banner

Giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non

Thứ tư - 27/05/2020 21:24
Dienbien.edu.vn - Trẻ mầm non thường tò mò, ham hiểu biết, thích khám phá thế giới xung quanh nhưng khả năng nhận thức những mối nguy hiểm đối với bản thân còn hạn chế.
Trong những năm gần đây, tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em rất nhiều, tình trạng trẻ em bị bắt cóc, trẻ bị xâm hại ngày càng gia tăng, phát triển với diễn biến phức tạp, tinh vi, khó kiểm soát gây bức xúc trong xã hội. Vì thế, giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ ở trường mầm non là vấn đề mang tính cấp thiết đối với sức khỏe, sự an toàn – một trong những kỹ năng sống mà trẻ cần được trang bị.
Bé chơi xây dựng- Trường mầm non Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ
Việc giáo dục đảm bảo an toàn diễn ra thuận lợi nhất là ở giai đoạn mẫu giáo vì trẻ đã có sự phát triển nhất định về thể chất, trí tuệ, ngôn ngữ và các mối quan hệ xã hội. Giúp trẻ hình thành và củng cố kỹ năng nhận biết và phòng tránh những nguy cơ không an toàn đối với bản thân để cho cơ thể phát triển khỏe mạnh, phòng tránh tối đa những mối nguy hiểm có thể xảy ra giúp trẻ đảm bảo an toàn của bản thân.
Việc giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ ở trường mầm non có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau: lồng ghép trong các hoạt động học tập, thông qua chế độ sinh hoạt hàng ngày, hoạt động vui chơi… Những tác phẩm nghệ thuật như tác phẩm văn học, âm nhạc… có tác dụng tích cực trong việc giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ. Nó giúp trẻ có những kiến thức cơ bản, những kỹ năng phù hợp để đảm bảo an toàn  bằng những hình tượng nghệ thuật sinh động, phong phú và đa dạng, giúp cho hoạt động giáo dục trẻ diễn ra tinh tế, nhẹ nhàng, hấp dẫn mà hiệu quả.
Đảm bảo an toàn cho trẻ là việc giữ gìn sự yên ổn cho trẻ, tránh những tai nạn, rủi ro, những sự cố, những tác động bên ngoài mang tính nguy hiểm lên thân thể và có hại về mặt tinh thần cho trẻ ở trường mầm non.
Giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ là quá trình hình thành và phát triển ở trẻ những hiểu biết, kỹ năng và thái độ đúng đắn đối với việc nhận biết và tránh những người gây nguy hiểm, đồ vật nguy hiểm, nơi không an toàn, hành động nguy hiểm, tình huống nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh. Đồng thời, nó tác động đến tình cảm của trẻ, giúp cho việc đảm bảo an toàn trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của trẻ khi trẻ tham gia vào các hoạt động khác nhau như: vui chơi, học tập, lao động… giúp trẻ có cơ hội phát triển toàn diện.
Việc giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ về người có thể gây nguy hiểm cho trẻ được cụ thể bằng những nội dung sau:
Trẻ biết được những người có thể gây nguy hiểm cho trẻ như: người bị bệnh tâm thần, người say rượu, người lạ, người nghiện ma túy, người phóng nhanh vượt ẩu, người vượt đèn đỏ, người lừa đảo, người quen/người thân nhưng có biểu hiện gây nguy hiểm (ôm hôn, đụng chạm vào vùng nhạy cảm…).
Ví dụ, giáo viên có thể lấy hình ảnh “chị” Rắn trong truyện “Gà Cánh tiên” để giúp trẻ nhận ra người lạ mặt, lén lút xuất hiện, nói rất ngọt ngào để rủ gà Cánh tiên đi xa nơi kiếm ăn, xa mẹ và những người bạn tốt… là biểu hiện của người nguy hiểm; nhận ra rõ bộ mặt kẻ xấu qua lời nói ráo hoảnh, hành vi vội vã trườn ra “mổ” gà của con rắn để trẻ thấy sự nguy hiểm khi không nghe lời mẹ, tự ý đi theo người lạ. Cho trẻ xem một số video (hình ảnh được camera ghi lại, hoạt cảnh dựng lại, phim hoạt hình…) về nạn bắt cóc trẻ em, xâm hại trẻ em để trẻ nhận biết những dấu hiệu của người gây nguy hiểm, hành động nguy hiểm, tình huống nguy hiểm và cách phòng tránh.
Trẻ biết được những hành động nguy hiểm cần tránh: Tự ý đến gần, trêu chọc; đi theo; làm theo những yêu cầu của người lạ; tự mở cửa cho người lạ vào nhà; nhận quà hoặc đồ chơi, tiền, bánh kẹo, sách truyện… của họ.
Trẻ biết được những tình huống nguy hiểm: Cần được trợ giúp khi tiếp xúc với người lại: Bị người lạ kéo đi; bị đánh; bị bế lên xe của người lạ; bị người lạ cho ăn hoặc uống đồ vật lạ; bị bịt miệng; ấp khăn vào mặt, bị đụng chạm vào “vùng đồ bơi” trên cơ thể…; đang ở nhà một mình thì phát hiện có người đột nhập vào nhà; người lạ dò hỏi tên, số điện thoại của bố mẹ…
Trẻ nói được mối nguy hiểm khi tiếp xúc với những người đó. Ví dụ: Người say rượu có thể làm bé đau, chảy máu…; người phóng nhanh vượt ẩu có thể làm bé bị tai nạn giao thông; người lạ có thể bắt cóc bé để tống tiền bố mẹ hoặc bán bé đi nơi khác, ấu dâm, sát hại bé…
Tránh xa, không làm theo những yêu cầu nguy hiểm: Dạy trẻ biết từ chối những người có thể gây nguy hiểm để tự vệ như: Không mở cửa cho người lạ, không ăn hay uống bất cứ vật gì từ người lạ, không đi theo người lạ, không đưa thứ gì của mình theo yêu cầu của họ, không nói tên, số điện thoại của bố mẹ hoặc cô giáo cho người lạ…
Có hành động tự vệ phù hợp với mỗi tình huống: Khóc thật to, kêu cứu, vùng vẫy, chống trả, cắn vào tay họ, đá vào chỗ nguy hiểm của họ, hét thật to để mọi người chú ý đến mình và giúp đỡ mình, giả vờ gọi bố mẹ hoặc công an, nói lời dọa nạt…

Bé làm đồ chơi- Trường mầm non xã Thanh Xương, huyện Điện Biên
Có cách giúp đỡ người bị nạn: Nên giáo dục trẻ quan tâm, tích cực tìm cách giúp đỡ những người bị nạn nhưng phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình. Có thể giúp bạn cùng chống trả người gây nguy hiểm, đánh lạc hướng người gây nguy hiểm, dọa nạt người gây nguy hiểm, cùng kêu cứu, gọi cho cô giáo, công an, bộ đội… Bày tỏ thái độ đồng cảm với người bị nạn, cảm phục người giúp đỡ, có mong muốn giúp đỡ người bị nạn. Đây là những biểu hiện nhân văn của con người có giáo dục, biết đồng cảm, yêu thương, quan tâm đến mọi người xung quanh, biết yêu thương đồng loại. Từ những câu chuyện, tình huống cụ thể, giáo viên cần khơi gợi ở trẻ cảm xúc tích cực đó là sự xót thương, lo lắng, quan tâm, thông cảm,… với người bị nạn; sự yêu quý, tôn trọng, biết ơn người giúp đỡ. Từ đó, hình thành mong muốn sẵn sàng, nhiệt tình giúp đỡ người gặp nạn, để tất cả mọi người xung quanh mình có thể sống bình an, vui vẻ hơn.
Báo cho cô giáo, người thân: Trẻ biết bố mẹ, cô giáo là những người thân, người đáng tin cậy nhất. Những người lạ có thể tin cậy là công an, bộ đội. Khi gặp tình huống nguy hiểm, trẻ phải: cố gắng gọi to nếu biết cô giáo hoặc ngưởi thân đang ở gần đó; nhớ số điện thoại của bố mẹ, cô giáo, của công an để gọi điện khi gặp nguy hiểm; tùy từng trường hợp cụ thể để gọi điện công khai hoặc bí mật. Ví dụ, khi chủ định gọi điện thoại để dọa, xua đuổi, cố ý cho người lạ nghe thấy thì nói to, rõ ràng; khi đang ẩn nấp tránh kẻ trộm đột nhập hoặc người nguy hiểm mà mình nghi ngờ thì gọi khẽ, chỉ đủ cho người lớn nghe thấy.
Một số số điện thoại khẩn cấp cần dạy trẻ:
112: Trợ giúp khẩn cấp trong mọi tình huống.
113: Trợ giúp khẩn cấp liên quan đến an ninh trật tự hoặc yêu cầu hình sự mà bản thân không tự giải quyết được.
114: Trợ giúp khẩn cấp khi gặp mọi tai nạn.
115: Trợ giúp khẩn cấp khi đau ốm hoặc gặp nạn.
Nhắc nhở bạn bè biết và phòng tránh người nguy hiểm:
Dạy trẻ nhận biết biểu hiện của người có thể gây nguy hiểm rồi tuyên truyền cho các bạn cùng quan tâm, nhận biết để phòng tránh họ. Trẻ có thể nhắc nhở bạn bè bằng lời nói, bằng thơ, truyện, bài hát, bằng các trò chơi… ở mọi lúc mọi nơi để bạn bè và người lớn cùng đề cao cảnh giác.
Trẻ biết và nói được ý nghĩa của việc nhận biết và phòng tránh những người có thể gây nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và mọi người xung quanh, giảm bớt những người gây nguy hiểm cho xã hội.
Bày tỏ thái độ không đồng tình với những người có thể gây nguy hiểm:
Giúp trẻ biết tác hại của những hành động nguy hiểm để tỏ rõ thái độ phản đối, phê phán, lên án những người có thể gây nguy hiểm, trừ người bệnh tâm thần. Giúp trẻ biết, đây là những người bệnh, họ không muốn làm việc xấu nhưng do họ không làm chủ được hành vi của mình nên có thể gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh, vậy nên chỉ tránh họ chứ không nên ghét họ.
Các tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng, phức tạp, kẻ xấu có thể gây tai nạn thương tích, bắt cóc trẻ ở mọi lúc, mọi nơi. Giáo viên mầm non cần tích cực lựa chọn các nội dung, hình thức phù hợp để giáo dục trẻ biết đảm bảo an toàn cho bản thân, tuyên truyền cho phụ huynh các các tổ chức xã hội liên quan để cộng đồng cùng chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ.
Trên đây là một số nội dung giáo dục trẻ nhận biết người nguy hiểm, hành động nguy hiểm, tình huống nguy hiểm và các kỹ năng, thái độ tích cực giúp trẻ đảm bảo an toàn với người có thể gây nguy hiểm và một số gợi ý về cách giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập82
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm75
  • Hôm nay13,375
  • Tháng hiện tại841,498
  • Tổng lượt truy cập136,293,867
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi