Về thẩm quyền giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của Công đoàn các cấp, tại Điều 3 nêu rõ: Thẩm quyền thuộc Ban Chấp hành Công đoàn; Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp; Uỷ ban Kiểm tra (theo sự uỷ quyền của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ); Thủ trưởng các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp trong hệ thống Công đoàn. So với quy định cũ, thì quy định mới lần này không quy định thẩm quyền giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cá nhân Chủ tịch Công đoàn cơ sở (nơi không có Ban Thường vụ), người phụ trách công tác kiểm tra (nơi không có UBKT). Trong quy định này, đặt riêng Chương II về giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tuân thủ theo quy định của Luật Khiếu nại, Chương III về giải quyết tố cáo và tham gia giải quyết tố cáo, tuân thủ Luật Tố cáo.
Nội dung khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Công đoàn, tại Điều 5 nêu rõ: Khiếu nại có liên quan đến việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ; Khiếu nại liên quan đến việc ban hành, tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị và các quy định thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn; Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, đoàn viên Công đoàn của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống Công đoàn. Khiếu nại có nội dung liên quan đến các quy định liên tịch, liên ngành, liên doanh, liên kết, trong đó Công đoàn là một chủ thể tham gia thì Công đoàn phối hợp với các chủ thể có liên quan giải quyết.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tại Điều 6, quy định: Khiếu nại liên quan đến Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật đoàn viên và người lao động thuộc quyền quản lý trực tiếp của công đoàn cấp nào thì công đoàn cấp đó giải quyết khiếu nại lần đầu; Thủ trưởng các đơn vị hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp của công đoàn có trách nhiệm giải quyết những khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của công chức, viên chức, lao động do mình quản lý; Khiếu nại đã được giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại thì công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết lần hai.
Nội dung khiếu nại công đoàn tham gia giải quyết (Điều 13) là những khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước và người sử dụng lao động liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động khi gửi đến tổ chức Công đoàn thì công đoàn có trách nhiệm tham gia giải quyết.
Thẩm quyền tham gia giải quyết khiếu nại (Điều 15): Khiếu nại có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức cùng cấp với công đoàn cấp nào thì công đoàn cấp đó tham gia giải quyết; Công đoàn cấp trên có trách nhiệm hỗ trợ khi cần thiết; Khiếu nại vụ việc dân sự, hình sự không thuộc quyền tham gia giải quyết của công đoàn thì công đoàn hướng dẫn người khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc chuyển đơn đến người có thẩm quyền giải quyết và việc chuyển đơn chỉ thực hiện một lần. Xử lý đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn được quy định tại điểm 2, Điều 8 quy định này.
Nội dung, thẩm quyền giải quyết tố cáo của công đoàn (Điều 16): Tố cáo đối với cán bộ, đoàn viên, tổ chức công đoàn có hành vi vi phạm pháp luật, điều lệ công đoàn, nghị quyết, chỉ thị, các quy định của công đoàn thuộc quyền quản lý của công đoàn cấp nào thì công đoàn cấp đó có trách nhiệm giải quyết; Tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động thuộc quyền quản lý của các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp của công đoàn cấp nào thì thủ trưởng đơn vị đó có trách nhiệm giải quyết; tố cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nào thì cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, lao động trong hệ thống công đoàn có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tựng hình sự; Tố cáo mà người có thẩm quyền đã giải quyết nhưng người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết không đúng pháp luật hoặc tố cáo đã quá thời hạn quy định mà không được giải quyết thì công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét giải quyết theo hai tình huống cụ thể: Nếu xem xét việc giải quyết đã đúng pháp luật thì trả lời cho người tố cáo biết; nếu xem xét việc giải quyết trước đó trái quy định của pháp luật thì tiến hành thụ lý giải quyết theo trình tự.
Về trách nhiệm của công đoàn tham gia giải quyết tố cáo (Điều 19): Tố cáo liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước và người sử dụng lao động gửi đến công đoàn thì công đoàn có trách nhiệm tham gia giải quyết; hình thức tham gia: Công văn chuyển đơn, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tổ chức đối thoại, đề nghị, kiến nghị, phối hợp tham gia giải quyết...Công đoàn cũng có trách nhiệm giám sát việc giải quyết tố cáo của cơ quan nhà nước và người sử dụng lao động, nếu không đồng ý với việc giải quyết tố cáo thì công đoàn kiến nghị với cơ quan quản lý cấp trên của cấp đó giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về thời hạn và trình tự giải quyết khiếu nại, thời hạn và trình tự giải quyết tố cáo cơ bản thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thực hiện theo Chương IV Luật Khiếu nại. Riêng việc công đoàn tham gia giải quyết khiếu nại, tại Điều 14 (mục 5, chương II) Tổng Liên đoàn quy định cụ thể về Nội dung khiếu nại công đoàn tham gia giải quyết, trình tự tham gia, thẩm quyền tham gia.
Trong Quy định mới của Tổng Liên đoàn lần này, tiếp tục quy định về trách nhiệm của Công đoàn các cấp trong việc tiếp đoàn viên, người lao động đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, nơi tiếp phải có Nội quy và lịch tiếp công khai; Trách nhiệm của Chủ tịch công đoàn mỗi cấp ngoài việc tiếp khi có yêu cầu, cần bố trí thời gian tiếp định kỳ theo lịch công khai; Chủ tịch công đoàn các cấp từ cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương mỗi tháng tiếp từ một đến hai ngày (quy định cũ ấn định mỗi tháng tiếp hai ngày). Xử lý khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp đoàn viên và người lao động theo Điều 22 quy định này. Đồng thời, còn có quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong đó Tổng Liên đoàn thống nhất quản lý công tác này trong toàn hệ thống, Công đoàn các cấp thực hiện việc quản lý công tác này theo phân cấp quản lý của tổ chức Công đoàn; Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ mỗi cấp tổ chức thực hiện và quản lý công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo phân cấp quản lý tổ chức của công đoàn.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Tổng Liên đoàn, các cấp Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, đoàn viên, người lao động. Tập trung nghiên cứu sâu, thực hiện đúng thẩm quyền, đầy đủ trách nhiệm của cấp mình trong việc tiếp đoàn viên và người lao động đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thực hiện tốt công tác tiếp đoàn viên, người lao động. Phân loại, xử lý và giải quyết, tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra của Công đoàn cơ sở./.
Tác giả: Phạm Thị Thanh Bình
Nguồn tin: Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn