banner

CĐN-Phát huy truyền thống ngày Quốc tế Phụ nữ và khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Thứ tư - 27/02/2019 04:46
Công đoàn Giáo dục các cấp đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và Khởi nghĩa Hai bà Trưng. Đây là dịp ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của phụ nữ thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng trong công cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho quyền lợi và hạnh phúc của phụ nữ. Đồng thời góp phần tôn vinh, khẳng định vai trò của nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong gia đình và xã hội.
Lịch sử ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, nền kỹ nghệ ở Mỹ phát triển mạnh, thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng chủ tư bản trả lương rất rẻ mạt, giờ làm việc không hạn định. Trước sự bất công đó, ngày 8/3/1857, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù bị tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới. Trong phong trào đấu tranh lúc đó đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc, là bà Cla-ra Zet-kin (người Đức) và bà Rô-gia Lúc-xăm-bua (người Ba Lan). Nhận thức được sự sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà Crup-xkai-a (vợ đồng chí Lê-nin) vận động thành lập Ban Thư ký phụ nữ quốc tế. Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư. Năm 1910 Đại hội Phụ nữ quốc tế đã quyết định lấy ngày 8/3 hàng năm làm ngày Quốc tế Phụ nữ. Từ đó, ngày 8/3 hàng năm là dịp biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ thế giới, đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội, vì hạnh phúc của phụ nữ. Chính phụ nữ là những người làm nên ngày 8/3 lịch sử.
Ở nước ta, tháng 3 còn là dịp kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng- hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn giang sơn đất Việt. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các Vua Hùng đã có công dựng nước thì tự hào thay Hai Bà Trưng lại là những người phụ nữ đầu tiên có công giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả. Cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn là một minh chứng cho ý chí, sức mạnh lớn lao của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nữ giáo viên đang hăng say giảng bài cho học sinh
Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động nói riêng không ngừng phấn đấu và khẳng định mình trên các lĩnh vực, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Những năm qua, nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) ngành Giáo dục đã luôn nỗ lực, sáng tạo trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; không ngừng nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, năng lực. Các cấp Công đoàn Giáo dục và bản thân mỗi nữ CBNGNLĐ đã nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nữ CBNGNLĐ vươn lên khẳng định vai trò, vị thế của mình trong giai đoạn mới. Trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tỷ lệ nữ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao. Nữ CBNGNLĐ đã được tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ công tác. Bên cạnh đó, nữ CBNGNLĐ đã tích cực thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” do Công đoàn ngành Giáo dục phát động và tham gia các phong trào, hoạt động xã hội tại cơ quan, đơn vị, trường học. Phong trào thi đua thực sự có sức lan tỏa, đã tác động tích cực trực tiếp đến nữ CBNGNLĐ, để chị em làm động lực phấn đấu vươn lên, khẳng định và ngày càng nâng cao vai trò, vị thế của mình trong xã hội, góp phần làm phong phú phong trào thi đua của tổ chức Công đoàn.
Kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm nay, Ban nữ công Công đoàn Giáo dục các cấp đã tham mưu tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, hội thi, gặp mặt… Thông qua các hoạt động này thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc đoàn kết, tập hợp, vận động nữ CBNGNLĐ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết 6b/NQ-BCH ngày 16/01/2011 của Tổng Liên đoàn về công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của nữ CBNGNLĐ, cơ quan, đơn vị, trường học và tổ chức Công đoàn cần tiếp tục quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện, tổ chức nhiều hoạt động dành cho nữ. Và hơn hết, bản thân các chị phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt; tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, “Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang”, năng động, sáng tạo, xứng đáng là người phụ nữ “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” trong giai đoạn hiện nay./.

Tác giả: Phạm Thị Thanh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập109
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm97
  • Hôm nay13,661
  • Tháng hiện tại175,776
  • Tổng lượt truy cập136,527,589
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi