banner

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 4996/QĐ-BGDĐT ngày 28/10/2016

Chủ nhật - 18/04/2021 23:41
Dienbien.edu.vn - Tuần qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 4996/QĐ-BGDĐT ngày 28/10/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT) phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020, đến dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GDĐT Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành giáo dục, đồng chí Nguyễn Viết Lộc - Phó Trưởng ban thường trực Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành giáo dục cùng toàn thể các đại biểu đại diện của Bộ Lao động - Thương bình xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo của 64 tỉnh thành và một số Trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Hội nghị đã được nghe đồng chí Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành giáo dục thông qua báo cáo tóm tắt tổng kết hoạt động bình đẳng giới giai đoạn 2016-2021và triển khai nhiệm vụ cuối năm 2021, báo cáo đã đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện tốt hơn trong giai đoạn 2021-2025 về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Báo cáo nêu rõ: sau 5 năm triển khai thực hiện, công tác triển khai Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Giáo dục đạt 19/22 chỉ tiêu thuộc 05 mục tiêu đặt ra như: 90% phòng GDĐT có nữ tham gia Ban lãnh đạo; 90% cơ sở giáo dục đại học có nữ tham gia Hội đồng trường/Ban Giám hiệu/Ban Giám đốc; 40% nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở GDĐT; giảm tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi phổ cập giáo dục không đến trường, chú trọng đối tượng trẻ em trai ở khu vực Tây Nguyên và trẻ em gái ở vùng miền núi phía Bắc; tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 98,16%, độ tuổi 15-35 là 99,3%; đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ này tương ứng là 94,7% và 97,8%, đạt và vượt chỉ tiêu…. Các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với công tác bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong ngành Giáo dục.
Các mục tiêu đã đạt được bao gồm: Thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và gái trong tiếp cận giáo dục, tăng tỷ lệ biết chữ của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn; Đảm bảo các vấn đề về giới, bình đẳng giới được lồng ghép trong chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến giới trong các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo, cha mẹ học sinh và cộng đồng; Phòng chống bạo lực học đường, bạo lực học đường trên cơ sở giới, thúc đẩy môi trường học tập an toàn, thân thiện.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai Quyết định số 4996/QĐ-BGDĐT ngày 28/10/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở một số đơn vị chưa hiệu quả, chưa rõ nét. Bước sang giai đoạn mới, theo Thứ trưởng, ngành Giáo dục cần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm tạo nên những kết quả đột phá, nổi bật trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, đồng thời góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội củ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ cụ thể sau:
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động năm 2019; triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới bảo đảm hiệu quả, sáng tạo.
Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu về công tác cán bộ nữ; bảo đảm sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong công tác quản lý ở các cấp; Tiếp tục kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp.
Xây dựng và triển khai chương trình đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học nội dung về giới, bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản. 
Tăng tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo đến trường, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ để củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Xây dựng chính sách hỗ trợ xóa mù chữ, tăng cường phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho phụ nữ, trẻ em gái và người dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới. Triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, gắn với đổi mới GDĐT. Đồng thời, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho học sinh./.

Tác giả: Nguyễn Thị Thắm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập287
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm274
  • Hôm nay26,245
  • Tháng hiện tại899,885
  • Tổng lượt truy cập135,378,178
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi