banner

VP - Văn học nhà trường số 29: Truyện ngắn Bình minh

Thứ sáu - 06/02/2015 05:08
Dienbien.edu.vn - Điện Biên với khoảng 16 nghìn cán bộ, nhà giáo và trên 120 nghìn học sinh phổ thông, sinh viên các trường chuyên nghiệp, trong đó có nhiều nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu văn học nghệ thuật và có năng lực sáng tác với nhiều tác phẩm đoạt giải, đăng tải trên các báo và tạp chí trong và ngoài tỉnh, nhiều tác phẩm đã được xuất bản và nhận được sự mến mộ của công chúng.
Trang văn học nhà trường đăng tải các bài viết, những sáng tác của thầy trò các nhà trường gồm các thể loại: Thơ, tản văn, văn xuôi, nhạc, họa …mỗi tháng có từ một đến hai số. Trân trọng giới thiệu và mong nhận được sự cộng tác của các nhà giáo, các em học sinh sinh viên cùng bạn đọc. Cảm ơn các tác giả đã gửi bài về chuyên mục.

Trang văn học nhà trường số 29, Ban biên tập xin giới thiệu tới bạn đọc câu chuyện đi tìm “bình minh” của những mảnh đời không may mắn để thấy rằng Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy...”.

BÌNH MINH
                        Đặng Thị Oanh - Cao đẳng Sư phạm

Vào một chiều sương lạnh cuối xuân, một cô gái trẻ đến gõ cửa một ngôi nhà cũ kỹ nằm chênh vênh giữa lưng chừng đèo, mở cửa cho cô là một người đàn ông tuổi đã ngoài 40, khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt bị mù. Cất giọng khàn đục ông ta nói một cách khô khan:

- Mời vào nhà ! Có việc gì!

Ôm bọc quần áo trên tay cô gái rón rén bước vào nhà, lấy hết can đảm cô cất giọng sợ hãi:

- Cháu tên là Lan. Cháu…đi tìm việc làm, đến Đèo này trời đã tối, cháu muốn xin gia đình cho cháu nghỉ tạm một đêm, sáng sớm mai cháu sẽ lên đường!

Cái mặt của người đàn ông nợ chợt co rúm lại rồi rãn ra một cách khó hiểu, cô gái toan bước ra cửa, bỗng cái giọng khàn đục ban nãy lại cất lên.

- Nếu không chê, mời cô cứ ở lại!

Cô gái đưa mắt nhìn một lượt khắp gian nhà nghèo, vắng lặng và người đàn ông nom cũng khốn khổ. Trong lòng đầy lo ngại nhưng trời đã sắp tối rồi, giữa núi rừng hoang vắng này cô biết đi đâu bây giờ? nếu không ở lại đây?

Cảm ơn chủ nhà cô gái lặng lẽ ngồi xuống ghế, đưa mắt buồn bã nhìn ra cửa. Những tia nắng cuối cùng của một ngày đã tắt, bầu trời đang mặc chiếc áo tím của hoàng hôn, một vài đám mây trắng vẫn bay lang thang vô định trên nền trời. Cuộc đời của cô chẳng khác gì những đám mây bèo bọt kia. Đau xót nghĩ về cuộc đời mình, cô ân hận lắm, cô phải sa cơ lỡ bước như bây giờ cũng là bởi người đời phụ bạc, bởi cô chót nhẹ dạ cả tin…

Ngày ấy vừa tốt nghiệp trường Trung học sư phạm Lai Châu, cô được phân công về giảng dạy ở một trường vùng cao thuộc huyện Sìn Hồ đầy xa xôi và cách trở. Cô nổi tiếng vì xinh đẹp và nết na, nhưng giữa vùng cao hẻo lánh, việc xây dựng gia đình đối với một người con gái miền xuôi như cô quả là khó khăn, nên đã nhiều năm trôi qua cô chỉ biết vùi đầu vào trang giáo án và đàn em nhỏ để quên đi những cô đơn buồn tẻ hàng ngày. Nhưng bỗng một ngày kia, có đoàn địa chất từ dưới xuôi lên bản, trong đoàn có một chàng trai trẻ, anh ta đẹp trai hào hoa phong nhã như những chàng hoàng tử trong chuyện cổ tích mà cô thường dạy cho các em nhỏ. Ngay từ đầu, anh ấy đã để ý đến cô và cô như bị cuốn đi theo từng ánh mắt nụ cười của người ta. Rồi cái điều mà cô không mong đợi cũng đã đến, anh ta vội vã ra đi để lại trong cô cái thai đã gần hai tháng tuổi. Xấu hổ, tủi nhục cô phải từ bỏ đàn em và lớp học đi nơi khác, nhưng cô chẳng biết nên đi đâu, trở về quê nhà thì không thể được, bố mẹ cô sẽ không dám ngẩng mặt nhìn bà con làng xóm vì cô; còn đến cậy nhờ bạn bè thì cô không đủ can đảm. Lang thang đã gần một tháng cô vẫn chưa kiếm được việc làm. Buồn bã đau đớn và mệt mỏi đã nhiều lần cô nghĩ đến cái chết, cầm nắm lá ngón trong tay cô muốn quên đi cuộc đời đầy đau khổ này. Nhưng cứ mỗi lần định đưa lên miệng lòng cô lại nhói đau, đứa trẻ mà cô đang mang trong bụng có tội tình gì đâu, nó là con của cô, cô định giết con mình ư?
 

Đơn độc
(minh họa từ Internet)

Không! Con cô phải được sống, nó phải được chào đời như bao đứa trẻ khác. Dù gian khổ vất vả, đau đớn, tủi hờn đến đâu cô cũng sẽ kiếm việc làm để nuôi con, xin nghỉ nhờ ở đây một đêm, ngày mai đến một nơi khác cô hy vọng sẽ tìm được việc làm. Mải đắm chìm trong suy tư, cô không để ý trời đã tối hẳn. Người đàn ông mù đã đốt ngọn đèn dầu để lên bàn từ bao giờ, khói đèn dầu kéo một vệt dài trong không gian yên tĩnh.

- Mời cô ra ăn cơm !

Tiếng người đàn ông từ dưới bếp vọng lên. Từ sáng tới giờ hình như cô chưa ăn gì, cái đói giờ đây đang kêu gào trong cô. Ngại ngùng cô đến ngồi xuống bên mâm cơm. Mùi cơm chín tới bốc lên ngào ngạt quá. Sau câu mời gượng gạo cô cúi đầu ăn mà chẳng dám nhìn người đàn ông nọ. Hai con người xa lạ ngồi bên mâm cơm cũng xa vắng và im lặng như màn đêm nơi núi rừng này.

Sáng sớm hôm sau, cô bừng tỉnh dậy khi mặt trời đã nhô lên cao, người chủ nhà vì nhường chỗ cho cô nên đã ngủ bên bàn uống nước và ông ta cũng đã dậy từ bao giờ, đang dọn dẹp gì ở dưới bếp. Gấp gọn lại chăn màn, cầm cái bọc quần áo trong tay cô xuống bếp cảm ơn chủ nhà và lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Vừa bước ra cửa, bỗng cô khụy xuống, cái bụng nhói đau, máu đã thấm qua quần rơi những giọt nóng hổi xuống đất.  Người đàn ông hốt hoảng đỡ cô vào nhà, cô ngất lịm đi, mặt tái mét, hai bên thái dương mồ hôi đang rịn ra.

Tỉnh dậy cô thấy mình đang nằm trong trạm y tế của xã, người đàn ông nọ đang ngồi cạnh bên cô, cái mặt khắc khổ đó đang đầy vẻ lo âu. Cái thai đã không chịu được những gian khổ mà mẹ nó phải gánh chịu nên đã bỏ cô mà ra đi, lòng cô giờ đây thật trống trải, vô vị. Những giọt nước mắt lại ứa ra lăn dài trên má, cô khóc cho con, khóc cho cuộc đời bất hạnh của mình. Bất chợt bàn tay gân guốc và cũng đầy bất hạnh kia nắm lấy tay cô, từ hai hốc mắt ông ta, hai giọt lệ cũng vừa rơi xuống. Ánh chiều tà xuyên qua khe liếp mỏng của trạm xá, hoàng hôn đang tới và bóng đêm đã chờ sẵn ở ngoài kia rồi.

Rời khỏi trạm xá, cô muốn ở lại căn nhà nghèo khổ đó một vài hôm giúp người đàn ông nọ dọn dẹp cửa nhà, để tỏ chút lòng cảm ơn rồi cô sẽ trở về với cha mẹ ở quê nhà. Ngôi nhà như được sáng sủa hẳn lên nhờ có bàn tay của người phụ nữ. Người đàn ông cũng như khác hẳn, nét mặt khắc khổ thường ngày của anh ta bây giờ đã rạng rỡ lên đôi chút. Trước ngày ra đi cô gái đã kể lại chuyện cuộc đời mình cho người đàn ông nghe và xin phép ngày mai ra đi. Đáp lại lời của cô gái chỉ là tiếng thở dài phát ra từ sâu thẳm lồng ngực của người đàn ông.

Người đàn ông đó tên là Khang, quê ở tận Thái Bình, anh mồ côi cha mẹ từ tấm bé, tuổi thơ anh lớn lên với bao vất vả tội nghiệp. Cha anh bị Pháp bắt và bị giết trong một trận càn, mẹ anh vì quá đau khổ nên ngã bệnh mất cách đó không lâu. Mới ít tuổi đầu anh đã phải làm thuê để kiếm miếng cơm manh áo sống qua ngày, lớn lên anh theo bạn ra nhập đội du kích xã nhà, rồi đi bộ đội tham gia chiến dịch Tây Bắc. Trong một trận giáp chiến khốc liệt trên đồi A1, anh bị thương ở mặt, vết thương quá nặng nên anh đã bị bỏng một bên mắt. Trong thời gian điều trị vết thương tại trạm xá của trung đoàn, anh đã gặp và quen cô Ban, một nữ y tá của trạm xá.

Ban là một cô gái Thái, có nước da trắng hồng khoẻ mạnh đôi mắt với viền mi dài đen sâu thẳm. Cô rất ít nói chỉ hay cười. Anh em thương binh trong trạm xá gọi cô là "hoa của núi rừng". Ban mồ côi mẹ từ nhỏ, cô sống với cha trong một căn nhà gỗ cuối bản. Tính Ban vốn hiền lành, cô chăm sóc thương binh ân cần chu đáo, có anh thương binh trẻ còn nói quá lên rằng: "Nếu lúc mổ, mà được cô Ban cầm tay thì không cần thuốc tê cũng chẳng thấy đau gì hết". Cô Ban rất quí mến Khang, với anh cô luôn dành cho anh một sự quan tâm đặc biệt. Cô thường dừng lại lâu hơn mỗi khi thay băng, hay tiêm thuốc cho anh. Bạn bè vẫn thường trêu Khang là "số đỏ".

Khang cũng rất có cảm tình với Ban, rồi không biết từ bao giờ hai người đem lòng yêu nhau tha thiết. Họ đã cùng nhau ước nguyện cho ngày cưới của mình khi Điện Biên Phủ được giải phóng.

Nhưng sự đời vốn chẳng được như mấy ai mong đợi. Chiến tranh tàn khốc đã cướp đi của Khang niềm ước nguyện đó. Ban đã đột ngột hy sinh trong một trận bom, khi cô đang đưa thương binh về trạm xá. Khang buồn bã và đau đớn vô ngần, chôn cất người yêu dưới gốc cây ban sau vườn nhà cô, Khang nguyện với lòng mình sẽ ở lại đây trên mảnh đất này để chăm sóc cha cô lúc tuổi già. Ngày Khang rời khỏi trạm xá cũng là ngày lá cờ đỏ sao vàng của bộ đội ta bay trên nóc hầm Đơ-cax-tơ-ri. Ông Nhọt, bố của Ban đã đến đón anh về ở với cụ. Căn nhà xưa quen thuộc nhưng giờ thiếu Ban nên trống vắng quá. Khang thẫn thờ đi ra vườn, ngồi xuống bên gốc ban những cánh hoa đã xoè trắng cả cành lá, cỏ trên mộ của người yêu đã lấm tấm xanh. Khang lặng người nhìn những bông hoa ban rơi đầy quanh gốc, mà lòng nghẹn ngào đau xót: - Ban ơi ! Bộ đội ta đã chiến thắng rồi đó, em có biết không em! mình đã hẹn nhau, đến ngày chiến thắng vậy mà em đã ra đi, anh biết phải làm gì khi nhặt những bông ban trắng, còn đâu nữa mái tóc mây để anh gài lên !…

Khang đã ở lại với ông Nhọt từ đó. Điện Biên sau chiến thắng ngổn ngang bom đạn. Khang lại cùng đồng đội tháo bom, gỡ mìn để những nông trường mọc lên phủ lại màu xanh cho đất. Cuộc sống nơi đây đã ngày một tươi đẹp hơn với mọi người nhưng với Khang nó lại chọn anh để thử thách một lần nữa. Trong một lần phá bom giúp nông trường, anh lại bị thương và mất đi con mắt còn lại. Ông Nhọt lại âm thầm chăm sóc anh. Hai người đàn ông bất hạnh, lặng lẽ sống bên nhau như hai chiếc bóng trong căn nhà lạnh lẽo trống vắng. Cũng đã có một vài người phụ nữ muốn chia sẻ hạnh phúc với Khang nhưng anh đã từ chối tất cả. Tình yêu đầu đời với anh quá sâu sắc, vả lại anh cũng không muốn là gánh nặng cho ai. Rồi ông Nhọt mất, Khang sống vất vả với những tháng ngày cô đơn mệt mỏi kéo dài tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt... Nhưng cô gái khốn khổ có cái tên là Lan đã bất ngờ đến và làm xáo trộn mọi thứ trong anh. Chạnh lòng trước nỗi đau của cô gái, anh lại buồn khi nghĩ về cuộc đời mình. Những ngày qua có người phụ nữ căn nhà cũng đỡ trống vắng. Khang bỗng xa xôi nghĩ về một mái ấm gia đình - cái điều tưởng như bình thường đối với mọi người mà với anh nó chẳng dễ chút nào nhất là giờ đây đôi mắt anh đã hỏng cả rồi. Ngày mai cô gái ấy sẽ ra đi, Khang không dám và cũng chẳng thể giữ cô ấy lại. Hạnh phúc ít ỏi mà anh vừa có được, chỉ như một ánh hoàng hôn chợt đến và vội tắt để lại bầu trời mặc cho bóng tối bao phủ.

Buổi sáng hôm cô gái lên đường, Khang dậy sớm, như một thói quen khi có chuyện buồn anh lại ra ngồi bên gốc cây ban cuối vườn, mặc cho tâm hồn chìm vào những suy tuy miên man….Bỗng có bước chân người lướt nhẹ trên cỏ, tiếng cô gái nhỏ nhẹ sau lưng anh:

- Anh vào nhà đi, sương sớm lạnh lắm! Em phải lên đường kẻo muộn rồi !

Khang không quay lại, anh vẫn ngồi bất động, lòng cô gái rối bời cô không nỡ bước đi. Trước mặt cô là một người đàn ông bất hạnh nhưng anh đã không ngại ngần chia sẻ cùng cô, khi cô nỡ bước ngã trên đường đời. Những ngày qua ở lại căn nhà của anh, cô thực sự ngạc nhiên và xúc động trước tấm lòng bao dung và nghị lực kiên cường của anh. Đã đến lúc phải lên đường rồi mà lòng cô vẫn chưa muốn rời nơi đây, lặng lẽ ngồi xuống bên anh, cô rụt rè nắm lấy đôi bàn tay gân guốc ấy. Anh giật mình ngỡ ngàng trong giây lát, rồi xiết chặt tay cô. Bàn tay trong bàn tay, họ ngồi  bên nhau im lặng nghe tim mình đập rộn bởi hơi ấm từ những bàn tay đang lan toả.
 


Bình minh
(minh họa từ Internet)

Phía xa sau dãy núi, mặt trời đã bắt đầu nhô lên, rải những tia nắng vàng ấm áp lên muôn loài, bình minh đang về xôn xao trên vòm lá trong vườn, gió sớm thổi nhẹ, một cánh hoa ban cuối mùa vừa rơi, Khang nhặt lên đặt vào bàn tay cô gái, cánh hoa mềm mại, sắc màu tinh khiết thuỷ chung, giàu đức hy sinh như tình yêu của anh. Cô gái khẽ mỉm cười, nâng nhẹ cánh hoa. Hạnh phúc đến với họ thật bình dị và diệu kỳ quá…
 

Xuân Tây Bắc (minh họa từ Internet)

Mười năm nữa trôi qua, người con gái khi xưa đã là mẹ của hai đứa trẻ. Chị đang là hiệu trưởng của một trường tiểu học đóng trên đỉnh một con đèo và chồng chị anh thương binh tên Khang giờ đã là chủ một trang trại lớn. Cuộc sống mới trên mảnh đất Điện Biên đã đem về cho họ nhiều niềm vui hạnh phúc. Cây ban cuối góc vườn xưa cũng vẫn còn đó, cành lá giờ đã sum suê phủ kín cả góc vườn. Vượt lên mưa, nắng và thời gian nó vẫn nở những bông hoa trắng muốt để làm lên mùa xuân cho mảnh đất Tây Bắc mến yêu này./.

Nguồn tin: Sở Giáo dục và Đào tạo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập177
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm146
  • Hôm nay27,503
  • Tháng hiện tại799,584
  • Tổng lượt truy cập135,277,877
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi