banner

GDTH: Kết quả và giải pháp xây dựng thư viện chuẩn, thư viện thân thiện ở cấp tiểu học Thành phố Điện Biên Phủ

Thứ năm - 23/08/2018 03:48
Trong những năm qua sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo Thành phố Điện Biên Phủ đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện vai trò nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng học sinh ngày một nâng lên; Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, nâng cấp; việc đầu tư xây dựng thư viện chuẩn, thư viện thân thiện được chú trọng bởi thư viện trường học là bộ phận không thể thiếu trong việc hình thành môi trường văn hóa học đường, khơi nguồn và thỏa mãn những nhu cầu về thông tin, tri thức của thầy cô giáo và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh, xây dựng niềm đam mê đọc sách, khả năng tự học, tự tìm hiểu khám phá kiến thức cho học sinh.

Đặc biệt năm học 2017-2018 công tác xây dựng thư viện thân thiện, thư viện chuẩn của giáo dục tiểu học thành phố đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: nhiều thư viện truyền thống đã thay đổi hình thức và phương thức hoạt động, trở thành điểm đến mong chờ của học sinh. Thư viện thân thiện được triển khai thực hiện tại 9/9 trường tiểu học với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, và sự tham gia của phụ huynh học sinh như: Thư viện lớp học (thư viện đặt ở cuối phòng học); thư viện di động (sách, truyện đặt trong tủ hoặc giá có thể di chuyển được mọi lúc, mọi nơi trong khuôn viên trường); thư viện xanh được thiết kế trong vườn cây xanh hay sân trường đủ bóng mát, có bồn hoa cây cảnh đẹp mắt, có ghế ngồi; thư viện đa năng (được thiết kế tại các vị trí khác nhau, sử dụng tích hợp với nhiều chức năng khác nhưng vẫn mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động đọc của học sinh). Qua các hình thức trên đã tạo ra một không gian mở tối đa, giúp học sinh tiếp cận và đọc sách với tâm lý nhẹ nhàng, tự nhiên, thú vị và đầy hứng khởi. Năm học 2017-2018 thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn hoạt động thư viện trong trường phổ thông, thí điểm xây dựng thư viện đạt chuẩn đối với trường tiểu học Hà Nội-Điện Biên Phủ, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ đã triển khai thực hiện xây dựng 02 thư viện (thư viện trường TH Hà Nội – ĐBP, thư viện trường TH Him Lam) đạt các tiêu chuẩn của thư viện chuẩn theo 05 tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT. Đã rà soát, đối chiếu theo quy định để cấp bổ sung đầy đủ các loại sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa; Đầu tư về cơ sở vật chất: xây mới phòng thư viện trường Tiểu học Hà Nội –Điện Biên Phủ với diện tích 80m2, trường TH Him Lam diện tích 59m2 với đầy đủ các trang thiết bị, cụ thể: Trường Tiểu học Hà Nội - ĐBP: Số tiền xây dựng phòng thư viện khoảng: 480.000.000 đồng; tiền mua sắm sách và các trang thiết bị trong phòng thư viện (sách, giá sách, bàn ghế, tủ, máy tính, đài caset, tivi): 369.000.000 đồng; Trong thư viện có 523 đầu sách với 5269 cuốn sách truyện các loại. Trường Tiểu học Him Lam: Số tiền xây dựng phòng thư viện khoảng: 350.000.000 đồng; tiền mua sắm sách và các trang thiết bị trong phòng thư viện (sách, giá sách, bàn ghế, tủ, máy tính, đài caset, tivi): 342.000.000 đồng; Trong thư viện có 675 đầu sách với 8653 cuốn sách truyện các loại.

1

Học sinh đọc sách trong thư viện trường Tiểu học Him Lam

 Các trường đã thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức, quản lý thư viện; bố trí sắp xếp và khai thác sử dụng hiệu quả thư viện trong các hoạt động dạy và học.

Nhằm tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thư viện chuẩn, thư viện thân thiện ở trường tiểu học, Phòng Giáo dục và Đào tạo xin đề xuất một số giải pháp trọng tâm cụ thể như sau:

1. Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Quan tâm đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất cho thư viện trường học. Đầu tư xây dựng 02 thư viện theo các tiêu chuẩn thư viện chuẩn quốc gia; tu sửa nâng cấp, tôn tạo cảnh quan xây dựng thư viện, thư viện thân thiện cho 9/9 đơn vị trường tiểu học.

- Cung ứng đầy đủ, kịp thời các trang thiết bị cho hoạt động của thư viện. Hàng năm bổ sung các đầu sách báo, tài liệu tham khảo, tủ sách pháp luật, sách Bác Hồ,... cho thư viện các trường.

2. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ

- Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các trường về vai trò của thư viện trường học và văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay. Cán bộ quản lý cần nắm được các định hướng chung về xây dựng thư viện, phát triển văn hóa đọc trong trường học: Nghị quyết 29 ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục xác định mục tiêu của giáo dục phổ thông phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời; Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng chính phủ về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng 2030 một lần nữa khẳng định vai trò việc xây dựng phát triển văn hóa đọc; Bộ Giáo dục xác định mục tiêu cụ thể: Xây dựng phát triển văn hóa đọc giúp khai thác có hiệu quả, không ngừng phát triển nguồn vốn tri thức, văn hóa của con người, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình thích nghi và hội nhập toàn cầu của những công dân thế kỉ XXI.

- Bồi dưỡng cho cán bộ thư viện về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, thuyết phục và định hướng đọc, kể chuyện, kỹ năng hướng dẫn, tuyên truyền, khơi dậy trí tò mò và sự sáng tạo của học sinh giúp cho quá trình hình thành và phát triển hứng thú đọc, kỹ năng đọc và nhu cầu đọc của học sinh; đồng thời cán bộ thư viện phải không ngừng đổi mới phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của thư viện nhà trường.

- Mỗi giáo viên phải là một tấm gương đọc sách, những người truyền cảm hứng đọc cho các em học sinh. Lồng ghép văn hóa đọc trong các phần bài giảng của giáo viên, ví dụ: giáo viên có thể yêu cầu các em học sinh viết những cảm nhận về cuốn sách mình đọc trong các giờ sinh hoạt chung, yêu cầu học sinh tự tìm kiếm tư liệu phục vụ các chủ đề của bài học,…

2

Phòng đọc thư viện trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

3. Các hình thức xây dựng thư viện

- Đối với thư viện thân thiện: Linh hoạt trong việc bố trí sắp xếp các góc đọc, tránh cho học sinh bị nhàm chán: thư viện góc lớp, thư viện cây xanh, thư viện đa năng, thư viện tự quản, giờ kể chuyện tại thư viện. Sân khấu hóa các hình thức đọc sách: tổ chức thi kể chuyện, thi đọc sách, xây dựng hoạt cảnh, kể theo phân vai nhân vật,…

- Đối với thư viện đạt chuẩn: Chọn vị trí đặt thư viện ở nơi thuận tiện trong nhà trường, thư viện đảm bảo diện tích tối thiểu là 50m2 để làm phòng đọc và kho sách đảm bảo đủ điều kiện cho thư viện hoạt động.

Đảm bảo các điều kiện theo theo 5 tiêu chuẩn quy định tại Quyết định 01/2003/QĐ-BDGĐT ngày 2/1/2003 của Bộ giáo dục và Đào tạo; công văn số 11185/GDTH ngày 17/12/2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông; công văn số 1825/SGDĐT-KHTC ngày 28/8/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên về hướng dẫn hoạt động thư viện trong trường phổ thông của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên.

Thư viện được trang trí thân thiện, đẹp mắt, đủ ánh sáng. Có thể trang trí theo các chủ đề khác nhau theo từng thời điểm trong năm học, ví dụ như chủ điểm trung thu, tết nguyên đán, ngày 20/11,...điều này tạo cho các em học sinh niềm hứng khởi mỗi khi bước vào thư viện là bước vào khu vườn tri thức đầy màu sắc.

Trang thiết bị trong phòng thư viện, bộ bàn ghế đọc với chiều cao phù hợp, màu sắc đẹp, bố trí sắp xếp hài hòa, có đủ chỗ ngồi đọc cho tối thiểu 20 giáo viên, 25 học sinh; kệ sách được thiết kế phù hợp với chiều cao của học sinh tiểu học nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút học sinh.

4. Phương thức hoạt động của thư viện

- Có lịch hoạt động thư viện chi tiết, cụ thể, có lịch mượn trả sách cho tất cả các khối lớp, có thời khóa biểu tiết đọc thư viện của tất cả các lớp. Tiết đọc thư viện được triển khai đúng thời khóa biểu, tiết đọc thư viện được tổ chức hàng tuần giúp học sinh có thời gian được nghe thầy cô giáo đọc sách và từ đó tạo sự yêu thích, niềm đam mê đọc sách cho các em. Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cán bộ phụ trách thư viện thống nhất lịch đọc theo tiết cho học sinh lớp mình (có thể sắp xếp vào tiết học tăng thêm, tiết học ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp giáo viên định hướng nội dung theo chủ đề giao cho học sinh tự đọc, tự tìm hiểu)

- Tất cả các loại ấn phẩm trong thư viện phải được đăng ký, mô tả, phân loại, tổ chức phụ lục, sắp xếp theo đúng nghiệp vụ thư viện; lên đầy đủ danh mục sách, truyện để cán bộ, giáo viên, học sinh tiện theo dõi và mượn đọc; có kệ riêng để sách truyện thiếu nhi, sách được phân loại theo trình độ đọc, học sinh dễ dàng tìm sách phù hợp với trình độ đọc của mình và tự lấy được sách để đọc.

- Phương thức hoạt động của thư viện theo hướng tích cực và thân thiện như: Kho tài liệu là kho mở, phân loại theo mã màu; đưa học sinh tham gia các khâu hoạt động của thư viện như cho mượn tài liệu, hướng dẫn bạn bè tra tìm tài liệu; tăng cường các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn đọc thông qua các cuộc thi tìm hiểu về sách, câu lạc bộ đọc sách, giờ đọc sách,... ; tăng cường các hoạt động khuyến đọc: sổ thống kê bạn đọc, sổ tay làm bạn với sách và các sản phẩm viết, vẽ của học sinh

- Tổ chức Hoạt động chuyên đề giới thiệu sách, ngày hội đọc sách, kể chuyện theo sách, hoạt động triển lãm sách, góc đọc sách,…được tổ chức hàng năm để khuyến khích học sinh, giáo viên và phụ huynh cùng đọc sách.

- Bố trí sắp xếp góc nghe nhìn, hỗ trợ học sinh, giáo viên tra cứu tìm kiếm thông tin qua mạng Internet góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

- Tại các điểm trường lẻ ngoài việc giáo viên chủ nhiệm thiết lập thư viện góc lớp, nhà trường xây dựng tủ sách dùng chung, thư viện xanh để khuyến khích và tăng cường hoạt động đọc cho học sinh.

- Thành lập nhóm học sinh hỗ trợ thư viện bao gồm khoảng từ 20- 30 em học sinh khối lớp 4, lớp 5 năng động, nhiệt tình, có trách nhiệm, được giáo viên chủ nhiệm và các bạn trong lớp bầu ra. Nhóm giúp cán bộ thư viện trong một số khâu kĩ thuật nghiệp vụ thư viện: cùng cán bộ thư viện phục vụ bạn đọc, quản lý tài liệu; trưng cầu ý kiến của học sinh trong trường về công tác phục vụ bạn đọc và về việc bổ sung sách, tài liệu thư viện; trang trí và sắp đặt thư viện; dọn dẹp, vệ sinh thư viện; sắp xếp các đồ dùng, thiết bị trong các góc; sắp xếp lại sách trên giá; phân loại sách trong thư viện; nhắc nhở các bạn trả sách; phụ trách thư viện ngoài trời, phân phối sách về các lớp để đọc trong 15 phút đầu giờ; đọc sách trong các buổi phát thanh măng non.

- Lưu trữ các sản phẩm tự làm của giáo viên (cây từ vựng, cuốn sách lớn,…; sản phẩm tự làm của học sinh (bài viết, vẽ của học sinh, các sản phẩm học sinh tự làm theo chương trình Mĩ thuật Đan Mạch) trong thư viện vừa mang tính trưng bày, giới thiệu, vừa thuận lợi trong việc mượn sử dụng.

3

Thư viện thân thiện trường Tiểu học Hoàng Văn Nô

 5. Công tác truyền thông, xã hội hóa thư viện

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm đến các cấp quản lý, giáo viên, cán bộ thư viện, phụ huynh học sinh và cộng đồng về mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng văn hóa đọc thông qua hình thành thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học; Phối hợp với các đơn vị (Đội, Đoàn thanh niên, thư viện tỉnh, tổ dân phố) để tuyên truyền và xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường cũng như trong cộng đồng; lồng ghép các nội dung và tích hợp trong chương trình giáo dục các nội dung kiến thức theo định hướng đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức, chương trình thiện nguyện đã tặng, tài trợ sách, học bổng cho học sinh.

- Phối hợp chặt chẽ với Hội cha mẹ học sinh, các đoàn thể, cán bộ giáo viên trong nhà trường trong công tác xã hội hóa thư viện. Xây dựng mô hình “Tủ sách phụ huynh” do phụ huynh học sinh đứng ra tài trợ và huy động tài trợ kinh phí mua sắm sách, học sinh tự quản lý tủ sách, sau mỗi tuần nhà trường luân chuyển tủ sách giữa các lớp học.

- Tổ chức liên kết, trao đổi sách, truyện giữa các trường trên cùng địa bàn để làm phong phú nguồn sách, truyện trong thư viện trường.

- Phối hợp với thư viện tỉnh để mượn sách, truyện cho giáo viên và học sinh các trường.

6. Kiểm tra, hỗ trợ và đánh giá hoạt động thư viện các trường

Hàng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động thư viện của các đơn vị trường. Nội dung kiểm tra đề cập đến công tác quản lý thư viện, tổ chức hoạt động của thư viện, nghiệp vụ công tác thư viện, cơ sở vật chất của thư viện, các loại sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa có trong thư viện cũng như hiệu quả sử dụng các thiết bị đã được trang cấp.

Kiểm tra, tư vấn cho các trường về các giải pháp xây dựng thư viện thân thiện phù hợp điều kiện thực tế từng đơn vị trường.

Để tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả công tác xây dựng thư viện thân thiện, thư viện chuẩn trong các trường tiểu học, trong thời gian tới Phòng giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ sẽ tăng cường bồi dưỡng năng lực tổ chức, quản lý thư viện cho cán bộ quản lý các trường; kĩ năng vận hành, kiểm soát, tổ chức các hoạt động thư viện nhằm đảm bảo việc vận hành thư viện hiệu quả theo định hướng đổi mới hiện nay cho cán bộ phụ trách thư viện.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập514
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm500
  • Hôm nay30,741
  • Tháng hiện tại760,724
  • Tổng lượt truy cập136,213,093
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi