banner

GDMN- Xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số

Thứ hai - 21/01/2019 22:44
Dienbien.edu.vn- Hiện nay, ngôn ngữ sử dụng trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta là tiếng Việt. Đối với trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số việc tăng cường tiếng Việt có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ, đảm bảo cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức ở cấp học tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
        Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, việc xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Xin chia sẻ cùng đồng nghiệp một số nội dung xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số.
          1. Xây dựng môi trường vật chất
          - Môi trường trong lớp học  

Hoạt động học của lớp mẫu giáo bé, Trường mầm non thị trấn huyện Điện Biên Đông
 Môi trường lớp học đóng một vai trò quan trọng trong việc dạy và học, nó quyết định phần lớn tới chất lượng dạy học của nhóm, lớp. Đối với các lớp dạy tăng cường tiêng Việt  thì việc tạo môi trường lớp học lại càng có ý nghĩa lớn lao hơn đối với trẻ.
           Môi trường giáo dục được xây dựng phù hợp với nội dung giáo dục của từng độ tuổi, từng chủ đề phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, nội dung giáo dục nói chung và nội dung dạy tăng cường tiếng Việt nói riêng của các lớp.
          Môi trường của các nhóm, lớp phải tạo cho trẻ có nhiều cơ hội học tập và được hoạt động với môi trường tiếng Việt, cho dù trẻ học trong lớp đơn hay lớp mẫu giáo ghép. Ví dụ: các đồ dùng các nhân của trẻ, các thiết bị trong lớp được dán ký hiệu bằng các chữ cái; các mảng tường có sử dụng đa dạng các kiểu chữ cái; các chữ cái và chữ số treo/dán trong lớp.
          Việc sắp xếp các góc hoạt động trong lớp phải hợp lí, thuận tiện và có đủ không gian cho trẻ hoạt động , các góc yên tĩnh như góc (học tập, nghệ thuật) phải xa góc động (góc xây dựng, góc phân vai). Sử dụng các giá, bảng để làm hàng rào ngăn cách các góc chơi nhưng phải có độ cao vừa phải để không làm che khuất tầm nhìn. Thường xuyên hay đổi nội dung các góc chơi trong từng chủ đề nhằm tạo sự hứng thú, kích thích trẻ tham gia hoạt động.
          Các nhóm, lớp tạo ra môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt tích cực thông qua nhiều hình thức như: tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ trong trong ngày, tổ chức các trò chơi ngôn ngữ, các hoạt động giáo dục khác có tăng cường sự giao lưu, giao tiếp bằng tiếng Việt giữa trẻ - trẻ, giữa trẻ - cô và những người xung quanh.
          Riêng đối với lớp mẫu giáo ghép, môi trường tiếng Việt đã quan tâm đến tính phù hợp với sự khác biệt về nội dung giáo dục của các độ tuổi, về văn hóa của các dân tộc có trong lớp. Đặc biệt là môi trường giao tiếp tiếng Việt tăng cường sự giao tiếp giữa trẻ các độ tuổi với nhau (cùng độ tuổi, khác độ tuổi) và có sự đan xen về độ tuổi cũng như trình độ tiếng Việt để trẻ có nhiều cơ hội học tập và chia sẻ, không kỳ thị hoặc phân biệt đối xử.
          - Môi trường cho trẻ hoạt động ngoài trời
Cần chú ý thiết kế xây dựng các góc hoạt động cho trẻ ngoài lớp học (như góc thiên nhiên, góc vận động..) tận dụng các điều kiện cơ sở vật chất sẵn có của trường, tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương để giao nhiệm vụ cho trẻ, khuyến khích trẻ giao tiếp, tương tác với nhau bằng tiếng Việt.
          Ví dụ: xây dựng góc thiên nhiên cho trẻ được chơi với cát, nước, chăm sóc cây, các trò chơi khám phám, trải nghiệm...để cho trẻ được chơi theo nhóm và khuyến khích trẻ giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt trong quá trình trẻ chơi.
          Đẩy mạnh việc phối hợp tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt từ ngay trong nhà trường và trong gia đình trẻ, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ, thường xuyên giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt ngay tại gia đình. Đồng thời, có các biện pháp tuyên truyền để khuyến khích cộng đồng nơi trẻ đang sinh sống tăng cường giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt.


Hoạt động chơi ngoài trời của các bé lớp mẫu giáo ghép điểm trường Hua Rốm, trường Mầm non Tà Cáng, huyện Điện Biên
          2. Xây dựng môi trường xã hội
- Đối với trẻ: giáo viên cần tôn trọng trẻ, coi trọng những điều trẻ thích, tìm hiểu những điều trẻ đang quan tâm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, sở thích và khả năng của trẻ. Sự quan tâm đến trẻ cần được thể hiện qua hành vi của giáo viên như lắng nghe trẻ nói, trả lời trẻ khi trẻ có nhu cầu hay câu hỏi, chơi cùng trẻ.  Giáo viên cần tạo bầu không khí trong lớp thân thiện, quan tâm đến nhau, tôn trong trẻ bằng cách đối xử công bằng, không phân biệt đối xử hay kì thị trẻ, không thiên vị một số trẻ, yêu thương tất cả các trẻ như nhau.
Đặc biệt hằng ngày giáo viên có thể tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ vào buổi chiều bằng các hoạt động khác nhau như trò chuyện theo một chủ đề nào đó, nghe kể chuyện, đọc thơ, bài hát, trò chơi cung cấp vốn từ…nhằm mục đích làm quen với một vài từ mới chuẩn bị cho ngày hôm sau; ôn luyện củng cố các từ, các câu đã được học.
Khuyến khích trẻ tích cực nói chuyện và giao lưu với nhau băng tiếng Việt trong các hoạt động hằng ngày…
- Đối với giáo viên: Chăm chú lắng nghe trẻ nói, không hối thúc hay nói thay trẻ. Trò chuyện với trẻ bằng thái độ vui vẻ, nét mặt tươi cười, thái độ thân thiện, nhẹ nhàng. Trò chuyện thường xuyên với trẻ ở mọi lúc, mọi nơi (trong giờ chơi, giờ ăn, đón trẻ…) luôn chú ý đến khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ trong các hoạt động. Ví dụ trong giò đón trẻ, giáo viên nhắc trẻ chào cô, chào bố mẹ bằng cách nói mẫu câu chậm cho trẻ nói theo…
Giáo viên luôn yêu cầu trẻ trả lời câu hỏi khi được hỏi, nếu trẻ gặp khó khăn, giáo viên nhắc khéo một vài từ gợi mở, tránh nói hết cả câu để trẻ tự trình bày tiếng Việt bằng lời nói của mình.
Giáo viên trò chuyện và trao đổi, hướng dẫn cha mẹ thường xuyên nói chuyện với trẻ bằng tiếng Việt ở gia đình, sưu tầm những quyển chuyện, sách của học sinh lớp một để trẻ “đọc” hoặc xem tranh, làm quen với chữ viết trong những sách đó. Trường hợp cha mẹ không biết tiếng Việt, khuyến khích nói tiếng mẹ đẻ với con, tham gia các câu lạc bộ cha mẹ tại thôn bản để biết một số vốn từ cơ bản, bảng chữ cái…để chơi cùng trẻ.
 Hy vọng một số nội dung xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số sẽ giúp các đồng nghiệp tổ chức thành công hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trong trường mầm non./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập94
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay22,786
  • Tháng hiện tại50,971
  • Tổng lượt truy cập136,402,784
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi