Chủ trì hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non; về phía Unicef có bà Lê Anh Lan, đại diện Unicef tại Việt Nam. Tham dự hội thảo có các chuyên gia giáo dục mầm non, các nhà nghiên cứu, cán bộ Trung tâm Giáo dục mầm non thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; đại diện lãnh đạo, giảng viên khoa giáo dục mầm non, khoa giáo dục đặc biệt của trường Đại học sư phạm Hà Nội, trường CĐSP Trung ương, trường CĐSP Thừa Thiên- Huế; đại biểu 20 Sở Giáo dục và Đào tạo; đại biểu Trung tâm truyền thông Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non và bà Lê Anh Lan, đại diện Unicef tại Việt Nam chủ trì hội thảo
Hội thảo tập trung vào 03 nội dung: Báo cáo khảo sát việc thực hiện giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non; thảo luận về sự cần thiết, giải pháp triển khai giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ trong trường mầm non; đóng góp ý kiến vào bản dự thảo hướng dẫn đánh giá toàn cầu (GGA) và dự thảo sổ tay sử dụng bản GGA.
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non nhấn mạnh định hướng giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non trong thời gian tới, đó là:
Nguyên tắc thực hiện phải bám sát chương trình giáo dục mầm non, theo quan điểm giáo dục tích hợp, phương châm “học bằng chơi, chơi mà học”; chú trọng tạo dựng môi trường giáo dục theo 6 tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; đẩy mạnh phối hợp gia đình- nhà trường- xã hội, trong đó nhà trường tăng cường phối hợp và hỗ trợ cha mẹ trẻ em trong thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục; nhà quản lý phải nắm bắt và định hướng đổi mới trong đội ngũ; quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chuẩn đầu ra và yêu cầu thực hiện đổi mới.
Về Bộ công cụ hướng dẫn đánh giá toàn cầu (GGA) không chỉ dùng với mục đích đánh giá lĩnh vực giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non mà được xem như công cụ kiểm định chương trình của các nhà trường (mục đích đánh giá chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ em); do vậy các trường có thể sử dụng bộ công cụ để hỗ trợ, điều chỉnh nâng cao chất lượng thực hiện chương trình. Để đạt được mục đích đó, trong thời gian tới nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Bộ công cụ, chuyển hóa cho phù hợp hơn với thực tế tại Việt Nam./.