banner

KTQLCLGD: Đẩy mạnh hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2018-2019

Thứ năm - 23/08/2018 03:43
Kiểm định chất lượng giáo dục đã được hình thành và phát triển từ lâu ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Hiện nay, hoạt động này ngày càng phổ biến bởi nó là một công cụ hiệu quả, góp phần hết sức quan trọng đối với việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Tại Việt Nam, lần đầu tiên khái niệm “kiểm định chất lượng” được đưa vào Luật Giáo dục 2005: “Kiểm định chất lượng giáo dục là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện định kỳ trong phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai để xã hội biết và giám sát” (Điều 17, Luật Giáo dục). Kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục được hiểu là hoạt động đánh giá (bao gồm tự đánh giá và đánh giá ngoài) để xác định mức độ cơ sở giáo dục đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và việc công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của cơ quan quản lý nhà nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục các nhà trường, theo 5 tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý nhà trường; Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục.

1

Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019

Kiểm định chất lượng giáo dục tạo ra cơ chế đảm bảo chất lượng giáo dục vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ với 2 hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài. Đây là hai hoạt động có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, giúp cho nhà trường thấy và phát huy điểm mạnh, kịp thời khắc phục, cải tiến điểm yếu.

- Kiểm định chất lượng giáo dục giúp các trường có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình  một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định. 

Để đánh giá chính xác chất lượng của một trường, không thể chỉ xem xét ở một khía cạnh cụ thể nào đó như kết quả tốt nghiệp, sự thay đổi giữa chất lượng đầu vào và chất lượng đầu ra, số học sinh giỏi, kết quả các kỳ thi..., mà cần có cái nhìn tổng thể về toàn bộ hoạt động của nhà trường. Bản thân kiểm định chất lượng sẽ không tạo ra chất lượng ngay cho mỗi trường, mà nó có vai trò phản ánh toàn bộ thực trạng của nhà trường, giúp cho các nhà quản lý nhìn nhận những mặt mạnh, mặt yếu của đơn vị mình để từ đó có bước hành động tiếp theo phù hợp.

- Kiểm định chất lượng giúp các trường định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động.

Chuẩn mực chất lượng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định, đó là bộ tiêu chuẩn gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ số cụ thể mà các trường cần phải đạt để đảm bảo chất lượng toàn diện. Việc phân tích, mô tả hiện trạng, tìm ra điểm mạnh, tồn tại đồng thời lập kế hoạch hành động, đề ra giải pháp nhằm giải quyết các tồn tại này là các định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của các trường.

- Kiểm định chất lượng giáo dục công khai tới phụ huynh, học sinh, các cơ quan liên quan và xã hội về  hiện trạng chất lượng của trường. 

Trước hết, việc tự nguyện đăng ký kiểm định được xem là lời cam kết về chất lượng đào tạo mà nhà trường mang lại cho người học và các bên liên quan khác như: Ban đại diện cha mẹ học sinh, các nhà tài trợ, các cơ quan quản lý cấp trên, xã hội. Hoạt động đánh giá ngoài được thực hiện thông qua bên thứ ba là các chuyên gia có kinh nghiệm được đào tạo từ các đợt tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ mang tính khách quan cao trong việc công nhận chất lượng của nhà trường. Vì vậy, kết quả kiểm định cung cấp những thông tin kịp thời, chính xác để xác nhận chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường, từ đó có cơ sở để phụ huynh học sinh có thông tin lựa chọn, tin tưởng và sử dụng các dịch vụ giáo dục.

- Kiểm định chất lượng giáo dục tạo tiền đề xây dựng văn hoá chất lượng cho cơ sở giáo dục.

Hoạt động kiểm định chất lượng dựa trên các chỉ số, các chuẩn mực để đánh giá, do đó, các thông tin này sẽ giúp mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường hiểu rõ hơn công việc của mình và của những người liên quan làm thế nào là đạt chất lượng, nhờ đó họ biết chủ động không ngừng nâng cao chất lượng công việc của mình, góp phần cùng những người liên quan hành động theo chất lượng, xây dựng thói quen tốt, làm việc khoa học, tin tưởng cùng xây dựng chất lượng giáo dục thực chất.

Kiểm định chất lượng giáo dục đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nhà trường, tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác này, các trường còn gặp một số khó khăn như:

1. Thứ nhất, thiếu sự quyết tâm, cam kết thực hiện từ chính Ban Giám hiệu nhà trường, trước hết là hiệu trưởng. 

Hoạt động kiểm định chất lượng nói chung và công tác tự đánh giá nói riêng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự tham gia, đồng lòng của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên. Thực tiễn cho thấy, nếu Ban giám hiệu nhà trường có nhận thức đúng, thực sự quan tâm, đầu tư công sức, chỉ đạo sát sao thì công tác tự đánh giá và thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng sau đánh giá ngoài của trường mới có thể thực hiện đúng quy trình, đạt hiệu quả. Sự quyết tâm, cam kết thực hiện cũng sẽ tạo động lực cho tập thể cùng hướng đến mục tiêu là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường. Thực tế có không ít các đơn vị việc tự đánh giá còn chiếu lệ, hình thức, còn né tránh khi đăng ký đánh giá ngoài.

2. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên, sinh viên về công tác kiểm định chất lượng giáo dục chưa cao

Đến nay, công tác kiểm định chất lượng đã không còn là vấn đề quá mới mẻ, tuy nhiên, rất nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh chưa hiểu biết đầy đủ về vai trò, tác dụng cũng như nội dung của công tác kiểm định chất lượng. Nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyên truyền. Các hoạt động tự đánh giá chủ yếu do một nhóm người được Ban Giám hiệu giao phụ trách, chưa thực sự trở thành hoạt động thường xuyên tại nhà trường để mọi người dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin. Đoàn đánh giá ngoài đến làm việc với nhà trường chủ yếu thông qua Hội đồng tự đánh giá.

3. Thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai, viết báo cáo tự đánh giá để tiến hành kiểm định chất lượng

Hầu hết các thành viên trong Hội đồng tự đánh giá là cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách nhiều công việc ở trư­ờng, bận giảng dạy nên ít đầu t­ư đư­ợc thời gian thoả đáng cho hoạt động tự đánh giá. Bên cạnh đó, các nhóm viết báo cáo tự đánh giá còn thiếu kinh nghiệm, nhiều người chưa được tập huấn bồi dưỡng các kĩ thuật thu thập, xử lý thông tin, minh chứng. Còn thiếu sự phối hợp giữa các nhóm trong quá trình tự đánh giá. Các buổi thảo luận chung trong Hội đồng tự đánh giá chưa được quan tâm đúng mức. Chính những điều này gây khó khăn cho công tác kiểm định chất lượng khi các đoàn đánh giá ngoài đến làm việc với nhà trường lại chủ yếu nghiên cứu trên bộ hồ sơ tự đánh giá của nhà trường.

Có thể nói thu thập và phân tích minh chứng là việc khó khăn nhất đối với tất cả các trường. Nguyên nhân là do công tác lưu trữ chưa tốt, chẳng hạn chưa thành thói quen lưu văn bản ghi chép nội dung các cuộc họp hoặc phổ biến công tác, đặc biệt nhiều số liệu chưa được thống kê theo bảng biểu để đoàn đánh giá dễ theo dõi và đánh giá sự thay đổi của nhà trường và xu hướng phát triển trong thời gian tới.

4. Nặng về thành tích trong hoạt động tự đánh giá

Lãnh đạo các nhà trường đều mong muốn được đoàn đánh giá ngoài công nhận kết quả cao, để khẳng định với học sinh, phụ huynh học sinh, với cơ quan quản lý, với xã hội. Trong việc thực hiện tự đánh giá, không phải lãnh đạo nào cũng báo cáo chân thực kết quả đã đạt được. Xu hướng tô hồng những thành tích, che dấu khuyết điểm thường gặp trong hoạt động tự đánh giá, từ đó có thể dẫn tới sai lệch kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

 Cần khẳng định công tác kiểm định chất lượng không phải là thanh tra để tìm kiếm khuyết điểm của nhà trường để xử lý, mà là để các thành viên Hội đồng tự đánh giá và các thành viên Đoàn đánh giá ngoài giúp nhà trường nhận thấy được những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của mình, từ đó xác định chương trình hành động nhằm duy trì và cải tiến chất lượng. Vì thế, nhà trường cần xác định thái độ đúng đắn khi tự đánh giá, nghiêm túc khi làm việc với đoàn đánh giá ngoài.

Còn một số khó khăn khác ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục: Chưa có quy định cụ thể sự khác biệt về mặt lợi ích giữa trường được kiểm định và trường chưa kiểm định. Chưa quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, của cán bộ, giáo viên, nhân viên và hội đồng tự đánh giá, đoàn đánh giá ngoài về tính chính xác, khách quan của kết quả tự đánh giá, kết quả đánh giá ngoài....

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm định chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã tích cực quan tâm triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục và đạt được một số kết quả kết quả nhất định. Đến hết năm học 2017-2018, toàn tỉnh đã đánh giá ngoài được 253/499 cơ sở giáo dục, đạt tỷ lệ 50,7%, trong đó: 96 cơ sở giáo dục mầm non, 80 cơ sở giáo dục tiểu học, 65 cơ sở giáo dục THCS và 12 cơ sở giáo dục THPT và trung tâm GDTX. Qua công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh hiểu rõ hơn ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Việc triển khai thực hiện công tác tự đánh giá đã giúp công tác quản lý của nhà trường được thực hiện khoa học hơn, giúp các cơ sở giáo dục rà soát toàn bộ các hoạt động của mình. Thông qua công tác đánh giá ngoài, những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý ở cơ sở được chỉ ra, từ đó các cấp quản lý điều chỉnh và đưa ra các quyết định quản lý phù hợp.

Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn, với những kinh nghiệm rút ra được từ thực tiễn, trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tổ chức có hiệu quả hơn công tác tập huấn đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

2. Tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cho cán bộ quản lý, giáo viên, để thấy rằng một trong các giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục. Tạo điều kiện để phụ huynh, học sinh và xã hội giám sát kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đã đạt. Thực hiện thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tính minh bạch, chính xác, khách quan trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

3. Đẩy mạnh việc đôn đốc thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục: xây dựng kế hoạch tự đánh giá, đăng ký đánh giá ngoài, kế hoạch cải tiến chất lượng, hồ sơ lưu trữ…Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá, rà soát, rút kinh nghiệm. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục rà soát những tiêu chí, chỉ số chưa đạt, chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch để nâng cấp độ đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

4. Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục và Đào tạo chủ động trong việc ứng dụng phần mềm quản lý công tác kiểm định một cách hiệu quả, đồng thời nâng cao năng lực quản lý công tác kiểm định ở các phòng Giáo dục và Đào tạo. Kết quả công tác kiểm định (các báo cáo tự đánh giá, đánh giá ngoài của các cơ sở giáo dục...) phải được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

5. Tăng cường tập huấn về đánh giá ngoài để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán phụ trách công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Tiếp tục rà soát và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế./.

Tác giả: Nguyễn Tuấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập224
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm194
  • Hôm nay23,252
  • Tháng hiện tại732,611
  • Tổng lượt truy cập135,210,904
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi