banner

GDMN - Điện Biên tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi

Thứ sáu - 28/07/2017 05:07
Dienbien.edu.vn - Điện Biên là tỉnh miền núi có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, đời sống nhân dân còn nghèo, trình độ dân trí chưa đồng đều... Vượt qua nhiều khó khăn, tháng 5 năm 2014, Điện Biên là tỉnh thứ 22 trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi. Từ đó đến nay, qua các năm học tỉnh vẫn duy trì tốt và tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng các điều kiện, các chỉ số đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi (PCGDMNTNT).
Triển khai thực hiện Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 3 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, PCGDMNTNT được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là một trong các chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Với vai trò chủ trì, ngành giáo dục và đào tạo đã tích cực tham mưu, ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ nói chung và thực hiện PCGDMNTNT nói riêng; tăng cường sự phối hợp với các ngành có liên quan từ việc xây dựng kế hoạch đến việc thực hiện các nhiệm vụ hàng năm; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động tham mưu với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục đảm bảo duy trì và phát triển số lượng trường, lớp, trẻ trong độ tuổi ra lớp theo giai đoạn và từng năm học; thực hiện duy trì và phát triển quy mô trường, lớp mầm non theo kế hoạch; mở các lớp mầm non đến từng bản, cụm bản; chỉ đạo quyết liệt việc huy động tối đa trẻ mẫu giáo ra lớp, trong đó ưu tiên việc huy động trẻ 5 tuổi và duy trì tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cha mẹ trẻ đưa trẻ đến trường.
1
Cô giáo mầm non vận động trẻ ra lớp tại bản Hô Tâu, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ
Các phòng giáo dục và đào tạo tiếp tục rà soát và bổ sung, nâng cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi ở từng trường/điểm trường mầm non; tham mưu bổ sung giáo viên theo hình thức tuyển dụng và hợp đồng ngắn hạn phù hợp với tình hình của các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN); triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp; huy động tối đa số trẻ 5 tuổi đến trường và tổ chức học 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú theo nhiều hình thức (nhà trường tổ chức nấu ăn, cha mẹ thay nhau đến nấu ăn, cha mẹ mang cơm và cô giáo nấu thức ăn cho trẻ…) nhằm duy trì tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; đặc biệt chỉ đạo tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ bước vào lớp 1; thực hiện ưu tiên, bố trí sắp xếp đủ giáo viên cho các lớp 5 tuổi, đảm bảo về trình độ, năng lực, kỹ năng sư phạm tổ chức thực hiện chương trình GDMN. Huy động các nguồn lực, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định; xây dựng trường lớp xanh- sạch- đẹp, an toàn, thân thiện.

Các cơ sở GDMN đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho phát triển GDMN nói chung và thực hiện mục tiêu PCGDMNTNT nói riêng.

 Một số giải pháp riêng có, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh tiếp tục được thực hiện và phát huy hiệu quả như: vận động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, nhân dân trên địa bàn cùng với cán bộ, giáo viên các trường mầm non làm nhà lớp học theo mô hình “Ba cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng); trong đó nhà nước hỗ trợ tấm lợp làm mái và xi măng làm nền, thầy cô cùng nhân dân chuẩn bị vật liệu, ngày công làm khung và tường, nhờ đó đến nay 100% phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi đã được xây dựng theo hướng kiên cố và bán kiên cố, không còn phòng học bằng tranh tre nứa lá; ngoài ra cũng từ nguồn xã hội hóa, các địa phương đã nâng cấp công trình vệ sinh ở nhiều điểm trường, làm thêm nhiều đồ chơi ngoài trời cho trẻ.

Ngoài việc nhà trường tổ chức nấu ăn tập trung cho trẻ ở trung tâm trường, các trường mầm non thực hiện đa dạng các hình thức bán trú cho trẻ ở các điểm trường lẻ: vận động cha mẹ trẻ cùng giáo viên nấu ăn cho trẻ, cha mẹ trẻ mang cơm cho con đến trường, giáo viên cùng cha mẹ trẻ trồng rau cung cấp thêm cho bữa ăn của trẻ ở trường...

Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 172 trường mầm non (trong đó có 03 trường tư thục) với 2.253 nhóm, lớp với tổng số 52.655 trẻ ra lớp (trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp là 13.778 trẻ, số trẻ dưới 5 tuổi ra lớp là 38.877 trẻ). Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp: nhà trẻ đạt 24%, mẫu giáo đạt 97,6%. Tổng số lớp 5 tuổi là 1029 lớp và 1224 nhóm, lớp dưới 5 tuổi. So với năm học 2015-2016, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp tăng 6,1%, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp tăng 1,6%, duy trì tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp là 99,6%. 100% trẻ 5 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non được công nhận hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Có 95,8% trẻ được ăn bán trú tại trường, không xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở GDMN.

Tổng số cán bộ, giáo viên và nhân viên cấp học Mầm non: 4.638 người. Trong đó cán bộ quản lý cấp trường: 512 người, giáo viên: 3.258 người, nhân viên: 857 người. 100% giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên. Trong đó, có 79,6% giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn. Có 1.443 giáo viên dạy các lớp mẫu giáo 5 tuổi. Tỷ lệ giáo viên/lớp mẫu giáo 5 tuổi là 1,5 giáo viên/lớp.

Cấp học Mầm non có 2.253 phòng học, đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp. Trong đó: kiên cố: 1.121 phòng, tỷ lệ 49,8%; bán kiên cố: 384 phòng, tỷ lệ 17%; phòng tạm: 748 phòng, tỷ lệ 33,2%. So với cùng kỳ năm học trước có thêm 150 phòng học được xây dựng mới. 100% các trường mầm non có đủ nước sinh hoạt đảm bảo cho các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; 172/172 trường mầm non có nhà bếp, có công trình vệ sinh đảm bảo theo quy định.
Một góc trường Mầm non Hoàng Công Chất huyện Điện Biên
Số lớp có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi: 1782/2253 lớp, tỷ lệ 79,1% (trong đó lớp mẫu giáo 5 tuổi 1029 lớp, đạt 100%). Tổng số sân chơi ngoài trời: 1024 sân, trong đó 550/1024 sân chơi có 5 loại thiết bị đồ chơi trở lên đạt 53,7%.

Có thêm 22 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn và công nhận duy trì đạt chuẩn Quốc gia (mức độ I: 16 trường, mức độ II: 06 trường), nâng số trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia của tỉnh lên là 87 trường, tỷ lệ 50,6%, tăng 11 trường so với năm học 2015-2016.

Tại thời điểm tháng 10 năm 2016, Điện Biên có 130/130 xã, phường, thị trấn và 10/10 huyện, thị xã, thành phố được công nhận duy trì đạt chuẩn PCGDMNTNT năm 2016.

Năm học 2017-2018 đã đến gần, tháng 8/2017 các cơ sở giáo dục tổ chức điều tra, cập nhật dân số trong độ tuổi trên địa bàn toàn tỉnh làm cơ sở cho việc thực hiện nhiệm vụ PCGDMNTNT. Theo kế hoạch, cấp xã hoàn thành tự kiểm tra vào tháng 9; cấp huyện kiểm tra vào tháng 10; cấp tỉnh hoàn thành kiểm tra trong tháng 12. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp quản lý giáo dục, sự cố gắng và nỗ lực hết mình của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, tin tưởng rằng trong thời gian tới nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ nói chung và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi nói riêng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển vững chắc những thành tựu đã đạt được./.

Tác giả: Trần Thị Thúy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập167
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm144
  • Hôm nay31,880
  • Tháng hiện tại702,259
  • Tổng lượt truy cập135,180,552
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi