banner

GDMN - Chia sẻ kinh nghiệm số 44. Cách thức tổ chức giáo dục phát triển vận động cho trẻ lớp mẫu giáo ghép qua hoạt động học ở trường

Thứ ba - 02/01/2018 04:49
Dienbien.edu.vn- Chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện từ năm 2013. Đây là chuyên đề được các nhà trường đánh giá cao về tính hiệu quả thực tiễn và đã thu được những kết quả quan trọng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ mầm non đối với phụ huynh và cộng đồng được tăng cường; hoạt động xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh được đẩy mạnh giúp trẻ có cơ hội vui chơi, rèn luyện phát triển vận động mọi lúc, mọi nơi; công tác xã hội hóa giáo dục, vận động phụ huynh và cộng đồng tham gia đóng góp kinh phí hỗ trợ, ủng hộ thêm về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ được quan tâm, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp học Mầm non có nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, vai trò của giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong độ tuổi mầm non hướng tới mục tiêu nâng cao tầm vóc con người Việt Nam và có kỹ năng tốt hơn trong việc xây dựng môi trường, tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển vận động cho trẻ mầm non ở trường.

Hoạt động “học” ở trường mầm non là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp trẻ chính xác hóa các kiến thức, kỹ năng trẻ “tự học” được trong cuộc sống, đồng thời làm giàu thêm cho trẻ những kiến thức, kỹ năng mới và rèn khả năng tập trung chú ý chuẩn bị cho hoạt động học tập là chủ đạo ở cấp học sau. Để tổ chức thành công hoạt động học cho trẻ mầm non đòi hỏi giáo viên hết sức linh hoạt từ việc xác định mục tiêu, vận dụng các phương pháp dạy học đến việc lựa chọn các hình thức tổ chức hoạt động.

Do ở lớp mẫu giáo ghép có nhiều trẻ ở các độ tuổi khác nhau nên việc tổ chức hoạt động học cho trẻ thường có những đặc điểm khác biệt so với các lớp mẫu giáo đơn (lớp mẫu giáo một độ tuổi) như:

Mục tiêu giáo dục và yêu cầu của hoạt động được xác định riêng cho từng độ tuổi;

Nội dung giáo dục mang tính đồng tâm, phát triển, nghĩa là cùng một nội dung giáo dục nhưng mức độ khác nhau đối với từng độ tuổi;

Phương pháp dạy-học được ưu tiên lựa chọn là những phương pháp mà trẻ ở các độ tuổi đều được tham gia, tương tác với nhau và với giáo viên;

Hình thức tổ chức hoạt động học đặc biệt hướng vào sự tương tác giữa các cá nhân và giữa các nhóm;

Đánh giá hoạt động học của trẻ theo mục tiêu cần đạt của từng độ tuổi có trong lớp.
 
1
Các bé lớp mẫu giáo ghép trường Mầm non Mường Báng số 1, huyện Tủa Chùa trong hoạt động học
 
Sau đây xin được bàn về một số vấn đề trong thực hiện giáo dục phát triển vận động cho trẻ lớp mẫu giáo ghép qua hoạt động học ở trường mầm non:

Trước hết xin bàn về việc xác định mục tiêu cho hoạt động học đối với nội dung giáo dục phát triển vận động cho trẻ lớp mẫu giáo ghép

Căn cứ kế hoạch giáo dục năm học, kế hoạch giáo dục chủ đề của lớp, đối với mỗi hoạt động học của trẻ ở lớp mẫu giáo ghép, giáo viên cần xác định được mục tiêu, yêu cầu cụ thể cho từng độ tuổi về kiến thức, kỹ năng và thái độ cần đạt ở mỗi giờ học. Đặc biệt, giáo viên cần bám sát mục tiêu đã xác định của từng chủ đề giáo dục cụ thể và trình độ của trẻ tại thời điểm tổ chức hoạt động phát triển thể chất để xác định mục tiêu của hoạt động cho phù hợp.

Mặt khác, giáo viên cần diễn đạt, trình bày mục tiêu bằng những từ ngữ mang tính chất dễ lượng hóa, thuận lợi cho việc đánh giá kết quả đạt được ở trẻ (có thể quan sát, đo, đếm được). Ví dụ: “Trẻ 3 tuổi giữ được thăng bằng cơ thể và đi hết đoạn đường hẹp 3m x 0,2m” hay “Trẻ 4 tuổi chạy được liên tục theo hướng thẳng 15m trong 10 giây”… Trong quá trình xác định mục tiêu của hoạt động học, giáo viên nên tránh sử dụng các từ ngữ mang tính chất chung chung, không rõ ràng, khó lượng hóa như “trẻ nắm được…”, “trẻ nhớ…”…

Thứ hai, việc lựa chọn nội dung giáo dục phát triển vận động

Nội dung của hoạt động học vận động được xác định trong Kế hoạch giáo dục tuần của lớp. Nội dung học được thể hiện ở tên của hoạt động. Nghĩa là khi trình bày tên của hoạt động phát triển vận động, giáo viên nên nêu rõ nội dung phát triển vận động của trẻ theo từng độ tuổi, tránh chung chung dẫn tới xác định mục tiêu không sát đối tượng cũng như chuẩn bị các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi…

Ví dụ nội dung của 01 hoạt động phát triển vận động của lớp mẫu giáo ghép có 03 độ tuổi 3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi gồm có:

- Trẻ 5 tuổi: Chạy liên tục theo hướng thẳng 18 mét trong vòng 10 giây;

- Trẻ 4 tuổi: Chạy liên tục theo hướng thẳng 15 mét trong vòng 10 giây;

- Trẻ 3 tuổi: Chạy liên tục theo hướng thẳng 15 mét.

Qua ví dụ trên cũng cho ta thấy, khi lựa chọn nội dung giáo dục phát triển vận động cho trẻ lớp mẫu giáo ghép, giáo viên không nên lựa chọn nội dung vận động khác nhau ở các độ tuổi (ví dụ: trẻ 5 tuổi học chạy còn trẻ 4 tuổi học bò) mà cần lựa chọn nội dung giáo dục vận động cùng dạng vận động và có tính chất đồng tâm, phát triển cho các độ tuổi có trong lớp mẫu giáo ghép.

Mặt khác, giáo viên cần quan tâm sắp xếp các hoạt động phát triển thể chất sao cho trẻ có cơ hội thực hiện các vận động có tính chất liên hoàn, các bài tập tổng hợp theo chủ đề. Việc thực hiện các bài tập liên hoàn, tổng hợp giúp trẻ có cơ hội được luyện tập, nâng cao các kỹ năng vận động đã học, nâng cao khả năng phối hợp thực hiện nhiều kỹ năng vận động trong cùng một thời điểm, giúp trẻ tăng sức bền, dẻo dai, khéo léo và ý chí, quyết tâm vượt khó khăn…

Thứ ba, việc lựa chọn nội dung tích hợp

Tùy theo thời điểm tổ chức hoạt động học phát triển vận động (giai đoạn đầu năm học, giữa năm học hay cuối năm học), khả năng nghe hiểu và sử dụng tiếng Việt của trẻ và đặc biệt là khả năng vận động của trẻ có trong lớp để giáo viên lựa chọn nội dung tích hợp cho phù hợp.

Giai đoạn đầu năm học, ở các lớp mẫu giáo ghép có nhiều trẻ dân tộc thiểu số, trẻ mẫu giáo bé, trẻ mới ra lớp khả năng nghe hiểu và sử dụng tiếng Việt còn hạn chế, giáo viên có thể lựa chọn nội dung tích hợp đơn giản hoặc không đưa nội dung tích hợp vào hoạt động học mà dành thời gian hướng dẫn, làm mẫu cho những trẻ bé, trẻ mới ra lớp đó thực hiện tốt nội dung trọng tâm của giờ dạy. Khi khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ tốt hơn, giáo viên có thể lựa chọn và tích hợp thêm các nội dung giáo dục phù hợp giúp trẻ có cơ hội ôn luyện các kiến thức, kỹ năng đã học.

Mặt khác, giáo viên dạy các lớp mẫu giáo ghép cần quan tâm lồng ghép các bài đồng dao, vè, thơ, hát… bằng tiếng Việt hay tiếng của người dân tộc thiểu số ở địa phương vào quá trình tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi vận động hay tập bài tập phát triển chung… nhằm tạo không khí vui vẻ, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích trẻ tham gia tích cực vào hoạt động, đồng thời phát triển khả năng hiểu và sử dụng tiếng Việt cho trẻ còn hạn chế về tiếng Việt.

 Thứ tư, việc vận dụng các phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục ở lớp mẫu giáo ghép

Để các phương pháp giáo dục đã được nêu trong chương trình giáo dục mầm non (nhóm phương pháp thực hành, trải nghiệm; nhóm phương pháp trực quan- minh họa; nhóm phương pháp dùng lời nói; nhóm phương pháp giáo dục bằng tình cảm và khích lệ; nhóm phương pháp nêu gương - đánh giá) một cách hiệu quả, giáo viên cần phải sử dụng các phương pháp giáo dục đó theo hướng tích cực hóa hoạt động của trẻ, dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đặc biệt, việc vận dụng các phương pháp giáo dục phải hướng đến mục tiêu và nội dung đã xác định của giờ học.

Đối với lớp mẫu giáo ghép, giáo viên cần đặc biệt lưu ý trong lựa chọn các phương pháp, phối hợp các phương pháp sao cho trẻ cùng độ tuổi và trẻ khác độ tuổi có thể tương tác với nhau để hoàn thành nội dung học và đạt mục tiêu của từng độ tuổi.

Khi giáo viên vận dụng kết hợp linh hoạt các hình thức tổ chức hoạt động học (cả lớp, nhóm, cá nhân) có thể tạo ra sự tương tác tích cực giữa các thành viên trong nhóm, giữa các nhóm với nhau. Đây là lợi thế của lớp mẫu giáo ghép khi tổ chức hoạt động học. Các tương tác thường thấy là:

Giúp đỡ: Trẻ bé thực hiện nhiệm vụ, trẻ lớn theo dõi, giúp đỡ trẻ bé nếu cần. Tương tác này thể hiện sự độc lập, tự lực tương đối của trẻ bé, tinh thần tương trợ của trẻ lớn đối với trẻ bé.

Hợp tác: Trẻ lớn sử dụng kết quả của trẻ bé để thực hiện tiếp nhiệm vụ của mình. Tương tác này khiến cho hoạt động của mỗi trẻ cần dựa vào kết quả của những trẻ khác. Kết quả của trẻ hoặc nhóm này ảnh hưởng tới hoạt động tiếp theo của trẻ hoặc nhóm khác. Do đó, mỗi trẻ phải chăm chú lắng nghe, thực hiện nhiệm vụ của mình, theo dõi kết quả của trẻ khác.

Học hỏi: Trẻ lớn hoặc trẻ thành thạo hơn thực hiện nhiệm vụ, hướng dẫn trẻ bé hoặc trẻ chưa thành thạo bắt chước theo. Tương tác này khiến cho các trẻ và các nhóm trẻ sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kĩ năng, có thái độ đồng cảm với nhau.
 
2
Các bé lớp mẫu giáo ghép 3,4,5 tuổi điểm trường Nà Khuyết, trường
Mầm non Chà Cang huyện Nậm Pồ
 
Hiện nay, một số giáo viên dạy lớp mẫu giáo ghép còn gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện phần làm mẫu vận động mới cho trẻ theo nội dung riêng của từng độ tuổi, phần tổ chức cho trẻ thực hiện luyện tập các vận động đó hay phần cho trẻ khởi động. Để thực hiện tốt phần này, đòi hỏi sự linh hoạt, hiểu trẻ của giáo viên đứng lớp để lựa chọn cách thức tổ chức giờ học đảm bảo hiệu quả, thời gian theo quy định và không biến giờ học của lớp ghép thành giờ học của lớp đơn. Xin gợi ý một số cách làm sau:

Đối với lớp có 1 giáo viên/lớp, tùy theo số lượng trẻ của các độ tuổi có trong lớp, khả năng, trình độ của trẻ để giáo viên lựa chọn nhóm trẻ hay cá nhân trẻ (nên chọn 01 hoặc 02 độ tuổi) để hướng dẫn thực hiện trước trong hoạt động chiều hay giờ chơi góc… từ ngày hôm trước, nghĩa là khi tổ chức hoạt động học vận động vào ngày hôm sau thì nhóm trẻ này đã có kỹ năng thực hiện vận động cần học; thời gian thực hiện phần làm mẫu vận động mới của giờ học đó giáo viên dành cho việc làm mẫu cho nhóm trẻ còn lại (nhóm chưa được làm quen kỹ năng vận động). Đến phần tổ chức cho trẻ thực hành luyện tập vận động, giáo viên chia trẻ theo nhóm cùng độ tuổi để thực hiện các vận động tương ứng.

Ở những lớp có 2 giáo viên, phần làm mẫu vận động mới và tổ chức cho trẻ thực hành, luyện tập vận động, giáo viên nên chia nhóm, mỗi giáo viên phụ trách 1 đến 2 nhóm để hướng dẫn trẻ thực hiện toàn bộ vận động mới đó hoặc đến phần trẻ thực hành, luyện tập vận động mới, cả hai giáo viên cùng phối hợp tổ chức cho trẻ thực hiện nội dung vận động tương ứng với các độ tuổi có trong lớp ghép.

Đối với thực hiện phần khởi động, nếu giáo viên cho trẻ đi thành vòng tròn và thực hiện các kiểu đi, chạy… nên bố trí trẻ đi thành các vòng tròn đồng tâm, theo từng độ tuổi (mỗi độ tuổi sắp xếp thành 01 vòng tròn) vận động cùng chiều với nhau và giáo viên vận động ngược chiều với trẻ để thuận lợi cho việc bao quát, xử lý các tình huống xảy ra.

Việc tổ chức cho trẻ tham gia các vận động có tính chất liên hoàn, các bài tập tổng hợp có thể tổ chức ở các phòng hoặc khu phát triển vận động ở trường hoặc tổ chức trên sân trường; có thể tổ chức cho 01 lớp hoặc giao lưu giữa các lớp mẫu giáo. Tuy nhiên, đối với lớp mẫu giáo ghép, khi tổ chức hoạt động này, giáo viên cần đặc biệt chú ý tới mức độ yêu cầu và khả năng của trẻ theo các độ tuổi để lựa chọn vận động và điều chỉnh lượng vận động cho phù hợp, tránh quá tải với trẻ bé.

Trên đây là một số kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, xin nhận được những góp ý, chia sẻ của các đồng chí, đồng nghiệp và quý bạn đọc.
 

Tác giả: Trần Thị Thúy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập125
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm105
  • Hôm nay17,030
  • Tháng hiện tại705,411
  • Tổng lượt truy cập136,157,780
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi