một người khuyết danh đã nhận định: “Muốn biến ước mơ thành sự thực, điều đầu tiên ta cần làm là tỉnh dậy”. Đừng bao giờ quá đắm say vào vọng tưởng mà quên đi thực tại, và điều mà M. Prisvin đã nói, ta chỉ nên ước mơ tha thiết khi đang rảo chân trên từng dặm của con đường hướng tới thành công.

Ở tuổi mười lăm, vẫn còn đó những giấc mơ vụn vặn về nàng công chúa, về chàng hoàng tử cưỡi bạch mã và những tòa lâu đài như cổ tích còn rớt rơi trong tâm trí tôi. Nhưng tôi chấp nhận những mơ mộng ấy trong mình bởi có lẽ nếu không nhờ những câu chuyện đồng thoại Âu châu khi xưa, rồi những mẩu thơ bốn chữ ấu thơ hay à ơi, có lẽ đã không có một hạt giống của niềm đam mê thi ca nào kịp gieo vào lòng. Để rồi tôi ngồi đây, cố gắng hết mình, học tập từng giờ và mơ ước từng ngày. Đã có những khi tôi muốn từ bỏ - về những lời thì thầm nhỏ to của người đời “đi theo ngành văn chẳng có tương lai”, nhưng mỗi lúc ấy tôi lại tự nhủ rằng những văn sĩ, những thi hào thuở trước có từng nghe những lời ấy? Có có dao động? Họ có nghĩ suy? Có đánh rơi giấc mơ của mình đâu đó giữa dòng đời ngược xuôi, giữa những lo toan cơm áo gạo tiền của tuổi đầu hai đầu ba đấy không? Nhưng họ chẳng vẫn viết đấy thôi. Vẫn cho ra những tác phẩm để đời, vẫn để những vần thơ theo cùng năm tháng. Họ đã từng mơ, có lẽ như tôi bây giờ, và không một ai từng hối hận kể cả trong cảnh bần hàn cơ cực, như sự thiết tha trong bức thư Xuân Quỳnh gửi Lưu Quang Vũ vẫn vẹn nguyên cái lãng mạn nghệ thuật, cái yêu dù cho đôi tay bà đã mấy chai sạn và sương gió.

Câu nhắc nhở của M. Prisvin như một lời khuyến khích cũng đồng thời thức tỉnh những người còn đang đắn đo. Đừng bao giờ ngừng mơ ước, vì chỉ mơ ước mới là động lực bước tiếp của con người. Hãy mạnh dạn vươn tay lên, để mơ ước chạm tới trời xanh./.

Tác giả: Vũ Diệu Hương - lớp 10A5

Nguồn tin: Phòng TCCB

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập652
  • Máy chủ tìm kiếm135
  • Khách viếng thăm517
  • Hôm nay26,700
  • Tháng hiện tại665,606
  • Tổng lượt truy cập137,017,419
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi