banner

GDTrH – Tin chuyên đề. Trao đổi và nhận định: Bộ đề thi tham khảo THPT Quốc gia 2018 có tính phân hóa cao; trọng tâm kiến thức vẫn ở chương trình lớp 12.

Thứ năm - 08/02/2018 04:51
dienbien.edu.vn - Ngày 24 tháng 01 năm 2018, Bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo THPT Quốc gia 2018. Đây là bộ đề tham khảo duy nhất được công bố trong năm học này và được coi là bộ đề sát với cấu trúc đề thi THPT Quốc gia năm 2018.
Việc công bố bộ đề tham khảo giúp giáo viên và học sinh có thể tham khảo, làm quen với cấu trúc đề thi, từ đó định hướng được phương pháp, cách thức ôn tập, ôn thi hiệu quả; chuẩn bị được tâm lí tốt nhất khi bước vào kỳ thi chính thức năm 2018.

Bộ đề gồm 14 đề tham khảo cho 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (tiếng Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp và tiếng Trung), bài thi Khoa học tự nhiên (các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), bài thi Khoa học xã hội (các môn Lịch sử, Địa lý,Giáo dục công dân). Trong đó, 3 bài thi bắt buộc gồm môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ và 2 bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Về cấu trúc đề thi  tham khảo cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 so với đề thi THPT Quốc gia năm 2017 không có nhiều thay đổi. Môn Ngữ Văn thi theo hình thức tự luận (thời gian làm bài 120 phút); các môn khác thi theo hình thực trắc nghiệm ( thời gian làm bài môn Toán là 90 phút; Ngoại ngữ là 60 phút; các bài thi thành phần của hai Tổ hợp môn thi là KHTN và KHXH là 50 phút.)

Điểm mới của đề thi tham khảo năm 2018 là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp kiến thức của hai khối lớp 11 và 12 vào chung một đề thi (thực hiện theo đúng như chủ trương của Bộ GD&ĐT về đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia).
1
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 (Nguồn Internet)
 
Đề thi tham khảo môn Ngữ văn 2018.  

Cấu trúc đề thi (so với đề thi THPT Quốc gia năm 2017) không thay đổi, vẫn gồm hai phần: Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn gồm hai câu: Nghị luận xã hội (2 điểm); nghị luận Văn học (5 điểm).

Nhận định về đề thi môn Ngữ Văn, cô giáo Lê Thị Kiều Oanh (Cốt cán cấp tỉnh môn Ngữ văn) cho rằng: Đề đáp ứng yêu cầu về độ hay nhưng khó hơn, có sự phân hóa rõ nét. Có thể thấy, đề kiểm tra toàn diện về kiến thức và kĩ năng (kiến thức Văn học và cuộc sống, kiến thức lớp 11 và 12, kiến thức tiếng Việt và văn học... kĩ năng đọc hiểu, kĩ năng Nghị luận...). Phần làm văn: câu 2 (5 điểm) đã bao quát kiến thức chương trình lớp 11, 12.

Về định hướng ôn tập, ôn thi THPT Quốc gia năm 2018 (sau khi đề thi tham khảo được công bố), cô giáo Hoàng Thị Hà (Cốt cán cấp tỉnh môn Ngữ văn) nhấn mạnh: Dạy đến đâu, ra bài tập đến đó, coi trọng việc liên hệ, so sánh với các vấn đề liên quan đến nội dung chương trình lớp 11: Rút ra những điểm giống nhau và khác nhau của cùng một tác giả hoặc của hai tác giả nhưng cùng một chủ đề. Coi trọng khâu luyện đề, rèn tốt kĩ năng phân tích đề, lập dàn ý theo sát biểu điểm của từng câu trong hướng dẫn chấm năm 2017. Tăng cường rèn kĩ năng trình bày kiến thức trong bài thi từng phần, từng câu, phân bố thời gian hợp lí, phù hợp với đối tượng học sinh.

Giáo viên cốt cán cấp tỉnh đưa ra lời khuyên với các em học sinh: cần phải ôn luyện cả những kiến thức có trong chương trình lớp 11, đặc biệt chú ý tới các tác phẩm thuộc phần văn học hiện đại lớp 11. Biết khái quát, so sánh, làm nổi bật các vấn đề liên quan đến nội dung chương trình lớp 11. Bên cạnh đó cần vững kiến thức cơ bản sau mỗi bài học; làm bài tập theo yêu cầu của giáo viên; đọc các tài liệu tham khảo sau khi đã viết xong để nâng cao tri thức và kĩ năng dùng từ, diễn đạt.

Thầy giáo Trần Văn Cường (Phòng GDTrH) cho rằng trong quá trình giảng dạy, ôn luyện môn Ngữ văn, các thầy cô giáo và học sinh cần chú ý cách tích hợp kiến thức; tăng cường rèn luyện kĩ năng về kiểu bài Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học, kiểu bài so sánh theo hướng so sánh giữa hai tác phẩm của cùng một tác giả hoặc của hai tác giả (cùng một chủ đề); theo nhóm đề tài, nhân vật, chủ đề; theo phong cách tác giả, trào lưu văn học; so sánh khía về nội dung (như giá trị hiện thực, nhân đạo) hoặc nghệ thuật (như tình huống, bố cục, cách kết thúc)...thuộc chương trình của hai khối lớp 11 và 12.

Đề thi tham khảo môn Toán năm 2018

Đánh giá về đề thi tham khảo môn Toán năm 2018, cô giáo Trần Thị Thanh Thủy (Cốt cán cấp tỉnh môn Toán) cho rằng: Kiến thức trong đề đã bao phủ chương trình lớp 11 và lớp 12, các câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 22% tổng số câu.
 
LỚP
 
CHỦ
ĐỀ
MỨC ĐỘ TỔNG SỐ
CÂU
1 2 3 4
Nhận biết Thông hiểu VDT VDC
12 Ứng dụng đạo hàm 4 3 3 1 11
Mũ - Loga 2 1 2 0 5
Nguyên hàm – Tích phân 3 1 2 1 7
Số phức 1 1 1 1 4
Thể tích 1 0 1 0 2
Tròn xoay 1 1 0 0 2
PP Tọa độ 3 3 1 1 8
11 Lượng giác 0 0 0 1 1
Tổ hợp - XS 1 2 0 1 4
Dãy số - CS 0 0 1 0 1
Giới hạn 1 0 0 0 1
Đạo hàm 0 0 0 0 0
Hình không gian 0 3 0 1 4
TỔNG Số câu 17 15 11 7 50
Tỉ lệ phần trăm 34% 30% 22% 14% 100%
 
Đề minh họa có sự sắp xếp từ dễ đến khó theo ma trận kiến thức. Đề có sự phân hóa cao đáp ứng cả hai yêu cầu vừa dùng để xét tốt nghiệp, xét tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học.

So với đề thi THPT quốc gia năm 2017, đề thi minh họa 2018 có độ khó hơn hẳn, mỗi nội dung kiến thức đều được hỏi ở các mức độ từ dễ đến khó, có vận dụng kiến thức Toán vào các bài toán thực tế.

Học sinh có học lực trung bình có thể đạt được mức 5-6 điểm. Từ câu 1 đến câu 30: là kiến thức cơ bản, có nhiều câu chỉ kĩ năng tính toán và sử dụng máy tính thông thường là ra được đáp số. Các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao rơi vào khoảng 8 - 10 câu hỏi cuối (câu 42-50).

Kiến thức lớp 11 phù hợp, có 1 câu xếp vào mức vận dụng và 3 câu vận dụng cao: rơi vào phần dãy số và lượng giác, phần xác suất nếu không phân tích kỹ có thể học sinh mắc sai lầm. Có câu kết hợp cả kiến thức 11 và 12 để xử lý, ví dụ: câu 35, câu 42.

Nói về định hướng ôn tập môn Toán, cô Thủy cho rằng: Kiến thức lớp 12 trong đề thi bao phủ toàn bộ kiến thức lớp 12. Kiến thức bám sát theo sách cơ bản. Do vậy việc ôn tập, ôn tập, ôn thi cần luôn tập trung, chủ động, tích cực. Đối với chương trình lớp 11, học sinh tránh lối học tủ. Vì đề thi sẽ vẫn có đủ toàn bộ câu thuộc toàn bộ 8 chương lớp 11.

Đề thi tham khảo môn Tiếng Anh năm 2018.

Nhận định về cấu trúc đề thi tham khảo môn tiếng Anh, chuyên viên phòng GDTrH Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá: Đề thi tham khảo môn tiếng Anh năm 2018 có 50 câu hỏi của 6 phần cơ bản: Trọng âm (2 câu), phát âm (2 câu), ngữ pháp (16 câu), từ vựng (10 câu), đọc hiểu trả lời câu hỏi (15 câu), và đọc hiểu điền từ vào chỗ trống (5 câu).

Có thể phân loại độ khó/dễ của các loại câu hỏi như sau:
 
TT Loại câu hỏi Số lượng
câu hỏi
Mức độ Ghi chú
Cơ bản Khó
1 Trọng âm 2 1 1  
2 Phát âm 2 2    
3 Ngữ pháp 16 12 4  
4 Từ vựng 10 3 7  
5 Đọc hiểu trả lời câu hỏi 15 6 9  
6 Đọc hiểu điền từ vào chỗ trống 5 2 3  
Cộng 50 26 24  
 
So với đề thi chính thức THPT Quốc gia năm 2017, đề thi tham khảo năm 2018 có độ khó cao hơn. Cùng quan điểm, cô giáo Nguyễn Thị Thu Cúc (Cốt cán cấp tỉnh môn Tiếng Anh) cho rằng: Các câu hỏi trong đề thi được biên soạn khoa học, chính xác, có tính phân loại tốt, đáp ứng được hai mục tiêu: xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đề thi có nội dung kiến thức và các chủ đề cơ bản nằm trong chương trình Tiếng Anh lớp 12, tuy nhiên đặc trưng môn Tiếng Anh là chương trình Ngữ pháp theo hình xoáy ốc; kiến thức lớp 12 là tổng hợp kiến thức từ lớp dưới, không chỉ ở lớp 11.

Về cách thức, phương pháp ôn tập, ôn thi môn tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, các thầy cô đều nhấn mạnh:  Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần biên soạn các chủ đề ngữ pháp theo chương trình lớp 12 (kết hợp các hiện tượng ngữ pháp liên quan trong chương trình lớp 11)

Khi ôn các phần từ vựng lớp 12 cần nghiên cứu kết hợp các chủ đề tương ứng đã học trong chương trình 11. Ví dụ: Unit 10: Endangered Species (Lớp 12) + Unit 10: Nature in Danger (Lớp 11); Unit 13: The 22nd SEA Games (Grade 12) + Units 12: Asian Games (Grade 11); Unit 12: Water Sports (Grade 12) + Units 13: Hobbies (Grade 11)…

Khi ôn tập các chuyên đề không tập trung quá nhiều về phần ngữ pháp (bởi số lượng câu hỏi ngữ pháp là 16 câu, xấp xỉ 1/3 số điểm toàn bài thi); tập trung ôn các dạng bài tập, chú ý rèn luyện kỹ năng làm bài; kết hợp ôn tập bài ngữ pháp, từ vựng, kỹ năng đọc trong 1 buổi ôn. Đặc biệt đề có 3 bài đọc (20 câu) chiếm 40% bài thi, nên chú trọng ôn luyện kỹ năng làm bài đọc.

Đối với các lớp học sinh nhận thức khá tốt tập trung vào mức độ nhận biết, thông hiểu & vận dụng. Đối với các lớp học sinh nhận thức trung bình tập trung vào các học sinh trung bình và yếu, chú trọng mức độ nhận biết, thông hiểu là chính.

Đề tham khảo môn Lịch sử năm 2018.

Trao đổi về cấu trúc đề thi tham khảo môn Lịch sử năm 2018, cô giáo Nguyễn Thị Nhung (Cốt cán cấp tỉnh môn Lịch sử) cho rằng: Đề thi gồm 40 câu với thời lượng 50 phút (1,25 phút/câu), trong đó Chương trình lớp 11 gồm 8 câu = 2,0 điểm (Lịch sử thế giới 2 câu (25%); Lịch sử  Việt Nam 6 câu (75%)). Chương trình lớp 12 gồm 32 câu = 8,0 điểm (Lịch sử thế giới 10 câu (32%); Lịch sử  Việt Nam 22 câu (78%)

Mức độ cụ thể của các cấp độ nhận thức:

Mức độ nhận biết: có 8 câu = 2 điểm (chiếm 20%, trong đó chương trình 11 chiếm 5%), Học sinh chỉ cần học thuộc là làm đúng.

Mức độ thông hiểu: Có 12 câu = 3 điểm (chiếm 30% trong đó khối 11 chiếm 5%), học sinh đọc hiểu các kiến thức cơ bản sẽ hoàn thành, không bị gây nhiễu khó hay gài bẫy.

Mức độ vận dụng thấp: Có 12 câu = 3 điểm (chiếm 30%, trong đó khối 11 chiếm 10%), học sinh cần có kiến thức nền vững chắc, có sự liên hệ, vận dụng kiến thức ở nhiều vấn đề, nhiều chương, nhiều bài mới làm được.

Mức độ vận dụng cao: Có 8 câu = 2 điểm (chiếm 20%, trong đó đều thuộc chương trình lớp 12). Đòi hỏi học sinh phải phân tích thật kĩ và tư duy suy luận cẩn thận mới có thể làm đúng

Nội dung kiến thức: Lịch sử thế giới (30%), Lịch sử Việt Nam 70%). So với đề thi minh họa năm 2017, thì đề thi minh họa 2018 khó hơn và mức độ phân hóa cao, học sinh khó có thể đạt điểm tuyệt đối.

Từ việc phân tích cấu trúc đề thi tham khảo, cô Nhưng đưa ra một số khuyến nghị đối với các thầy cô và các em học sinh trong quá trình ôn tập, ôn thi môn Lịch sử:

 Các nhà trường, tổ chuyên môn cần phải xây dựng kế hoạch ôn tập bám sát nội dung chương trình sách giáo khoa và cấu trúc đề thi minh họa (tăng số tiết ôn tập so với năm ngoái). Hướng dẫn học sinh tăng cường khả năng tự học, tự đọc sách giáo khoa. Cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản kết hợp với rèn kĩ năng thông qua hệ thống câu hỏi trắc nghiệm theo các cấp độ.

Nhận định về hướng phân luồng học sinh trong ôn tập, ôn thi, chuyên viên phòng GDTrH Tạ Xuân Chính cho rằng: Việc phân hóa đối tượng trong quá trình ôn luyện sẽ đem lại hiệu quả cao. Với những học sinh đăng kí dự thi môn Lịch sử chỉ để xét tốt nghiệp hoặc khả năng nhận thức của các em còn hạn chế, giáo viên nên tập trung ôn luyện kiến thức cơ bản ở 3 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng để các em có thể đạt từ 5 đến 8 điểm. Những nhóm học sinh có mục tiêu là xét tuyển Cao đẳng, Đại học cần dành thời gian ôn tập kiến thức nâng cao, khó ở dạng vận dụng cao để học sinh phát huy được khả năng của mình.

Đề thi tham khảo môn Địa lí năm 2018.

Đề thi tham khảo môn Địa lí năm 2018 độ khó tăng lên, kiến thức bao phủ chương trình 12,11. Chương trình lớp 11 chiếm 20% với 3 mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp). Chương trình lớp 12 chiếm 80% với 4 mức độ.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền (Cốt cán cấp tỉnh môn Địa lí) nhận định:  Đề thi minh họa có mức độ phân hóa khá cao, được sắp xếp từ dễ đến khó. Cụ thể:

Mức độ nhận biết 16 câu = 40%, trong đó chương trình lớp 11 có 4 câu, lớp 12 có 12 câu. Học sinh chỉ cần học thuộc kiến thức cơ bản.

Mức độ thông hiểu 16 câu = 40%, trong đó chương trình lớp 11 có 2 câu, lớp 12 có 14 câu). Học sinh  đọc hiểu kiến thức cơ bản.

Mức độ vận dụng thấp 4 câu (10%). Mức độ vận dụng cao 4 câu (10%).

Sự phân bố chương trình: Chương trình lớp 11: 8 câu chiếm 20% (lý thuyết 6 câu, bảng số liệu 1 câu, biểu đồ 1 câu). Chương trình lớp 12: 32 câu chiếm 80%. ( tự nhiên: 2 câu, dân cư: 1 câu, các ngành kinh tế: 6 câu, vùng kinh tế: 10 câu, Atlat địa lí Việt Nam: 10 câu, bảng số liệu: 2 câu, biểu đồ: 1 câu).

Từ phân tích đề thi môn Địa lí, cô Huyền cho rằng: để đạt được điểm 5, điểm 6 là không khó. Để ôn tập, ôn thi môn Địa lí đạt hiệu quả cần:

Lượng kiến thức rộng bao phủ chương trình lớp 11,12, câu hỏi khó tăng lên. Vì thế giáo viên bám chuẩn kiến thức kĩ năng, sách giáo khoa. Trong quá trình dạy và ôn tập cần cho học sinh tìm được mối liên hệ, tư duy logic.

Chương trình lớp 11 không bỏ qua các nội dung, nhưng cần cho học sinh thấy được những kiến thức có liên quan đến chương trình lớp 12 (Ví dụ: Khu vực Đông Nam Á, toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế).

Tăng cường rèn kỹ năng tính toán, đặc biệt sử dụng Atlat địa lí Việt Nam (Đề minh họa sử dụng Atlat địa lí Việt Nam chiếm10 câu).

Đề thi tham khảo môn Giáo dục công dân năm 2018.

Theo cô giáo Phạm Thị Huyền (Cốt cán cấp tỉnh môn Giáo dục công dân): Cấu trúc đề thi không có sự thay đổi so với năm 2017, đề thi có nhiều câu hỏi liên hệ thực tiễn đời sống xã hội đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực của học sinh.

Các câu hỏi xuất hiện trong đề thi bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12, nhưng trọng tâm vẫn là kiến thức lớp 12 (hơn 77,5%). Các câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 11 xuất hiện với tần suất ít hơn (chiếm khoảng 22,5% tổng số câu).

So với đề thi THPT quốc gia năm 2017, đề minh họa 2018 có độ khó hơn hẳn. Đề tăng độ khó ở nhóm câu hỏi vận dụng cao, tần suất xuất hiện các câu hỏi khó tăng chiếm khoảng 30% (câu 109, 111, 112, 119, 120). Trong đó, các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao thường rơi vào các chuyên đề : Công dân với các quyền tự do cơ bản; Công dân với các quyền dân chủ, Pháp luật với sự phát triển của công dân…Không có câu hỏi khó rơi vào các chuyên đề của lớp 11.

Về định hướng ôn tập, ôn thi môn Giáo dục công dân, cô Phạm Thị Huyền đưa ra một số khuyến nghị đối với các thầy cô và học sinh:

Căn cứ vào đề thi tham khảo trên, các thầy cô giáo cần bổ sung kiến thức thực tế cho học sinh nhiều hơn (đặc biệt là đối với học sinh là người dân tộc thiểu số).

Giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách trả lời câu hỏi: suy nghĩ thấu đáo và thận trọng trước khi chọn đáp án cho các tình huống.
Đề thi có khoảng 10 câu thuộc kiến thức chương trình lớp 11, nhưng giáo viên phải hướng dẫn học sinh ôn tập để nắm được gần như toàn bộ chương trình lớp 11 mới có thể giải được những câu này. Những câu còn lại cũng bao quát toàn bộ chương trình lớp 12.

Tóm lại: Bộ đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 là bộ đề thi có tính phân hóa cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực của học sinh. Bộ đề thi đã thực hiện đúng chủ trương của Bộ GD&ĐT trong lộ trình đổi mới kì thi THPT Quốc gia. Cơ bản đã tối ưu được hai nhiệm vụ trong 1 kỳ thi: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường Cao đẳng và đại học cho các thí sinh.

Lượng kiến thức được tích hợp trong đề thi tham khảo năm 2018 nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 là hợp lí, trong đó kiến thức vẫn chủ yếu tập trung ở chương trình lớp 12. Tuy số lượng câu hỏi khó tăng lên nhưng những học sinh có lực học trung bình vẫn có thể đạt được điểm trung bình (5-6 điểm) khi có kiến thức, kĩ năng cơ bản của bộ môn.

Như vậy, bộ đề thi tham khảo được công bố là một thuận lợi, giúp các nhà trường, các thầy cô giáo và các em học sinh định hình được điểm mới (cách tích hợp chương trình của lớp 11 và 12) trong đề thi năm nay, từ đó lựa chọn cách thức, phương pháp ôn tập, ôn thi phù hợp và hiệu quả; giúp cho các em học sinh có tâm thế sẵn sàng, chủ động, tự tin khi bước vào kỳ thi và đạt được kết quả tốt nhất.
 
Xem bộ đề thi tham THPT Quốc gia năm 2018 TẠI ĐÂY

Tác giả: Trần Văn Cường (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập626
  • Máy chủ tìm kiếm144
  • Khách viếng thăm482
  • Hôm nay26,754
  • Tháng hiện tại665,660
  • Tổng lượt truy cập137,017,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi