banner

GDTH - Ra đề, chấm kiểm tra môn Tiếng Việt theo hướng mở nhằm phát triển năng lực và bồi dưỡng chất nhân văn cho học sinh tiểu học

Thứ hai - 24/07/2017 05:57
Năng lực được hiểu là khả năng thực hiện thành công hoạt động trong một bối cảnh nhất định nhờ sự huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân khác như động cơ, thái độ, hứng thú, niềm tin, ý chí,... Trong khi chưa chính thức có chương trình và sách giáo khoa mới theo hướng phát triển năng lực thì việc điều chỉnh, đổi mới ra đề, chấm kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng mở nhằm phát triển năng lực và bồi dưỡng chất nhân văn có ý nghĩa quan trọng.
Đánh giá theo năng lực không phải chỉ đánh giá từng đơn vị kiến thức, kĩ năng riêng biệt mà thực hiện mục tiêu xác định khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng được học ở nhà trường của học sinh vào việc giải quyết các tình huống thực tiễn. Các đề kiểm tra đánh giá năng lực người học phải là những câu hỏi được thiết kế theo hướng mở, tăng cường khả năng vận dụng những kiến thức được học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong cuộc sống thường ngày.
1

Giờ học Tiếng Việt ở trường Tiểu học Thanh Luông, huyện Điện Biên
Theo xu hướng phát triển năng lực người học, quá trình dạy học phải tạo cơ hội cho học sinh huy động kiến thức thu nhận được trong các tài liệu học tập để áp dụng chúng một cách hiệu quả trong các tình huống, ngữ cảnh cụ thể. Tránh áp đặt hoặc yêu cầu học sinh phải tạo ra những sản phẩm học tập chỉ là sự sao chép từ khuôn mẫu sáo rỗng, không tạo được sự kết nối giữa những kiến thức được học với những trải nghiệm và khả năng vận dụng. Để làm được điều này, nội dung yêu cầu trong các đề kiểm tra, đánh giá định kì cần tạo cơ hội để các em được đối diện với chính mình, huy động những tình cảm, suy tư trong con người mình để đưa vào bài viết. Đề bài cần đặt người viết vào tâm thế của người trong cuộc. Người viết phải xem vấn đề đặt ra trong đề bài cũng là vấn đề của chính mình, coi mình là người trong cuộc, viết cho chính mình.

Đề Tiếng Việt, nhất là đề phân môn Tập làm văn ở tiểu học cũng giống đề kiểm tra các môn khác ở chỗ: Về bản chất nó cũng là một dạng bài tập đặc biệt, để giải bài tập đó cần phải huy động những kiến thức liên quan đã học. Đề Tiếng Việt còn có đặc thù mà môn khác không có được. Đề Tiếng Việt là cơ hội để người viết đối diện với mình, để con người nhân văn trong con người mình lên tiếng. Đề có thể ra chung cho cả lớp thậm chí cả trường, nhưng học sinh cần phải biết biến đề chung đó thành cơ hội riêng của mình để bộc lộ tiếng nói sâu kín của bản thân.
Hoạt động NGLL của học sinh Trường Tiểu học số 1 Noong Luống, huyện Điện
 
Đối với dạng trắc nghiệm, khi ra đề kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực người học, nên hạn chế những câu trắc nghiệm quá dễ, chỉ yêu cầu học sinh học thuộc lòng hoặc ghi nhớ máy móc mà nên tăng cường các câu hỏi mở, các câu hỏi đòi hỏi học sinh vận dụng các kiến thức, kĩ năng được học từ các môn học và từ thực tiễn cuộc sống để giải quyết. 

 Đối với đề tự luận, giáo viên cần linh hoạt trong ra đề kiểm tra, không sử dụng câu hỏi, dạng đề mẫu trong sách giáo khoa, sách hướng dẫn đã quá quen thuộc, nhàm chán để ra đề cho học sinh; cũng tránh ra kiểu đề rập khuôn máy móc, đặt học sinh ở vị thế của người ngoài cuộc hoặc phán xét, hoặc nói những điều sáo rỗng, hoặc nói theo giọng điệu người khác mà chẳng hiểu mình đang nói gì.

 Ra đề theo hướng phát triển năng lực đòi hỏi giáo viên phải tư duy đa chiều để từ nền tảng là sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn để ra đề kiểm tra mở. Muốn thực hiện tốt điều này, ngay trong các giờ học Tiếng Việt và hoạt động giáo dục trên lớp, giáo viên cần thường xuyên đưa ra các tình huống để học sinh được bộc lộ, thể hiện năng lực của mình. Chẳng hạn, giáo viên yêu cầu học sinh: Viết một đoạn văn nêu hướng kết thúc khác mà em mong muốn cho một câu chuyện cụ thể đã được học trong sách giáo khoa; đưa ra một cách xử lý khác với cách xử lý của nhân vật trong câu chuyện trong một câu chuyện đã đọc và lý giải về cách xử lý đó; kể, tả về một sự vật, hiện tượng sau khi quan sát tranh minh họa, xem clip,..; kết hợp miêu tả, thuật lại cách xử lý qua một tình huống thực tiễn mà em đã gặp hoặc chứng kiến: bị rắn độc, thú dữ tấn công; phải đi trong đêm tối, ở nhà một mình; bị lạc trong rừng; gặp dòng nước lớn;…

Ở phân môn Tập làm văn, giáo viên cần tận dụng tối đa các dạng đề tự luận ở lớp 2,3,4,5 để trao cho học sinh cơ hội đặt mình vào vị trí của người trong cuộc, để bộc lộ mình, huy động những tình cảm, suy nghĩ chân thực nhất để đưa vào bài viết, để con người nhân văn trong con người mình lên tiếng, chẳng hạn:

Đề 1. Đặt mình vào vai một trong những các nhân vật hoạt hình hoặc phim ảnh mà em thích, em hãy viết khoảng 3-4 câu tự giới thiệu về mình.

Đề 2. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 4-6 câu) kể về một việc tốt em đã làm để giúp đỡ một người khác.

Đề 3. Viết một đoạn văn (khoảng 4-5 câu) nói về ước mơ của em.

Đề 4. Em hãy đặt mình vào vai một con đường và kể lại một câu chuyện mà mình đã chứng kiến.

Đề 5. Hãy kể lại câu chuyện về mình trong vai một cây non bị bẻ ngọn.

Đề 6.
Chờ nhé, bé em
(Tặng em bé con chú phi công Liệt sĩ Trần Quang Khải)
                                Đỗ Nhật Nam
Những ồn ào rồi sẽ qua
Những lời sẻ chia…rồi thành xa
Những tiếng khóc than rồi cũng tắt
Những người đời lại bận rộn với vòng quay tất bật cuộc đời.
Chỉ có bé con là ngơ ngác
Chỉ có cây gậy chống trong đám tang là ngơ ngác
Chỉ có nước mắt rơi là ngơ ngác
Biết lăn về đâu khi “gió” đã về trời.
Bé con ơi, vịn vào mẹ đi và lớn nhanh lên nhé
Giấc mơ đêm của em chắc có bố theo cùng
Bố sẽ vỗ về bằng đôi bàn tay ấm
Không nước biển nào làm lạnh bố em đâu…
Nếu được thay lời em bé trong bài thơ, em sẽ nói gì với tác giả và người đời? Viết bằng đoạn văn khoảng 5-7 câu.

Bên cạnh ra đề kiểm tra theo hướng mở, sáng tạo giáo viên cần thiết kế hướng dẫn chấm linh hoạt, tôn trọng cá tính riêng của từng học sinh. Dạy văn theo theo định hướng phát triển năng lực chính là chúng ta đang muốn hướng tới khuyến khích học sinh bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc riêng của các em trước một vấn đề trong đời sống. Hướng dẫn chấm cần đặt ra nhiều hướng triển khai nội dung yêu cầu đề, người chấm cần chấp nhận nhiều cách cảm, cách nghĩ, cách tả, cách kể khác nhau miễn là các cách đó được trình bày một cách logic, hướng tới một chủ đích phù hợp với đề bài. Tránh trường hợp hướng dẫn chấm một hướng theo định kiến của người ra đề, người soạn hướng dẫn chấm.

Câu chuyện về Bài văn bị điểm không” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (sách giáo khoa Tiếng Việt 4, tập 1, NXBGD; trang 20,21) là một bài học. Nội dung câu chuyện là cuộc đối thoại giữa hai bố con về một bài văn bất thường. Khi làm đề bài: Tả bố em đang đọc báo, một em học sinh đã nộp một tờ giấy làm văn trắng, không có bài làm và cô giáo đã cho điểm không. Cô giáo rất giận em học sinh nộp giấy trắng có hỏi em “Sao trò không chịu làm bài?”. Mãi sau em mới nói: “Thưa cô, em không có ba” vì ba em đã hi sinh ngoài chiến trường khi em mới sinh. Kết thúc câu chuyện, tác giả kết luận: “Chuyện về cậu học trò có bài văn bị điểm không đã để lại trong tôi một nỗi đau, nhưng cũng để lại một bài học về lòng trung thực”. Nhưng ở đây còn một bài học khác, bài học về kỹ năng sư phạm và bài học về cách ra đề, chấm bài kiểm tra của người giáo viên. Nếu là một giáo viên có kỹ năng sư phạm, có tình thương và trách nhiệm, đặc biệt nếu giáo không ra để, hướng dẫn chấm mở sẽ không có câu chuyện buồn như vậy.

Một trường hợp khác, đề yêu cầu tả về một người bạn thân của em. Một học sinh đã tả một lật đật vì với em con lật đật là người bạn thân thiết nhất. Lúc đó giáo viên sẽ cho điểm như thế nào? Nếu người giáo viên cho rằng không ai lại coi một con lật đật là người bạn thân và tất cả bài văn của học sinh có nội dung khác với cách cảm, nghĩ, kể, tả đã ghi trong hướng dẫn chấm đều bị trừ điểm, thậm chí cho điểm không kèm theo những nhận xét nghiêm khắc như xa đề, lạc đề. Cách giải quyết đúng đắn nhất là mỗi giáo viên hãy chấp nhận mọi cách kể, cách tả khác với suy nghĩ, quan niệm của mình sau khi cân nhắc đến đặc điểm tâm lý của học sinh, hợp với yêu cầu của đề bài ở mức độ mở nhất. Làm được điều đó là người giáo viên tạo cơ hội cho học sinh được nói lên tiếng nói của người trong cuộc, và đó sẽ là tiếng nói rất riêng của cá nhân các em mà không lẫn với một ai khác.

Ra đề, chấm kiểm tra môn Tiếng Việt theo hướng mở nhằm phát triển năng lực và bồi dưỡng chất nhân văn cho học sinh tiểu học là một nhiệm vụ đòi hỏi năng lực, tâm huyết, sự sáng tạo và trách nhiệm của người thầy cũng như khả năng tư duy của học sinh. Quá trình thực hiện chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với học sinh dân tộc, học sinh vùng sâu, vùng xa. Giáo viên cần phải biết chấp nhận những bài văn có thể còn những sai sót về hành văn, dùng từ, đặt câu; cảm xúc, suy nghĩ còn ngây thơ, bồng bột nhưng đó mới là sản phẩm của chính các em, tự các em bộc lộ; điều đó có lẽ ý nghĩa nhiều hơn so với những bài, đoạn văn mẫu được thầy cô cho chép, học thuộc lòng nhưng hoàn toàn xa lạ với suy nghĩ của các em./.
 

Nguồn tin: Trường THPT Thị xã Mường Lay

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập235
  • Máy chủ tìm kiếm106
  • Khách viếng thăm129
  • Hôm nay45,765
  • Tháng hiện tại694,394
  • Tổng lượt truy cập137,046,207
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi