banner

GDTH: Giải pháp thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp Tiểu học ở Tủa Chùa

Chủ nhật - 26/08/2018 20:18
Tủa Chùa là huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Điện Biên, là một trong những huyện nghèo của cả nước đang được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Toàn huyện có 12 xã, thị trấn, 143 thôn, bản, tổ dân phố, trong đó: 11/12 xã là xã đặc biệt khó khăn.

Học sinh đại đa số là con em dân tộc thiểu số chiếm đến 95% trên tổng số toàn ngành. Học sinh có đặc điểm là nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp. Bên cạnh đó vốn tiếng Việt của các em rất nghèo nàn. Nhiều năm gần đây, tuy công tác giáo dục mầm non đã được ngành tổ chức triển khai rộng khắp, đặc biệt là giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, nhưng chưa xoá hết được những yếu tố tác động của điều kiện khách quan, do đại đa số trẻ bước vào cấp học tiểu học là trẻ dân tộc thiểu số vốn tiếng Việt của các em còn nhiều hạn chế, giáo viên rất vất vả trong quá trình tổ chức dạy học cho học sinh thuộc đối tượng này, vì vừa phải dạy cả tiếng và dạy chữ.

Học sinh các khối lớp 2 đến khối lớp 5 tuy đã có khả năng giao tiếp cũng như học tập bằng ngôn ngữ tiếng Việt song vốn từ của các em cũng chưa được phong phú, khả năng sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp đôi khi chưa chính xác như cách dùng từ, nói thành câu trong giao tiếp thông thường hay kỹ năng dùng từ, đặt câu trong quá trình làm các bài Tập làm văn. Do vốn từ còn hạn chế nên các em thường rất khó khăn trong việc diễn đạt một vấn đề một cách rõ ràng để người đọc, người nghe dễ hiểu.  Bên cạnh đó học sinh người dân tộc thường phát âm không chuẩn. Do cách phát âm chưa chuẩn nên trong các bài viết Chính tả, Tập làm văn các em thường phát âm như thế nào thì viết như vậy, do đó mắc nhiều lỗi chính tả trong bài viết của mình. Mặt khác, trong sinh hoạt gia đình hầu như các thành viên trong gia đình rất ít sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, sinh hoạt mà hay sử dụng tiếng mẹ đẻ trong quá trình giao tiếp, sinh hoạt. Vì vậy, các em thường rất ngại khi giao tiếp bằng tiếng Việt nhất là các em ở các khối lớp 1, lớp 2 và lớp 3.     

1

Tiết dạy học phân môn Tập làm văn lớp 3 ở Trường PTDTBT Tiểu học Xá Nhè

Xuất phát từ thực tế trên, với mục đích tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học là người dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn huyện, đảm bảo cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học. Phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa đã thực hiện một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp Tiểu học tại địa bàn huyện.

Thứ nhất là tham mưu xây dựng kế hoạch, triển khai, tổ chức thực hiện việc dạy tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Trên cơ sở kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của tỉnh. Phòng Giáo dục và Đào tạo Tủa Chùa đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch chi tiết thực hiện lộ trình của Đề án. Tổ chức chỉ đạo các đơn vị trường học chủ động nghiên cứu, triển khai kịp thời, nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của các cấp; tăng cường dạy học 2 buổi/ngày để học sinh có nhiều cơ hội cũng như thời gian giao tiếp bằng tiếng Việt với cô giáo và bạn bè. Tăng thời lượng dạy môn Tiếng Việt lớp 1 từ 350 tiết lên 504 tiết với tất cả học sinh lớp 1 trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các đơn vị sắp xếp đội ngũ giáo viên tiểu học theo hướng ưu tiên bố trí giáo viên có kinh nghiệm, giáo viên cùng dân tộc thiểu số với trẻ (nếu có), giáo viên đồng chủ nhiệm và đội cộng tác viên ngôn ngữ là người địa phương để hỗ trợ.

2

Trao đổi, sinh hoạt chuyên môn cấp huyện về dạy tiếng Việt  tại cụm
trường Tiểu học thị trấn Tủa Chùa

 Thứ hai là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, các bậc cha mẹ học sinh và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Hoạt động này tác động tích cực tới việc nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực.

Huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các lực lượng xã hội khác như: trưởng khu phố/thôn/bản, Hội Khuyến học, Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ... vận động các gia đình người dân tộc thiểu số cho con em trong độ tuổi đến trường và học 2 buổi/ngày để trẻ có thời gian, cơ hội được tăng cường tiếng Việt.

Thiết kế và triển khai các chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hỗ trợ cho các bậc cha, mẹ và cộng đồng trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số. Triển khai các chuyên mục trên website của ngành Giáo dục và các đơn vị trường mầm non, tiểu học. Tuyên truyền phổ biến đến cộng đồng về tầm quan trọng của việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác truyền thông về tăng cường tiếng Việt bằng nhiều hình thức: các bài viết tuyên truyền trên báo, các buổi phát thanh tại trường.

Thứ ba là tăng cường học liệu, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt

Tiến hành bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, học liệu phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho tất cả các lớp. Đặc biệt quan tâm đến các điểm trường đặc biệt khó khăn có trẻ em người dân tộc thiểu số, phục vụ việc tăng cường tiếng Việt. Năm học 2017-2018 phòng Giáo dục và Đào tạo đã dành nguồn kinh phí 50 triệu đồng mua sách truyện cho học sinh 840 triệu đồng mua máy chiếu, máy tính cho các trường tiểu học phục vụ dạy tăng cường tiếng Việt.

Quản lý sử dụng hiệu quả học liệu, tranh ảnh, băng đĩa, đồ dùng, thiết bị… tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học. Phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi trong đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân trên địa bàn. Chú trọng tái sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương;

Xây dựng và bảo đảm duy trì môi trường tiếng Việt trong tất cả các cơ sở giáo dục Tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số. Xây dựng và triển khai thí điểm mô hình về tăng cường tiếng Việt tại các đơn vị phù hợp với điều kiện địa phương để cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên thăm quan, học tập, triển khai nhân rộng mô hình.

Thứ tư là: nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên dạy học sinh người dân tộc thiểu số về công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng học sinh; khai thác sử dụng tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa về tăng cường tiếng Việt. Đặc biệt quan tâm tới công tác quản lý dạy học tại điểm trường lẻ, nghiệp vụ, kỹ năng dạy học lớp ghép.

Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên dạy học sinh người dân tộc thiểu số bằng hai hình thức đào tạo cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số và bồi dưỡng thường xuyên cho viên chức quản lý giáo dục, giáo viên về phương pháp sử dụng tiếng dân tộc trong dạy tăng cường tiếng Việt. Hằng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho các cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ đối với các lớp mầm non cho trẻ 5 tuổi được hỗ trợ kinh phí từ tổ chức tầm nhìn thế giới và xã hội hoá giáo dục.

3

Học sinh trường PTDTBT Tiểu học Sín Chải trong hoạt động tập thể

 Thứ năm là: tăng cường tổ chức các hoạt động bổ trợ cho việc rèn kĩ năng nói tiếng Việt và khả năng giao tiếp trong môi trường tiếng Việt

Tổ chức cho học sinh tham gia các môn học tự chọn, các hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa. Xây dựng môi trường giao lưu tiếng Việt để học sinh dân tộc có cơ hội tăng khả năng giao tiếp với bạn bè, thầy cô bằng tiếng Việt. Tổ chức các hội thi (thi giao lưu tiếng Việt, thi văn nghệ; rung chuông vàng... Tổ chức cho học sinh tìm hiểu và giới thiệu về lễ hội đặc sắc của dân tộc mình như: múa khèn của dân tộc Mông, múa xoè của dân tộc Thái; tổ chức trò chơi đánh tu lu, ném còn... Tăng cường tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, các hoạt động giáo dục. Vận dụng các phương pháp dạy học tiếng Việt với tư cách dạy học ngôn ngữ thứ hai; tăng thời gian luyện nói cho học sin; tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường. Thực hiện tốt công tác dân vận, động viên khuyến khích nhân dân trong xã cũng như trong gia đình tăng cường kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày và sinh hoạt công đồng ...

Thứ sáu là lựa chọn chương trình và phương pháp dạy học tiếng Việt phù hợp với đối tượng

  Sau khi xem xét chất lượng của học sinh lớp 1 dạy tiếng Việt theo chương công nghệ giáo dục và nghiên cứu nội dung chương trình, cùng với ý kiến của những giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy. Phòng GD&ĐT Tủa Chùa đã mạnh dạn tổ chức đại trà việc dạy tiếng Việt lớp 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục tại tất cả các xã ở những điểm trường trung tâm. Kết quả cho thấy kết thúc năm học 2017-2018 số lượng học sinh này sau khi học hết lớp 1 phần lớn các em có kỹ năng đọc to, rõ ràng, đảm bảo tốc độ quy định, nắm chắc hệ thống cấu trúc ngữ âm tiếng Việt, phát âm chuẩn hơn, kĩ năng nghe viết đảm bảo, nắm chắc được luật chính tả, số lượng học sinh này đạt trên 90% theo chuẩn của Bộ GD&ĐT quy định.

  Thứ bảy là thực hiện các chế độ, chính sách, tăng cường công tác xã hội hoá giáo dục

Phòng Giáo dục đã tham mưu với các cấp và chỉ đạo các đơn vị trường thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách hỗ trợ học sinh và giáo viên theo quy định.Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số. Huy động cán bộ đang công tác, cán bộ hưu trí, các hội viên, đoàn viên của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Khuyến; Hội phụ nữ tham gia hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho cha mẹ học sinh người dân tộc thiểu số tại cộng đồng.

Thứ tám là tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp cụm trường, cấp trường, tổ chuyên môn... nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

 Đối với nhóm học sinh khối lớp 2 đến lớp 5 đã thực hiện Hội thảo cấp huyện đối với cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán thống nhất lựa chọn những thành tố tích cực của chương trình mô hình trường học mới và phương pháp dạy học tích cực phù hợp với đối tượng để tổ chức dạy học tại địa bàn huyện. Kết quả cho thấy học sinh đã được rèn luyện nhiều hơn về kỹ năng nghe, nói, kỹ năng đánh giá; kỹ năng sống; kỹ năng giao tiếp đặc biệt là vốn từ được mở rộng.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập150
  • Máy chủ tìm kiếm53
  • Khách viếng thăm97
  • Hôm nay27,902
  • Tháng hiện tại777,808
  • Tổng lượt truy cập136,230,177
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi