banner

Bồi dưỡng cảm xúc tích cực cho giáo viên mầm non trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non

Chủ nhật - 03/01/2021 19:54
Dienbien.edu.vn: Nghề giáo viên mầm non hiện nay là nghề có cường độ lao động cao, thời gian giáo viên làm việc thường từ 7h đến 17h hằng ngày với các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ liên tục nối tiếp nhau: Đón trẻ, tổ chức cho trẻ thể dục sáng, tổ chức cho trẻ chơi ngoài trời, trẻ học, trẻ chơi ở các góc, trẻ ăn, trẻ ngủ, vệ sinh, hoạt động chiều, trả trẻ....
Kết quả điều tra của các nghiên cứu gần đây về mức độ nảy sinh cảm xúc của 410 giáo viên mầm non tại Hà Nội trong quá trình thực hiện chế độ sinh hoạt của trẻ ở trường cho thấy như sau:

Trong giờ đón trẻ, tổ chức cho trẻ chơi và thể dục buổi sáng, tỷ lệ giáo viên thường xuyên nảy sinh cảm xúc tích cực chiếm đến 78.0% và tỷ lệ giáo viên thường xuyên nảy sinh cảm xúc tiêu cực chỉ chiếm 2,4%.
Trong giờ tổ chức hoạt động học cho trẻ tỷ lệ giáo viên thường xuyên nảy sinh cảm xúc tích cực chiếm 55.6% và tỷ lệ giáo viên thường xuyên nảy sinh cảm xúc tiêu cực chiếm 2,4%.
Trong giờ cho trẻ ăn tỷ lệ giáo viên thường xuyên nảy sinh cảm xúc tích cực chiếm 38% và tỷ lệ giáo viên thường xuyên nảy sinh cảm xúc tiêu cực chiếm tới 5,1%.
Trong giờ trả trẻ tỷ lệ giáo viên thường xuyên nảy sinh cảm xúc tích cực chiếm tới 65,1% và tỷ lệ giáo viên thường xuyên nảy sinh cảm xúc tiêu cực chiếm tới 4,1%.
Như vậy, công việc áp lực, cường độ lao động cao dễ dẫn tới nảy sinh những cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tiêu cực có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm hay hoạt động nào trong ngày và những cảm xúc tích cực giảm dần trong ngày. Đây là nguy cơ dễ dẫn tới các hành vi bạo hành trẻ, chất lượng thực hiện các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ bị giảm sút và có thể dẫn tới tỷ lệ giáo viên bỏ nghề tăng lên.
Cô giáo Lò Thị Hà - Trường MN Số 2 Mường Mươn, huyện Mường Chà tham gia xây phòng học cho trẻ

Cảm xúc tích cực là các cảm xúc hướng cá nhân mỗi người đến những điều tốt đẹp, mang chiều hướng phát triển đi lên, góp phần hình thành nên một cá nhân với nhân cách tốt đẹp. Những cảm xúc tích cực không phải tự nhiên mà có, nó phải do chính bản thân mỗi người tự nuôi dưỡng.
Cảm xúc tích cực giúp giáo viên làm tăng hiệu quả làm việc; giúp hoạt hoá các chức năng sinh lý: hệ nội tiết, hệ miễn dịch, các chất truyền dẫn thần kinh… làm cơ thể tiết các hormone. Các hormone đó giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cơ thể, đôi khi tạo ra những điều kỳ diệu, giúp con người vượt qua những căn bệnh hiểm nghèo.
Cảm xúc tích cực có ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định của giáo viên mầm non, giúp giáo viên có thể làm chủ được cảm xúc của mình, suy nghĩ và hành động tốt, chính xác và đạt được thành công.
Để thực hiện tốt công việc của mình giáo viên mầm non cần: Yêu thương, ân cần với trẻ, không cáu gắt, đánh mắng, trách phạt trẻ; đối xử công bằng với tất cả trẻ, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân trẻ; luôn cởi mở, vui vẻ với trẻ, tích cực tìm hiểu, phát hiện khả năng và sự khác biệt của trẻ, giúp đỡ trẻ trong các tình huống cụ thể; thấu hiểu trẻ, nắm bắt được nhu cầu cá nhân của trẻ, trạng thái, diễn biến tâm lý tình cảm, nhận ra những thay đổi nhỏ của trẻ để giúp trẻ biết thể hiện tình cảm, thái độ của mình với mọi người xung quanh. Đồng thời, giáo viên cần tạo được niềm tin ở trẻ, gần gũi với trẻ, có lòng yêu nghề, tận tụy, tâm huyết, kiên nhẫn và có khả năng quản lý cảm xúc tốt.
 
Các bé mẫu giáo cùng cô giáo trường Mầm non Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông trong giờ hoạt động ngoài trời

Do vậy để giáo viên có và duy trì được cảm xúc tích cực trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ các cấp quản lý cần bồi dưỡng cho giáo viên của mình những nội dung cơ bản như:
Nhận biết các cảm xúc trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, trong giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp và phụ huynh;
Việc sử dụng các cảm xúc trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ;
Cách thức để quản lý, điều khiển các cảm xúc trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ em;
Một số cách giải toả cảm xúc tiêu cực, phát triển những cảm xúc tích cực.
Và thông qua việc tổ chức các buổi học chuyên đề, seminar... trao đổi về cảm xúc là các hình thức phù hợp để bồi dưỡng cảm xúc tích cực cho giáo viên mầm non.
Bồi dưỡng cảm xúc tích cực cho giáo viên mầm non là hoạt động cần thiết của mỗi nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Đây cũng là giải pháp giúp chúng ta xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non thành "trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Trường mầm non hạnh phúc" ở đó mọi trẻ em, các cô giáo hạnh phúc, gắn bó với trường, lớp và hun đúc tình yêu nghề ở mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non chung tay vì thế hệ trẻ mai sau./.

Tác giả: Nguyễn Thị Thúy

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập169
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm150
  • Hôm nay30,550
  • Tháng hiện tại304,458
  • Tổng lượt truy cập136,656,271
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi